Giáo Hội đang sống trong Tháng Thánh Tâm: tôn sùng và đền tạ Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu.
Trái tim là biểu tượng của tình yêu. Trái Tim Chúa đã đổ máu ra vì yêu thương loài người quá bội. Tình yêu thương ấy còn được thể hiện qua việc Chúa hiến dâng chính Thịt, Máu Ngài làm của ăn, của uống, làm Lương Thực Trường Sinh nuôi dưỡng linh hồn chúng ta.
Người ta có thuật lại câu chuyện sau đây xảy ra thời chiến tranh Việt Nam trước 1975.
Tại một cô nhi viện nọ miền cao nguyên Trung Phần, các em nhỏ mồ côi cha mẹ đang vui đùa giải trí, bất ngờ một phi đạn hoả tiễn 122 ly của Việt Cộng được pháo kích vào: toà nhà cô nhi viện bị thiệt hại nặng nề, tường vách sụp đổ, nhiều trẻ thơ bị thương tích. Các bác sĩ và y tá của một lực lượng quân sự Mỹ trú đóng gần đó, vội vàng đến tiếp cứu tải thương, chữa trị giúp các em. Một bé gái bị mất khá nhiều máu: phải gấp rút tiếp máu cứu sinh mạng trẻ thơ vô tội.
Tiếc thay, không ai trong nhóm bác sĩ, y tá Mỹ có cùng loại máu với em gái. Tình cờ, một em trai khác trong nhóm bạn cô nhi, may mắn có được loại máu đồng dạng. Em sẵn sàng hy sinh chia sẻ máu giúp bạn mình. Nằm im lặng trên giường cho bác sĩ lấy máu, cậu bé nấc lên và thở liên hồi, giọt lệ chảy trên gò má. Y tá trấn an vì cậu ta nghĩ rằng mình đang chuẩn bị chết để cho bạn mình được sống. Nhiều người thắc mắc: “Tại sao con tự nguyện cho máu người khác khi con biết rằng con sợ chết ?”. Bé trả lời: “Vì nó là bạn của cháu”.
Tình yêu san sẻ tình yêu. Ân tình đền đáp ân tình. Một trẻ thơ can đảm hy sinh tiếp cứu bạn mình khi truyền máu mình cho một người bạn bất hạnh. Dòng máu của em đã lan truyền nuôi dưỡng sức sống cho bạn em. Hơn hai ngàn năm trước đó, cũng chính Chúa Giêsu Kitô: Con Thiên Chúa làm người, đã tự nguyện hy sinh lấy Thịt, Máu Ngài nuôi sống toàn thể nhân loại.
Mừng Lễ Mình, Máu Thánh Chúa: ta cùng tôn thờ sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong nhiệm tích Thánh Thể; cùng cảm tạ Tình Chúa yêu ta, Đấng đã chia sẻ thịt, máu Ngài cho ta được sống và sống dồi dào.
A. Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí Tích Thánh Thể.
Giáo Lý Công Giáo dạy rằng: trong thánh lễ, sau lời truyền phép của Linh Mục, Chúa Giêsu đã hiện diện trong hình bánh, hình rượu. Nghĩa là: hình bánh đã trở thành Thịt Chúa, hình rượu đã trở nên Máu Chúa. Và “con người ăn thịt và uống máu Chúa, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6:54).
Có kẻ lý luận: trước khi linh mục đọc lời truyền phép, tay họ đã chạm đến hình bánh và lưỡi họ đã nếm thử hình rượu. Rồi sau lời truyền phép của linh mục, họ đã sờ lại tấm bánh và nếm lại chút rượu, họ thấy Bánh và Rượu vẫn như cũ, không có biến đổi gì khác về phẩm chất. Và từ đó, họ không tin vào Bí tích Thánh Thể, không nhận ra Chúa Giêsu ngự trong hình bánh, hình rượu.
Thật ra, Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin. Giác quan con người không thể nhận thức được nếu chỉ nhìn Mầu Nhiệm Thánh Thể bằng con mắt thịt, nhãn giới bình thường. Cần có con mắt đức Tin, mới can đảm tuyên xưng “Chúa đã chết, đã sống lại và sẽ đến” hết mọi ngày trong đời sống mình.
Chính Chúa đã tỏ mình ra Ngài hiện diện thực trong Phép Thánh Thể bằng nhiều phép lạ tỏ tường.
1. Vào thế kỷ VIII tại Lancianô nước Ý, có một đan sĩ linh mục dòng Basiliô ưa thắc mắc hoài
nghi về sự hiện diện thật của Chúa trong hình bánh hình rượu.
Một ngày nọ, Ngài dâng lễ như thường lệ, trong đầu vẫn miên man hoài nghi về phép
Thánh Thể. Đến phần truyền phép, vị linh mục ấy miệng vẫn đọc nhưng trí bị phân tâm, nghi ngờ. Phút chốc, khi vừa giơ bánh lên cao và hạ xuống, bánh trắng trong tay Ngài trở thành
miếng thịt sống. Cũng thế, rượu nho trong chén thánh Ngài cầm biến nên máu tươi.
Linh mục đan sĩ ấy sợ hãi, đã tin thật Chúa hiện diện rõ ràng trong của lễ Ngài dâng.
Ngày nay, thánh tích ấy vẫn còn được trưng bày tại Nhà Nguyện Luciano cho khách hành hương kính viếng. Năm 1574, Hội Thánh đã cho phép một nhóm khoa học gia người Ý chuyên khoa về giải phẩu cơ thể, bệnh lý các mô...đem miếng thịt sống và chén máu tươi đi phân chất.[*]Sau thời gian dài nghiên cứu, xem xét, ngày 04/3/1971, bác sĩ Odoardo Linoli (đại diện nhóm chuyên gia y khoa) đã họp báo công bố: + Đó là thịt và máu thật sự.
+ Thịt và Máu này, thuộc về cơ thể một người.
+ Thịt và Máu người ấy, thuộc về nhóm máu AB.
2. Chúng ta đang chuẩn bị mừng lễ nhớ Thánh Antôn Pađôva vào ngày 13 tháng 6.
Một chứng tích liên quan đến Phép Thánh Thể đã xảy ra trong cuộc đời thánh nhân.
Vào năm 1232 tại thành phố Toulouse nước Pháp, có một cuộc tranh luận gắt gao giữa
Linh mục Antôn Pađôva là người tin Chúa Giêsu ngự trong bí tích Thánh Thể và ông Boniville
thuộc lạc giáo Albigense là người không tin Chúa ở trong phép Mình Thánh. Không bên nào
chấp nhận, chịu khuất phục trước lập trường đối phương.
Ông Boniville đề nghị: có một con lừa đang bị bỏ đói, nhốt trong chuồng lâu ngày, không
ăn uống gì. Đến giờ quy định, ông Boniville đem thùng lúa mạch và cỏ khô đặt trước mặt con
lừa, trong khi đó Linh mục Antôn cầm hào quang đựng Mình Thánh Chúa giơ cao trước mặt
nó. Dù bụng đói meo cồn ruột, cầm thực đã lâu: con lừa khi ra khỏi chuồng, vẫn quay lưng
không thèm để ý thùng lúa mạch thực phẩm, nó vẫn hướng đầu nó về Mặt Nhật qùi gối mà
thờ lạy Thánh Thể Chúa trong tay linh mục Antôn đang giơ cao.
B. Lòng tin sâu thẳm vào Mầu Nhiệm Thánh Thể.
Chúng ta tin vào sự hiện diện thật sự của Đức Giêsu Kitô ở trong hình bánh, hình rượu.
Lòng tin ấy có cơ sở, chứ không mù quáng.
Chúa đã làm biết bao phép lạ rõ ràng để ta nhận thức và xác tín. Quyền năng Ngài còn luôn
thể hiện mọi ngày cho đến tận thế. Muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương.
1. Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ từ hư không ra có.
Ngài toàn năng, phán một lời “Hãy có ánh sáng”, mọi sự liền tỏ hiện như ý muốn.
Ngài thổi hơn Thần Khí vào bụi đất vô tri vô giác, con người đầu tiên được hình thành.
2. Tại tiệc cưới Cana, Đức Giêsu Kitô đã làm phép lạ: hoá nước lã thành rượu ngon.
Lẽ nào Ngài không làm được sự lạ vĩ đại hơn: biến bánh rượu trở nên Thịt, Máu Ngài?
Với con người thì không thể được nhung với quyền năng của Con Một Thiên Chúa: Đức
Giêsu Kitô làm được mọi sự dễ dàng.
3. Trong thánh lễ Misa, khi thừa tác viên Giáo Hội ( Linh Mục) thay mặt Chúa Kitô đọc lời
truyền phép, ta phải hiểu rằng:
+ Lời truyền ấy không là câu phù phép, có ma lực biến bánh ra Thịt, biến rượu nên Máu.
Cá nhân linh mục, không có quyền gì trên Chúa Kitô, ra lệnh truyền là Chúa ắt ngự vào.
+ Lời đọc truyền phép chính là lời Chúa, lời của Đức Giêsu Kitô.
Chúa Kitô nói qua môi miệng linh mục, Ngài dùng miệng linh mục để đọc lời truyền.
Thế nên, trong lời truyền phép, Linh Mục buộc phải đọc đúng chính xác từng chữ, từng
câu đã được ghi rõ trong Sách Lễ của Giáo Hội qui định.
Trong niềm tin yêu cảm mến, ta hãy chân thành tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội có nhiều
ơn gọi Linh Mục, để tiếp tục “làm việc này mà nhớ đến Chúa” (Lc 22:19).
C. Tôn kính mầu nhiệm Mình, Máu Thánh Chúa.
Xưa nay, mọi tín hữu Công Giáo toàn cầu, vẫn không ngừng tôn vinh, tin kính Đức Giêsu Kitô hiện diện thực sự trong Bí Tích Thánh Thể, mầu nhiệm tình yêu thương. Bằng nhiều hình thức khác nhau: Giáo Hội thờ lạy, đền tạ, yêu mến và cảm nhận Chúa hết lòng, hết linh hồn.
1. Dâng Lễ Misa: Thánh lễ là cách tôn thờ Chúa trang trọng nhất trong đời sống kitô hữu.
+ Vua Louis XIV luôn tham dự Thánh Lễ mỗi ngày trước khi bắt tay vào việc triều chính.
+ Thánh Isodore (15/5) luôn dâng lễ đầu ngày, trước khi làm việc đồng áng ngoài ruộng.
+ Thánh trẻ Đaminh Saviô luôn thức dậy từ sáng sớm, đến nhà thờ dâng lễ khi giáo
đường còn chưa mở cửa.
2. Rước Lễ: là hình thức gắn bó mật thiết, liên kết Chúa Giêsu ở trong ta, ta ở trong Chúa.
+ Chính phủ Liên Xô mời Mẹ Têrêsa sang Cộng Hoà Liên Bang Nga mở ra nhiều cơ sở
dòng Thừa Sai Bác Ái giúp người nghèo. Mẹ Bề Trên đồng ý với nguyện vọng: mỗi cơ
sở bác ái, phải có một Linh Mục thường trực tại đó. Chính phủ Liên Sô thắc mắc.
Mẹ Têrêsa Calcutta trả lời: nguồn sống mỗi ngày của các nữ tu là Thánh Thể.
Phải có linh mục, Các Chị Em mới nhận được sức thiêng là Mình Máu Thánh.
+ Chị Matta Robin (Pháp) suốt 51 năm không thể ăn uống được gì, chỉ sống lâu nhờ
việc mỗi tuần siêng năng đón nhận Thánh Thể Chúa: thần lương cứu độ.
3. Chầu Thánh Thể: giúp kitô hữu dễ dàng gặp Chúa Giêsu, hướng nguyện luôn với Ngài.
+ Hiện nay, khắp thế giới, một số giáo xứ thường để Mình Thánh Chúa chầu 24/24,
chia phiên các nhóm thay nhau cầu nguyện trước Thánh Thể đêm ngày.
+ Bà Emilie Griffin, một nhà quảng cáo nỗi tiếng ở New York, mới cải đạo từ Tin Lành
sang Công Giáo. Trong tác phẩm “Turning”, bà cho biết: “Tôi thấy nhiều người
sùng mộ và tin mạnh vào Phép Thánh Thể. Niềm tin họ đã lôi kéo tôi đến với nhà thờ
Công Giáo Rome. Dần dần chính tôi cũng bị thu hút và cảm mến thêm”.
C. Lời Nguyện kết thúc. Lạy Chúa! Chúa đã ban tặng cho chúng con nguồn sống Thánh Thể.
Mình, Máu Thánh Chúa là lương thực trường sinh, nuôi dưỡng chúng con.
Xin giúp con theo gương Thánh Đaminh Saviô xưa,
biết gìn giữ linh hồn luôn thanh sạch, quyết không phạm tội,
xứng đáng đón nhận Chúa mỗi ngày vào trong tâm hồn mình. Amen.