Hoa Đào Ngày Xuân



Mỗi độ Xuân về, trăm hoa khoe sắc trên khắp mọi miền đất nước, nếu hoa Mai là đặc trưng của miền Nam trong ngày Tết, thì miền Bắc có hoa Đào biểu tượng mùa Xuân. Bài thơ trác tuyệt "Ông Đồ" của Vũ Đình Liên đã đan dệt nên một chân dung sống động và sắc nét về một con người, một lớp người đang tàn phai và vẫn đang gắng gỏi sống nốt phần tàn phai của nó ở một buổi giao thời (Phong Lê, 1997):

Mỗi năm hoa đào nở.
Lại thấy ông đồ già.
Bày mực tàu giấy đỏ.
Bên phố đông người qua.
...
Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ ?

Bài thơ chẳng những làm sống lại một thời mà còn nêu lên lẽ tuần hoàn của vạn vật thiên nhiên mỗi độ Xuân về, Tết đến: Hoa Đào nở.


Hoa Đào (Prunus persica Batsch) thuộc họ hoa hồng (Rosaceae), tên Pháp: Pêcher, tên gọi theo các dân tộc là May phăng (Tày), Kén má cai hoặc Co tàu (Thái), Phiếu kiào (Dao)... có nguồn gốc Ba Tư, Trung Quốc, Nhật Bản sau đó được trồng ở nhiều nơi. Ở Việt Nam hoa Đào được trồng ở vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang. Đào được trồng lấy quả để ăn: hạt, lá, hoa dùng làm thuốc và hoa để trang trí.

Đào là loại trung mộc, cao 3 - 8m, da thân nhẵn, trên thân thường có chất nhầy đùn gọi là nhựa đào. Lá đơn mọc cách, cuống ngắn, phiến lá lúc non xếp 2, nhọn hai đầu, kích thước 5-8cm x 1,2-1,5cm, có tuyến to ở đáy và ngọn cuống, mép lá có răng cưa, khi vò có mùi hạnh nhân. Lá bẹ như kim, có tuyến, mau rụng. Hoa xuất hiện trước lá, màu hường, chụm, không cọng, lá đài cao 6mm, hoa 5 cánh, cánh 2 cm, tiểu nhụy nhiều, màu vàng. Quả nhân cứng có lông mịn: nhân dẹp, có u nần dài. Có thứ hoa đôi, trồng nhiều ở vùng núi và đồng bằng phía Bắc, hoa nở tháng 1 -2, hạt thu hái vào tháng 6 -7 , lấy quả về đập lấy hạt, phơi hoặc sấy khô gọi là đào nhân.


Công dụng của đào nhân, theo GS Đỗ Tất Lợi (1986), Đào nhân chữa ho như nhân hạt Mơ, làm thuốc điều kinh sau khi đẻ. Các nhà nghiên cứu ở Đài Loan cho rằng: Đào nhân được dùng thay chất ergotin làm co tử cung, tác dụng trên mạch máu của tử cung làm đông máu.

Lá Đào tươi nấu nước tắm hoặc giã nát đắp trị ghẻ ngứa, lở loét. Hoa Đào chữa bí tiểu tiện, táo bón, làm thuốc bảo vệ dung nhan trong khoa mỹ dung Đông y - phụ nữ có thai không nên dùng, lá đào độc nên dùng thận trọng (lương y Đinh Công Bảy)

Hoa đào Nhật Tân nổi tiếng xứ Hà Thành từ xưa đến nay với những búp hoa màu hồng thắm, được tỏa đi mọi miền đất nước báo hiệu xuân về. Mùa xuân Kỷ Dậu sau khi đánh tan quân Thanh, tiến vào đất Thăng Long, Quang Trung một vị vua kiêu hùng và lãng mạn, đã cho người mang cành đào vào Phú Xuân báo tin chiến thắng cho Ngọc Hân Công Chúa, vốn người sành Đào đất Thăng Long nhìn sắc hoa có thể biết xuất xứ. Đào có thể phân biệt: Đào bích có màu đỏ thẫm nhiều cánh xếp khít nhau, lá có màu lục đậm, nhiều cành, nhiều hoa. Đào phai, hoa có màu hường, lá có màu xanh nhạt hơn so với đào bích, cây có nhiều hoa. Đào bạch, hoa màu trắng, ít hoa. Nhà thơ Nguyễn Duy đã mô tả hoa đào.

Đào đỏ, đào phai, đào trắng nữa,
Mùa xuân chấm phá ở trong lòng.
Hoa đào cũng đẹp như đời vậy,
Nhờ dáng cành cây vấp vểnh cong.
Và Nguyễn Trãi có bài thơ ca ngợi hoa đào gồm 6 đoạn, có đoạn như sau:

<center>Một đóa hoa đào khéo tốt tươi,
Tường xuân mơn mởn thấy xuân cười.
Đông phong ắt có tình hay nữa,
Kiện tiến mùi hương dễ động người.
Hoa Đào trồng bonsai, thuộc giống Prunus gồm nhiều loài khác nhau rõ rệt về lá, hoa, trái. Giống này là cây thân gỗ, kích thước nhỏ mặc dù một vài loài có kích thước không lớn hơn cho mấy so với cây bụi. Vỏ thường dễ xác định, đôi khi có màu sẫm, với những vệt ngang của những tế bào hô hấp thường được biết như là tế bào hình hạt đậu. Lá thường hình ê-líp, rụng lá và kích thước thay đổi từ lớn đến rất bé. Hầu hết các loại trong giống Prunus được trồng làm cảnh trong sân vườn, ở phương Tây loài cây leo Prunus spinosa được trồng theo bờ rào, cho hoa trắng, nhỏ vào sớm mùa xuân. Phần lớn hoa có màu rực rỡ, thay đổi từ màu trắng tinh khiết cả đến hồng sẫm và đỏ. Một số loài cây cho hoa nhỏ, có giá trị hơn trong việc trồng bonsai. Một số loài cho trái như đào, mận, mơ, nhưng nếu trồng bonsai yêu cầu chính thường là vì hoa của chúng.

Về kiểu bonsai, phần lớn giống này thường được trồng bonsai theo kiểu bất đối xứng và trưng bày vào mùa xuân khi hoa nở rực. Một số được tạo cho thân khuyết vào tận tâm gỗ để gây ấn tượng. Loài được trồng trong vườn có hoa lớn, khi trồng bonsai thì kích thước thân cũng phải lớn để tạo sự cân đối. Nên sử dụng loại chậu sứ tráng men.


Hầu hết loại bonsai thuộc giống Prunus đều có xuất xứ từ Nhật Bản, các nước phương Tây ưa chuộng bonsai Prunus mume Sieb. & Zucc, còn gọi mơ hoa vàng, Japanese Apricot, màu hoa rất phong phú, từ hồng đến đỏ, hoa to, đôi khi trưng bày nhiều màu khác nhau trên cây ghép. Phương Đông thích trồng bonsai Prunus persica nhưng trồng loại này cần phải kiên nhẫn và kỳ công hơn nhiều để tạo vẻ đặc sắc hơn những cây bonsai khác.

Giống Prunus ở Việt Nam có 18 loài có thể sử dụng trồng bonsai một số loài sau:

P.cerasoides - Anh Đào, phân bố ở độ cao 1000-1.800 m từ Cao Lạng đến Hà Nam Ninh.

P.cerasus (Sour cherry) -- Anh Đào Đôi, là loài tiểu mộc, cho hoa màu hồng, trồng ở Huế, hoa tháng 11 đến tháng 3.

P.salicina -- Mận, hoa trắng được trồng ở Đà Lạt. Ở miền Bắc xuất hiện từ đồng bằng đến cao độ, từ Lạng Sơn đến Vinh.


P.fordiana, loài tiểu mộc, hoa trắng, phân bố ở rừng còi duyên hải từ Quảng Yên đến Thừa Thiên.

P. armeniaca L (Apricot) -- Mơ, nổi tiếng vùng Hương Tích, trồng lấy quả, loại tiểu mộc 3-6cm, hoa màu hường hay trắng..

Hầu hết những loài thuộc giống Prunus dễ dàng gây trồng, có thể nhân giống bằng ghép, chiết cành hoặc gieo hạt. Sau khi ra hoa, có thể cắt tỉa bớt những phần lá ở đầu cành. Để cây cho nhiều hoa to, đẹp, màu rực rỡ, phân lân được sử dụng trong suốt sáu tháng cuối năm. Nếu thấy chậm ra hoa nên bón thúc bằng đạm; có hiện tượng ra hoa sớm thì nên hạn chế bớt ánh sáng, che tối cả ngày, không tưới, không xới xáo.



Việc chọn đào của người Hà Nội cũng rất cầu kỳ, kỹ thuật chăm sóc rất cẩn thận, tỉ mỉ sao cho cành đào ra hoa đúng dịp Tết, trên cành có Đào nụ và hoa rực đỏ tươi thắm mang đến sự may mắn, vui tươi và hạnh phúc trong năm mới theo phong tục cổ truyền dân tộc ngày xuân.

hoa Anh Đào đôi màu hồng ...