VÔ ĐỊNH


Khi đối diện với những trào lưu của cuộc đời, khi phải đối diện sức ép của cuộc sống cũng như bị vật chất, danh vọng đè nén con người dễ rơi vào lối sống vô định. Sống mà không biết mình sống trên cuộc đời để làm gì và cũng chẳng biết mình sống vì ai, sống để làm gì và sống như thế nào. Nếu không thức tỉnh, con người sẽ chạy theo vật chất, chạy theo danh vọng và cuối cùng mình chẳng biết chạy theo những cái mau qua chóng tàn đó sẽ mang được gì về bên kia thế giới. Vật chất, danh vọng cũng cần lắm nhưng hình như nó không phải là căn cốt của cuộc đời. Chạy theo nó mãi không chừng sẽ phải hụt hơi, bất an và cuối cùng là không lối thoát.

Vật chất :

Để minh hoạ cho bài dạy giáo lý được tốt hơn, lần nọ, tôi “bấm bụng” mang cái “lép-tóp” thời cổ-lổ-sỉ ra “khoe hàng” với các em giáo lý viên. Thời buổi người ta dùng đến hàng siêu nhanh siêu mỏng mà mình dùng cái cổ-lổ-sỉ xem ra cũng là lỗi mốt lỗi thời nhưng miễn sao nó đáp ứng cho công việc, đáp cho nhu cầu của mình là được rồi.

Vừa bấm công tắc nguồn cũng vừa lúc một em trong nhóm nhẩm nhỉ điều gì đó với đứa bạn ngồi cạnh bên và cười. Vì là máy cùi bắp nên khởi động không được nhanh lắm nên thời gian chờ khá lâu. Vốn hay thắc mắc và tò mò vì sao mà em nói nhỏ cười to nên hỏi em ấy lý do sao em cười. Hỏi xong, em trả lời :

- Em thích có cái “lép-tóp” giống như vậy !

Tôi ngạc nhiên hỏi :

- Để làm gì vậy ?

Em trả lời :

- Dạ để “chát” !

Nghe câu trả lời của em, tôi giật bắn người. Đau lòng lắm nhưng không dám nói gì, tìm cách sang chuyện khác ngay.

Sau buổi học, câu trả lời của em cảm thấy làm sao ấy. Em đang học lớp 11, em của em học lớp 8. Cha em đi làm mướn, mẹ em thức khuya dậy sớm để bán bánh bông lan nuôi hai con ăn học. Ấy vậy mà em lại mơ ước có cái xách tay. Giá như em chịu học một chút thì cũng đành. Nếu như chịu khó học và đi làm như bao người khác thì chục chiếc xách tay em cũng có chứ huống hồ gì là một cái và là cái cực xịn chứ không phải hàng cổ-lổ-sỉ như của tôi đây. Ước mơ của em hình như vô định vì lẽ ước mơ ấy nó chẳng thực tế với cuộc sống quá khó khăn của cha mẹ. Không chỉ ước mơ cái xách tay thôi nhưng em còn ước mơ có cái di động đời mới để cho “bằng chị bằng em”. Hơn một lần em giận người bạn vì lý do bạn không cho mượn chiếc di động để em xài ???

Danh vọng :

Một lần kia, ở xa nhau và bận bịu lâu ngày nên khó có thể gặp nhau nên bèn bấm máy thăm cha sở nọ vốn quen biết. Hàng huyên tâm sự về chuyện đời, chuyện người bỗng nhiên nhắc đến chuyện học vị thời nay. Khi nhắc đến chuyện học vị, bằng cấp, vị linh mục ấy nói : “Kỳ này mình tính đi du học vì dạo này người ta sính ngoại quá ! Mình có bằng rồi nhưng chỉ là bằng Việt Nam nên không được trân trọng lắm. Có lẽ mình sẽ rời nhiệm sở vài năm để đi kiếm cái bằng ngoại !”

Biết là Ngài đùa thôi nhưng đau lắm nhưng nó là hiện trạng của xã hội và của Giáo hội nữa. Hình như đang có một trào lưu kiếm bằng ngoại thì phải. Giọng của Ngài đượm buồn với dòng chảy của con người thời a móc a còng.

Kiến thức, bằng cấp ngoại quốc không phải là xấu ! Tốt lắm đấy chứ ! Cần những vị có trình độ, có học thức để giúp cho Giáo Hội nhưng nó đâu phải là điều căn cốt của đời tu. Nếu ai cũng là giáo sư, là cha giáo thì ai sẽ là người loan báo Tin mừng cho người nghèo, anh chị em dân tộc thiểu số và những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Căn cốt của đời tu phải chăng đó là đời sống thánh thiện, nhân chứng về lòng thương xót của Chúa chứ không phải là mảnh bằng, là một mớ kiến thức cao siêu.

Có bằng nhưng không sống chứng nhân Tin mừng thì cái bằng ấy cũng chỉ là tờ giấy lộn mà thôi. Vấn đề ở chỗ là làm sao ta minh chứng một Thiên Chúa có thật trong đời của ta chứ ta không minh chứng có Chúa trong sách vở.

Nghe đâu hồi năm ngoái ở bên Phi, một nữ tiến sĩ đạt điểm tối đa luận văn thần học về Thiên Chúa nhưng bà không phải là người Công Giáo. Bà nghiên cứu về Thiên Chúa thật xuất sắc nhưng lòng bà không hề tin có Thiên Chúa.

Dài dòng suy nghĩ :

Ước mơ có cái xách tay của em nhỏ kia hay là suy nghĩ đi kiếm cái bằng của ai đó nó làm sao đó. Ước mơ và suy nghĩ ấy hình như nó vô định.

Những ước mơ, suy nghĩ ấy phải chăng thi thoảng nó nổi lên trong lòng ta như một cơn sóng dữ. Ta cần thức tỉnh để dẹp bớt đi ngọn sóng dữ ấy trong đời ta. Nếu như ta cứ để những ước mơ, những suy nghĩ ấy choáng ngập lòng ta thì cuộc đời ta sẽ bước đi trong vô định, chúng ta đi nhưng không biết chúng ta đi đâu.

Căn cốt của cuộc đời này không phải là cái xách tay, là tấm bằng, là con chữ mà là Đức Kitô như Thánh Phaolô đã quả quyết : “Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá”. (1 Cr 2, 2). Và Ngài vẫn mời gọi mỗi người chúng ta : “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi”. (Gl 2,20).

Ắt hẳn chúng ta vẫn còn nhớ hình ảnh của một Gioan Maria Vianney cực kỳ kém thông minh, Ngài đã bị tra lên tra xuống về học thức, về trình độ thế nhưng chẳng ai dám sánh với Ngài về lối sống đạo đức thánh thiện. Gioan Maria Vianney đã sống hết mình, hết lòng vì Chúa, vì tha nhân chứ không sống vô định như một số người đã sống. Gioan Maria Vianney có lẽ không biết nhiều về Chúa do khả năng hạn hẹp của Ngài nhưng Ngài đã sống với Chúa bằng cả con tim, bằng cả tấm lòng của Ngài.

Vẫn còn đó những cám dỗ chạy theo lợi lộc của trần gian nhưng vẫn còn đó những cơ hội để cân chỉnh cuộc đời. Chuyện quan trọng, chuyện cần thiết là ta có để cho Chúa Kitô dẫn ta đi hay là ta dẫn Đức Kitô đi theo ta mà thôi.

Hình ảnh của cô bé giáo lý viên, câu nói của cha kia lâu lâu lại dội lại trong tâm trí của kẻ hèn mọn này để thức tỉnh lối sống, cái nhìn của kẻ mọn. Nếu không dừng lại, không cân nhắc những thực tại trần gian cũng như giá trị vĩnh cửu thì kẻ mọn này cũng sẽ rơi vào lối sống vô định mà thôi.
Chúa vẫn để ta tự do lựa chọn con đường của ta đi. Ta dẫn Chúa đi thì cuộc đời ta sẽ vô định còn ta để Chúa dẫn ta đi thì Ngài sẽ dẫn ta đến mạch nước tràn đầy sức sống, tình yêu và hạnh phúc.


Anmai, CSsR