thứ tư, 28 tháng 10, 2009
Christine Nguyễn
Ký giả tự do
Giáp mặt 'Người Rơm'
Cảnh sinh hoạt của những người Việt nhập cư lậu
Một buổi chiều cuối tháng 10 chúng tôi đến rừng Grande Synth, cách thị trấn Téteghem bắc nước Pháp khoảng 10 km.
Men theo con đường mòn bé tí quanh co chìm sâu trong rừng và ngập sũng bùn đen, ít phút chúng tôi gặp được nhóm khoảng 10 “người rơm” đầu tiên.
Cần nói rõ, Grande Synthe chỉ là một trong số những khu rừng có người Việt nhập cư lậu ẩn nấp quanh cảng Calais chờ cơ hội đi lậu sang nước Anh.
Một người đầu tiên tôi bắt chuyện là một phụ nữ trên 30 tuổi, nói giọng Quảng Ninh, người đã “nhảy bãi” đến lần thứ sáu vẫn chưa thành công.
Theo lời kể, chị đã sống ở Praha gần 4 năm, sau đấy do việc làm ăn ngày càng khó khăn, chị quyết định gửi đứa con gái 6 tuổi về Việt Nam cho ông bà và đi chui đến Anh vì nghe nói “ở đấy dễ kiếm tiền hơn”.
Khi hỏi đến giấy tờ tùy thân và ảnh của con gái thì chị trả lời thật gọn: “Em xé bỏ hết trước khi đi rồi”.
Câu trả lời này là “nhất quán” ở mọi người đi lậu: không giấy tờ, không hình ảnh, không bất cứ một bằng chứng nào về xuất xứ nhân thân của mình. Cũng vì thế mà họ được gọi bằng một cái tên rất ấn tượng: “người rơm”.
“Các anh thanh niên ở đây cả tháng mới may ra được tắm một lần. Còn em là phụ nữ nên mỗi tối đều phải nấu nước để rửa ráy, nhưng cũng không nhiều. Ai cũng bị bệnh ngoài da hết chị ạ,” chị nói.
Chị cho biết việc ăn uống chủ yếu là nhờ vào thực phẩm cứu trợ nhân đạo do dân bản xứ và một số nhóm hoạt động từ thiện mang đến.
'Sổ đỏ'
Được biết mặc dù chính phủ Pháp đã có lệnh giải tỏa trắng để kết thúc nạn di dân lậu tập trung ở các cánh rừng xung quanh cảng Calais chờ trốn sang Anh, nhưng các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại các địa phương vẫn được tiến hành, thậm chí có nơi còn khá quy mô.
Chia tay với nhóm người rơm này, chúng tôi tiếp tục len lỏi theo một đường mòn và gặp một nhóm nhỏ người rơm khác.
Người đàn ông gốc Thanh Hóa khoảng gần 60 tuổi đang ngồi hong chân bên một bếp lửa dã chiến. Chứng thấp khớp làm các khớp xương chân trái của ông sưng tấy vì thời tiết khắc nghiệt của rừng ôn đới vào đông. Tôi hỏi ông có thuốc men gì không, ông đưa cho tôi xem các loại thuốc giảm đau của hội từ thiện phát cho.
Họ tìm đến châu Âu với giấc mơ đổi đời
Khuôn mặt ông đầy vẻ căng thẳng, lo lắng vì thời gian ở rừng đã lâu, nhảy bãi nhiều lần mà vẫn không thành công.
Tôi đùa “nhảy bãi mãi thì cũng sẽ có lần thành công, lo gì”. Ông thể hiện ngay sự bực tức với người không hiểu chuyện và cho biết để có tiền đóng cho chuyến đi này ông đã phải thế chấp 5 cái “sổ đỏ” cho ngân hàng và hạn kỳ để chuộc lại sổ đã gần kề.
Ông đồng ý cho tôi chụp ảnh, nhưng khi tôi hỏi có muốn tôi giúp gửi những tấm ảnh này về nhà ở Việt Nam không thì ông bật khóc và giải thích rằng không muốn cho hai người con gái, 11 tuổi và 20 tuổi thấy cuộc sống thê thảm hiện tại của ông vì sợ “chúng nó không chịu đựng nổi”.
'Suýt chết đói'
Chúng tôi tiến sâu hơn nữa vào rừng với đường đi ngày càng lắt léo hơn.
Mười phút sau, một nhóm lán trại hiện ra giữa rừng sâu. Khoảng gần 30 người rơm mới đến trú chân tại đây vừa được 3 ngày.
Đa phần là người Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, một số ít là người Đắc Lắc, Quảng Ninh.
=Tất cả họ, liều chết sang Anh với một niềm tin tuyệt đối là chỉ sau 2, 3 tháng làm việc ở Anh.=
Một thanh niên ở Đắc Lắc với khuôn mặt hốc hác, đôi mắt trũng sâu cho tôi biết hành trình nhảy xe đi đường bộ từ Nga sang đến đây anh suýt chết đói dọc đường mấy lần.
Mấy người trong nhóm nói rằng có một nhóm người rơm nữa đóng lán trại không xa chỗ họ bao nhiêu, “nhưng họ xấu lắm, không chơi được”, anh thanh niên Đắc Lắc nói.
Được biết có rất nhiều nhóm người trong khu rừng Grande Synthe này hoạt động biệt lập nhau, theo lối “nước sông không phạm nước giếng”.
Đa số họ đi đường hàng không sang Nga, một số khác đi sang Trung Quốc để sau đấy sang Nga, và từ Nga họ bắt đầu thân phận “người rơm”, không giấy tờ tùy thân, sử dụng đường bộ bằng mọi cách tập kết đến các khu rừng xung quanh cảng Calais tìm cơ hội đi chui sang Anh quốc.
Tất cả họ, liều chết sang Anh với một niềm tin tuyệt đối là chỉ sau 2, 3 tháng làm việc ở Anh, họ có thể chuộc được các sổ đỏ đang thế chấp ở ngân hàng, hoặc trả hết nợ nần vay mượn và sau đấy là một cơ hội “đổi đời” to tát sẽ đến với gia đình họ, thậm chí là cả dòng họ của họ.
'Thuế thân'
Một phụ nữ người Nghệ An ở tuổi 50 khi được tôi cho biết thu nhập của một cư dân hợp pháp không trình độ làm nghề giữ trẻ hoặc trông nom người già trung bình khoảng 1 nghìn euro một tháng đã buộc miệng kêu lên “Sao ít thế?”
Chị cho biết là được hứa hẹn sang đến đấy sẽ có công việc, với thu nhập “5 nghìn euro mỗi tháng và còn được bao ăn ở!”
Thế nhưng khi được hỏi cụ thể họ sẽ làm những công việc gì, đa phần là những câu trả lời quanh co như đi giữ trẻ, làm nhà hàng…
Chỉ có một số ít hoặc “bạo miệng”, hoặc đang quá bi quan trước thực tế gần như không lối thoát thì nói thẳng là “đi trồng cỏ.”
Có lẽ tôi tạm kết thúc chuyện về những người rơm ở đây bằng một câu chuyện kể của một phụ nữ Nghệ An khác.
Bằng một giọng nói vô hồn, người phụ nữ này cho biết đã phải đóng “thuế thân” dọc đường cho nhiều gã, Việt có, gốc Ảrập có vì “nếu không như thế, mình sẽ không được đi tiếp”.
Phải chăng đấy là một trong những cái giá phải trả cho thân phận “người rơm” với giấc mộng đổi đời?
("Đa số họ đi đường hàng không sang Nga, một số khác đi sang Trung Quốc để sau đấy sang Nga, và từ Nga họ bắt đầu thân phận “người rơm”, không giấy tờ tùy thân, sử dụng đường bộ bằng mọi cách tập kết đến các khu rừng xung quanh cảng Calais tìm cơ hội đi chui sang Anh quốc.
Tất cả họ, liều chết sang Anh với một niềm tin tuyệt đối là chỉ sau 2, 3 tháng làm việc ở Anh, họ có thể chuộc được các sổ đỏ đang thế chấp ở ngân hàng, hoặc trả hết nợ nần vay mượn và sau đấy là một cơ hội “đổi đời” to tát sẽ đến với gia đình họ, thậm chí là cả dòng họ của họ.")