Từ Ðối Diện Đến Hiệp Nhất



Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho con thấy Chúa thật to,
để mọi sự khác, với con, thành bé nhỏ.
Xin cho con thấy Chúa thật bao la,
để cả mặt đất, với con, cũng là chật hẹp.
Xin cho con thấy Chúa thật cao sâu,
để con dễ nhận cả nỗi đau như vực thẳm.
Xin Chúa cho con đầy sức mạnh,
để không thất vọng nào chạm được tới con
Xin Chúa ở trong con, cho đầy ắp,
để không trống khoảng nào dù cho một thoáng ước mong.
Xin Chúa cho con nên trầm lắng,
để chỉ loan truyền Danh Thánh Chúa thôi.
Lạy Chúa Giêsu, xin ngự trong con cho sống động,
để không phải con mà là Chúa sống bên trong. (Gal 2,20)



Ba lời cầu xin đầu là ở tư thế đối diện với Chúa, nhìn Chúa để rồi nhìn mọi sự trước mặt Chúa. Ðó là qui luật của phối ảnh (perspective) trong tầm nhìn thị giác và trí tuệ của con người. Ðứa bé có thể thấy mình to lắm khi nó chơi với bạn bè cùng lứa tuổi, nhưng đứng trước cha mẹ nó thấy mình thật bé nhỏ; có thể thấy chiếc xe bằng nhựa của nó là to, nhưng khi thấy chiếc xe thật thì nó thấy xe của nó là nhỏ. Nhìn cái xe đậu trước nhà, thì thấy xe nhỏ nhà to, nhưng nhìn cái nhà trước dãy núi thì lại thấy cái nhà chẳng thấm gì... Tầm nhìn của trí tuệ cũng chịu qui luật ấy. Kẻ mới biết dăm ba chữ thì hay khoe khoang, làm như mình là nhà thông thái, nhưng nhà bác học thì biết mình dốt nát vô cùng!

Khi ta thấy Chúa thật to lớn thì đặt mọi sự trước mặt Chúa, ta sẽ thấy tất cả đều bé nhỏ. Khi ta thấy Chúa thật bao la như lúc ngắm bầu trời đêm lấp lánh, ta thấy được mặt đất này chẳng thấm tháp gì! Và khi ta thấy Chúa thật cao sâu, thì dù nỗi đau có nhận chìm ta vào vực thẳm, ta vẫn thấy mình còn trong lòng bàn tay của Chúa, bởi chẳng có vực thẳm nào sâu hơn lòng Chúa.

Lời tiếp theo là xin Chúa tác động vào ta bằng quyền năng của Chúa. Khi ta được đầy sức mạnh của Chúa thì không có gì có thể làm ta chán nản, thất vọng được nữa.

Lời thứ năm xin Chúa hiện diện trong ta, chiếm đoạt ta trọn vẹn, để không còn thọ sinh nào, không còn cái gì khác có thể làm ta mong ước, thèm thuồng nữa, vì Chúa làm ta hoàn toàn no thỏa rồi. Chúa là gia nghiệp đời con, là hạnh phúc của con.

Lời cầu xin thứ sáu là hậu quả của sự hiện diện đầy ắp. Khi Chúa là tất cả và là hạnh phúc của ta, thì ta chẳng còn thấy gì khác đáng cho ta nói đến hơn là Chúa. Như khi hai người yêu nhau say đắm thì người ta khó nói chuyện gì ngoài người yêu của mình, hay khi người mẹ đang nuôi con, thì khó nói chuyện gì mà không nhắc tới con. Sự im lặng của ta không phải là sự trống rỗng, mà là sự đầy ắp, thùng rỗng kêu to.

Lời cuối cùng là tột đỉnh mà thánh Phaolô (Gal 2,20) diễn tả: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi.”

Bảy lời cầu xin này đưa ta từ đối diện tới hiệp nhất nên một với Chúa: Chúa ở trước mặt ta, Chúa tác động trong ta, Chúa ở trong ta và cho ta nên một với Chúa

Lm. Nguyễn Công Ðoan, SJ