-
Moderator
M - Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (48)
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (48)
481. Hãy sợ uy tín và uy thế của Giáo Hội Công Giáo!
Giáo Hội Công Giáo không có quyền thế gì ở đời vì Giáo Hội Công Giáo không có quân đội, không có công an cảnh sát, không có các bộ lo về phần đời.
Giáo Hội Công Giáo chỉ lo về mặt thiêng liêng. Nhưng uy quyền thiêng liêng của Giáo Hội Công Giáo thật lạ lùng! Vụ Giáo Hội Công Giáo cấm chế ngày 01 tháng 8 năm 1926 tại Mễ-Tây-Cơ làm mọi người ngạc nhiên.
Số là năm 1926, Chính Quyền nghịch đạo Mễ-Tây-Cơ thẳng tay dã man đàn áp Giáo Hội Công Giáo tại nước nầy. Để nói lên cho toàn thế giới biết rằng Chính Quyền ở đây bắt Đạo, Đức Giáo Hoàng Piô XI ra lệnh đóng cửa tất cả các nhà thờ trên khắp nước Mễ-Tây-Cơ.
Nước Mễ-Tây-Cơ bỗng trở nên náo động lạ thường vì số các người công giáo lo thu xếp các công việc thiêng liêng kẻo đến ngày 01-8-1926 thì không còn nữa: các bà mẹ bồng con đi xin Rửa Tội gấp; cha mẹ lo cho con cái được được Xưng Tội Rước Lễ Vỡ Lòng gấp; ai đang rối rắm, đang nặng nề lương tâm thì đua nhau đi xin gỡ rối, đi chịu Phép Giải Tội; những thanh nien thanh nữ đạo đức, muốn được chịu Phép Hôn Phối trong Nhà Thờ, đua nhau xin các linh mục quản xứ lo cho họ chịu Phép Bí Tích Hôn Phối…
Toàn dân công giáo Mễ-Tây-Cơ xem ngày 01-8-1926 là một ngày đại họa cho họ, do Chính Quyền bắt Đạo gây nên. Ngày ngày, họ lũ lượt kéo đến các nhà thờ, các tòa giám mục, các nhà cha sở.
Cảm động nhất, là những người công giáo miền Thượng Da Đỏ. Họ bồng bế con cái, dắt nhau đi từ rừng sâu đến thành thị, hợp với các người công giáo ở các thành phố, kéo nhau đến các nhà thờ, đi gặp các Đức Cha, các linh mục.
Đứng trước cảnh tượng nầy, Chính Quyền Mễ-Tây-Cơ lúc bấy giờ phải nhượng bộ, không còn dám gây khó khăn cho Đạo Công Giáo nữa.
Uy tín và uy thế của Giáo Hội Công Giáo thật lớn lao và lạ lùng!
482. Uy tín của Giáo Hội Công Giáo trong những hoạt động văn hoá của mình
Loài người khắp nơi hiện nay, dù theo ý thức hệ nào, cũng chịu ảnh hưỏng sâu đậm của nền văn hoá Phương Tây, mà trong quá khứ, chính Giáo Hội Công Giáo đã cứu vãn nền văn hoá Phương Tây và đem lại nhiều ích lợi vô song cho nền văn hoá nầy nói riêng, và cho nền văn hoá nhân loại nói chung.
Như lịch sử chứng minh rõ, khi những nền văn hóa danh tiếng của Phương Tây là Hy Lạp và Rôma bị những quân man rợ từ khắp nơi kéo đến xâm chiếm và tiêu diệt, Giáo Hội Công Giáo một mình đứng ra cứu vãn những nền văn hoá nầy và lưu truyền những nền văn hoá nầy lại cho nhân loại ngày nay.
Giáo Hội Công Giáo tìm cách thuần thục hoá lần lần những quân man rợ nầy, gieo tinh thần Kitô-giáo vào lòng họ, đưa họ vào Đạo Công Giáo, bảo vệ và tàng trữ các tác phẩm quý giá của các hiền nhân, triết gia, khoa học gia ngày xưa bằng một giá rất công phu: ngày đêm, chép tay để sao lại những tác phẩm danh tiếng và cất kỷ những tác phẩm nầy để chúng khỏi bị hư nát, thất lạc. Những công việc nhọc nhằn tỉ mỉ nầy, Giáo Hội Công Giáo giao cho các tu viện lo, và các tu viện đã chu toàn công việc nầy một cách sốt sắng, vui vẻ và hoàn chỉnh.
Khi thấy tình trạng dân chúng mù chữ, kém văn hoá, không có điều kiện để đi học, Giáo Hội Công Giáo là đơn vị đầu tiên trong lịch sử nhân loại, đứng mở ra các trường học để dạy văn hoá cho mọi người.
Về mặt nghệ thuật, Giáo Hội Công Giáo làm phát triển âm nhạc, hội họa, điêu khắc, xây cất và để lại nhiều công trình rất danh tiếng.
Về mặt khoa học, Giáo Hội Công Giáo có những nhà khoa học hết sức danh tiếng như các tu sĩ Copernic, Mendel, những giáo dân như Ampère, Volta, Newton, Pasteur, …
483. “Tên Kitô-hữu đã bị xoá nhòa” (Christiano Nomine Deleto)
Khi thấy Giáo Hội Công Giáo gục ngã, tan tác như xác pháo, không còn manh giáp nào nửa, không thể nào trồi đầu lên được nửa, không thể nào sống được nổi vì những sự đàn áp thẳng tay của mình, hoàng để Điôklêxianô tin chắc mình đã thắng Giáo Hội Công Giáo, nên ra lệnh cho toàn đế quốc Rôma ăn mừng.
Và để kỷ niệm ngày mà ông cho là Giáo Hội Công Giáo đã hoàn toàn bị tiêu diệt, hoàng đế Điôklêxianô đã truyền phát hành một đồng bạc mang ba chữ la tinh “Christiano Nomine Deleto”, “Tên Kitô-hữu đã bị xoá nhòa”. Mọi người trong đế quốc Rôma rộng rãi bao la, khi dùng đồng bạc nầy, hãy biết rằng Giáo Hội Công Giáo không còn nữa!
Kết cục thì ai cũng biết: hoàng để Điôklêxianô chết, đế quốc Rôma tan, và Giáo Hội Công Giáo, với hai bàn tay trắng, vẫn còn sống và sống mạnh cho đến ngày hôm nay.
Một trong Phép Lạ luôn luôn xảy ra trước mắt mọi người: Giáo Hội Công Giáo luôn đứng vững và trường tồn một cách lạ lùng!
484. Tại sao Tin Lành không công giáo?
Trong một trường học tại Anh, giáo viên đặt một câu hỏi cho học sinh: “Nếu Giáo Hội Rôma được gọi là công giáo vì được truyền bá khắp nơi trên thế giới, thì tại sao Đạo Tin lành cũng có mặt khắp nơi, nhưng lại không được gọi là công giáo?”
Một nữ học sinh trả lời rất chí lý:
- “Giáo Hội Rôma được gọi là công giáo không những là vì Giáo Hội Rôma có mặt khắp nơi, mà còn vì ở nơi đâu, Giáo Hội Rôma cũng vẫn là chính mình, còn Đạo Tin lành tuy cũng có mặt khắp nơi, nhưng chia ra nhiều nhóm, nhóm nầy tin khác nhóm kia.”
485. Hãy mở rộng bác ái với mọi người cho dù họ là thù địch của Giáo Hội.
Tình yêu nồng nhiệt đối với Chúa Giêsu, và tài hướng dẫn linh hồn sẽ làm cho vị tông đồ trở nên cương quyết, khôn ngoan, có nhiều chiến thuật.
Chúng tôi đã nghe một người giáo dân cao cấp kể truyện sau đây.
Trong khi yết kiến Đức Thánh Cha Piô X, ông đã buông ra mấy lời chua chát đối với một thù địch của Giáo Hội. Đức Thánh Cha liền phán:
- “Hỡi con, Cha không ưa luận điệu của con. Để chịu phạt, con phải nghe câu chuyện nầy.
Trước đây, có vị linh mục Cha rất quen biết, mới về trọng nhậm một địa sở. Linh mục đó biết mình có bổn phận phải thăm viếng từng gia đình, cả những gia đình Do Thái, Thệ Phản, Tam Điểm, và ngài còn tuyên bố trên toà giảng rằng mỗi năm, ngài sẽ trở lại tái viếng.
Thấy thế, các linh mục đồng nghiệp bàn tán gắt gao và bá cáo với Toà Giám Mục. Lập tức Đức Giám Mục triệu hội bị cáo tới và khiển trách nặng lời. Nhưng cha xứ chỉ khiêm tốn thưa lại: “Thân Đức Cha, trong Phúc Âm, Chúa Giêsu truyền các chủ chiên phải đem mọi con chiên về đoàn. Vậy con phải làm thế nào để thực hiện điều đó nếu không đi tìm họ? Đàng khác, con không bao giờ tranh biện với họ về các nguyên tắc, con chỉ bày tỏ mối thịnh tình, lòng ưu ái con với các linh hồn, cả những linh hồn lầm lạc Chúa đã ủy thác cho con. Con đã tuyên bố trên toà giảng về việc thăm viếng nầy, nếu Đức Cha nhất định muốn con bỏ dở chương trình đó, xin Đức Cha viết cho con một bức thư để người ta hiểu con chỉ bỏ chương trình vì vâng lệnh Đức Cha.”
Cảm xúc vì lời lẽ chân thành của cha xứ, Đức Giám Mục không nói tới vấn đề đó nữa.
Và thực ra, tương lai đã chứng minh cho cha xứ vì ngài đã chinh phục được một số chiên lạc và cưỡng bách nhiều người khác phải tôn trọng đạo thánh của chúng ta. Cha xứ tầm thường đó, sau đã được Chúa chọn làm Giáo Hoàng, tức là người đang dạy con bài học bác ái nầy đây. Vì thế, con hãy cương quyết trong các nguyên tắc, nhưng hãy mở rộng bác ái với mọi người cho dù họ là thù địch của Giáo Hội.” (x. Hồn Tông Đồ)
486. Chúng ta hãy can đảm dựa vào chính bản thân chúng ta.
Ốc sên con hỏi mẹ: “Mẹ ơi, tại sao vừa mới sinh ra đời, chúng ta đã phải đội chiếc vỏ vừa cứng vừa nặng vậy?” Ốc sên mẹ trả lời: “Bởi vì cơ thể chúng ta không có bộ xương làm giá đỡ, chúng ta chỉ có thể bò, hơn nữa, bò cũng không nhanh. Vì thế, cần có chiếc vỏ đó bảo vệ.”
Ốc sên con lại hỏi: “Chị sâu róm cũng không có xương, cũng bò không nhanh, tại sao chị ấy không phải đội chiếc vỏ vừa nặng vừa cứng như thế nầy?” Ốc sên mẹ trả lời: “Bởi vì chị sâu róm có thể biến thành bướm. Bầu trời sẽ bảo vệ chị ấy.”
Ốc sên con lại hỏi: “Những em giun đất cũng không có xương, bò cũng không nhanh, cũng không biến thành bướm, tại sao chúng lại không phải đội chiếc vỏ vừa nặng vừa cứng?” Ốc sên mẹ trả lời: “Bở vì em giun biết đào đất, mặt đất sẽ bảo vệ cho nó.”
Ốc sên con bật khóc: “Chúng ta thật là tội nghiệp! Bầu trời không bảo vệ cho chúng ta, mặt đất cũng không che chở cho chúng ta.”
Ốc sên mẹ an ủi: “Vì thế, chúng ta mới có chiếc vỏ nầy! Chúng ta không dựa vào trời cũng không dựa vào đất. Chúng ta dựa vào bản thân.” (x. Những Bài Học Cuộc Đời)
487. Hãy luôn giữ gương mặt vui vẻ!
Trước đây, Furukawa là một đứa trẻ nghèo túng. Khi còn nhỏ, Furukawa từng làm đậu phụ thuê cho người khác.
Cậu rất cẩn thận, làm việc gì cũng cố gắng hết sức; hơn nữa, lúc nào cũng tràn đầy tự tin. Vì thế, cậu làm được rất nhiều việc.
Bất cứ lúc nào gặp cậu, ông chủ cũng thấy cậu tươi cười. Vì vậy, ông chủ coi việc xem cậu làm việc là niềm vui.
Sau khi khôn lớn, Furukawa không làm đậu phụ nữa. Một chủ nợ thuê cậu đi đòi nợ.
Nhờ nụ cười thiên phú của mình, Furukawa làm rất xuất sắc trong công việc đòi nợ. Những khoản nợ, dù khó đòi đến mấy, cậu cũng có thể đòi được.
Một lần, Furukawa đến đòi tiền một người nổi tiếng nợ dai. Món tiền nầy, đáng ra phải trả từ lâu, nhưng bên vay tiền cứ tìm cách khất lần.
Lần nầy, khi nhìn thấy người đòi nợ đến, mặt hắn ta ngay lập tức sa sầm xuống.
Không thèm chào hỏi Furukawa một câu, hắn bỏ ra ngoài để cho Furukawa đứng chơ vơ ở trước cổng.
Buổi tối hôm ấy, hắn tắt đèn, đi ngủ rất sớm, để cho Furukawa một mình dò dẫm trong bóng tối.
Không có gì ăn, vừa đói vừa lạnh, nhưng Furukawa không hề tức giận mà vẫn lặng lẽ ngồi đợi cho đến khi trời sáng.
Sáng sớm hôm sau, kẻ vay tiền nhìn thấy Furukawa vẫn ngồi ở đó, trên gương mặt anh vẫn nở một nụ cười thật tươi, không hề tỏ vẻ bực tức chút nào.
Kẻ vay tiền bị Furukawa làm cho xúc động thực sự. Hắn nhũn nhặn đưa số tiền nợ cho Furukawa. (x. Những Bài Học Cuộc Đời)
488. Gặp việc gì cũng hãy suy nghĩ thật kỹ càng, và đừng bao giờ coi thường những chi tiết
Thomas Edison, nhà vật lý người Mỹ, cũng là một nhà phát minh vĩ đại của thế giới (1847-1931), không bao giờ dám coi thường những chi tiết của công việc, nhưng luôn luôn suy nghĩ thật kỹ càng về công việc mình dự định làm.
Ông nói rằng nhiều khi ông cho việc đó là đúng, nhưng khi thí nghiệm lại, thì thấy việc đó sai nhiều mặt. Vì thế, ông quyết định phải tuyệt đối theo nguyên tắc nầy: phải suy nghĩ và cân nhắc mọi chi tiết, mọi khía cạnh của sự việc một cách rất kỹ càng, trước khi đưa ra quyết định về sự việc đó hoặc trước khi bắt tay vào làm việc đó.
Nếu sống theo nguyên tắc nầy, chắc bạn và tôi sẽ bớt hung hăng và bình tĩnh hơn trong việc chỉ trích và phê bình người khác khi chưa biết rõ ràng và chính xác lý do thật sự và động cơ nào, hoàn cảnh cụ thể nào, của sự việc hay của người mình phê bình, chỉ trích.
489. Ai mạnh hơn ai?
Gió nam và gió bắc thường tranh cãi nhau chuyện gió nào mạnh hơn.
Một hôm, gió nam nói với gió bắc: “Chúng ta cãi nhau mãi cũng chán. Có một người đang đi ngược lại, chúng ta sẽ thi xem ai thổi bay áo quần của ông ta thì sẽ là cơn gió mạnh.”
Gió bắc đáp: ‘Thi thì thi, ai sợ ai?”
Gió bắc thổi mạnh từng cơn, rét lạnh thấu xương, khiến người đi đường phải hai tay giữ áo. Gió bắc thổi một lúc thì mệt mỏi, thở phì phò, phải nghỉ.
Gió nam mỉm cười, thổi nhè nhẹ, trời trở nên mát mẻ, dễ chịu.
Người đi đường liền cởi bỏ áo khoác.
Gió nam đã giành được phần thắng. (x. Trí Tuệ và Kiên Nhẫn)
490. Hãy làm việc không ngừng!
Hoàng đế Nã Phá Luân (1769-1821) cầm quân, chinh phạt khắp châu Âu. Ông thú nhận: “Tôi làm việc không ngừng.”
Muốn thành công trong mọi việc mình làm, bạn và tôi cũng phải làm việc không ngừng và không ngừng làm việc.
Bạn hãy hết sức cố gắng làm việc và không ngừng làm việc. Trời sẽ giúp bạn thành công chính đáng và lâu dài.
LM Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules