Chúa nhật Phuc Sinh C
MUỐN TIN - PHẢI YÊU
Cv 10, 34a.37-43; Cl 3, 1-4; Ga 20, 1-9
Cả bốn Tin Mừng đều đồng ý về điểm lịch sử này : biến cố Phục sinh xảy ra vào hôm sau ngày Sabát, tức là hôm sau ngày Lễ Vượt qua của người Do Thái. Các sách Tin mừng đều nhất trí về thời điểm lịch sử của Chúa Giêsu Phục sinh. Gioan, tác giả trang Tin mừng mà chúng ta vừa nghe cũng là người yêu Chúa và được Chúa yêu. Gioan là người hết sức nhạy cảm. Gioan đã cho rằng, "ngày thứ nhất" trên đây gợi lên một thế giới mới đang khởi đầu ... một cuộc tạo dựng mới, một tuần lễ sáng thế mới.
Thiên Chúa làm sao có thể tái tạo một thế giới đầy bất hạnh như vậy trong khi con người thường biện minh đau khổ và cái chết là những chứng cớ hiển nhiên chống lại sự hiện diện của Thiên Chúa và nhất là việc Chúa Phục Sinh từ cõi chết.
Vấn nạn con người đặt ra hết sức hợp lý và không thể nào phủ nhận được nếu như không có chuyện Chúa Giêsu Phục sinh. Các giáo phụ cũng như những người quen suy niệm Kinh Thánh, đều nghĩ rằng, Thiên Chúa có thể không bao giờ "dựng nên" công cuộc sáng tạo đầu tiên (mọi tạo vật đều phải chết), nếu Người đã không tiên liệu từ thuở đời đời công cuộc sáng tạo thứ hai của Người, nhờ đó sẽ không còn sự chết, cũng không còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất" (Kh 21,4).
Thánh Gioan cho chúng ta biết việc bà Maria Mác-đa-la đến mộ, lúc sáng sớm, khi trời còn tối. Cả bốn Tin mừng đều ghi nhận như vậy. Maria Mác-đa-la là một trong nhóm người đầu tiên đã khám phá ra “biến cố". Là người cùng được chứng kiến biến cố ấy, Gioan đặc biệt quan tâm tới một người phụ nữ, bà Maria Mác-đa-la. Gioan gán cho bà là Người đã được Chúa Giêsu hiện ra đầu tiên (Ga 20,11-18).
Bà thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến
Hình ảnh Gioan ghi lại là bà Maria "chạy". Chi tiết chạy này hết sức ý nghĩa. Bà chưa gặp Chúa Giêsu nên bà chưa tin. Bà mới chỉ đứng trước sự kiện ngôi mộ mở ngỏ ! Đó là điều bất thường. Bà không ngờ được việc đó. Bà cảm thấy hốt hoảng. Bà chạy đi báo tin cho các vị có trách nhiệm. Ở đoạn văn trên, ta nên ghi nhận một tên gọi đặc biệt được gán cho "môn đệ" không nêu rõ danh tánh : "Người môn "đệ Chúa Giêsu thương mến". Truyền thống vẫn thừa nhận Gioan, tác giả của trình thuật trên, là chính người môn đệ đó. Ngoài ra, trong nhóm Mười Hai, không phải là không có sự ghen tị, vì Gioan vẫn thường được Chúa Giêsu quan tâm cách hết sức đặc biệt. Chi tiết này cũng rất quan trọng. Ta nên ghi nhận điều đó.
Sau khi phát hiện điều ấy, bà nói : "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu ?”.
Lúc này, chị mới chỉ đưa ra giả thuyết : Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ. Người ta không giải thích sự kiện theo lý trí : Vì quá mong ước Người sống lại, nên không tránh khỏi một ảo giác. Đúng ra, tất cả các bản văn đều nói ngược lại.
Rõ ràng, trình thuật trên được kể lại để giúp ta cảm thấy rằng, sự kiện ngôi mộ trống không là một bằng chứng, tự nó có khả năng khiến ta tin. Tuy nhiên, ngôi mộ trống kỳ diệu đó là một đối tượng đòi hỏi ta phải thắc mắc. Chỉ vỏn vẹn trong một trang, mà từ "ngôi mộ i được nhắc tới bảy lần ! Cho đến lúc này, mới chỉ có thế !
Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông và đã tới mộ trước.
Gioan nhớ lại, ông đang ở đó. Nhưng giải thích chi tiết hơn, chỉ nguyên dựa vào sự kiện chưa đủ. Còn một yếu tố khác Gioan nhận ra một biểu tượng : Phêrô có thể tự để cho kẻ khác vượt qua mình . . . để cho các môn đệ hăng say hơn đi trước ông. Và đó không phải là trường hợp duy nhất Gioan đã đi trước Phêrô (Ga 13,24-18,12-16-21,20-23). Nhưng tại sao ở đây lại nhấn mạnh đến điểm bất thướng này?
Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simon Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy băng vải để ớ đó, và khăn che đầu Chúa Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.
Áng Tin mừng này, nếu theo cách dịch sát nhất của bản văn Hy Lạp do chính Gioan đã mục kích và viết lại có thể như sau : "ông nhìn thấy băng vải bung ra, và khăn quấn đầu Ngài, không tuột ra cùng với băng vải, nhưng được cuốn lại riêng biệt, đặt đúng chỗ của nó”.
Tóm lại, không có bàn tay bên ngoài nào đã tham dự vào. Chỉ thấy thân xác đã biến mất, và những khăn liệm tuột bung ra tại chỗ. Gioan cũng ghi nhận rằng, khăn quấn đầu (đó là thứ băng vải quấn chung quanh đầu để giữ quai hàm, theo như tập quán tẩm liệm của người Do thái) vẫn còn ở đó, được cuốn lại đặt đúng chỗ, bên trong băng vải.
“Bấy giờ, người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào”. Gioan đã khẳng định về sự hiện diện của ông và chuyện quan trọng xảy ra sau đó là : Ông đã thấy và đã tin. Gioan đã tin còn Phêrô thì chưa hiểu gì. Khi thuật lại cảnh Phêrô đến thăm mộ, Thánh Luca nói rõ ràng, ông ta chỉ chứng kiến, nhưng trở về nhà rất đỗi ngạc nhiên, không hiểu gì hết” (Lc 24,12).
Maria Mác-đa-la đã giải thích theo kiểu nhân loại : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ".
Để tin không phải là chuyện đơn giản. Tin : cần phải có đôi mắt của tâm hồn, cần có cặp mắt của tình yêu. Giờ đây chúng ta mới hiểu rõ, tại sao Gioan lại nói đến "người môn đệ Chúa Giêsu thương mến". Vì tình yêu này mà Gioan đã chạy nhanh hơn ! Vì tình yêu này mà ông là người đầu tiên đã tin sau này, trên bờ hồ Galilê, chính "người môn đệ Chúa Giêsu thương mến" sẽ nhận ra Chúa Giêsu … trước Phêrô (Ga 21, 7).
Ở đây chúng ta lại nhận thấy tình yêu luôn tác động tới đức tin. Những người nắm giữ quyền bính trong Giáo hội chưa hẳn đã có đặc ân này. Thay vì ganh tị nhau "quyền bính", trong Giáo hội, tất cả chúng ta được mời gọi trở nên những người đi tiên phong "trong tình yêu”... Đó là điều quan trọng hơn cả.
Với Gioan, sự kiện khăn liệm được sắp xếp gọn gàng là một dấu chỉ còn ý nghĩa hơn ngôi mộ trống. Khi vừa nhìn thấy "băng vải tuột ra” và "khăn quấn đầu vẫn ở nguyên tại chỗ", nhờ một thứ trực giác soi sáng, ông đã nhận ra ngay rằng, Người đã không thể dùng tay chân mà di động thân xác ra khỏi mộ, nhưng chỉ có thể Người đã hết hiện hữu cách thể lý bên trong những khăn băng tẩm liệm vẫn còn y nguyên.
Dấu chỉ không có khả năng chuyển tải đức tin cho con người. Dấu chỉ không tuyệt đối phải có. Cần phải vượt qua “cái thấy được”, “cái sờ được”, “cái chạm được” để đi tới "điều tin nhận". Chính Chúa Giêsu sắp tuyên bố : "Phúc thay những người không thấy mà tin" (Ga 20,29). Như thế, Gioan đã tỏ ra là một môn đệ tuyệt vời : Ông tin... dù không thấy.
Đức tin nằm sâu thẳm trong cung lòng của con người. Tình yêu không ai có thể cân - đo - đong -đếm nhưng những ai yêu sẽ nhận được những tín hiệu phát ra của tình yêu đó. Do đó, những dấu chỉ tình yêu của Gioan chỉ nhận ra nơi những người đã yêu. Một cử chỉ, một lời nói, một sự vật ... là những cử chỉ còn hàm hồ, bấp bênh ! Chúng cần phải được giải thích nhưng không phải là chuyện căn cốt. "Sự việc đó muốn nói với tôi điều gì đây ? Tôi cần phải hiểu cử chỉ đó thế nào ?" Đó là điều rất cảm động trong mọi cuộc gặp gỡ của con người. Cuộc gặp mặt nào cũng đòi buộc những kẻ tham dự phải ở trong tình trạng cởi mở và quan tâm chú ý. Tất cả chúng ta đâu có kinh nghiệm chua xót, vì đã ra một dấu hiệu mà không được hiểu biết, đã phát biểu một lời mà không được đón nhận, đã làm một cử chỉ mà người ta giải thích sai... Hai người cần phải yêu thương nhau hết tình thì sứ điệp trao đổi mới được nhận biết trọn vẹn ý nghĩa.
Vì thế, sự kiện “mộ trống" và "những khăn liệm được sắp xếp gọn gàng”, chỉ những ai "yêu nhiều, mới có thể hiểu được”.
Thực vậy, các sự kiện chưa đủ ! "Ngôi mộ trống" chỉ là một dấu chỉ đối với Gioan, trước khi ông gặp Chúa Giêsu trong những lần hiện ra, bởi vì ông đã để cho Thánh Thần lay chuyển, mạc khải cho ông ý nghĩa của dấu chỉ. Trước những chứng cớ ông ghi nhận, Gioan còn biết nhớ lại những đoạn Kinh Thánh của Chúa Giêsu đã trích dẫn cho các ông (Hs 6,2 ; Tv 2,7 ; Gn 2,1).
Trong đời sống thực tại, nên chăng ta cũng hành xử theo như. Chúng ta chỉ có thể hiểu sâu sắc các biến cố đó, nếu ta làm sáng tỏ chúng, nhờ việc luôn suy niệm Lời Chúa, trong Thánh Thần.
Chính tình yêu làm cho ta hiểu rõ chân lý: Muốn tin, cần phải yêu mến.
Anmai, CSsR