ĐÓN NHẬN TÌNH YÊU CỨU ĐỘ

Tình yêu thương xót của Chúa là tin mừng cứu độ. Tin mừng này được đề cao một cách đặc biệt trong ba ngày Tuần Thánh.

Đối với mỗi người chúng ta, điều quan trọng khi tham dự ba ngày Tuần thánh, là đón nhận tình yêu cứu độ của Chúa.

Muốn đón nhận thì phải thực tâm muốn đón nhận, phải tha thiết khát khao đón nhận. Tiếp đến là phải thực hiện một số điều kiện. Ở đây tôi xin được nhắc đến ba điều kiện, mà Phúc âm Tuần Thánh đã ghi lại với những mức độ quan trọng khác nhau.

1/ Chân thành sám hối

Chân thành sám hối là việc lành nổi bật nơi thánh Phêrô sau khi lỡ chối Thầy.

Chân thành sám hối cũng là việc lành nổi bật nơi kẻ trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa, sau khi ông nhận biết người bị đóng đinh bên mình là một Đấng Thánh cứu độ.

Hai nhân vật này đã sống trong những hoàn cảnh khác nhau. Nhưng cả hai đã gặp nhau ở điểm chung này là sám hối.

Cả hai đã nhận mình có tội.

Cả hai đã nhìn nhận tội là điều xấu, gây nên hậu quả tai hại. Nó là xúc phạm. Nó là xáo trộn. Nó là mất mát.

Cả hai đều khát khao được tha tội và tha hình phạt.

Cả hai cùng nhận thức sự thực này: Bỏ đàng tội lỗi và trở về đàng lành là điều khôn ngoan nhất, để đạt được hạnh phúc đời đời.

Cả hai lại đã thấy: Đấng có quyền cứu khỏi tội vạ chính là Chúa Giêsu giàu lòng thương xót.

Cả hai đều đã sám hối, cầu nguyện, van xin.

Tất cả những bước đi trên đây đã được thực hiện trong khiêm nhường, tự hạ, tự hối.

Như thế, sám hối mở rộng cửa lòng, để đón nhận tình yêu cứu độ. Hối nhân phạm tội, thì tình yêu cứu độ thứ tha. Hối nhân yếu đuối, thì tình yêu cứu độ nâng đỡ. Hối nhân sầu muộn, thì tình yêu cứu độ an ủi. Hối nhân bị thương tích, thì tình yêu cứu độ băng bó chữa lành.

Sám hối càng khiêm nhường sâu sắc, tình yêu cứu độ càng tràn vào lòng hối nhân một cách mạnh mẽ. Nhiều khi nhờ tình yêu cứu độ mà sám hối được đào sâu hơn. Lúc ấy, tâm hồn sám hối được chìm vào biển cả tình yêu Chúa. Họ cảm thấy sự mình được Chúa xót thương là một ơn nhưng không, trọng đại.

Bên cạnh sám hối chân thành là điều kiện tối quan trọng, Phúc âm Tuần Thánh còn nêu lên sự chia sẻ khổ đau như một điều kiện hỗ trợ để đón nhận tình yêu cứu độ.

2/ Chia sẻ khổ đau

Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu tỏ ý muốn được các môn đệ Người chia sẻ nỗi cô đơn và những đớn đau của Người. Ý muốn đó đã được đáp ứng phần nào.

Trên đường vác thập giá đã có những phụ nữ khóc than Chúa, cũng đã có ông Simon vác đỡ thập giá cho Chúa. Đặc biệt là dưới chân thập giá khi Chúa bị treo lên, đã có một số người thân đứng đó trong thảm sầu chết lặng..

Hầu hết mọi chia sẻ trên đây đều diễn ra trong trái tim. Nhìn Chúa Giêsu bị nhục mạ, những trái tim ấy cảm thấy chính mình bị bầm dập, đâm chém.

Đáng để ý nhất là họ nếm được vị đắng của tình yêu Chúa. Yêu mà không được đáp lại. Yêu nhân loại nên muốn thăng tiến nhân loại, nhưng bao người chối từ thăng tiến. Yêu loài người, nên muốn đưa mọi người vào Nước Chúa là nước tình yêu, nhưng bao người vẫn chọn con đường hận thù dẫn xuống ngục tù dưới quyền những ác quỷ hận thù.

Sự vô cảm trước những khổ đau của Chúa là một cản trở khủng khiếp, không cho người ta đón nhận được tình yêu cứu độ.

Sự dửng dưng lạnh lùng trước những khổ đau của các người xung quanh cũng là một cách đóng chặt lòng mình, không đón nhận được tình yêu Chúa cứu độ.

Cho rằng hồi đó đa phần những người chứng kiến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đã không biết Người là Thiên Chúa. Nhưng không phải vì thế mà họ được phép tham gia vào việc làm xỉ nhục, lăng mạ, khinh chê, nhạo báng Người.

Tham gia vào việc làm khổ người khác, dù họ là ai, đều là chống lại tình yêu thương xót Chúa. Trái lại, ai thương xót người khác, sẽ được Chúa xót thương.

Sau hết, Phúc âm Tuần Thánh còn nói đến một chi tiết hỗ trợ khác để đón nhận tình yêu cứu độ. Chi tiết đó là: Nhận trách nhiệm.

3/ Nhận trách nhiệm

Trên Núi Sọ, Chúa Giêsu trao trách nhiệm cho Đức Mẹ là hãy nhận Gioan làm con mình, đồng thời cũng trao trách nhiệm cho Gioan là hãy đón nhận Đức Mẹ làm mẹ mình.

Trước đó, trong bữa tiệc ly, Chúa trao trách nhiệm cho các môn đệ Người, là hãy thực thi giới răn mới tức là yêu thương nhau như Người đã yêu thương họ.

Tình yêu kêu gọi tình yêu. Nhận lãnh để rồi cho đi. Cho đi để được nhận lãnh. Trách nhiệm là thế.

Có tình yêu Chúa trong mình và khi cảm nhận được những gì tình yêu Chúa đã làm cho mình, người ta sẽ dễ chia sẻ tình yêu của Chúa cho người khác. Lúc ấy, tình yêu Chúa hướng dẫn tình yêu của ta, tình yêu của ta thuộc trọn về tình yêu Chúa và pha trộn vào đó.

Như vậy, yêu là một tiếng gọi. Tiếng gọi của trách nhiệm trong tình yêu luôn cao cả. Yêu người như Chúa yêu ta. Chúa yêu ta đến nỗi đã tự hạ bước xuống bậc thang thấp hèn nhất là chịu khổ hình nhục nhã đớn đau trên thánh giá.. Khi ta yêu người, để tham gia vào chương trình Chúa cứu họ, ta cũng sẽ phải sẵn sàng bắt chước tình yêu Chúa đã dành cho ta.

Để kết, xin chia sẻ một lời nguyện cầu.

"Xin Chúa Giêsu cho con được ở trong trái tim Chúa. Một trái tim bị thương tích vì yêu thương cứu độ. Con tin được ở trong trái tim Chúa thì hơn ở giữa trăm ngàn thế giới phồn vinh.

Trong trái tim Chúa, con sám hối ăn năn.

Trong trái tim Chúa, con chia sẻ khổ đau của Chúa và của người khác.

Trong trái tim Chúa, con đón nhận trách nhiệm làm chứng cho tình yêu cứu độ của Chúa giàu lòng thương xót".


+ GM GB Bùi Tuần