ĐỨC NỮ TRUNG TÍN THẬT THÀ



THÁNG HOA KÍNH ĐỨC MẸ - 2009

Sống giữa một xã hội lấy mánh mung làm chỉ nam, lấy dối trá làm luật sống, có lẽ ai trong chúng ta cũng khao khát chân lý và sống thành thật. Mẹ Maria là mẫu mực của sự thành đạt. Chúng ta hãy ngắm nhìn Mẹ, Đấng được xưng tụng là “Đức Nữ trung tín thật thà”.

Lời chúc tụng của Giáo Hội trong kinh cầu Đức Bà rất phổ thông tại Việt Nam cũng như Thiên Chúa là sự thật, Đức Mẹ là Đấng trung tín và thật thà. Chúng ta là những người con của Chúa và Mẹ, chúng ta phải sống trong sự thật thà, ngay thẳng. Trong các tội, có vẻ như Chúa Giêsu ghét tội nói dối một cách riêng. Ngài xem nó như là một sản phẩm của ma quỉ. Ngài nói: “Có thì nói có, không thì nói không. Thêm thắc bịa đặt là do ma quỉ mà ra”.

Nhiều người nói dối theo một thói quen, nói dối mà không ý thức là mình nói dối và không thấy lòng ân hận vì cho rằng lời nói dối đó không có gì quan trọng, không làm thiệt hai đến ai, mà lại giúp ta tránh nhiều điều phiền phức. Có khi nói dối để vui lòng người khác, nhưng quên rằng: một lời nói dối, dù rất nhỏ mọn, cũng là nói dối. Chúa Giêsu đã nói với Magarita như thế, và đương nhiên chúng ta vẫn phạm tội nói dối. Thật ra khi cần thiết lắm, vì đức ái hay đức khôn ngoan đòi buộc, con người có thể giấu kín sự thật, bằng một cách nói nào đó. Nhưng giấu kín sự thật, không có nghĩa là bịa ra một câu chuyện ngược hẳn với sự thật, viện cớ là để khoả lấp một sự thật mình muốn giấu kín. Nhưng trong những trường hợp thông thường, chúng ta hãy tránh hết sức sự nói dối, vì một lời nói dối, dù nhỏ mọn đến mấy, cũng làm giảm vẻ đẹp của một tâm hồn đơn sơ thánh thiện.

Có thể sự thật nói lên gây cho bản thân một sự bất lợi, một lời chê trách nào đó, nhưng chúng ta nên suy nghĩ như thế này: Các sự bất lợi, sự chê trách mà có thể tôi phải lãnh chịu, thật sự nhỏ hơn, thật sự ít giá trị hơn vẻ đẹp của tâm hồn đơn sơ thánh thiện mà tôi muốn gìn giữ, khi nói lên sự thật. Vả chăng, vì Thiên Chúa bắt buộc tôi phải bảo vệ sự thật, nên tôi dám chấp nhận sự bất lợi vì muốn giữ trọn lời Ngài. Trên phương diện tu đức, Chúa nói với Magarita: “Ai ao ước nên trọn lành, phải thận trọng tránh sự nói dối, dù nhỏ mọn cách mấy”.

Điều này dễ hiểu, vì sự trọn lành là tình trạng của một tâm hồn không còn một chút bợn nhơ dù rất nhỏ mọn của tội lỗi.

Chúng ta ao ước được trở nên trọn lành như Cha chúng ta là Đấng trọn lành ở trên trời, thì chúng ta phải buộc mình không được nói dối dù một lời rất nhỏ mọn, bất cứ vì lý do gì. Nếu đôi khi chúng ta vì vô tình hay vì thiếu tự chủ, thiếu suy nghĩ mà thốt lên những lời thiếu thành thật, vì đây là một điều mà ngay cả những tâm hồn lành thánh đôi khi cũng vấp phải, thì lúc đó hãy xin Mẹ nhắc chúng ta nhớ lại lý tưởng nên trọn lành, để sau đó biết giữ gìn lời nói hơn bằng lời nguyện tắt này:

“Lạy Đức Nữ trung tín thật thà xin cầu cho chúng con.”

Người yêu chuộng chân lý là người luôn để chân lý của Chúa sáng ngời trong cuộc sống, trên gương mặt của mình. Chúng ta hãy chiêm ngắm những khuôn mặt đầy vui tươi phấn khởi của các vị thánh. Thánh nữ Bernadette, người con sủng ái của Mẹ Maria. Thánh Bernadette tức là cô bé được Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, là một thánh nữ có tâm hồn rất linh hoạt và hóm hỉnh. Suốt đời Bernadette ghi nhớ lời Đức Mẹ dạy khi hiện ra ở Lộ Đức: “Hãy ăn năn đền tội, hãy cầu nguyện cho kẻ có tội”. Bernadette đã dùng những hy sinh, hãm mình dù rất nhỏ mọn, thông thường để cầu xin ơn cải hối cho tội nhân. Trong khi đau yếu, phải uống thuốc càng đắng thì Bernadette càng vui vẻ và nói: “ Để đền tội cho một tội nhân kếch xù”. Người ta hỏi tên tội nhân kếch xù đó ở đâu, thì Bernadette trả lời: “Ồ điều đó thì đã có Đức Mẹ biết.” Qua gương thánh nữ Bernadette, chúng ta hãy xin Đức Mẹ cho chúng ta biết chịu hy sinh đau khổ cách phấn khởi, vui tươi. Sự vui tươi chứng tỏ chúng ta tuân phục thánh ý Chúa. Hãy tập cho sự vui tươi biểu lộ ra bên ngoài, trên nét mặt của mình, bởi vì linh hồn và thân xác hoà hợp, bổ túc cho nhau. Chính trong lúc đau khổ mà tâm hồn và trên nét mặt vẫn giữ được nét vui tươi, thì sự vui tươi đó giúp can đảm, chấp nhận khẳng khái hơn nỗi đau khổ bên trong. Đồng thời xin Mẹ giúp chúng ta biết dùng những cơ hội nhỏ bé, tầm thường trong cuộc sống, để hy sinh cầu nguyện. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu trong lúc phải làm việc khó nhọc thì ngài nói: “Tôi có thể chịu nhọc mệt vì Chúa”. Giacinta, em bé được nhìn thấy Đức Mẹ ở Fatima, trong lúc đang khát nước, em đã hy sinh không uống nước. Thánh nữ Bernadette cũng như nói chung các thánh, trong lúc ốm đau bệnh tật vẫn vui tươi, không hề rên rĩ nhăn nhó. Những lối hy sinh hãm mình nhỏ bé như thế, chúng ta gặp nhiều trong cuộc sống, hãy xin Mẹ giúp chúng ta biết dâng lên Chúa, để cầu nguyện cho kẻ có tội biết ăn năn trở lại.

Sống trong niềm vui ơn cứu rỗi, người có niềm tin cũng trở thành niềm vui cho kẻ khác. Chúng ta hãy suy niệm về cuộc gặp gỡ giữa Đức Mẹ và người chị họ Elidabét.

Khi Đức Mẹ đi thăm viếng người chị ho, thì Mẹ đã đem đến cho bà một niềm vui lớn lao, đến nỗi Elidabét phải kêu lên: “Tai tôi vừa nghe tiếng chào thì hài nhi trong bụng bèn nhảy lên vui mừng” và ngay lúc bấy giờ tâm tư Elidabét cũng nhảy lên hân hoan mừng rỡ.

Khi chúng ta đem niềm vui đến cho kẻ khác thì chính chúng ta cũng được vui mừng. Sự gặp gỡ của Mẹ đã làm cho kẻ khác được mừng vui. Xin Mẹ cho chúng ta cũng đem lại niềm vui cho những người chúng ta có dịp gặp gỡ tiếp xúc. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, người con thảo của Mẹ giúp chúng ta học tập tư tưởng của người trong vấn đề này. Thánh nữ đã nói với các chị em tâm tình của người trong các giờ chơi, trong các buổi trò chuyện như sau:“Chị em đừng chơi đùa với tư tưởng để mình được vui thoả, mà hãy ra chơi với tư tưởng làm vui thoả cho chị em khác”.

Trong chiều hướng tư tưởng đó của thánh nữ, chúng ta có thể tâm niệm rằng: khi ta chuyện trò, gặp gỡ, tiếp xúc với ai, ta phải có ý hướng trước tiên là tạo niềm vui cho kẻ khác, chứ không phải là dành lấy niềm vui trước tiên cho mình. Điều đó sẽ giúp chúng ta biết lắng nghe kẻ khác, chú ý đến vấn đề của họ hơn là bắt kẻ khác lắng nghe và chú ý đến vấn đề của mình. Chẳng hạn như mình đang kể cho người khác nghe một câu chuyện mà mình lấy làm thú vị lắm, nhưng lại bị người đó ngắt lời và nói sang một câu chuyện khác thì mình cũng sẵn sàng vui vẻ chấm dứt bắt sang câu chuyện của người đó.. Đó là một hành vi tuy đơn sơ nhưng lại là kết quả của một lòng đạo đức rất sâu xa. Nếu chúng ta đã thực hành được như thế, thì khi đã gặp gỡ chuyện trò xong, chúng ta sẽ cảm thấy lòng an vui thư thái, và sẽ cảm thấy chớm nở trong mình nguồn sinh lực mới, để thực hành và tiến tới hơn trên con đường trọn lành.