ĐỪNG... ĐI...

Diễn tả mầu nhiệm hiệp thông, có lẽ không hình ảnh nào mang giá trị biểu trưng sâu sắc hơn hình ảnh cây nho. Dẫn dụ thực tế để giảng giải mầu nhiệm Nước Trời là thói quen hữu dụng của Đức Giêsu. Palestine, đất nước nông nghiệp với nghề trồng trọt, chăn nuôi là chủ yếu, vậy nên nho là một trong những loại cây ăn trái gần gũi nhất đối với người Do Thái. Chẳng vậy Đức Giêsu đã hay dùng nó để trưng dẫn.

Đức Giêsu tự ví mình là cây nho “thật”. Nói đến nho thật ắt phải có nho “giả”. Cái thật, giả đây không phải thật giả bề ngoài, nhưng là thật giả tâm hồn, cái thật của đời sống thiêng liêng. “Nho thật” thì mang lại sự sống bất diệt, vĩnh cửu, “nho giả” không hứa hẹn cuộc sống viên mãn, trường tồn. Thật bao giờ cũng tốt, thật chả hơn giả sao, vậy mà mấy người thích thật? Người ta vẫn thích giả, thị hiếu chạy theo mốt “giả” đang được thời đại ưa chuộng, người giả còn có nữa là!

Hàng thật, hàng giả ngày nay trà trộn trên thị trường, khó phân biệt đâu giả, đâu thật. Đôi khi hoa giả còn đẹp hơn thật. Trái cây giả nom hấp dẫn hơn thật. Đức Giêsu ví mình là cây nho thật, nhằm củng cố niềm tin nơi các môn đệ. Đồng thời để diễn tả tình hiệp thông giữa Ngài với Hội Thánh. Ngài chính là sự sống thật, là thân thể, còn chúng ta là chi thể. Chúng ta cần phải gắn liền với thân thể Đức Kytô, như cành gắn kết với cây, hầu kín múc cội nguồn sự sống. Nếu ngày nào đó ngành lìa cây, thử hỏi sự sống còn nữa?!

Cái gì cũng vậy, ở đâu cũng vậy, thời nào cũng vậy, đoàn kết thì sống, chia rẽ là chết. Một cây chẳng bao giờ làm nên núi cao nhưng ba cây chụm lại, dời biển cũng đi. Đức Giêsu khẳng định sự hiệp thông sâu thẳm giữa thân thể Ngài với Hội Thánh. Ngài chính là nguồn sống thật mang lại sự sống vĩnh cửu cho nhân loại như hình cảnh cây nho thông chuyển sự sống đến các nhành nho. Và Chúa Cha chính là người trồng nho, Đấng yêu thương, tác thành vũ trụ.

Thật chẳng hình ảnh nào về tình yêu trao ban, gắn kết, đẹp và xúc tích hơn hình ảnh cây nho kết liên ngành nho. Cũng vậy, để thân nho có thể lớn lên và phát triển, chắc chắn người trồng nho cần phải cắt tỉa, chăm bón.

Có sự cắt tỉa nào lại không đau đớn, nhưng máu có chảy nhiều, cây mới càng sinh trái ngọt. Cần phải cắt tỉa cho cây đâm chồi, nảy lộc. Bằng không, chỉ tổ bổ cho sâu rỉa róc. Để cây đơm thêm hoa, kết thêm trái, chắc chắn phải có đau đớn, mất mát, chắc chắn phải có thương tích, gọt đẽo, tước lột... nhưng lại hứa hẹn mùa bội thu...

Cần phải ở lại trong tình thương của Thầy, cũng chính là cần phải kín múc nguồn mạch sự sống ở nơi Thầy, chứ không thể bất kỳ chốn nào khác. Thật thế, cành nho có thể kín múc từ đâu nguồn sống cho nó, nếu không phải từ sự sống thân nho thông chuyển.

Tự mình, cành nho không bao giờ có thể phát triển. Cũng vậy, không có Chúa, cuộc đời ta cũng nên vô vị, chán ngắt, buồn tẻ. Cần phải biết ở lại trong tình thương của Thiên Chúa. Ai năng kết hợp, năng gắn kết với Chúa, người ấy có nguồn sinh lực dồi dào. Nhược bằng không, như cành tách lìa khỏi thân nho, chắc chắn mang án chết.

Tại sao Đức Giêsu kêu mời ta, tại sao Ngài lại phải mời gọi chúng ta ở lại trong tình thương của Ngài? Câu trả lời chỉ dành để cho những ai biết sống yêu thương. Chỉ khi thực sự yêu nhau người ta mới biết khao khát sống gần nhau, sống bên nhau. Làm sao có thể sống nổi với người không thương, không mến? Cũng vậy, làm thế nào để có thể lìa xa người ta yêu, ta nhớ? Đặc tính tự do của tình yêu là vậy. Tình yêu rất tôn trọng tự do, cũng chính nhờ tự do mà tình yêu trở thành bất tử. Tình yêu còn ép buộc, không gọi là tình yêu. Chẳng ai có thể gượng ép tình yêu, chẳng ai có thể bắt nó thôi nhớ mà cũng chẳng ai có thể bắt nó đừng quên. Vậy nên, khi tình yêu đã cất cánh, đừng tiếc nuối, đừng trìu kéo, than vãn, nài nỉ. Hãy để nó đi, theo tiếng nó gọi!

Không còn lời mời nào trong tình yêu tha thiết, chân thành, giàu cảm xúc hơn lời mời ở lại. Mời ai đó ở lại nghĩa là không muốn họ đi xa. Mời ai đó đừng đi nghĩa là mong mỏi không bao giờ cách biệt. Mời ở lại là lời mời chân thật, lời mời cho đi chính mình. Ở lại là muốn nên một, ở lại là muốn kết thân, ở lại là muốn trao ban, ban đến tận cùng, cho đến cạn kiệt. Muốn ở lại là không bao giờ muốn chia cách. Trong lời mời ở lại không hề chứa mầm chia ly, tan vỡ.

Chẳng có gì đẹp hơn trong tình yêu ngoài sự kết thân, gắn bó. Trong tình yêu không còn có hai, chỉ có một. Tình yêu nào chia đôi nguyện ước, còn xa cách cõi lòng là tình yêu vị kỷ, nhát hèn. Biết kết hiệp mật thiết với tình yêu Đức Kytô, không sức mạnh trần thế nào có thể phá vỡ. Tình yêu Đức Kytô cho ta lớn lên, trưởng thành, trổ sinh bông hạt. Ngược lại, ai không sống gắn bó với Thiên Chúa, ai đi ngược đường lối và ý định Ngài, ắt sẽ bị diệt vong.

Người trồng nho bao giờ cũng khôn ngoan, không chỉ mong thân nho tươi tốt mà còn mong nó mau trổ sinh bông hạt trĩu. Người trồng nho bao dung, kiên nhẫn chăm bón, vun tưới đêm ngày để từng nhành lá lớn lên, khoe hương, khoe sắc. Rất mực yêu thương nhưng cũng rất mực nghiêm túc mà cắt tỉa, lột bỏ các nhánh lá sâu, lá xấu. Những khi đau đớn ấy, làm sao nhánh non kia biết được, chẳng phải Đấng không yêu thương mình, đang tâm loại bỏ...

Lạy Chúa, Chúa là cây nho, con là nhành, vậy mà bấy lâu giờ con chẳng mảy may biết. Thế nên, chả lạ sao cuộc sống con mỗi ngày mỗi xa lìa Chúa. Sống là nhờ vào dòng máu Chúa cứu chuộc, thở là nương tựa Thánh Linh Ngài mà con mấy đâu hay biết. Tùy thuộc vào Chúa để tồn tại, con lại vin vào sức riêng con. Quên căn nguyên nguồn cội, con đánh mất sự thật bản thân khi nào chẳng hay, để rồi cứ đăm đắm, miệt mài chờ trông thời gian trở lại. Càng sống tách lìa Chúa thế, con có còn biết đến Người tác tạo cuộc đời là ai, nói gì đến việc đáp trả Người đã chết để cho con sống. Quên người là chuyện tự nhiên, hết sức dễ dàng, nhân loại chả mấy tý đã vội khước từ nhau chẳng chút đắn đo còn gì. Nhưng quên bản thân, quên đi nguồn cội, quên đi thân thể mình là điều khó chấp nhận, chẳng dễ tin. Không hiểu nổi tại sao, con lại có thể quên Chúa, dám quên Người cho con tình yêu, cho con hơi thở và cả sự sống nữa kìa. Đau lòng chứng kiến bao cuộc chia ly tan vỡ, chùn chũi trong mớ tang thương ly biệt, con chỉ còn đau đáu nghe tiếng mình gọi chứ biết quan tâm gì đến tiếng ai thét gào. Mải trách người chối từ lời mình gọi, con quên cả việc cần trách bản thân phụ bạc tiếng Chúa kêu mời. Phải, ngày nào Chúa chẳng gọi, ngày nào Ngài chả thầm thĩ gọi mời con: Ở lại, ở lại bên Ngài, ở lại trong Ngài để được yêu thương, hạnh phúc. Không nghe được, thậm chí cố tình chẳng muốn nghe, con cắm đầu mải miết chạy, bỏ lại sau lưng tất cả. Có biết đâu trong tiếng gió ngàn trùng, giữa âm vực náo động của cõi không trung cao vút... Người vẫn lặng thinh đứng réo gào: ở lại... đừng... đi!


M. Hoàng Thị Thuỳ Trang, ICM.