NHÂN DANH CHA và CON và THÁNH THẦN
Mt 28:16-20
===========================
Toàn thể Giáo Hội Công Giáo hôm nay, hân hoan mừng kính Lễ Chúa Ba Ngôi.
Nói đến Ba Ngôi Thiên Chúa, tôi nhớ lại một kỷ niệm thời ấu thơ: trên các vách tường, gia đình tôi thường treo nhiều tranh ảnh đạo đức khắp nhà. Một trong những bức tranh tạo sự chú ý đáng kể nhất là bức ảnh Thánh Gia: trong đó Chúa Giêsu trẻ trung mặc áo choàng trắng từ đầu đến chân, Thánh Giuse và Đức Mẹ đứng hai bên; ngự trên cao có một cụ già râu tóc bạc phơ đang dang hai bàn tay toả lan phúc lành (như hình ảnh Chúa Cha), bên cạnh Ngài có con chim bồ câu (hình ảnh Chúa Thánh Thần) với luồng sáng tỏ rạng chiếu xuống đỉnh đầu con trẻ Giêsu.
Hình ảnh ấy ăn sâu vào tiềm thức, giúp tôi có khái niệm lâu dài về Thiên Chúa Ba Ngôi.
Chúa Cha tạo dựng vũ hoàn, Chúa Con cứu nhân độ thế, Chúa Thánh Thần: Đấng trợ lực thánh hoá trần gian. Ba Ngôi hiệp nhất trong một bản thể, cùng hoạt động trong một tình yêu thương.
A. Nhận thức về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi:
1. Giáo Hội xưa nay vẫn tuyên xưng “chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, mà Ngài có ba ngôi: ngôi thứ nhất là Cha, ngôi thứ hai là Con và ngôi thứ ba là Thánh Thần. Ba Ngôi chung một bản tính Thiên Chúa, cùng một uy quyền như nhau”. Đó là một mầu nhiệm đức tin.
Mầu Nhiệm là những điều huyền bí, cao siêu mà trí khôn con người khó hiểu thấu được hết.
Trong Giáo Hội, có nhiều mầu nhiệm khác nhau đã được tuyên tín.
+ Những mầu nhiệm về Chúa Giêsu, như: Nhập Thể, Cứu Chuộc, Phục Sinh, Thăng Thiên,
Thánh Thể, Quang Lâm…
+ Những mầu nhiệm về Đức Mẹ, như: Đồng Trinh, Vô Nhiễm, Thánh Mẫu, Mông Triệu…
+ Mầu nhiệm về Hội Thánh, như: Các Thánh thông công…
Trên tất cả các mầu nhiệm ấy, mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chiếm vai trò quan trọng. Đó là một trong ba mầu nhiệm chính của Đạo: Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu nhập thể, Chúa Giêsu cứu chuộc.
2. Thời Cựu Ước, dân Do Thái chỉ biết có một Thiên Chúa độc nhất hiện hữu và ban ơn cứu độ ( Xh 20:3 / Đnl 6:4-5). Đến thời Tân Ước, khi xuống thế làm người, Chúa Giêsu đã mạc khải cho các tông đồ biết về một Thiên Chúa có Ba Ngôi.
+ Ngài nói với họ về Ba Ngôi Thiên Chúa ( Ga 14:16 / Ga 14:23 / Ga 14:26 / Mt 28:19 )…
+ Biến cố đời truyền giáo công khai của Ngài giúp họ có ý niệm về Ba Ngôi Thiên Chúa:
*Chúa chịu phép rửa ở sông Giođan (Mc 1:9-11): tiếng phán từ trời của Chúa Cha và
Thần Khí Chúa xuất hiện như chim bồ câu…
* Chúa hiển dung trên núi Tabor (Mt 17:1-9): lời xác quyết của Chúa Cha và Thần Khí
Chúa ẩn hiện như đám mây sáng ngời…
Xuyên qua những sự kiện ấy, Ngài tỏ cho tông đồ thấy: có ba ngôi riêng biệt ( Cha, Con, Thánh Thần ) với ba nhiệm vụ rõ rệt ( Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc, Chúa Thánh Thần thánh hoá ). Ba Ngôi cùng là một Thiên Chúa bằng nhau mọi đàng.
3. Chúa Giêsu chỉ nói cho các tông đồ biết về Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng Ngài không giải thích mầu nhiệm cao siêu ấy, vì “có nhiều điều mà chúng con không thể lĩnh hội được ngay lúc này. Chính Thánh Thần sẽ đến và dẫn đưa chúng con vào sự thật toàn vẹn” (Ga 16:12-13).
Và như thế, mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi thật khó hiểu, con người không thể nhận thức đủ, bởi lẽ:
+ Thiên Chúa là Đấng vô cùng vô hạn, trong khi trí khôn con người lại hữu hạn.
+ Thiên Chúa quá siêu phàm, trí khôn con người dù thông minh khám phá nhiều thành
tựu kỹ thuật hiện đại, nhưng không thể nào hiểu thấu đáo trọn vẹn về Thiên Chúa được.
Thực tế, có nhiều dữ kiện xảy ra ở thế trần, mà trí óc con người vẫn chưa thẩm định hết, khó trả lời thoả đáng ( Thí dụ: dấu vết xuất hiện người ngoài hành tinh, hiện tượng dĩa bay, thám hiểm thái dương hệ, phương thuốc chữa trị bệnh AIDS…). Trong khi đó, mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là vấn đề thuộc nội tại Thiên Chúa, chỉ có Ngài mạc khải: con người mới biết được.
B. Một vài hình ảnh giúp nhận thức mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi:
Chỉ có Ba Ngôi trong một Chúa, liên kết hiệp nhất với nhau, không tách biệt: một là ba, ba trong một. Khá nhiều hình ảnh đã được đưa ra nhằm giúp con người có thể hiểu được phần nào về Chúa Ba Ngôi, chẳng hạn như:
+ Một hợp âm, với ba nốt nhạc hoà điệu với nhau ( Do-Mi-Sol hay Re-Fa-La )…
+ Một nhánh cây với ba lá nhỏ dính chặt trên cùng một nhánh.
+ Một cây thực vật với 3 phần liên kết: gốc rễ, thân cây, cành lá.
+ Một loài động vật ( chó, mèo…) với 3 phần thân thể gắn bó: đầu, mình và tứ chi…
+ Một con người, được dựng nên giống hình ảnh Chúa, có 3 phần tinh túy liên đới rõ
rệt: thân xác, linh hồn, tinh thần…
+ Một khoảng thời gian dài, với 3 giai đoạn liên kết: quá khứ, hiện tại, tương lai.
+ Một tam giác đều với 3 cạnh bằng nhau.
+ Một vô tuyến truyền hình với 3 chức năng: DVD disk, video tape, tivi..
+ Một giáo phận với 3 thành phần dân Chúa: Giám Mục, linh mục, giáo dân.
+ Một gia đình với 3 tương quan chặt chẽ: chồng, vợ, con cái.
Ngoài ra, rất có thể còn nhiều thí dụ tương tự như thế. Song le, chúng chỉ là những hình ảnh loại suy phần nào để hiểu về mầu nhiệm cao sâu này. Đôi khi, những so sánh tương quan ấy có tính cách vụng về vá víu, vì như trên đã nói: chỉ có Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể là Đấng ở trong Thiên Chúa tỏ bày cho ta biết, ta mới nhận thức mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi với lòng tin.
C. Sống đức tin vào mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi:
Thánh Phaolô đã nói: “Dù ăn, dù uống, dù làm việc gì, anh em hãy làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa”. Biểu lộ niềm tin về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là cách sống đạo thiết thực của người kitô hữu. Thật vậy,đời sống đạo xưa nay của ta luôn được tưới gội biết bao ơn lành của Ba Ngôi Thiên Chúa.
1. Trong các bí tích, đặc biệt Bí tích Rửa Tội và Bí tích Giao Hoà.
+ Bí tích Rửa Tội: thừa tác viên vừa đọc vừa đổ nước trên đầu thụ nhân “Ta rửa con,
nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
+ Bí tích Giao Hoà: lời xá giải của linh mục nói với tội nhân “Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót đã giao hoà với nhân loại qua cái chết và sự sống lại của Con Ngài, lại đã sai Chúa Thánh Thần xuống để ban ơn xá giải tội lỗi cho chúng ta. Nhờ tác vụ của Giáo Hội, xin Chúa ban …”
2. Trong các lời kinh nguyện hàng ngày của Giáo Hội.
+ kinh Sáng Danh: “Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa
Thánh Thần….”
+ kinh Tin Kính: “ Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng…Tôi tin kính
Đức Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha… Tôi tin kính Đức
Chúa Thánh Thần…”
+ kinh Thần Vụ: “Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh
Thần Thiên Chúa…”
3. Trong thánh lễ Misa mà Giáo Hội dâng lên Chúa từng giờ từng phút.
+ Kinh Vinh Danh: chúc tụng Ba Ngôi Thiên Chúa.
+ Kinh Tin Kính: tuyên xưng mạnh mẽ vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu Kitô, vào
Chúa Thánh Thần.
4. Trong đời sống đạo cá nhân của mỗi kitô hữu.
+ Khởi đầu giờ học hỏi Giáo Lý, giờ họp nhóm đoàn thể, giờ sinh hoạt Cộng Đoàn:
bao giờ cũng khai mạc bằng việc đọc / hát “Cầu xin Chúa Thánh Thần”.và kết thúc
các buổi sinh hoạt ấy, luôn luôn đọc kinh “Sáng Danh”, tạ ơn Chúa muôn đời.
+ Đặc biệt, kitô hữu thường xuyên làm Dấu Thánh Giá tuyên xưng mầu nhiệm Chúa
Ba Ngôi trong mọi nơi mọi lúc:
* khi thức dậy dâng ngày mới và trước lúc nghỉ đêm phó mình cho Chúa.
* xin Chúa chúc lành trên của ăn mình sắp dùng đến.
* không quên làm dấu thánh giá xin Chúa gìn giữ an toàn khi lái xe.
* lúc cầu nguyện riêng tư, khi đọc kinh chung cộng đoàn, làm dấu khởi đầu
thánh lễ Misa…
* trước một việc khó khăn nan giải, làm dấu nhớ Chúa xin Ngài soi sáng
hướng dẫn …
Người kitô hữu tuyên xưng làm dấu thánh giá từ từ khoan thai với niềm xác tín thực
sự, không nặng phần trình diễn: làm máy móc, hành động theo thói quen.
Nhìn chung, dòng ân sủng siêu nhiên Chúa Ba Ngôi đều tuôn chảy vào sinh hoạt sống đạo cá nhân cũng như đời sống phụng tự chung của Giáo Hội. Thật thánh thiện xiết bao!
D. Lời Nguyện kết thúc:
Lạy Thiên Chúa là Cha, là Con, là Thánh Thần,
Xin giúp con tin tưởng Chúa hết lòng, cậy trông vào Chúa hết tâm tình,
yêu mến và tuyên xưng Danh Chúa bằng cả cuộc đời
Sống Thánh Giữa Thế Trần hôm nay và mãi mãi. Amen.
Rev. Dominic Dieu Tran, SDD