-
Moderator
B - Bài giảng Đêm Canh Thức vọng Phục Sinh
Bài giảng Đêm Canh Thức vọng Phục Sinh
Anh chị em thân mến,
Chúng ta vừa được chứng kiến một buổi canh thức đầy ánh sáng huy hoàng và phấn khởi dâng lên tràn ngập tấm lòng vui mừng của chúng ta. Những lễ nghi hoành tráng đó tự nó đã nói lên những điều tốt đẹp của đức tin sống động của những người Kitô tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu.
Hơn nữa, đêm nay chúng ta lại được chứng kiến một số anh chị em tân tòng bước vào giếng rửa tội, được trở nên những con người sống lại từ mồ chôn tội lỗi, tích cực hơn là được làm con cái Thiên Chúa và trở nên con cái của Giáo Hội, mở ra một con đường cứu rỗi cho chính mình và cho anh em, bằng cách có khả năng lĩnh thụ các Bí tích là suối nguồn ơn phúc trong Giáo Hội. Tôi vui mừng chúc tụng Thiên Chúa và chúc mừng những tân tòng trong nhà thờ hôm nay.
Chúng ta cũng cử hành đêm canh thức vọng Phục Sinh đêm nay, chúng ta chú trọng đến một nhân vật liên hệ rất nhiều đến biến cố Chúa sống lại, đó là một phụ nữ có tên là Maria thuộc thành Mađala. Chúng ta sẽ tìm hiểu về người phụ nữ này được Chúa sai đi loan Tin Mừng sống lại cho mọi người. Trong Phúc Âm có đề cập đến 3 người phụ nữ tên là Maria (không kể Đức Mẹ):
1 - Người phụ nữ tội lỗi đã xức dầu thơm cho Chúa Giêsu (x. Lc 7,37-48). Qua đó, chúng ta lãnh nhận được lời hằng sống: “Tôi bảo thật ông, tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha, bàng cớ là chị đã yêu mến nhiều”. Điều đó nói lên lòng nhân hậu vô song của Chúa Giêsu đối với loài người tội lỗi chúng ta;
2 – Bà Maria, em của Matha, thuộc gia đình thân tín của Chúa Giêsu tại Bêtania. Người đã quỳ dưới chân Chúa Giêsu để lắng nghe Chúa là Lời hằng sống dạy bảo, và đã nói ra lời bất hủ này: “Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất”. Bà cũng là chị của ông Lazarô mà Chúa đã cho sống lại từ cõi chết sau khi được mai táng trong mồ, người đã từng thưa với Chúa rằng: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con đã không chết…” (Ga 11,32). Chính bà cũng đã xức dầu cho Chúa Giêsu ở nhà Bêtania và loan báo Chúa sẽ được mai táng trong mồ;
3 – Sau cùng, bà Maria thuộc thành Mađala mà thánh Luca nói đến, bà được Chúa chữa khỏi bảy quỷ. Bà thuộc nhóm các phụ nữ thường đi theo và hầu hạ Chúa (x.Lc 8,1). Các bà này đã lấy của cải của mình mà giúp đỡ Chúa Giêsu và các môn đệ (Lc 8,1-3). Chính bà Maria này là một trong những người đầu tiên đến ngôi mộ trống. Trước đó, bà đã đứng dưới chân thập giá và dự cuộc mai táng Chúa. Chính bà là người đầu tiên được hân hạnh thấy Chúa sống lại và được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng cho các tông đồ và mọi người.
Vậy, chúng ta thấy gì nơi bà Maria diễm phúc này để cho chúng ta noi gương bắt chước, sống một cuộc đón nhận Tin Mừng sống lại và thông truyền Tin Mừng đó cho anh chị em?
A – Hãy ca ngợi lòng thương yêu nhân hậu của Chúa đã hoán cải phụ nữ bị bảy quỷ ám, tức là đã đặt mình vào vòng nô lệ của tội lỗi giống như rất nhiều người trong chúng ta. Thế nhưng Chúa cũng đã dùng sức mạnh của tình thương mà cải đổi bà trở nên một môn đệ hàngđi theo Chúa Giêsu cùng với các tông đồ khác. Tin và chấp nhận giáo lý của Ngài là phải đi theo Ngài, chung chia cuộc sống của Đấng nhập thể cứu độ, chấp nhận những khó khăn phức tạp trong việc truyền giáo của Chúa. Maria là gương mẫu của những ai, nhất là các người phụ nữ tin theo Chúa.
B – Tin theo Chúa như Maria đi tới sự tận cùng có thể được của con người phó thác tin yêu, sẵn sàng lên tận núi Canvariô đứng dưới chân thập giá để thông công cùng sự thương khó của Chúa. Chắc bà Maria đã cùng với Mẹ Maria như lời Kinh Thánh đã nói: “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu trái tim bà”. Bà đã trung kiên đứng dưới chân thập giá và chứng kiến cuộc mai táng Chúa Giêsu trong mồ. Chắc trong nước mắt tuôn chảy có nước mắt của Đức Mẹ Maria và bà Maria Mađala. Ôi hạnh phúc chừng nào được đóng góp phần đau khổ của mình công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu như Đức Mẹ và bà Maria !
C – Sau khi Chúa Giêsu chịu chết và được mai táng trong mồ, bà Maria là tượng trưng của tình yêu thương, luôn canh cánh trong lòng hình ảnh của Đấng mà mình yêu mến như chúng ta thường thấy trên trường đời mỗi lần những người yêu thương của chúng ta quá cố. Song hình ảnh này phải được nhân lên gấp bội, vì Chúa Giêsu chính là đối tượng, không gì có thể sánh ví được cho chính bà Maria và mọi người chúng ta. Một dấu chỉ chắc suốt đêm bà không ngủ được, và sáng sớm tinh mơ bà đã thức dậy để đi đến nơi an táng Đức Giêsu. Vừa đi vừa khóc lóc, vừa tìm kiếm hỏi han, mọi sự đượ hướng dẫn bởi lòng yêu mến.
D – Chính những nét tốt đẹp kể trên mà Chúa Giêsu đã thưởng công bội hậu cho bà, đã hiện đến với bà đầu tiên và gọi tên bà cách yêu dấu, làm cho bà mở tròn con mắt nhận ra thánh nhan của Chúa xuất hiện và quỳ xuống thờ lạy. Đàng khác, Chúa còn trao cho bà một sứ mệnh vô cùng cao quý là trở thành vị tông đồ đầu tiên đi loan báo Tin Mừng sống lại, ngay cho cả các tông đồ (x.Ga 20,17.18).
E – Qua những suy nghĩ trên, chúng ta thấy rõ Chúa Giêsu đề cao vai trò của người phụ nữ trong Giáo Hội, từ lúc trước cho đến ngày nay. Trong thời kỳ vai trò và phẩm giá của người phụ nữ bị khinh bỉ và coi nhẹ, không được kể đến như chính trong Phúc Âm đã phản ánh. Trong phép lạ nhân bánh ra nhiều chỉ nói đến năm ngàn người, không kể đàn bà và con trẻ. Hoặc trong thời đại ngày nay, người phụ nữ cũng bị coi rẻ, buôn bán như những món hàng bị lợi dụng cho thú vui của con người, và khi cần thì bị phá đi chính những thành quả trong chính cung lòng của người mẹ. Người phụ nữ không phải chỉ là Đức Mẹ sinh ra Chúa Giêsu, là một công trình vĩ đại không một tạo vật nào đã được lãnh nhận. Và cũng người phụ nữ này duy nhất đang cùng với Chúa Giêsu đang ngự trị trên thiên đàng. Người phụ nữ Chúa cũng có thể cải hoá để trở nên tông đồ của Chúa, đi theo Chúa, cộng tác vào công ơn cứu độ bằng cách hy sinh cho đến tận cùng, dâng mọi đau khổ vui mừng, của cải tinh thần vật chất để phục vụ Chúa và Giáo Hội. Trong lịch sử, có biết bao nhân vật phụ nữ đã hy sinh đã được đề cao như gương sáng. Ví dụ, các bà thánh Anna, Isave, Catharina, Teresa, Benadetha, gần đây nhất là thánh nữ Teresa Calcuta và thánh Irene Lê Thị Thành trong lịch sử Việt Nam đã chịu tử đạo…
Mẫu gương về vấn đề này ngày nay được tràn ngập trong Giáo Hội khắp mọi nơi, trong đạo ngoài đời, trong tu viện cũng như các gia đình. Biết bao các tấm gương sáng chói của các chị em phụ nữ đáng cho chúng ta noi gương bắt chước, nhất là hãy nhìn xem gương mẫu của bà Maria Mađala trong Tin Mừng, trong công việc sáng chói nhất, hạnh phúc nhất, vinh dự nhất là trở nên nhân chứng của Chúa Giêsu Phục sinh, luôn luôn quy hướng cuộc đời mình sống trong Chúa, kết hiệp với Chúa mọi nơi và mọi lúc, rồi lãnh nhận sứ mệnh cao cả là đem Tin Mừng Phục sinh đến cho mọi người trong gia đình, trong Giáo Hội, trong xã hội và khắp thế giới.
Xin Chúa Giêsu sống lại ban cho chúng ta, không kể người nam hay nữ những hồng ân cao cả mà Ngài đã ban cho bà Maria: ơn cải đổi để làm con cái Chúa, dù tội lỗi đến đâu, quyết tâm đi theo Chúa như lời Chúa dạy: “hãy từ bỏ mình, vác thập giá hàng ngày mà theo Chúa”. Sẵn sàng cộng tác vào công ơn cứu độ, mặc dù có phải đứng dưới chân thánh giá trong cuộc khổ nạn, hy vọng được sống lại với Chúa, nhất là được trở nên chứng nhân của Chúa và đem Tin Mừng Phục sinh loan báo cho mọi người, mọi nơi, mọi lúc và cho đến muôn đời. Amen.
+ GM F.X. Nguyễn Văn Sang
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules