Chúa nhật 31 TN C
ÁNH MẮT THA THỨ - ÁNH MẮT TÌNH YÊU !
Kn 11, 22-12,2; 2 Tx 1, 4-2,2; Lc 19, 1-10
Bước vào cõi trần, bước vào cái thân phận làm người không ai có thể tránh được lỗi lầm. Khi lỗi phạm, người phạm lỗi mong nhận được sự tha thứ. Làm sao để con người có thể khám phá ra ơn tha thứ ? Trong đời thường và đặc biệt trong Thánh Kinh, ơn tha thứ thường ngược lại với lối nghĩ của nhiều người. Ơn tha thứ không chỉ nhìn sự tha thứ nhưng nhìn đó như là ân huệ, như là một ơn vì đã được thứ tha.
Dừng lại một chút để nhìn lại hành trình trong sa mạc của dân Do Thái. Trong cái hành trình ấy, thật sự có những gian lao khốn khó. Những gian lao khốn khó có đó Thiên Chúa dùng như biến luyện, như thử thách lòng tin, sự kiên nhẫn của con người. Thiên Chúa, dù sao đi chăng nữa vẫn yêu thương, vẫn ở cạnh bên con người nhưng con người không nhận ra để rồi càm ràm kêu trách Chúa. Đứng trước tình cảnh ấy, đứng trước cái tình cảm dường như là bạc bẽo, là bội phản của con người thì Thiên Chúa vẫn thương. Bằng chứng tình thương ấy hôm nay sách Khôn ngoan đã trình bày :
Trước Thánh Nhan, toàn thể vũ trụ
ví tựa hạt cát trên bàn cân, tựa giọt sương mai rơi trên mặt đất.
Nhưng Chúa xót thương hết mọi người,
vì Chúa làm được hết mọi sự.
Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người,
để họ còn ăn năn hối cải.
Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu,
không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra,
vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên.
Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi ?
Nếu như Ngài không cho hiện hữu,
làm sao nó có thể được duy trì ?
Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống,
Chúa xử khoan dung với mọi loài,
vì mọi loài đều là của Chúa.
Quả vậy, lạy Đức Chúa, sinh khí bất diệt của Ngài
ở trong muôn loài muôn vật.
Vì thế, những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ.
Chúa cảnh cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì,
để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa.
Vẫn còn đó, vẫn có đó những tai ương, những sự dữ nhưng là để cảnh cáo cho con người để họ bỏ điều ác, bỏ con đường xấu mà quay về cùng Chúa mà thôi. Bằng chứng hết sức thực tế ta thấy có bao giờ Thiên Chúa ngoảnh mặt làm ngơ với con người dù con người có bội phản. Đặc biệt, Thiên Chúa lại yêu một cách lạ lùng đối với những con người tội lỗi biết ăn năn hối cải. Những người hối cải sẽ nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Khi ta nhận được ơn tha thứ, ta sẽ cảm thấy hạnh phúc là dường nào khi nghĩ về ơn tha thứ mà mình nhận được. Hôm nay, Thánh Luca vẽ lại một hình ảnh đẹp của người thụ ơn đó là Giakêu.
Giakêu, một người với cái tên có nghĩa là "người thuần khiết" thì quả là nghịch thường. Giakêu là người tội lỗi công khai vì lẽ tất cả cuộc sống xem ra phải đưa đẩy ông đến chỗ xa rời Nước trời. Ông làm nghề thu thuế, một nghề đáng khinh bỉ của những người "publicanô", những tên thu thuế làm lợi cho đế quốc Rôma. Phải gọi ông là "đầu sỏ" publicanô mới đúng. Giakêu lại giàu có nữa. Câu chuyện kể lại trước đây về cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và "người thanh niên giàu có” (18, 18-30) càng làm sáng tỏ hơn sự giàu có có thể là trở ngại cho lời mời gọi của Tin Mừng.
Trước tiên, đám đông cản trở ước muốn của Giakêu; ông muốn "xem cho biết Chúa Giêsu là ai", nhưng khổ nỗi dân chúng thì đông, mà "ông ta lại lùn ".
Đám đông còn gây cản trở cho thái độ Chúa đã chọn đối với Giakêu. Họ giống như các người biệt phái và kinh sư vốn bất bình trước thái độ Chúa niềm nở tiếp đón và cùng ngồi ăn uống với những kẻ tội lỗi (Lc l5), và cũng giống như các Kitô hữu ở Giêrusalem sau này, đã tỏ thái độ bực bội trước cách xử sự của Phêrô khi vào nhà viên đại đội trưởng Rôma ở Xêdarê (Cv 10 và 11) họ nổi loạn, họ gầm lên : " Thấy vậy mọi người xầm xì với nhau: Nhà một người tội lỗi, mà ông ấy cũng vào trọ" (19,7).
Giakêu, con người đã mất thanh danh, bị người đời coi rẻ, bởi cái nghề nghiệp đã xếp ông vào hạng "người tội lỗi" lại được nghe gọi tên mình: "Giakêu", lại được Chúa Giêsu công khai nhìn nhận mình là "con cháu tổ phụ Apraham".
Chính ông vì muốn tìm cách để "xem" cho biết "Đức Giêsu" ấy là ai khi Người đi ngang qua thành, thì giờ đây lại đứng ra thưa với "Chúa" về quyết định làm lại cuộc đời của mình, đồng thời chính ông cũng được nghe từ miệng " Con Người" nói cho ông biết rằng "ơn cứu độ đã đến cho nhà ông".
Đó là một anh chàng đã "quên" lớn lên, nên đành phải miễn cưỡng chấp nhận vóc dáng nhỏ thó của mình.
Vậy mà chàng ta cũng đã leo lên được nấc thang xã hội, đã đạt được vị trí ước mong, đã thu tích được một gia tài. Chàng có được gia tài này, một phần là nhờ trí tuệ, sự miệt mài làm việc; một phần cũng là nhờ bòn mót và kiếm chác của người khác. Bởi lẽ chàng là người thu thuế. Chàng cũng đã không coi rẻ việc phải cộng tác nào đó với quân chiếm đóng, một phần vì không thể làm khác, một phần cũng vì "nồi cơm" của chàng.
Và rồi chàng đã được ngồi ở một địa vị cao trong xã hội, đang khi chính chàng lại chỉ là con người nhỏ thó. Có địa vị không thiếu gì, luôn được thoả mãn, giàu có... Mấy ai được như chàng.
Cùng lúc đó, từ một góc bé nhỏ của bản thân, chàng cảm thấy có một cái gì đó làm chàng không hài lòng mấy. Chàng thấy thiếu một cái gì đó mà không biết xác định rõ là cái gì. Thế rồi, ngày hôm đó, trong thành phố của chàng có một vị ngôn sứ của Thiên Chúa đi qua.
Phố xá đầy người và chàng viên chức cao cấp lại trà trộn với đám lệ dân kia để nhìn cho bằng được cái khuôn mặt Giêsu. Hơn nữa chàng còn phải len lỏi lên được hàng đầu mới có cơ may trông thấy được vị ngôn sứ. Với một cây sung lớn, thật là một đài quan sát tuyệt vời. Từ đó, chàng có thể nhìn thấy hết, mà không có nguy cơ bị người ta nhìn thấy mình.
Thế nhưng tình cảnh đổi khác, sự thể lại hoàn toàn trái ngược: vị ngôn sứ của Thiên Chúa trông thấy chàng. Ngài chú ý đến chàng, như thể trước đây vẫn đang tìm chàng. Quan sát từ trên cây cao, chàng nghĩ là có thể hay biết hết, mà chẳng phải liên luỵ gì ! Nhưng không! Sự thể lại hoàn toàn trái ngược: Thiên Chúa bắt chàng phải liên lụy với đám đông. Thiên Chúa hỏi han chàng giữa đám dân phố của chàng. Tự Ngài ra dấu bảo chàng xuống khỏi cây... Rồi ngỏ ý muốn được mời đến nhà chàng. Thế. là chàng buộc lòng phải quyết định!
Đừng ở trên đó mà nhìn như khách bàng quan nữa? Xuống mau lên! Nhập bọn với dân phố và chỉ cho họ biết bạn thấy Chúa thế nào, phản ứng ra sao khi nghe lời Người và bạn sống làm sao để chứng tỏ Chúa đã đi vào đời bạn.
Ngày hôm đó, một anh chàng nhiều tiền lắm của phần nào do kiếm ăn bất chính và tự mãn, với địa vị là chủ nhà đón tiếp Chúa Giêsu. Nhà của anh ta trở thành nhà của Thiên Chúa.
Anh ta đã hiểu ra rồi. Anh cho đi của cải, cho đi bản thân mình. Đó chính là ơn cứu độ cho cả nhà anh, và tên của anh lưu danh hậu thế: Giakêu ! ".
Điều gì đã xảy ra giữa Chúa Giêsu với ông ? Xét cho cùng, ông nhỏ bé, ông chẳng là gì cả nhưng chỉ với ánh mắt của Chúa Giêsu khi Ngài đi ngang qua. Chỉ với một tia nhìn hướng về phía anh chàng lùn ấy đang núp trên cây sung thôi. Và rồi thật lạ, Chúa Giêsu tự đóng vai người khách không mời, đến nhà Giakêu dùng bữa, mặc dầu ông chưa lên tiếng mời. Giakêu đã quay trở lại với Chúa Giêsu. Cuộc sống ngày mai hẳn sẽ khác với nếp sống hôm nay lắm. Tưởng chừng như nghe dư âm của lời Chúa trong sách Êzêkien: "Ta không muốn kẻ gian phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối là được sống " (Ez 18,23 ).
Những cảnh tha thứ thuộc loại này không phải chỉ trong Tin Mừng mới có nhưng trong đời thường ta cũng nhìn thấy được ơn tha thứ. Trong bối cảnh gia đình, ta gặp được rất nhiều hình ảnh của ơn tha thứ. Thường khi xảy ra những "lỗi lầm" có lẽ không quá nghiêm trọng, chúng ta thảy đều đã sống kinh nghiệm của sự tha thứ. Các bậc làm cha mẹ khi biết tha thứ cho nhau, đều tìm lại được đà tiến sau khi đổ vỡ. Đôi khi chỉ cần một ánh mắt thôi, mà đứa trẻ cũng dần dần học được sự tha thứ. Lời Chúa cũng tỏ cho ta biết, trong nếp sống ngày qua ngày của ta, điều gì làm cho ta nên cao thượng.
Tha thứ không phải là chuyện đơn giản. Phải yêu thương mới có thể tha thứ được. Tha thứ chính là làm hồi sinh lại tình yêu nếu đang lụi tàn. Tha thứ chính là mở ra tương lai, là đặt lòng tin tưởng của mình nơi tha nhân, là tin vào ánh sáng cùng với sự rủi ro đi kèm. Hơn một lần sẽ có thể bị nhạo báng, hiểu lầm. Tin người vẫn luôn luôn là một rủi ro phần nhiều sự tha thứ không chỉ là liên hệ giữa hai người mà thôi, mà còn có cả người thứ ba nữa. Trong Tin Mừng Luca (7, 36-50), ngoài Chúa Giêsu và người phụ nữ ngoại tình, còn có cả ông Simon tiêu biểu cho dư luận quần chúng. Dư luận này thích đóng vai quan toà, không ủng hộ cho việc tha thứ. Dẫu sao con người chỉ cảm thấy mình được tha thứ thực sự, sau khi đã được người chung quanh yêu mến và tin tưởng.
Với mỗi người chúng ta, tha thứ là hành trình lâu dài khám phá tha nhân. Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu, là nguồn mạch ơn tha thứ. Người đã tha thứ cho ta trước khi ta cầu xin Người: vì Người yêu ta và biết rõ ta; vì người yêu ta và tin tưởng ta. Giữa chúng ta với nhau, sự tha thứ luôn luôn là hỗ tương; một ngày nào đó, ta sẽ phải xin lỗi người ta tha thứ hôm nay. Đối với Thiên Chúa thì khác. Chính Người là nguồn ơn tha thứ và khi ta muốn cầu nguyện thì không phải nói: "xin tha thứ cho chúng con, như chúng con cũng tha thứ" mà tốt hơn nên cầu nguyện rằng: "Xin cho chúng con biết tha thứ, như Chúa hằng thứ tha ".
Anmai, CSsR