ĐỒNG TIỀN ĐỰC CÁI

Có ông thần giữ của sinh một con trai, nó lớn rồi mà cũng không cho nó ra khỏi cửa một bước, bởi vì sợ nó ra khỏi cửa thì tự ý tiêu xài hoang phí. Do đó, mặc dù con trai đã gần hai mươi tuổi rồi mà cũng không biết thế giới là gì, nhưng nó lại thừa kế cá tính bủn xỉn của ông bố.

Một hôm, con mèo trong nhà đẻ được mấy con mèo con, nó nhìn thấy thì rất kinh ngạc bèn hỏi người ta: “Con mèo làm thế nào đẻ được mèo con ?”

Mọi người cười ha ha trả lời: “Đó là con mèo cái phối hợp mèo đực, thì đương nhiên là đẻ ra mèo con chứ ?”

Nó trầm tư rất lâu rồi cầm đồng tiến đi hỏi bố nó: “Cái này không biết là đực hay là cái ?”

Bố nó trả lời: “Đồng tiền thì làm gì có đực cái !”

Con trai thở dài nói: “Thật đáng tiếc, nếu đồng tiền cũng có đực cái, nhất nhất giao phối, thì không biết nó có thể đẻ ra được bao nhiêu đồng tiền con !”

(Yết hậu ngữ)

Suy tư:
Đồng tiền thì có hai mặt, dù có tưởng tượng chăng nữa, thì cũng không ai tưởng tượng ra đồng tiền có đực có cái để đẻ thêm nhiều đồng tiền con khác, chỉ có những người quanh năm suốt tháng ở nhà giữ tiền, và bủn xỉn tham lam mới tưởng tượng ra như thế mà thôi.

Người bủn xỉn keo kiết thì luôn là tham lam, cuộc sống của họ cũng luôn có hai mặt: mặt đực và mặt cái. Mặt đực thì bên ngoài miệng nói ngon nói ngọt dẻo hơn cả kẹo dẻo để lấy lòng người khác, và đôi lúc cũng tỏ vẻ ta đây hào phóng bỏ ra ít đồng tiền còm giúp người; mặt cái thì bên trong âm mưu thủ đoạn để đắc lợi cho túi tiền của mình, hưởng lợi trên sự gian khổ của người khác...

Người Ki-tô hữu khi cầm đến đồng tiền thì luôn có hai cách nghĩ: một là với đồng tiền này có thể làm cho họ mất linh hồn vì những cám dỗ bởi nó mà ra; hai là với đồng tiền này họ có thể cứu được linh hồn mình, bằng cách giúp đỡ người nghèo, người cần giúp đỡ.

Đó chính là người Ki-tô hữu biết lo xa vì không phải họ chỉ giữ đạo trong nhà thờ mà thôi, nhưng còn sống đạo giữa cuộc đời thường của họ nữa đó.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.