-
Mỹ phải làm sao với Triều Tiên
Rõ ràng là cách tiếp cận vấn đề của chính quyền Mỹ qua giải pháp ngoại giao không mang lại hiệu quả. Thế nhưng, theo giới phân tích Mỹ, cũng không có nhiều lựa chọn khác.
Chính quyền Obama đau đầu tìm đối sách với cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Ảnh minh họa.
Nhà ngoại giao Mỹ Victor Cha, làm việc tại Nhà Trắng trong thời gian từ 2004 đến 2007, nhận định một cách mỉa mai rằng trong hồ sơ Triều Tiên thì Washington chỉ có thể lựa chọn giữa ba khả năng: xấu, rất xấu và tồi tệ nhất.
Quả thực là có nhiều câu hỏi được đặt ra sau vụ Triều Tiên nã pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc hôm 23/11. Mỹ có nên nối lại đàm phán với Bình Nhưỡng, đang rất cần viện trợ kinh tế hay không? Nếu Mỹ làm như vậy thì không khác nào là một món quà tặng thưởng cho Triều Tiên sau mỗi hành động khiêu khích của chính quyền nước này. Hay là Mỹ nên cố tình làm giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vụ việc và Triều Tiên sẽ coi đây như một sự chùn bước và sẽ lấn tới, lại tiếp tục khiêu khích.
Ngược lại, nếu tỏ lập trường cứng rắn thì không loại trừ nguy cơ xung đột quân sự leo thang trên bán đảo Triều Tiên.
Trong quá trình vận động tranh cử Tổng thống trước đây, khác hẳn với đối thủ của đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ John McCain, ông Obama tuyên bố muốn tiếp tục chính sách ngoại giao cởi mở đối với Bình Nhưỡng.
Thực tế cho thấy là chỉ vài tháng sau khi nhậm chức Tổng thống, ông Obama buộc phải thay đổi thái độ khi Triều Tiên tiến hành một vụ thử nguyên tử và từ chối quay trở lại bàn đàm phán 6 bên về hạt nhân. Từ đó đến nay, Washington không chấp nhận đối thoại trực tiếp song phương mà chủ trương nói chuyện với Bình Nhưỡng trong khuôn khổ vòng thương lượng đa phương 6 bên.
Vẫn theo nhà ngoại giao Victor Cha, thì tất cả các chính quyền Mỹ đều rơi vào tình thế lưỡng nan khi đối mặt với hồ sơ Triều Tiên và trong hoàn cảnh hiện nay, giải pháp đỡ tồi tệ nhất là nối lại các cuộc thương lượng.
Thế nhưng, trên nhật báo Wall Street, các ông Michael Green và William Tobey, làm việc trong chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống George Bush, lại cho rằng việc quay lại đàm phán là một “ sai lầm to lớn".
Trong một bài viết phê phán sự thất bại trong chính sách của Mỹ đối với Bình Nhưỡng từ những năm 90 đến nay, hai nhà ngoại giao này nhấn mạnh đến chính sách ngăn chặn, phòng thủ và gây áp lực trong quan hệ Triều Tiên.
Về phần mình, ông Christopher Hill, nguyên là đặc phái viên Mỹ, phụ trách vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên, từ năm 2005 đến 2009 nói thẳng là chưa bao giờ có được những giải pháp tốt trong hồ sơ Triều Tiên. Nhà ngoại giao kỳ cựu này phản đối việc đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng vì điều này có thể làm cho Hàn Quốc bị lép vế và có lợi cho Trung Quốc.
Giải thích thái độ thận trọng của Trung Quốc trong hồ sơ này, ông Hill cho rằng nguyên nhân chính là có tranh cãi trong nội bộ ban lãnh đạo ở Bắc Kinh, giữa một bên là phe, từ trước đến nay, vẫn ủng hộ vô điều kiện Triều Tiên và bên kia là các nhóm tỏ thái độ lo lắng về những diễn tiến trong chính quyền Bình Nhưỡng.
Trong bối cảnh đó, giải pháp là càng gây áp lực đối với Trung Quốc thì càng tốt. Bộ Ngoại giao Mỹ đi theo hướng này và kêu gọi Trung Quốc có thái độ “rõ ràng như các nước phương Tây“ và “sử dụng ảnh hưởng của mình” để làm dịu cuộc khủng hoảng.
Cựu đặc sứ Mỹ khẳng định, trong mọi trường hợp, ưu tiên hàng đầu của Mỹ là phải chứng tỏ luôn luôn ủng hộ, đứng bên cạnh Hàn Quốc, “không nên tạo cảm giác là Mỹ hành động dưới mức cần thiết“ và “cũng không nên tạo cảm giác là Mỹ không biết đến mối lo ngại của các bên về một cuộc xung đột“.
(theo baodatviet)
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules