HIỀM TỴ

Con người, ai ai cũng muốn mình được bình an, được thanh thản cả thế nhưng trong thực tế hoàn toàn khác. Cái dở, cái yếu đuối của con người là không mình không muốn ai hơn mình cả. Bao giờ mình cũng là nhất cả còn người khác chỉ là con số không. Vì không muốn ai bằng mình cho nên con người ta nảy sinh ra những hiềm khích và ganh tỵ trong cuộc sống thường ngày.

Sự hiềm khích và ganh tỵ ấy ngày hôm nay chính Chúa Giêsu đã gặp phải. Thánh Luca tả lại cho chúng ta bối cảnh Chúa Giêsu bị ganh ghét, bị chê bai thật là hay, thật thú vị. Chúa Giêsu trở về với quê hương để loan báo Tin mừng. Tưởng chừng người ta hãnh diện nhưng rồi người ta lại chà đạp.

Cảnh ngộ của Chúa Giêsu hết sức bình thường và cũng hết sức nghiệt ngã như nhiều người. Nhiều người sau khi tạm gọi là thành công, thành danh, đỗ đạt trong cuộc đời và họ trở về với quê hương của họ. Trước là để thăm quê hương, sau là để chia sẻ chút gì đó mình nhận được để như là một chút gì đó đền ơn đáp nghĩa cho quê hương nhưng rồi không được như lòng họ mong muốn, không được như họ suy nghĩ. Khi họ về thì người ta cũng đón đấy nhưng mấy ai trân trọng thật sự. Có chăng họ nín cho qua chuyện chứ trong lòng của họ, họ sẽ ganh ghét và họ sẽ nhục mạ đủ mọi cách.

Hôm nay, Chúa Giêsu bị những người đồng hương, đồng khói khinh ra mặt và muốn loại trừ Ngài ra khỏi cuộc đời này.

Những con người ấy nhận mình là những kẻ tin Chúa chân thành, có lòng đạo đức và thực hành đạo, thế mà sau khi đã ca ngợi Chúa Giêsu ở trong hội đường, chính họ lại "đầy phẫn nộ, đứng dậy, lôi Ngài ra khỏi thành, kéo Ngài lên tận đỉnh núi, để xô Ngài xuống vực". Vậy có ai dám nhận mình giống những người ấy không?

Dù là ai chăng nữa, nhiều người có khuynh hướng muốn giam hãm Chúa và Đấng Kitô của Người trong một phạm vi nhất định của Giáo Hội ta, trong lời lẽ của những giáo điều, những truyền thống, những thực hành và ngay cả trong những cách sùng mộ của họ. Họ lúc nào cũng sẵn sàng nắm độc quyền về các ân sủng, phép lạ, ánh sáng của Chúa và ngay cả đức ái mà Người là nguồn mạch nữa. Vậy mà Tin mừng hôm nay khẳng định mạnh mẽ với chúng ta rằng những người thân của Chúa Giêsu thường sẵn sàng tống cổ Người ra khỏi nhà thờ, nghề nghiệp, quyết định và gia đình của họ, mỗi khi sứ điệp của Chúa không làm vừa lòng họ, mỗi khi cuộc viếng thăm của Người gây phiền hà cho họ. Còn chính Chúa Giêsu thì lại nhắc nhở ta rằng Thiên Chúa đã thực hiện được những sự lạ lùng nơi các dân ngoại, đã cho những người cùi, những người thù địch của Israel, dân Chúa, được lành sạch. Đối với Thiên Chúa tình yêu, chỉ có tình yêu là tiêu chuẩn cuối cùng làm nên giá trị và sự thật cho tư tưởng và hành động của con người.

Tại sao người con của quê hương lại không thực hiện được ở quê quán mình những việc lạ lùng mà người ấy đã làm ở những nơi khác ?...

Thái độ ấy, cử chỉ ấy có thể đến lượt chúng ta, chúng ta cũng sẵn sàng trở mặt từ khen ngợi đến phẫn nộ đấy. Bởi lẽ, về phần Chúa Giêsu thì Người nói rõ rằng điều cốt yếu mà Người muốn trình bày cho họ không phải chỉ có vấn đề các việc lạ lùng, mà Người muốn mạc khải cho họ tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa . Cái đó mới là điều hạnh phúc và may mắn thực cho chúng ta. Lẽ ra Chúa Giêsu phải cung cấp cho những người đồng hương của mình tiền bạc hoặc chữa cho họ khỏi những bệnh này tật nọ mới đúng. Xem ra người ta ao ước một điều, thì Chúa lại đưa ra điều ngược lại. Bởi lẽ ai nấy đều thích được lãnh nhận ... trong khi Chúa Giêsu lại đòi hỏi phải cho đi, cho đi bản thân mình, cho đi mạng sống mình. Và kết cục sẽ là thành công và hạnh phúc.

Chúa Giêu có hy vọng những người đồng hương của mình sẽ hiểu biết và thông cảm hơn với Người không? Bởi vì họ là những người nhà của Người mà. Họ biết Người hơn, từng sát cạnh liền kề với Người, quý chuộng Người và yêu mến Người mà !
Vậy mà chỉ mới ngay trong buổi nói chuyện đầu tiên, họ đều nổi xung lên với Người. Cả đám đều đứng dậy xô đẩy Người ra ngoài, loại bỏ và trục xuất Người khỏi cộng đồng của họ. Là vì Chúa Giêsu không đáp ứng điều họ mong đợi. Họ nghĩ là Người lừa gạt quần chúng ! Khi nào sứ điệp của Người còn là lại kêu gọi hoán cải cuộc đời và chừng nào người ta chỉ thích sống dễ dãi, thì việc chối bỏ Đấng Thiên Chúa sai đến đã khởi sự rồi... Họ muốn cho Người phải chết, nên họ tìm cách loại bỏ Người con của quê hương này ra khỏi nhà họ bằng cách xô Người xuống vực thẳm.

Nhưng Chúa Giêsu “băng qua giữa họ mà đi”. Người là kẻ tự do, hết sức tự do, Người cứ thảnh thời đi trên con đường của mình lòng đầy tự tin và tin vào sự trung tín của Thiên Chúa Cha Người. con đường Người đi được vạch sẵn. Không có gì làm cho Người phải lui bước !
Những ai xưng danh mình là kitô hữu, những ai mang trong mình “chất” Kitô cũng sẽ phải đi theo con đường của Chúa Giêsu đã đi. Và, cũng sẽ gánh chịu con đường của Chúa là bị đẩy ra ngoài lề xã hội và cuối cùng là đóng đinh trên thập giá.

Một bằng chứng hết sức cụ thể đang diễn ra trên quê hương Việt Nam. Chẳng hiểu vì sao mà người ta lại loại trừ Chúa Giêsu đến như thế. Người ta dùng đủ mọi thủ đoạn, dùng đủ mọi mưu ma chước quỷ để loại Chúa Giêsu ra khỏi cuộc đời của họ.

Những người giết hại những ai mang tên là kitô hữu hay thuộc về Chúa Kitô vì họ không tin Chúa thì đã đành nhưng đáng tiếc thay là những người cũng có cái tên kitô hữu mới đau. Những người chống phá, giết hại Chúa Giêsu phải chăng họ đã đánh mất lòng tin, lòng mến và lòng cậy nơi họ. Đau hơn cả là họ đã đánh mất lòng mến.

Buồn ! Một kỷ niệm buồn, một dấu ấn buồn nơi những kitô hữu đang bị bách hại, đang bị chà đạp, đang bị vùi dập.

Người Việt có một câu nói hết sức là hay : “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Người ta dùng hình ảnh của con ngựa để nói về tình người. Người ta đưa ra hình ảnh của con ngựa, tình cảm của con ngựa để nhắn nhủ người ta về tình người, tình đồng loại.

Nhiều lúc ngẫm nghĩ, không biết người ta còn lòng mến với nhau hay không khi mà nhiều con chiên bị chà đạp, bị xúc phạm vì thánh giá Chúa ấy nhưng những người có trách nhiệm, có tiếng nói, có ý kiến đấy lại không hề lên tiếng. Người ta vẫn biện dẫn cho thái độ không lên tiếng của mình bằng những lời thật hoa mỹ nhưng thật sự bên dưới của nó vẫn là cái gì đó một cung giọng của chua cay, của bi đát.

Không phải lên tiếng để làm chính trị, không phải lên tiếng để dành lại đất đai, không phải lên tiếng để gây bạo động, gây bất hoà cho quê hương đất nước. Chỉ cần lên tiếng nói của lòng mến, của lòng bác ái, của sự chia sẻ, của niềm cảm thông thôi. Chuyện chính trị, chuyện đất nước, chuyện đất cát dẹp sang một bên, chuyện cần chia sẻ bây giờ chính là tình cảm, sự cảm thông, sự chung chia với nỗi đau của chà đạp, của bạo lực.

Những biến cố thực tiễn đang diễn ra từng ngày từng ngày trên quê hương đất nước, ấy vậy mà người ta vẫn im hơi lặng tiếng không một lời sẻ chia dẫu rằng chỉ là bức thư hiệp thông trong nỗi đau thương hiện tại. Hình như người ta đã đánh mất lòng mến khi không lên tiếng chia sẻ, hiệp thông. Lòng mến ấy vừa được Thánh Phaolô gợi lại cho chúng ta.

Cuộc đời này mau qua chóng tàn, còn lại với nhau tình người, còn lại với nhau lòng mến như Thánh Phaolô vừa mời gọi mỗi người chúng ta : “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi.11 Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”

Đức mến hết sức quan trọng trong cuộc đời. Khi không còn đức mến, khi không còn lòng bác ái với nhau thì sẽ gây ra hiềm tỵ và chém giết lẫn nhau.

Những người ngày xưa do hiềm tỵ do không có lòng mến, không có tình bác ái nên đã đẩy Chúa Giêsu ra khỏi cuộc đời. Tưởng chừng với kinh nghiệm ấy thì ngày nay Chúa Giêsu được trân trọng hơn, được đem ra thực hành hơn nhưng đáng buồn là lòng mến càng ngày càng tụt xuống để rồi Chúa Giêsu lại bị phân mảnh nhiều hơn.

Lời khuyên của Thánh Phaolô quả thật là tuyệt vời và vô cùng hữu ích cho mỗi kitô hữu trong giai đoạn hiện tại. Nếu chỉ dừng lại ở lòng hiềm tỵ, hơn thua thì Chúa Giêsu một lần nữa cũng sẽ bị người ta đóng đinh.

Nguyện xin Chúa Giêsu là vua của sự khiêm hạ đến và ở lại với mỗi người chúng ta để chúng ta bớt đi cái tính kiêu căng, ích kỷ của chúng ta để chúng ta không còn loại trừ Chúa ra khỏi cuộc đời như những người ngày xưa đã tìm cách xô đẩy Chúa và hơn nữa là đóng đinh Chúa vào thập giá.



Anmai, CSsR