CON DÊ NHỎ QUA SÔNG




Có một con dê nhỏ, lông màu trắng tuyết như một đám bông vải trắng, mọi người đều gọi nó là “Tiểu bạch dương”; lại có một con dê khác toàn thân của nó một màu đen tuyền giống như mực đen, do đó mà người ta gọi nó là “tiểu hắc dương”.

Tiểu bạch dương trú ngụ phía đông của bờ hồ, còn Tiểu hắc dương thì ở phía tây của bờ hồ, gia đình của chúng nó chỉ cách nhau một con sông nhỏ nước trong veo, con sông nhỏ dù không rộng nhưng nước thì rất sâu, và để qua sông được thuận tiện, nên các động vật bắt ngang trên sông một thân cây để làm cầu.

Một hôm, Tiểu bạch dương muốn qua nhà sóc ở đối diện bờ sông để ăn tiệc, vừa sáng sớm nó đã thức dậy mặc áo quần, lấy một vài thứ cần thiết và ra đi. Tiểu bạch dương vừa vui vẻ hát “be be”, vừa đi lên cây cầu làm bằng thân cây. Lúc ấy, Tiểu hắc dương cũng hát “be be” đi lên cầu, nó đi thăm ông nội đang bị bệnh ở phía bên kia sông. Tiểu bạch dương từ phía tây đi tới, Tiểu hắc dương từ phía đông đi qua, cả hai gặp nhau ở giữa cầu, nhưng cây cầu quá hẹp, mỗi lần chỉ được một con dê đi qua mà thôi, bây giờ làm sao đây ?

Tiểu bạch dương ngẫng đầu nói với Tiểu hắc dương: “Bạn đi lui nhường cho tôi đi qua trước nhé”, nói xong thì lấn Tiểu hắc dương mà đi. Tiểu hắc dương cũng không muốn mình là kẻ yếu nhược, mắt nó trừng trừng nói: “Tại sao bạn không phải là người đi lui, ông nội tớ bị bệnh đó, tớ vội vàng hơn bạn”, nói xong thì cũng lấn Tiểu bạch dương mà đi qua.

Hai con dê cãi nhau càng lúc càng kịch liệt, không ai muốn nhường ai, chúng nó không ngoảnh mặt nhìn xuống cầu nước đang chảy xiếc, bèn đánh nhau trên chiếc cầu bằng thân cây ấy. Kết quả, chỉ nghe một tiếng “ùm” thì Tiểu bạch dương và Tiểu hắc dương cùng nhau rơi tỏm xuống nước.

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Tiểu hắc dương và Tiểu bạch dương không hiểu được sự nhường nhịn nhau, cho nên mới trở thành tình huống cả hai cùng bại và cùng rơi xuống nước. Có rất nhiều lúc, sự thuận tiện của người khác thì cũng là sự thuận tiện của chúng ta, do đó mà các em cố gắng tập tính nhường nhịn nhau.

Nhường nhịn nhau thì có hai cái lợi lớn nhất: một là không có kẻ thù, hai là tâm hồn mình được bình an. Nếu con dê trắng nhường cho con dê đen qua trước, thì chắc chắn cả hai đều qua được bên kia sông bằng an.

Tuổi trẻ thì năng động nhưng luôn háo thắng, tính năng động trong sinh hoạt lớp, sinh hoạt nhóm là điều cần thiết, nhưng sự háo thắng sẽ làm cho tính năng động mất đi ưu điểm của nó và trở thành tranh chấp, lấy điểm, và thế là có sự ganh đua ngấm ngầm là mầm móng cho sự chia rẽ và thù hận.

Ông bà chúng ta ngày xưa có câu nói: “một sự nhịn bằng chín sự lành”, có nghĩa là sự nhường nhịn luôn là cánh cửa mở rộng để đón nhận người khác nhìn và đi vào trong tâm hồn của chúng ta đó.

Các em thực hành:

- Nhường nhịn bạn bè khi có chuyện phải tranh cãi.

- Nhường nhịn bạn bè không ăn thua đủ.

- Đọc sách hạnh các thánh để học tập gương nhường nhịn của các ngài.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.