-
Điều huyền nhiệm của mọi thời đại - phần 2
Tôi thật sự hy vọng sau những buổi nhóm này, câu Cô-lô-se 1:27 được chôn cất sâu trong lòng chúng ta: "Đấng Christ trong chúng ta, niềm hy vọng của sự vinh hiển". Kinh Thánh chỉ cho chúng ta thấy điều này là điều huyền nhiệm có một không hai, điều huyền nhiệm được giấu kín qua các thời đại. Qua sự phục vụ của Phao-lô, huyền nhiệm này đã được bày tỏ ra hoàn toàn: Đấng Christ trong chúng ta, niềm hy vọng của sự vinh hiển. Tối hôm qua, chúng ta thông công với nhau về "Đấng Christ trong chúng ta" không có nghĩa rằng Ngài ở đó và như thế đã là tất cả. Tôi hy vọng tất cả chúng ta biết giá trị của Đấng Christ trong mình. Nhưng chỉ việc Đấng Christ ở trong chúng ta thì vẫn chưa đủ. Ngài phải là sự sống của chúng ta. Phao-lô nói trong Cô-lô-se 3:4: "Đấng Christ là sự sống của chúng ta". Có nghĩa, Đấng Christ là tất cả trong đời sống chúng ta. Vì vậy, Phao-lô cũng nói: "Vì đối với tôi, sống là Đấng Christ" (Phi-líp 1:21a). Dù Phao-lô ở nơi nào, ở trong ngục hay bên cạnh những người cộng tác hay lúc giảng Phúc Âm - mọi điều Phao-lô làm đều do Đấng Christ trong ông làm. Lúc ông nói cũng là lúc Đấng Christ bên trong ông nói. Vì thế, ông đã có thể nói rằng: "tôi sống, không phải là tôi sống nữa, mà là Đấng Christ sống trong tôi" (Ga-la-ti 2:20a). Đấng Christ là tất cả đối với Phao-lô. Ngài không chỉ là Đấng Cứu Rỗi của ông mà còn là sự sống của ông. Trong mọi hoàn cảnh, ông đã luyện tập để sống bởi Đấng Christ này.
Sự giàu có vô tận của Đấng Christ
Trước hết, chúng ta hãy đọc Cô-lô-se 1:25: "Tôi trở nên người phục vụ của Hội Thánh theo sự phân công của Đức Chúa Trời,vì anh em đã ban cho tôi, để làm bổ sung đầy đủ Lời Đức Chúa Trời". Buổi sáng hôm nay, tôi muốn gây ấn tượng cho anh em qua những từ "... làm bổ sung đầy đủ Lời Đức Chúa Trời". Dường như là thiếu điều gì đó nên Đức Chúa Trời đã dùng Phao-lô để bổ sung nó, có nghĩa là làm trọn vẹn. Đó là điều gì? Phao-lô cố gắng bày tỏ điều gì cho chúng ta? Huyền nhiệm này là gì? Ông nói: "... tức là sự huyền nhiệm đã giấu kín trải qua các thời đại và các thế hệ, mà nay tỏ ra cho các thánh đồ Ngài. Vì Ðức Chúa Trời muốn tỏ cho họ biết sự giàu vinh hiển của huyền nhiệm đó ở giữa dân ngoại là thể nào, nghĩa là Đấng Christ ở trong anh em, là hy vọng về vinh hiển" (Cô-lô-se 1:26-27). Huyền nhiệm này là sự giàu có của vinh hiển Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không chỉ ban cho chúng ta một Đấng Cứu Rỗi, mà Ngài ban cho chúng ta một Đấng Christ giàu có tột cùng. Anh em này, em đã trở thành kỹ sư sau khi học đại học. Bây giờ em là kỹ sư gì? - Kỹ sư điện tử. Em đã học xong, như vậy có nghĩa là em đã biết hết tất cả phải không? Không, vì trong lĩnh vực này vẫn còn thật nhiều thứ để học và để khám phá, mặc dù đây chỉ là một lĩnh vực có giới hạn. Còn với Đấng Christ thì sao? Anh em có thể "hiểu thấu" hết Ngài hoàn toàn không? Anh em đã thỏa mãn với Đấng Christ mà anh em biết? Anh em không bao giờ thỏa mãn được! Tại sao? Không phải vì Đấng Christ không làm thỏa mãn mà vì Ngài thật là giàu có. Tôi đã phục vụ Ngài trên 40 năm và tôi phải thừa nhận rằng mỗi khi nghĩ mình đã biết Chúa, tôi nhận ra rằng tôi không thực sự biết Ngài. Luôn có thật nhiều điều để nắm lấy. Anh em kia, em đã sống ở nước Mỹ bao nhiêu năm rồi? - Em sống ở nước này 21 năm. Thế em đã thấy tất cả chưa? Em đã thấy gì? California? Chắc chắn là không phải toàn bộ California, đúng không? Bây giờ hãy nói với tôi, Đấng Christ lớn hơn California bao nhiêu? Ngài lớn và giàu hơn nước Mỹ bao nhiêu? Thế thì tại sao chúng ta lại quan tâm thật ít đến việc chúng ta đã quen biết Đấng Christ này nhiều hay không?
Đừng theo đuổi sự dạy dỗ mà hãy theo đuổi Đấng Christ
Anh em đã có một quyết tâm kiên định: "Chúa ơi, con muốn biết Ngài" trong lòng chưa? Phao-lô nói trong thư Phi-líp: "... để được biết Ngài" (Phi-líp 3:10). Tôi sẽ hỏi Phao-lô là: không phải anh đã biết Chúa rồi sao? Dĩ nhiên Phao-lô đã biết Chúa, nhưng đối với ông vẫn còn rất nhiều điều để khám phá về Đấng Christ! Chúng ta đã tốn bao nhiêu năm ở Stuttgart để thông công về các sách Thi Thiên? Trên tám năm. Anh em có tưởng tượng được là tốn tám năm để đọc các sách Thi Thiên không? Mỗi khi tôi đọc Thi Thiên, tôi chỉ thấy Đấng Christ tuyệt vời. Hãy nhớ tới điều Chúa nói trong sách Phúc Âm Lu-ca: Sách luật pháp của Môi-se, các Thi Thiên và các sách tiên tri nói về Đấng Christ (Lu-ca 24:44). Các Thi Thiên mặc dù là những bài hát để an ủi, nhưng trong thực tế, tất cả các Thi Thiên đều nói về Đấng Christ. Tiếc là chúng ta không có mắt để thấy điều này, vì chúng ta bị mù.Cách đây nhiều năm, trong thời niên thiếu, tôi chỉ đọc Kinh Thánh để hiểu sự dạy dỗ. Tôi đã thường tự hỏi: Câu này có nghĩa là gì, đằng sau của câu này là gì? Tôi đã đói khát giáo lý, hiểu biết và các sách về Kinh Thánh. Đó là điều cách đây nhiều năm. Ngày nay tôi không khát khao điều gì khác ngoài Đấng Christ. Và tôi không nhìn thấy gì khác trong Kinh Thánh ngoài Đấng Christ sống. Không một điều gì khác có giá trị bằng Đấng Christ sống này. Huyền nhiệm của các thời đại là Đấng Christ trong anh em chứ không phải là Đấng Christ ở trên trời; Ngài không phải là Đấng Christ ở thật xa chúng ta. Phao-lô nói: "... sự huyền nhiệm đã giấu kín trải các thời đại và các thế hệ, mà nay tỏ ra cho các thánh đồ Ngài" (Cô-lô-se 1:26). Đó là gì? Điều huyền nhiệm chính là Đấng Christ ở trong anh em! Không phải là một Đấng Christ ở ngoài phạm vi, ở thật xa trong tương lai mà anh em sẽ thấy một lúc nào đó sau khi chết. Điều huyền nhiệm là Đấng Christ trong anh em - hôm nay và ngay lúc này. Đó là điều huyền nhiệm của toàn thể vũ trụ. Hãy nói cho tôi nghe, điều gì quan trọng hơn điều này? Nghề nghiệp của anh em? Không có gì quan trọng hơn điều mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị, cụ thể là ban Đấng Christ tuyệt vời này vào trong anh em, để Ngài trở thành sự sống của anh em.Việc bây giờ là cần phải có sự cộng tác của anh em, để Đấng Christ là sự sống của anh em. Anh em cần phải khao khát tìm kiếm Ngài, dù Ngài đang sống trong anh em. Thật là lạ thường! Dù Ngài đang sống trong anh em, nhưng thật anh em sẽ không có cảm nhận gì về Ngài, nếu anh em không quan tâm đến Ngài. Anh em có thể sống bằng sự sống riêng của mình cả ngày và không quan tâm đến Ngài. Điều này giống như ở cháu tôi. Thỉnh thoảng khi cháu tôi chơi, tôi cố gắng gọi nó và cố làm nó phân tâm, nhưng nó không nghe thấy tôi. Vì thế, tôi thường nói với nó: Cháu không có tai. Tiên tri Ê-sai nói về dân sự của Đức Chúa Trời: Các ngươi có mắt nhưng không thấy, có tai nhưng lại không nghe. Đấng Christ sống trong anh em, nhưng Ngài lại hiếm khi giành được sự chú ý của anh em. Vì trong xác thịt và trong bản ngã của chúng ta có con người thiên nhiên, sa ngã đang chống lại Đấng Christ. Thật đáng tiếc! Vì vậy anh em không nghe Ngài, không cảm nhận Ngài dù Ngài ở trong anh em. Tại sao? Tại vì cái vỏ bọc thuộc thế gian này. Cho nên Phao-lô nói ông phải chịu đựng, bị giới hạn bởi thân thể vật chất này, là thân thể của tội lỗi và của sự chết. Trong thân thể của sự chết này, anh em không cảm nhận được Đấng Christ, dù Ngài đang ở trong anh em. Anh em nghĩ Ngài ở nơi nào khác và không tìm thấy Ngài, chính vì anh em không thực sự tìm kiếm Ngài, không kiên định trong lòng và không cầu xin: Chúa ơi, con muốn quen biết Chúa.
Hãy từ bỏ chính mình để sống bởi Đấng Christ
Sáng nay, tôi muốn nhấn mạnh thêm một lần nữa, anh em có thể biết toàn bộ Kinh Thánh, thậm chí thuộc lòng nó, nhưng điều này không bao giờ thay thế được Đấng Christ sống. Chúa đã phán với dân Do Thái: "Các ngươi nghiên cứu Kinh Thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: ấy là Kinh Thánh làm chứng về Ta vậy. Các ngươi không muốn đến cùng Ta để được sự sống!" (Giăng 5:39-40). Anh em có thể nghiên cứu Kinh Thánh, nhưng nếu trong đời sống thường ngày, anh em không hướng về Đấng Christ trong anh em, anh em sẽ không có sự sống. Sự sống không phải là những chữ được in, mà là Đấng Christ trong anh em, là Đấng sống. Điều huyền nhiệm không phải là Kinh Thánh, mà là Đấng Christ trong anh em. Tôi muốn nhấn thật mạnh điều này sáng nay, bởi vì trong thân thể trần thế này chúng ta luôn có sự đối nghịch với Đấng Christ và vì thế vẫn thường làm theo bản ngã của mình. Chúng ta quyết định theo ý mình, chúng ta làm nhiều chuyện tùy theo chúng ta muốn hay không. Chúng ta có nhiều thói quen cá nhân và sống trong bản ngã của mình. Do đó Chúa phán: "Nếu ai muốn theo Ta, thì phải chối bỏ mình, vác thập tự giá mình mà theo Ta" (Ma-thi-ơ 16:24). Anh em có sự sống riêng của mình và có thêm sự sống của Đấng Christ trong anh em sau khi được tái sinh. Như vậy, bây giờ anh em có hai sự sống ở bên trong. Anh em sẽ sống bằng sự sống nào? Anh em sẽ chọn sự sống nào? Một mặt anh em có sự sống riêng của mình, mặt khác Đấng Christ là sự sống trong anh em. Anh em muốn sống bằng sự sống nào? Hay anh em thường sống bằng sự sống nào? – Đáng tiếc là bằng sự sống riêng của anh em. Anh em làm gì để chống lại điều này? Đừng chỉ có học sự dạy dỗ: "Ha-lê-lu-gia, Đấng Christ ở trong tôi", mà trong thực tế anh em không quan tâm gì đến Chúa. Không, chúng ta không được phép như thế. Đức Chúa Trời đã vượt qua mọi khó khăn để ban Đấng Christ vào trong anh em, và anh em rất thường xuyên chối bỏ Ngài. Một ngày nào đó anh em sẽ trả giá cho điều này. Đừng nghĩ, chối bỏ Ngài thì không sao cả.
Lắng nghe tiếng Chúa
Đấng Christ là điều huyền nhiệm của vũ trụ. Do đó, Phao-lô nói: "... sự giàu vinh hiển của sự huyền nhiệm đó ở giữa dân ngoại là thể nào, nghĩa là Đấng Christ ở trong anh em, là sự trông cậy về vinh hiển" (Cô-lô-se 1:27). Anh em phải học để chú ý đến Đấng Christ. Trong những năm vừa qua, tôi luôn nhấn mạnh điểm này ở khắp nơi. Đấng Christ của chúng ta không là giáo lý, tôn giáo, thần học, hiểu biết về Kinh Thánh, mà Ngài là Đấng sống. Nếu tôi muốn quen biết một ai đó, mà chỉ đọc những điều viết về người ta thôi thì chưa đủ. Tôi có thể đọc tất cả về người đó, nhưng lại không quen biết nguời. Cách duy nhất để quen biết người là gặp gỡ, dành thời gian nói chuyện với người. Trong một bài hát có câu: "Chúa đi với tôi, và Chúa trò chuyện với tôi". Anh em tất cả đều biết bài hát này, nhưng Chúa có thật sự nói chuyện với anh em không? Hầu hết chỉ có anh em là người nói. Tiếc là Ngài không nói nhiều với anh em. Không phải vì Ngài không muốn, mà là anh em không có thói quen và không có tai để lắng nghe tiếng Ngài. Vì vậy, Chúa nói trong sách Khải Huyền: "Ai có tai, hãy nghe". Vấn đề của tôi là: tôi không có tai để nghe Ngài! Chúng ta phải thật sự có ấn tượng sâu sắc về Đấng Christ sống này. Chúng ta hãy làm một quyết định đầu năm: Lạy Chúa, con muốn biết Ngài như một Đấng sống ở trong con. Tôi muốn kinh nghiệm Ngài mỗi ngày, vì Ngài sống trong tôi. Làm thế nào mà Đấng Christ sống trong anh em nhưng lại không bày tỏ chính Ngài cho anh em được? Điều đó không thể được. Ngài có thể nào sống trong anh em, nhưng lại không bao giờ nói với anh em và im lặng cả ngày không? Hay là anh em không nói với Ngài và không quan tâm đến Ngài đang làm gì? Anh em không nghe Ngài nói gì? Điều này có thể không? Không, điều này không thể được, tối thiểu là không bình thường. Thật không bình thường khi Ngài sống trong anh em và không nói với anh em. Anh em không nói với Ngài, và anh em không nghe thấy Ngài. Tôi thường nói với Chúa: Lạy Chúa, hãy nói tiếng Hoa với con và đừng dùng một ngoại ngữ mà con không hiểu. Chúa có thể nói với con bằng tiếng Anh, tiếng Hoa, hay tiếng Đức, nhưng đừng nói một thứ tiếng mà con không hiểu. Thật sự như vậy! Anh em nghĩ là tôi nói chơi sao? Tôi rất thường nói với Chúa: Con quá ngu đi, làm ơn nói với con theo cách mà con có thể hiểu được, vì con muốn nghe Chúa! Anh em phải học để lắng nghe Ngài. Hê-bơ-rơ 4:7 nói: "Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài, thì chớ cứng lòng". Lý do tại sao chúng ta không nghe Ngài được nhắc đến ở đây: lòng chúng ta cứng cỏi. Chúng ta có quá nhiều điều khác trong lòng và rất bận rộn. Chúng ta làm nhiều chuyện khác và luôn bỏ qua Ngài. Đừng nghĩ chúng ta là những con người tốt hơn dân Do Thái trong thời Cựu Ước và Tân Ước. Chúng ta cũng cứng đầu cứng cổ y như họ. Do đó, Phao-lô nói trong 1.Cô-rinh-tô 10:6 "Những điều ấy đã xảy ra để làm gương cho chúng ta, để chúng ta không chiều theo những ham muốn xấu xa như họ đã ham muốn", những điều được chép trong Cựu Ước để chúng ta học, vì chúng ta cũng y như họ. Mặc dù Đấng Christ trong anh em, anh em phải chăm chỉ tìm kiếm Ngài. Vì nếu anh em không có tấm lòng tìm kiếm và nếu lòng anh em cứng cỏi, anh em sẽ không nghe Ngài. Ê-phê-sô 4:19 nói về những người "mất cả sự cảm biết". Nguyện xin Chúa thương xót chúng ta, làm lòng chúng ta trở nên mềm mại và giúp đỡ chúng ta.
Nhận biết Đấng Christ bởi kinh nghiệm chứ không bởi hiểu biết
Tôi thường thưa với Chúa rằng: Chúa ơi, xin giúp con biết Chúa, xin hiện ra với con, vì nếu Chúa không làm điều này thì làm sao con thấy và biết Chúa được? Sự khao khát của chúng ta phải là quen biết Đấng Christ trong chúng ta, chứ không phải chỉ biết Kinh Thánh. Đây chính là gánh nặng của Chúa trong thời kỳ cuối này. Cơ Đốc giáo đã trở một tôn giáo của các giáo lý, hiểu biết, thần học và sự diễn dịch Kinh Thánh. Có vô số các thông điệp và bài giảng nên anh em chỉ ngồi đó và nghe từ năm này qua năm khác. Anh em tích trữ nhiều hiểu biết trong đầu mình, nhưng Đấng Christ trong anh em thì anh em vẫn không quen biết! Anh em cần kinh nghiệm. Anh em phải được dẫn đến sự vinh hiển và ở trong sự phong phú của vinh hiển. Đây là điều mà ngày nay chúng ta cần để chuẩn bị cho việc Chúa quay trở lại. Phao-lô không có giảng một thông điệp nào hay cả. Không, ông đã giảng và bày tỏ cho mọi người Đấng Christ hằng sống này. "Chính Ngài là Đấng mà chúng tôi rao giảng, lấy mọi sự khôn ngoan răn bảo mọi người, dạy dỗ mọi người, để chúng tôi bày tỏ mọi người trở nên trưởng thành trọn vẹn trong Đấng Christ" (Cô-lô-se 1:28). Đây chính là gánh nặng của Phao-lô. Trưởng thành trọn vẹn ở đây có nghĩa là anh em tăng trưởng và trở nên trưởng thành trong sự sống. Anh em chỉ trở nên trưởng thành được, khi Đấng Christ trong anh em tăng trưởng bởi kinh nghiệm, chứ không phải bởi hiểu biết. Tôi bảo đảm với anh em rằng, kiến thức không làm anh em tăng trưởng, nó chỉ cho anh em một cái đầu to. Chỉ qua kinh nghiệm thật với sự sống Chúa mỗi ngày và sự rèn luyện, sống bởi Đấng Christ, anh em mới tăng trưởng thuộc linh được.
Chiến đấu bởi sức Ngài để nhận biết Ngài
Do đó, Phao-lô nói trong câu 29: "... Chính vì mục đích ấy, tôi chịu lao khổ và chiến đấu theo sự tác động của Ngài, đang vận hành trong tôi cách có quyền năng" (Cô-lô-se 1:29). Đây là một việc khó khăn. Đừng nghĩ anh em có thể biết Đấng Christ nếu anh em lười biếng. Đừng nghĩ rằng, anh em chỉ nằm trên giường một cách lười biếng rồi có thể tận hưởng Đấng Christ. Đó không phải là cách để quen biết Đấng Christ. Anh em phải làm việc mỗi ngày. Đấng Christ là phần thừa kế của chúng ta không phải giống như khi anh em được ba mình cho 20 triệu USD nên không cần phải làm việc nữa. Phần thừa kế mà dân sự Đức Chúa Trời nhận được không phải như vậy. Phần thừa kế của chúng ta là một mảnh đất mà chúng ta phải làm việc trên đó để có thể sống được. Nếu không trồng trọt, anh em không có gì để ăn! Anh em không thể ở trên một mảnh đất mà không làm gì cả. Vì thế, Phao-lô nói ở đây rằng: "... Chính vì mục đích ấy, tôi chịu lao khổ và chiến đấu". Ông đã làm việc và gắng sức tương ứng với sự tác động của Đấng Christ ở trong ông. Ông không chiến đấu bằng sức riêng của mình mà nhờ vào sự tác động của Ngài. Phao-lô thực sự là một người sống bởi Chúa. Ông nói: "... theo sự tác động của Ngài, đang vận hành trong tôi cách có quyền năng". Nếu Phao-lô không quen biết Chúa thì làm sao ông có thể giúp đỡ người khác quen biết Chúa được? Như vậy, nếu anh em không tự mình kinh nghiệm Đấng Christ, anh em cũng không thể giúp người khác kinh nghiệm Đấng Christ. Ngợi khen Chúa về điều huyền nhiệm tuyệt diệu này!
Đấng Christ, hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được
Bây giờ, chúng ta hãy xem Phao-lô viết về Đấng Christ này trong Cô-lô-se 1:15-23: "Ấy chính Ngài là hình ảnh của Ðức Chúa Trời không thấy được, và Ðấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên. Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, tất cả đều được dựng nên bởi Ngài và cho Ngài. Ngài có trước muôn vật, và muôn vật đứng vững trong Ngài. Ấy cũng chính Ngài là đầu của thân thể, tức là đầu Hội Thánh. Ngài là khởi đầu, sanh trước nhứt từ trong những kẻ chết, hầu cho trong mọi vật, Ngài đứng đầu hàng. Vì Ðức Chúa Trời đã vui lòng khiến mọi sự đầy dẫy của mình chứa trong Ngài, và bởi huyết Ngài trên thập tự giá, thì đã làm nên hòa bình, khiến muôn vật dưới đất trên trời đều nhờ Ngài mà hòa thuận cùng chính mình Ðức Chúa Trời. Còn anh em ngày trước vốn xa cách Ðức Chúa Trời, và là thù nghịch cùng Ngài bởi ý tưởng và việc ác mình, nhưng bây giờ Ðức Chúa Trời đã nhờ sự chết của Con Ngài chịu lấy trong thân thể của xác thịt mà khiến anh em hòa thuận, đặng làm cho anh em đứng trước mặt Ngài cách thánh sạch không tì vết, không chỗ trách được; miễn là anh em kiên trì trong đức tin, vững nền và chắn chắn, không bị xê dịch khỏi niềm hy vọng của Phúc Âm mà anh em đã nghe, là Phúc Âm được giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời, và chính tôi, Phao-lô, là kẻ giúp việc của Phúc Âm ấy". Đoạn này thật tuyệt! Khi Phao-lô nói về Đấng Christ, điều trước nhất mà Phao-lô nói là: Đấng Christ là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được. Tại sao Phao-lô nhắc đến điều này đầu tiên? Tại sao nó thật quan trọng? Tại vì Đức Chúa Trời không nhìn thấy được muốn được biểu lộ ra trong sự vinh hiển của Ngài. Vì thế, Phao-lô nói: Đấng Christ trong chúng ta là niềm hy vọng của sự vinh hiển. Hình ảnh này được nhắc đến lần đầu tiên ở đâu trong Kinh Thánh? Trong Sáng Thế Ký 1:27: "Ðức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Ðức Chúa Trời". Con người được tạo ra để biểu lộ sự vinh hiển Đức Chúa Trời. Đó là sự ấn định cho chúng ta! Sự ấn định của chúng ta không phải là trở thành nhạc sĩ. Định mệnh của anh em là gì? Là để biểu lộ Đức Chúa Trời hằng sống! Con người được tạo ra vì mục đích này. Tại sao Phao-lô nói Đấng Christ trong chúng ta là niềm hy vọng của sự vinh hiển? Nhiều người trong chúng ta nghĩ niềm hy vọng của sự vinh hiển sẽ đến một lúc nào đó trong tương lai. Nhưng không phải vậy, niềm hy vọng của sự vinh hiển bắt đầu từ bây giờ. Đấng Christ ở trong anh em khi nào? - Hôm nay và bây giờ. Amen! Nếu bây giờ Đấng Christ ở trong anh em, thì khi nào bắt đầu sự vinh hiển? Cũng bây giờ! Sự vinh hiển này là một sự vinh hiển tăng trưởng. Phao-lô cho biết, chúng ta sẽ được biến đổi từ sự vinh hiển này sang sự vinh hiển khác. Trong lúc anh em tăng trưởng trong đời sống Cơ Đốc của mình, anh em đã bắt đầu biểu lộ Đấng Christ.
Mục tiêu của việc tạo nên loài người - biểu lộ sự vinh hiển của Đức Chúa Trời
Khi Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng ở trên núi cùng với Chúa Giê-su, bỗng nhiên Chúa tỏa sáng như mặt trời. Cả người Ngài tỏa sáng. Đó cũng là sự vinh hiển. Đó là sự vinh hiển của nước Trời sắp đến. Nhưng Giăng 1:14 nói rằng: "Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài". Sự vinh hiển này là gì? Sự vinh hiển này là sự biểu lộ Đấng Christ trong đời sống hằng ngày của anh em. Chúa Giê-su không bao giờ tự sống theo chính mình, nhưng Ngài đã thể hiện Đức Chúa Trời trong mọi điều mình làm: tình yêu, sự nhẫn nại, sự thương xót và quyền năng của Ngài. Khi Ngài biến nước thành rượu, Ngài biểu lộ sự vinh hiển Đức Chúa Trời. Ngài bày tỏ Đức Chúa Trời có thể làm gì. Ngài đã nhân từ khi tha thứ người phụ nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Đó là sự vinh hiển của Đức Chúa Trời được biểu lộ qua con người của Chúa Giê-su Christ. Việc Ngài đã trở thành một con người, là công việc lớn lao của Đức Chúa Trời. Tại sao? Con người là sinh vật duy nhất để biểu lộ Đức Chúa Trời. Con chó là tạo vật tuyệt vời, nhưng nó không biểu lộ Đức Chúa Trời được. Không có gì ở trên cả trái đất này có thể biểu lộ Đức Chúa Trời hơn anh em và tôi được, vì chúng ta được tạo nên để biểu lộ sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Thật đáng tiếc khi con người bị sa ngã và bây giờ biểu lộ ma quỷ thay vì biểu lộ Đức Chúa Trời. Loài người nói dối, ganh ghét, chiến tranh và giết chóc. Con người giờ đây thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Nó có nghĩa là, con người đã đánh mất định mệnh của mình, mục tiêu của sự tạo nên mình. Thư Rô-ma nói rằng, toàn thể tạo vật biểu lộ sự vinh hiển của quyền năng Đức Chúa Trời. Nó chỉ cho anh em biết rằng, Đức Chúa Trời tồn tại. Chính tạo vật cũng biểu lộ Đức Chúa Trời, nhưng không thể so với việc anh em có thể biểu lộ Chúa được. Vì khi tạo nên loài người, Đức Chúa Trời tạo dựng theo một cách rất đặc biệt. Ngài đã tạo nên loài người hoàn toàn theo giống hình ảnh mình. Hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được này chính là Đấng Christ, và Đấng Christ này đang sống trong anh em. Hãy hình dung rằng Đức Chúa Trời ban Đấng Christ vào một con khỉ. Anh em nghĩ con khỉ này có thể biểu lộ Chúa không? Tuyệt đối không! Có lẽ nó sẽ nhảy cỡn vì vui mừng, và đó là tất cả. Nhưng anh em là có một không hai. Trong cái nhìn hướng về điều huyền nhiệm của toàn vũ trụ - Đấng Christ trong anh em, niềm hy vọng của sự vinh hiển – Phao-lô nhắc đến điểm này đầu tiên: "... chính Ngài là hình ảnh của Ðức Chúa Trời không thấy được". Ngợi khen Chúa! Tôi nghĩ nhiều anh em thanh thiếu niên của chúng ta không biết cách thưởng thức điểm này như thế nào. Nó không chỉ là Đấng Christ đã làm Đức Chúa Trời trở nên thấy được; mà còn nhiều hơn thế nữa. Đức Chúa Trời đã đặt hình ảnh này trong anh em, để đưa anh em trở lại với ý định ban đầu của Đức Chúa Trời, cụ thể là biểu lộ sự vinh hiển Ngài: Đấng Christ trong anh em, niềm hy vọng của sự vinh hiển. Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được.
Cầu nguyện và giảng Phúc Âm - thương lượng với Đấng Christ hằng sống
Làm sao mà người ở California có thể thấy Đức Chúa Trời hằng sống được, khi anh em và tôi không sống bởi Ngài và biểu lộ Ngài? Còn ở trường đại học thì sao? Nếu anh em không phải là sinh viên, người sống bởi Đấng Christ, thì làm sao bạn bè cùng khóa của anh em thấy Đấng Christ được? Điều này là không thể, nếu như anh em không sống bởi Đấng Christ và biểu lộ Ngài. Làm thế nào mà con người nhận biết Đấng Christ? Chúng ta thường chỉ giảng về Đấng Christ, nhưng chúng ta không biểu lộ Ngài. Dĩ nhiên dù sao cũng tốt hơn là không giảng gì cả. Nhưng giảng Phúc Âm không chỉ có nghĩa là nói về Đấng Christ, mà có một cách tốt hơn, mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn nhiều, đó là sống bởi Đấng Christ và biểu lộ Ngài. Như vậy anh em sẽ là một lời chứng sống của Đấng Christ tuyệt vời này. Tuy nhiên, nếu anh em không sống bởi Đấng Christ mà chỉ giảng Phúc Âm, người ta sẽ nói: Cơ Đốc nhân có nên như vậy không? Chẳng những anh em không biểu lộ sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, mà anh em còn biểu lộ cái khác nữa. Nguyện xin Chúa thực sự hướng lòng chúng ta về Ngài để nhận biết Đấng Christ, Đấng là hình ảnh của Đức Chúa trời không thấy được.Khi đọc bốn sách Phúc Âm, chúng ta thấy được, Chúa Giê-su Christ trong cả đời sống của Ngài luôn luôn chỉ làm những điều mà Cha đẹp lòng như thế nào. Chúa nói rằng: Con không thể tự làm gì. Những gì Ngài làm, Ngài làm bởi sự sống của Cha ở trong Ngài. Đừng nghĩ đó là một cuộc sống đơn giản! Chỉ cần một lần ma quỷ làm cho Đấng Christ sống theo bản ngã mà không sống bởi Đức Chúa Trời, thì ma quỷ đã thắng rồi. Thật khó khăn đối với Chúa để là một con người chân chính ở trái đất này, không phải sống theo sự sống riêng của mình, mà sống bởi sự sống của Cha đang ở trong Ngài. Ngày nay chúng ta đang ở trong hoàn cảnh như vậy. Anh em có sự sống của mình và có Đấng Christ trong anh em. Bây giờ là sự chọn lựa của anh em. Anh em muốn sống như thế nào? Chúng ta có một trách nhiệm. Anh em phải thường nói với Chúa rằng: Lạy Chúa, con muốn sống bởi Ngài, nhưng Ngài phải giúp con. Con muốn học để sống bởi Chúa. Con không thể tự làm được, nhưng nếu Ngài ở trong con, thì hãy giúp con sống bởi Ngài. Hãy học cách nói chuyện với Chúa. Thỉnh thoảng một số người hỏi tôi: Nếu tôi nói chuyện như vậy với Chúa, tôi có xúc phạm Ngài không? Đúng là anh em sẽ xúc phạm Ngài, khi anh em không sống bởi Ngài! Điều này thật sự xúc phạm Ngài! Nhưng anh em có thể nói với Ngài: Lạy Chúa, nếu Chúa không giúp con sống bởi Chúa, thì Chúa cũng chịu trách nhiệm về điều này. Hãy nói vậy với Chúa! Anh em nghĩ Chúa sẽ nổi giận khi anh em nói vậy với Ngài? Môi-se đã nói với Chúa: Chúa thực sự muốn giết dân Ngài ở trong sa mạc sao? Các dân ngoại sẽ cười nhạo Ngài. Đầu tiên Chúa mang họ ra khỏi Ai Cập và sau đó lại giết họ ở trong sa mạc. Các dân ngoại sẽ nói gì về điều này? Chúa sẽ có tiếng xấu. Đức Chúa Trời có nổi giận khi Môi-se nói vậy với Ngài không? Hoàn toàn không; trái lại Chúa trả lời: Ngươi đúng đó, Môi-se. Ta sẽ không giết họ. Đức Chúa Trời đã nghe Môi-se! Chúng ta phải thực sự học cách nói chuyện với Đức Chúa Trời hằng sống. Đừng có cầu nguyện theo cách của tôn giáo! Hãy nói với Ngài một cách chân thật và nói với Ngài những điều ở trong lòng anh em! Tôi thường nói với Chúa rằng: Nếu tôi có thể tự cứu mình, tôi không cần Đấng Cứu Rỗi nữa. Tôi nghĩ, Ngài tán thành với tôi khi tôi nói điều đó với Ngài. Học để nói chuyện với Đấng Christ hằng sống này trong anh em, là điều rất cần thiết cho anh em.
Luyện tập thể hiện Chúa mỗi Ngày
Đấng Christ là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được. Trong suốt cuộc đời mình ở thế gian, Ngài đã biểu lộ sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Lúc ngủ hay đi, lúc một mình hay bên các môn đệ - tất cả mọi điều Ngài làm, Ngài biểu lộ Đức Chúa Trời hằng sống thông qua cuộc sống con người của Ngài. Đây là điều mà mỗi chúng ta ngày nay nên làm. Hỡi các anh em thanh thiếu niên, đừng đợi đến lúc anh em trở nên lớn tuổi hơn, vì lúc đó sẽ khó khăn hơn. Nếu anh em không bắt đầu sống Đấng Christ lúc còn là Cơ Đốc nhân trẻ tuổi, khi có tuổi tác anh em sẽ rất khó thay đổi. Tôi đã quan sát được điều này. Vì càng lớn tuổi hơn, thói quen, tính cách và đời sống tâm hồn của anh em càng định hình cứng hơn. Như vậy tốt hơn là bắt đầu từ bây giờ! Đừng nói là anh em còn quá trẻ. Càng trẻ càng tốt. Ví dụ như khi tôi còn học đại học, tôi đã kinh nghiệm Đấng Christ theo một cách sống động. Do đó, tôi không bao giờ thỏa mãn với giáo lý, vì Chúa kêu gọi tôi, Ngài đã kêu gọi theo một cách sống động. Chúng ta cần mọi kinh nghiệm sống với Chúa, vì Đấng Christ trong chúng ta.
Đấng Christ, Đấng sanh ra đầu mọi tạo vật - tất cả được tạo ra trong Ngài
Đấng Christ của chúng ta thật vĩ đại. Anh em có biết vũ trụ này lớn như thế nào không? Lớn không thể đo lường được! Thực tế vũ trụ còn đang giãn nở ra nữa. Cách đây vài tháng, tôi đọc trong một tờ báo khoa học, các nhà vật lý học thiên thể đã khám phá ra rằng, sự giãn nở của vũ trụ không ngừng tăng nhanh hơn. Đó là một bí mật lớn đối với họ, vì theo các định luật vật lý thì vận tốc giãn nở của vũ trụ phải giảm theo thời gian. Đáng lẽ nó phải chậm hơn. Điều này ngược lại với các định luật vật lý vì sau vụ nổ Big Bang tất cả đều giãn nở nhanh hơn! Và thậm chí sau hàng nghìn năm! Tất cả đều bị lột trần ra, vì không một ai có thể giải thích được. Qua đó, toàn bộ thuyết Big Bang bị ném đi. Theo lý trí loài người, sự giãn nở phải chậm hơn, nhưng bởi quyền năng của Đức Chúa Trời thì nó lại nhanh hơn. Anh em giải thích điều này như thế nào? Không ai có thể giải thích được. Vũ trụ này được dựng ra trong Đấng Christ! Phao-lô sử dụng ba giới từ: trong Ngài, bởi Ngài và cho Ngài. Nhưng giới từ đầu tiên ông dùng ở đây là "tất cả được dựng nên trong Ngài". Đấng Christ này thật lớn! Sau khi vũ trụ được tạo ra, nó bây giờ đứng vững trong Ngài. Điều này có nghĩa là Ngài giữ vững nó. Không có Ngài thì nó sẽ bị tan rã ra thành từng mảnh. Anh em có từng suy nghĩ tại sao mặt trời mọc mỗi buổi sáng không? Anh em phải ngợi khen Chúa khi mặt trời mọc, vì nó đứng vững trong Ngài. Có nghĩa là Ngài giữ vững tất cả. Nếu một ngày nào đó Chúa nói: Hừm, nhân loại này kinh tởm quá, ta từ bỏ nó! Nếu Chúa nói một câu này thôi, tất cả sẽ tách rời ra thành từng mảnh. Anh em không nhận ra Đấng Christ trong anh em vĩ đại như thế nào đâu. Tất cả được tạo ra trong Ngài có nghĩa là gì? Nó không chỉ có nghĩa Ngài là nguồn gốc, mà tất cả, mọi thứ được tạo ra, tồn tại bởi Ngài. Giăng 1:3 nói: "Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài". Ví dụ, nếu cuốn sách này được tạo ra bởi tôi, cuốn sách này vẫn là cuốn sách, và tôi là tôi. Nếu tôi biến đi, cuốn sách này vẫn tồn tại, vì cuốn sách này chỉ được tạo ra bởi tôi. Nếu General Motors bị tan rã, mấy chiếc xe hơi của hãng này vẫn còn hoạt động. Vì xe hơi được tạo ra bởi General Motors. Nếu xe hơi được tạo ra trong General Motors, và General Motors tan rã, thì mọi xe hơi của General Motors cũng bị tan rã. Điều này có nghĩa là, nếu Chúa biến mất đi, tất cả đều biến mất! Chúng ta không nhận ra được Đấng Christ, Đấng sống trong chúng ta, vĩ đại và tuyệt vời như thế nào. Ngài là Đấng Tạo Hóa, tất cả đến từ Ngài và đứng vững trong Ngài. Không có khoa học nào có thể giải thích điều này được!
Tất cả được tạo ra để cho Ngài
Chúng ta thường không nhận ra Đấng Christ này thật vĩ đại như thế nào! Tất cả được tạo ra để cho Ngài. Nó không được tạo ra cho chúng ta ở vị trí đầu tiên. Tôi e rằng, nhiều người trong chúng ta nghĩ, mọi vật được tạo ra vì chúng ta. Không, Kinh Thánh nói: Tất cả là vì Ngài, để cho Ngài và cho chương trình của Ngài. Chúng ta thường chỉ nghĩ đến chính mình. Chúng ta không bao giờ nghĩ đến, tất cả được tạo ra cho NGÀI. Vì thế Phao-lô nói về Ngài: Ngài làm đầy mọi vật. Điều này có ý nghĩa lớn. Tôi biết đối với nhiều người thì thật khó để hiểu được sự vĩ đại của Đấng Christ. Tuy nhiên, Phao-lô biết Đấng Christ này quá đỗi. Tất cả được tạo ra trong Ngài, bởi Ngài và cho Ngài, vì vậy Chúa dùng được tất cả trong Kinh Thánh để tự nói về mình. Ví dụ, Ngài là mặt trời. Khi anh em thưởng thức nắng mặt trời, nếu mặt trời nói được, nó sẽ nói với anh em: Kẻ khờ dại kia, tại sao anh không thưởng thức mặt trời chân chính, là Đấng Christ? Chúa cũng là đồng cỏ xanh tươi. Khi nhìn thấy đồng cỏ xanh tươi, anh em nghĩ đến điều gì? Anh em không nghĩ đến Chúa. Còn với Chiên của Đức Chúa Trời và bánh của sự sống thì sao? Khi ăn bánh mì mỗi buổi sáng, bánh mì có nhắc anh em ăn Đấng Christ không? Chúa có thể dùng thật nhiều điều: Ngài là nước của sự sống, là gốc nho thật. Mỗi khi uống rượu, anh em nên nói: Lạy Chúa, con muốn uống một ngụm từ Ngài. Ngài cũng là ánh sáng thế gian. Nếu anh em không có Ngài, anh em sống trong bóng tối. Vì lý do này, Rô-ma 8 nói rằng: "muôn vật đều rên siết" (câu 22). Tại sao? Tại vì muôn vật không nhìn thấy được hình ảnh của Đức Chúa Trời vô hình trong chúng ta. Muôn vật không thấy được chúng ta biểu lộ Đấng Christ như thế nào. Khi nhìn thấy tuyết ở trên núi, anh em có bao giờ nhớ tóc Chúa trắng như tuyết? Nó thật sạch, thật thiên thượng và thật thánh khiết. Anh em chỉ nghĩ đến ông già tuyết hay hòn tuyết thôi. Tất cả đều có thể biểu lộ sự vinh hiển của Đấng Christ hằng sống, vì tất cả đều được tạo ra trong Ngài. Chúa nói: Ta là con đường. Đấng Christ là con đường. Trong tất cả các điều này, chúng ta thấy toàn bộ tạo vật được tạo ra để biểu lộ sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Tạo vật quan sát chúng ta và nói: chúng tôi phải đợi bao lâu nữa cho tới khi họ mới biểu lộ sự vinh hiển của Đấng Christ? Chúng ta hãy đọc Rô-ma 8:19-22: "Thật thế, muôn vật ước ao, nóng nảy mà trông đợi con cái Ðức Chúa Trời được tỏ ra. Vì muôn vật đã bị bắt phục sự hư không, chẳng phải tự ý mình, bèn là bởi cớ Ðấng bắt phục. Muôn vật mong rằng mình cũng sẽ được giải cứu khỏi làm tôi sự hư nát, đặng dự phần trong sự tự do vinh hiển của con cái Ðức Chúa Trời. Vì chúng ta biết rằng muôn vật đều rên siết và chịu khó nhọc cho đến ngày nay". Vì A-đam đã sa ngã, nên toàn bộ tạo vật bị sa ngã và rên siết. Tiếc là anh em không có rên siết! Nếu anh em không biểu lộ Đức Chúa Trời, anh em có rên siết và nói: "Lạy Chúa, xin tha thứ cho con, con ăn năn, con muốn học từ Ngài" không? Do đó, toàn bộ tạo vật cũng rên siết, vì chúng chờ đợi chúng ta. Là con người, chúng ta là đầu mọi tạo vật của Đức Chúa Trời.
Đấng Christ, Đầu của tạo vật mới
Ngài có trước tất cả và tất cả đứng vững trong Ngài. Tất cả được giữ vững bởi Ngài và hoạt động trong Ngài. Tất cả hoạt động và hòa hợp với nhau bởi Đấng Christ. Còn đối với tạo vật mới, là Hội Thánh, thì sao? Đấng Christ là Đầu của thân thể, tức là Đầu là Hội Thánh. Hội Thánh là tạo vật mới. Trong tạo vật cũ, Đấng Christ được sinh ra đầu tiên. Điều này không có nghĩa Ngài là tạo vật, mà Ngài chính là Đấng Tạo Hóa. Lời giải thích của Phao-lô về Đấng Christ là Đấng sanh ra đầu tiên: "... Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất.. tất cả đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả" (Cô-lô-se 1:16). Đừng chấp nhận lời giải thích nào khác. Trong quá khứ, nhiều Cơ Đốc nhân thường tranh cãi về câu này. Một số người cho rằng Đấng Christ được tạo ra, vì Ngài là Đấng được sinh ra đầu tiên của mọi tạo vật; nhưng đó không phải là nghĩa của câu này. Đấng Christ cũng chính là Đầu của thân thể, tức là Đầu của Hội Thánh. Ngài là tất cả trong tạo vật mới. Hội Thánh không thuộc về con người, không phải là tổ chức của con người và không phải là việc làm. Có nghĩa là: "... Ngài là Đầu của thân thể, tức là Đầu Hội thánh. Ngài là ban đầu" (Cô-lô-se 1:18). Chỉ mình Ngài là Đầu của thân thể, Đầu của Hội Thánh chứ không phải một người nào đó, không phải các trưởng lão, các sứ đồ, Phi-e-rơ, Phao-lô, mà là Đấng Christ. Xin đừng quên điều này!
Đấng Christ là ban đầu của tạo vật mới và là Đấng sanh đầu tiên từ trong những kẻ chết
Đấng Christ là khởi đầu. Ai đã bắt đầu vũ trụ này? Đấng Christ. Và ai giữ cho nó hoạt động? Cũng Đấng Christ. Và tạo vật được tạo ra cho ai? Cho Đấng Christ. Với tạo vật mới thì sao? Ai bắt đầu Hội Thánh? Đừng bảo rằng: mục sư này, mục sư nọ. Nếu là mục sư này nọ thì là Hội Thánh này, Hội Thánh nọ. Đó không phải là Hội Thánh, mà là cái gì khác. Không, Hội Thánh không bắt đầu bởi tổ chức hay khả năng của con người, ở đây nói rằng: "Ngài là ban đầu, Đấng sanh đầu tiên từ trong những kẻ chết". Trong tạo vật cũ, Đấng Christ là Đấng sanh đầu mọi tạo vật; có nghĩa Đấng Christ là tất cả. Và bây giờ trong tạo vật mới, Đấng Christ cũng phải là tất cả. Nếu Ngài bị thay thế bởi một người, một tổ chức hay bởi thần học, thì đó không phải là Hội Thánh của Ngài. Ngài là khởi đầu của tạo vật mới, và Ngài là Đấng sanh ra đầu tiên từ trong những kẻ chết. Có nghĩa, Hội Thánh được tạo ra trong sự phục sinh. Nếu không có quyền năng của sự phục sinh, thì tất cả đang chết và anh em ở trong bản ngã cũ của mình. Anh em có thể biết sự dạy dỗ: vâng, tất cả chúng ta ở trong Đấng Christ và là một tạo vật mới – tuy nhiên, anh em lại sống trong bãn ngã cũ của mình. Vì tạo vật mới này chỉ có thể được tạo ra bởi quyền năng của sự phục sinh. Vì vậy, Phao-lô nói trong Phi-líp 3:10: "... để được biết Ngài, và quyền phép của sự phục sinh Ngài". Con người cũ của anh em phải đi qua sự chết, và những gì đi ra khỏi sự chết, mới nằm trong quyền năng của sự phục sinh. Chỉ có những điều này mới là Hội Thánh! Nếu không phải vậy, chúng ta sẽ không ngừng gặp nhiều nan đề. Tôi nghe một số người nói rằng, cứ mười năm là có một cơn bão lớn trong Hội Thánh. Tại sao? Tại sao cứ mười năm là Hội Thánh có một cơn bão, một nan đề lớn? Kinh Thánh không có nói gì về điều này. Nếu cứ mười năm thì có một cơn bão, điều này chỉ nói rằng, có điều gì đó sai trong Hội Thánh. Hoặc ai đó tiếp nhận ví trí là cái đầu của Hội Thánh, hoặc Đấng Christ không phải là khởi đầu, hoặc Hội Thánh không được sinh ra bởi quyền năng của sự phục sinh. Ai có thể sống lại từ những kẻ chết? Ai có thể cho kẻ chết ra khỏi mồ? Chỉ có Chúa! Anh em có nhớ đến La-xa-rơ và nhiều sự kiện khác trong Kinh Thánh không? Chỉ bởi quyền năng của sự phục sinh trong anh em và trong tôi thì Hội Thánh mới có thể xây dựng được, chứ không phải bởi một người truyền đạo năng động. Trong Cô-lô-se, Phao-lô chỉ cho chúng ta thấy: Đấng Christ là ban đầu. Làm thế nào Ngài có thể là ban đầu được? Qua việc Ngài đi xuyên qua sự chết và phục sinh, - Đấng sanh ra đầu từ trong những kẻ chết. Tạo vật cũ đi qua sự chết, và cái gì ra khỏi đó là tạo vật mới. Vì vậy, Phao-lô nói trong Rô-ma 6, chúng ta đã chịu báp-tem trong sự chết của Đấng Christ và bây giờ sống trong sự sống mới. Đó là quyền năng của sự phục sinh. Và mỗi ngày chúng ta phải sống trong quyền năng của sự phục sinh này, vì Đấng Christ phục sinh và Thánh Linh, Đấng đã làm Đấng Christ sống lại từ những kẻ chết, đang sống trong anh em! Tiếc là chúng ta thường không biết phải sống bởi điều này trong đời sống hằng ngày như thế nào. Chúng ta kinh nghiệm sự chết trong thật nhiều sự việc. Vì thế chúng ta thật bất lực trong nhiều việc mà chúng ta làm. Chúng ta vẫn sống trong xác thịt. Chúng ta không thể chiến thắng chính mình và có thật nhiều nan đề - tội lỗi, thế gian, nhiều khó khăn -, vì chúng ta thường không biết phải sống trong quyền năng của sự phục sinh như thế nào.
Xây dựng Hội Thánh qua kinh nghiệm của sự phục sinh
Nếu Đấng Christ là tất cả trong tạo vật cũ, thì điều đó cũng đúng trong tạo vật mới! Nếu anh em hỏi tôi cách đây nhiều năm rằng, Hội Thánh được xây dựng như thế nào, thì tôi đã có thể nêu nhiều điểm và cho anh em đi dự huấn luyện với nhiều sách vở, và một mục lục cụ thể. Bây giờ tôi chỉ nói với anh em: Hãy sống bởi Đấng Christ, như vậy là đủ tốt rồi! Nếu không sống bởi Đấng Christ, anh em có thể biết toàn bộ Kinh Thánh, nhưng cuối cùng anh em đấu tranh với nhau. Anh em sẽ tranh đấu và căng thẳng với nhau không phải vì anh em không biết Kinh Thánh, mà vì anh em không sống bởi Đấng Christ! Hỡi các anh em trẻ, hãy học điều này trong tạo vật mới, học để quen biết Chúa và để sống bởi Ngài. Trong 40 năm qua, chúng ta thấy nhiều người có rất nhiều hiểu biết, đã truyền giảng trong 40 năm và cuối cùng tất cả đều sụp đổ. Tại sao chúng ta lại không theo đường của Đức Chúa Trời? Con đường của Đức Chúa Trời là Đấng Christ trong anh em, niềm hy vọng của sự vinh hiển! Đấng Christ trong anh em là gì? Đấng Christ, là Đấng đã đi xuyên qua sự chết và phục sinh, Đấng sanh đầu từ trong những kẻ chết! Anh em nên nói với Chúa rằng: "Lạy Chúa, con muốn kinh nghiệm quyền năng phục sinh của Ngài, con muốn thắng con người cũ chết chóc này!". Nan đề của chúng ta không chỉ là tội lỗi, mà sự chết cũng là nan đề của chúng ta! Do đó, Phao-lô nói trong Ê-phê-sô 2: 1 "Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình". Chúng ta không chỉ phạm tội, mà chúng ta cũng chết nữa! Cho nên Phao-lô nói đến thân thể của tội lỗi và của sự chết. Vì vậy, chúng ta bất lực trong nhiều sự việc và không thể thắng nổi những nan đề nhỏ nhất. Nguyện xin Chúa mở mắt cho chúng ta, để chúng ta nhận ra mình bây giờ đang ở trong tạo vật mới. Tạo vật mới là gì? Cũng giống như tạo vật cũ: Đấng Christ là tất cả! Đấng Christ là ban đầu. Nếu những gì không đến bởi Đấng Christ, thì không bắt đầu gì cả. Chúa là An-pha và Ô-mê-ga trong cuộc sống Hội Thánh. Điều này không phải là giáo lý. Hãy hướng lòng về Chúa trong anh em và hỏi Ngài: "Lạy Chúa, Ngài có phải vậy không? Khi Ngài bắt đầu, con mới bắt đầu; khi Ngài dừng, con dừng". Nếu Ngài không chỉ anh em, thì nói với Ngài: "Lạy Chúa, Chúa phải chỉ con, hãy nói với con! Nếu con bị điếc, xin chữa lành tai con ngay lập tức. Con không muốn bị điếc, con muốn nghe Ngài. Nếu con bị mù, thì hãy làm cho con thấy. Nếu con bị cứng lòng, thì xin cho con một trái tim mới. Hãy dò xét lòng con!" Nói những điều này với Chúa, đừng có nhút nhát, đừng quá lịch sự, đừng như một người Hoa, hãy như một người Đức, hãy nói trực tiếp thẳng thắn. Nói với Chúa điều mà anh em cần! Hãy nói rõ ràng với Chúa anh em cần điều gì, và Ngài sẽ nghe anh em! Các anh em trẻ, hãy học điều này! Hãy nói với Ngài!
Đấng Christ là đầu mọi quyền cai trị và mọi thế lực
Đấng Christ cũng là Đầu mọi quyền cai trị và mọi thế lực: "Anh em lại nhờ Ngài mà có được đầy dẫy mọi sự, vì Ngài là Đầu của mọi quyền cai trị và mọi thế lực" (Cô-lô-se 2:10). Phao-lô đã thực sự quen biết Đấng Christ! Ngài không chỉ là Đầu của tạo vật cũ và tạo vật mới, Ngài là Đầu của mọi quyền cai trị và mọi thế lực! Hãy nói với tôi: Có quyền phép nào lớn hơn Ngài? Anh em có sợ ma quỷ không? Anh em có hoảng sợ trước ma quỷ, các quyền cai trị, các thế lực và các tà linh không? Đấng Christ, Đấng sống trong anh em, là Đầu mọi quyền cai trị và mọi thế lực! Vì vậy, anh em có thể trừ quỷ được, chúng nó phải chạy trốn khỏi anh em! Trên cây thập tự, Chúa đã truất bỏ các quyền cai trị và các thế lực và trưng bày chúng nó (Cô-lô-se 2:14-15). Ngài là Đầu, là kẻ chiến thắng, Ngài toàn thắng! Vậy thì anh em sợ gì nữa? Anh em có gì sợ không? Anh em không nên sợ! Anh em sợ loài người à? Đừng, đừng sợ loài người! Không có gì để chúng ta phải sợ cả. Hãy sống bởi Đấng Christ này, như vậy là đủ tốt rồi! Đấng Christ này thật vĩ đại. Đức Chúa Trời đã ban cho anh em một Đấng Christ cực kỳ lớn, không thể đo lường được, vô tận, không thể hiểu thấu. Anh em không thể mô tả được Đấng Christ lớn như thế nào. Ngài là Đầu mọi quyền cai trị và mọi thế lực! Nói với ma quỷ rằng hắn phải cút đi, vì Đấng Christ sống trong anh em! Nói với hắn: "Ngươi có muốn đến và sống cùng với Đấng Christ trong ta không?" Anh em nghĩ là ma quỷ dám sống trong anh em, khi Đấng Christ đang sống ở đó sao? Hắn sẽ bị Đấng Christ tiêu hủy. Nếu sếp cảnh sát sống bên cạnh anh em, anh em có nghĩ là, ăn trộm dám vô nhà anh em không? Đầu mọi quyền cai trị và mọi thế lực sống trong anh em. Vấn đề là anh em không nhận ra được Đấng Christ mà anh em có là gì. Vì thế anh em hoảng sợ, nghi ngờ, không cảm thấy chắc chắn, và cuối cùng mọi quyền cai trị và thế lực đùa giỡn với anh em, vì chúng nó để ý rằng anh em không biết Đấng Christ trong anh em là gì. Ngài là Đầu! Ngài đã để muôn vật dưới chân Ngài, Ngài lớn hơn mọi quyền cai trị và mọi thế lực, mọi thiên sứ phải thờ phượng Ngài. Nói với ma quỷ rằng: "Đừng có quấy rầy ta nữa, đi và thờ phượng Đầu đi. Hãy khuất phục Đầu!" Anh em đừng sợ, anh em phải can đảm, vì anh em có Đấng Christ trong anh em, niềm hy vọng của sự vinh hiển. Huyện nhiệm này của vũ trụ thật tuyệt vời và thật vĩ đại, và anh em được tạo thành thật tuyệt. Thật là một huyền nhiệm!
Sống trong Chúa
Và tiếp đó: "... mọi sự đầy dẫy vui thích sống trong Ngài" (Cô-lô-se 1:19). Anh em có thích sống trong Đấng Christ hay là nó quá khó khăn đối với anh em? Cả vũ trụ thích sống trong Đấng Christ. Với anh em thì sao? Anh em có thích không? Hay điều này là quá nhiều đối với anh em và anh em nói với Đấng Christ: "Xin để con yên, con muốn sống cuộc sống của mình". Một số bản dịch nói rằng: "Ðức Chúa Trời đã vui lòng khiến mọi sự đầy dẫy của mình chứa trong Ngài". Dịch như vậy không đúng, dịch chính xác là: "... mọi sự đầy dẫy vui thích sống trong Ngài". Anh em có hạnh phúc trong Đấng Christ không? Đúng, anh em hạnh phúc, nhưng thỉnh thoảng anh em cảm thấy gian khổ. Và Đấng Christ đã hòa giải tất cả với Đức Chúa Trời, trừ ma quỷ. Đừng tin những gì mà một số người nói khi sử dụng câu này để chỉ ra rằng, Đấng Christ cũng hòa giải ma quỷ với Đức Chúa Trời. Vì cũng có nhiều ngoại lệ. Chúa cũng nói: "không có ly dị", nhưng có một ngoại lệ. Trong Kinh Thánh có nhiều ngoại lệ. Nhưng tôi không bàn về chuyện này, tôi chỉ muốn nói với anh em: Mọi sự đầy dẫy vui thích sống trong Ngài, vì Ngài đã hòa giải toàn bộ tạo vật với Đức Chúa Trời. Qua sự sa ngã của loài người, ma quỷ đã hủy hoại toàn bộ tạo vật, nhưng Đấng Christ bởi sự chết của Ngài trên thập giá đã phục hồi lại hòa bình, trật tự và đã hòa giải tất cả với Đức Chúa Trời. Vì thế, sự đầy dẫy trọn vẹn vui thích được sống trong Ngài. Cũng vì thế toàn bộ tạo vật chờ đợi các tín đồ được ứng hầu trước Đức Chúa Trời một cách thánh sạch, không tì vết và không chỗ trách được. Điều này có thể không? Anh em phải tin! Đừng là một tín đồ không tin! Chúng ta nghĩ, nó không thể được! Anh em có phải là một người tin không? Và anh em có tin rằng, anh em có thể ứng hầu trước Đức Chúa Trời một cách thánh sạch, không tì vết, không chỗ trách được không? Thật chứ? Thật tuyệt vời! Đó là điều mà Chúa muốn làm nơi chúng ta. Hôm nay chúng ta có thể bắt đầu luyện tập để sống bởi Đấng Christ và để biểu lộ Ngài, vì Ngài đã sống trong chúng ta rồi! Qua mọi việc anh em làm trong đời sống hằng ngày, anh em có thể biểu lộ Đấng Christ! Và khi Ngài đến, sự vinh hiển này sẽ không thể tả được. Nó sẽ giống như lúc Chúa biến hình trên núi, chỉ sẽ mạnh hơn và mãnh liệt hơn!
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules