-
Moderator
C - Chiếc Nhẫn
CHIẾC NHẪN
Nhẫn trong đời thường
Có một thời người ta đeo nhẫn để chứng tỏ mình là người tự do.
Có một thời người ta đeo nhẫn để nói lên mình đã ràng buộc, cam kết.
Có một thời người ta tháo nhẫn vì cam kết không thành.
Thời La Mã cổ đại, những người sinh ra trong giai cấp tự do cần phải đeo nhẫn bằng vàng để mọi người biết rằng mình là giai cấp tự do, không thuộc tầng lớp nô lệ. Những người nô lệ được trả tự do cũng cần phải đeo nhẫn, không phải bằng vàng nhưng là nhẫn bằng bạc. Nên đeo nhẫn là để biểu lộ tự do và cũng là để cam kết.
Nguồn gốc tục đeo nhẫn
Chiếc nhẫn cưới hình tròn. Vòng tròn tượng trưng cho lời khấn hứa bất diệt, điều nguyện cầu vô tận. Đó là một tượng hình bắt đầu từ Ai cập.
Theo tập tục của dân Anglosaxons, khi làm lễ đính hôn thì lễ vật nhà trai mang đến nhà gái phải có một chiếc nhẫn đính hôn để vị hôn phu đeo cho vị hôn thê trước mặt đại diện hai họ. Sau khi được vị hôn phu tự tay đeo nhẫn đính hôn cho mình rồi, vị hôn thê mới lấy một chiếc nhẫn đính hôn khác mà cô đã để sẵn trong túi áo để đeo vào tay người cô yêu.
Nhẫn đính hôn được đeo vào ngón giáp út của bàn tay trái cho đến ngày làm lễ cưới. Tới ngày cưới, cô dâu chú dể sẽ tháo chiếc nhẫn đính hôn từ tay trái để đeo vào tay phải cho nhau.
Dân Mỹ, Tô Cách Lan và dân theo đạo Thiên Chúa giáo hiện nay theo tục đeo nhẫn cưới vào ngón giáp út của bàn tay trái.
Tín đồ Thiên Chúa giáo bắt đầu có tục lệ cô dâu chú rể đeo nhẫn cưới cho nhau kể từ năm 800, nghĩa là được 1210 năm rồi.
Nhẫn trong hôn nhân gia đình
Có những người khắc tên người yêu trên chiếc nhẫn giao ước của mình để nhắc nhớ và ghi khắc vào trong tim. Nhưng cũng có những người lại lơ là, rồi quên dần lời hứa giao ước.
Như Nhẫn không phải là hạnh phúc, càng không đưa hạnh phúc về, thì ngón tay xỏ nhẫn cũng không nối nhịp thuỷ chung. Mà thái độ đón nhận và trao ban mới làm cho tình yêu thăng hoa, mới lôi kéo hạnh phúc về và sợi dây tình yêu mới thắt chặt trong tâm hồn hai người.
Nhưng thực tế, thái độ này đang bị lãng quên, coi nhẹ khiến cho cha mẹ phải lo lắng. Người sắp tiến tới hôn nhân thì dè dặt. Còn Thiên Chúa thì càng lúc thấy rõ lối mòn bất trung của Israel xưa vẫn được vẽ lại trong thời đại nay.
Trong nghi lễ hôn phối, có nghi thức làm phép và xỏ nhẫn. Chiếc nhẫn tượng trưng cho tình yêu và lòng trung tín của hai người. “Xin Thiên Chúa chúc phúc cho những chiếc nhẫn này mà hai người trao cho nhau để làm bằng chứng tình yêu và trung thành”.
Đôi tân hôn khi xỏ nhẫn cho nhau đều đọc: “Anh (em) hãy nhận chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và trung thành của anh (em). Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”
Xỏ nhẫn cho nhau nói lên sự ràng buộc và trung thành với nhau suốt đời.
Hai chiếc nhẫn có hình tròn, nhưng khi để sát vào nhau sẽ tạo thành hình số 8, giống như cái còng của công an vậy. Nhưng là một loại còng tự nguyện, nên khi đã khoá lại thì không có chìa để mở.
Từ chiếc nhẫn đến chữ Nhẫn
Chữ nhẫn là chữ tương vàng,
Ai mà nhẫn được thì càng sống lâu (Ca dao)
Nhẫn cưới thì quý. Quý không bởi chúng làm bằng gì, mà là thái độ tự nguyện của hai người công khai lập bản giao ước và quyết chí trung thành bảo vệ. Nhờ đó, hương thơm của tình yêu toả lan, và qua con đường này, họ tìm đến Thiên Chúa là tình yêu đích thật.
Nhẫn cưới quý thì chữ Nhẫn trong đời sống càng quý biết bao. Nhờ chữ Nhẫn của nhân đức mà chiếc nhẫn được tô thêm sự lộng lẫy, sáng chói.
Nhờ chữ Nhẫn mà tương quan cha mẹ, con cái, vợ chồng, bạn bè, đồng nghiệp được sống trong trên thận dưới hoà, giữ được hoà khí ấm áp tình người.
Nhờ chữ Nhẫn mà mọi thứ cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt không có cơ hội phát triển, càng không thể áp đảo tình cảm gia đình được.
Nhờ chữ Nhẫn mà ý riêng không có cơ hội tấn công con người, nên gia đình tạo được một sức mạnh tập thể vững chắc.
Nhờ chữ Nhẫn, ta mới hiểu được lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với con người lơn lao đến dường nào.
Dĩ nhiên, muốn Nhẫn thì phải nhục. Nhưng nhục để có hạnh phúc gia đình, có được tín nhiệm và là chỗ dựa cho nhau thì cũng đáng.
Truyện minh họa
Năm 1028, khi thấy mình sắp chết, vua Constantin IX ở La mã cho vời nhà quí tộc Romanuus đến, để đồng thời vừa truyền ngôi, vừa gả công chúa Théodora cho nữa.
Romanus tâu vua: mình hết lòng cảm ơn lòng thương của vua, song mình đã có vợ.
Không đếm xỉa gì đến lời tâu, vua truyền cho ông, nếu không lấy con vua thì sẽ bị khoét cả hai con mắt: muốn chọn đàng nào thì chọn. Rồi nhà vua cho ông một ngay để suy nghĩ.
Tới ngày hẹn, ông Romanus vào chầu. Hoàng đế cho gọi công chúa đến, một công chúa tài sắc vẹn toàn. Nhưng Romanus can đảm tâu vua: dây hôn phối ràng buộc ông với vợ, do Thiên Chúa buộc, và thế gian không ai có quyền tháo gỡ. Vua ra sức ép nài nhưng vô ích. Ông Romanus cam lòng chịu khoét mắt hơn là lỗi lề luật của Thiên Chúa. (Trần công Hoán, truyện hay 5, tr 54-55)
Ước chi ai đi vào đời sống đình thì cũng luôn trung thành với giao ước hôn nhân để không những giữ hạnh phúc gia đình, mà còn không làm cho nhiều con cái phải mồ côi, thất vọng, đau khổ.
Dầu mà trời đất phân chia,
Đôi ta như khóa với chìa đừng rơi (ca dao)
Nếu ai cũng nhớ đến chiếc nhẫn và biết dùng chữ Nhẫn từng ngày thì tình nghĩa, tình bạn, tình yêu sẽ mãi vẹn toàn trọn hảo.
Cha con biết nhẫn nhịn, đạo lý được vẹn toàn
Vợ chồng biết nhẫn nhịn, con cái khỏi bơ vơ
Anh em biết nhẫn nhịn, tình nghĩa chẳng phai mờ
Bản thân biết nhẫn nhịn, được mọi người mến thương
Ai chưa biết nhẫn nhịn, chưa phải là người.
* Đọc thêm bài CHỮ NHẪN
THANH THANH
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules