Ngoạ Thính Nha Trai
Tưởng niệm 26 năm chiến tranh Trung-Việt
- Cuộc chiến không thể nào quên

C.C.P dịch

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, hơn 20 vạn quân Trung Quốc chia thành hai mũi vượt qua biên giới Trung - Việt mở cuộc tấn công rầm rộ vào Việt Nam. Cuộc chiến tranh này được phía Trung Quốc gọi là "Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam".

Đối với đại đa số người Trung Quốc, cuộc chiến tranh này quá bất ngờ, hôm qua còn là bạn bè anh em rất thân thiết thế mà chỉ trong một đêm đã biến thành kẻ thù. Chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc cũng được tiến hành rất chậm, sau khi chiến tranh nổ ra, các địa phương mới triệu tập hội nghị để công bố các loại tội ác của người Việt Nam. Té ra từ trước đó, người Việt Nam đã xua đuổi Hoa kiều, bức hại Hoa kiều, không những thế họ còn không lượng sức mình dám khiêu khích ở biên giới và xâm lược Trung Quốc. Trung Quốc không nhẫn nhịn nổi buộc phải tiến hành phản kích tự vệ. Chỉ cần có thế là người Trung Quốc vừa trải qua cuộc Cách mạng Văn hoá đau thương đã nổi cơn thịnh nộ, tính cuồng nhiệt của họ lại được khơi dậy lần nữa, họ kiên quyết ủng hộ Chính phủ dạy một bài học cho người Việt Nam dám vong ân bội nghĩa. Đương nhiên trong số họ, cũng có người nảy sinh nghi ngờ, làm sao Việt Nam lại dám xâm lược Trung Quốc? Nhưng khi đó đại đa số người Trung Quốc chưa quen với cách phân tích vấn đề bằng đầu óc của riêng mình, thần kinh của họ bị chi phối bởi Chủ nghĩa sô-vanh nước lớn, họ mặc nhiên cho rằng cuộc chiến tranh chống Việt Nam là hoàn toàn chính nghĩa, phải đạp bằng nước Việt Nam mới rửa được mối hận thù.

Nói đến Chủ nghĩa sô-vanh nước lớn, xem ra chính phủ Trung Quốc chẳng hề giấu giếm điều này. Hồi đó, một từ ngữ được sử dụng với tần suất cao nhất là "dạy cho bài học". Cuộc chiến tranh của Trung Quốc chống lại Việt Nam là dạy cho người Việt Nam một bài học. Vậy thế nào là "dạy cho bài học"? Đó là từ ngữ của thầy giáo dành cho học sinh, bậc tiền bối dành cho kẻ hậu sinh, cấp trên dành cho cấp dưới. Nay từ ngữ đó được Trung Quốc sử dụng đối với Việt Nam - một quốc gia bình đẳng với Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình khi đang ở thăm Mỹ đã công khai nói rằng: "trẻ con không vâng lời, phải đánh cho vài roi vào mông", câu nói đó rõ ràng là tự bộc lộ sự ngạo mạn quá đáng.

Rốt cuộc thì giữa Trung Quốc và Việt Nam đã xảy ra chuyện gì khiến Trung Quốc phải đại động binh đao như vậy? Vì sao Việt Nam lại trở thành kẻ thù của Trung Quốc? Hơn hai mươi năm đã trôi qua rồi, đã đến lúc chúng ta cần kiểm thảo lại cuộc chiến tranh này, cũng may là lịch sử trôi qua chưa xa lắm.

Một trong những lý do Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh này là nhằm báo thù Việt Nam bức hại Hoa kiều. Đó quả là một lý do rất hay, bởi lẽ bảo vệ an toàn cho kiều bào là nghĩa vụ của mọi chính phủ. Đáng tiếc là, chúng ta giở lại lịch sử Trung Quốc, dù là trước hoặc sau thời điểm đó cũng không thể tìm ra bất cứ dòng ghi chép nào về việc Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh ngoài biên giới để bảo vệ lợi ích của Hoa kiều. Tìm trong ý thức văn hoá truyền thống tiềm ẩn của Trung Quốc cho thấy, người Trung Quốc luôn an phận đóng cửa ru rú ở nhà, nếu ai tự tiện ra nước ngoài ít nhiều sẽ bị coi là phản nghịch, đào đâu ra chuyện quốc gia xuất binh đi chinh chiến vì những kẻ tự tiện bỏ nước ra đi đó? Không nói chuyện xa xôi, hãy nói chuyện mấy [chục] năm trước đây, khi Indonesia tàn sát hàng loạt người Hoa [1] , chúng ta cũng chỉ hò hét suông vài câu mà thôi, có thấy ai nói đến chuyện động binh đao đâu?

Lý do đối ngoại mà Trung Quốc công bố để gây chiến với Việt Nam là "tự vệ". Lý do này thực sự là áp đặt quá đáng. Hồi đó Việt Nam không hề xâm lược Trung Quốc, va chạm ở biên giới cũng chưa đến mức uy hiếp an ninh của Trung Quốc, quả thực Trung Quốc không cần thiết huy động tới 20 vạn đại quân xâm nhập sâu vào đất nước người ta để công thành cướp đất, tiến hành cái gọi là "tự vệ". Chỉ riêng lý do này thôi, dù trong nước hay trên quốc tế, người tinh mắt đến mấy cũng khó có thể tìm ra. Nhớ lại năm xưa, cuộc xung đột biên giới Trung - Xô ác liệt đến vậy [2] , nhưng cuối cùng cũng không dẫn tới chiến tranh. Lý do rất đơn giản, bởi lẽ cả hai bên đều không muốn phát động chiến tranh.

Có người cho rằng, cốt lõi của cuộc chiến tranh Trung-Việt là Đặng Tiểu Bình muốn xác lập uy tín cá nhân. Lý do này càng không đứng vững. Tuy rằng khi đó Đặng Tiều Bình mới trở lại nắm quyền, nhưng xem xét lý lịch và năng lực của Đặng Tiểu Bình cho thấy ông ta không cần thiết phải phát động cuộc chiến tranh ngoài biên giới quốc gia để xây dựng uy tín cho cá nhân, huống hồ chiến tranh là đại sự quan trọng liên quan đến vận mệnh của quốc gia, đâu phải là diễn kịch? Hơn nữa khi đó Đặng Tiểu Bình cũng không thể một mình quyết định được chiến tranh.

Nói như vậy thì chúng ta không thể tìm ra căn nguyên của cuộc chiến tranh này. Chúng ta hãy mở rộng tầm nhìn xa hơn một chút, chuyển dịch thời gian về thời cổ đại xa xưa, đưa không gian vào bối cảnh thế giới. Như vậy có lẽ chúng ta mới tìm ra được cội gốc của cuộc chiến tranh này, có lẽ mới là "đường đi ngỡ hết, bỗng có làng dân". [3]

Việt Nam thời cổ xa gọi là An Nam, là nước phụ thuộc lâu đời của Trung Quốc. Nói theo cách khác, Việt Nam luôn sống trong bóng râm của Trung Quốc, ngay cả vua của Việt Nam cũng phải được Hoàng đế Trung Quốc sắc phong. Quan hệ thần phục này tồn tại đến thập kỷ 80 của thế kỷ XIX thì chấm dứt cùng với việc kết thúc cuộc chiến tranh Trung - Pháp. Nhưng kể từ đó, Việt Nam bị mất độc lập, trở thành thuộc địa của Pháp, sau đó Việt Nam lại bị Nhật Bản chiếm cứ. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, thực dân Pháp quay lại Việt Nam làm bùng lên cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Pháp bị đánh bại, người Mỹ nhảy vào khiến Việt Nam giống như bán đảo Triều Tiên bị chia cắt thành hai miền Nam Bắc. Sau đó, miền Bắc Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo trải qua cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ, cuối cùng buộc người Mỹ phải xấu hổ khiêng thây về nước. Đất nước Việt Nam được thống nhất. Nếu như sự việc kết thúc ở đây thì có lẽ sẽ không có cuộc chiến tranh Trung - Việt sau này.

Điều bất hạnh là, việc thống nhất đất nước của Việt Nam vốn dĩ là kết quả của sự ủng hộ từ Liên Xô cũ và Trung Quốc, nếu không có sự ủng hộ đó thì nước Việt Nam nhỏ bé muốn đánh thắng nước Mỹ hùng mạnh rõ ràng là chuyện viển vông. Nhưng quan hệ Trung - Xô hồi đó đã xấu đi. Trong thời kỳ người Việt Nam chiến đấu để thống nhất đất nước, lãnh tụ Việt Nam - Hồ Chí Minh đã rất lo lắng về quan hệ Trung - Xô. Ông từng nói rằng: "Các vị một bên là anh cả, một bên là chị cả, các vị cãi lộn nhau, chúng tôi biết làm thế nào đây?". Nhưng cả Trung Quốc và Liên Xô đều không thể chiếu cố tới tình cảm của chú em Việt Nam mà thôi không cãi nhau nữa. Nếu như nói Việt Nam đã thực hiện ngoại giao cân bằng trong quan hệ Trung - Xô để đạt được mục đích thống nhất đất nước thì còn có thể được, nhưng sau khi thống nhất đất nước rồi, Việt Nam lại tiếp tục thực hiện chính sách đó thì rõ ràng là không thể được nữa.

Lịch sử đã ép buộc Việt Nam phải lựa chọn: hoặc là kết thân với Liên Xô, hoặc là kết thân với Trung Quốc. Việt Nam đã chọn Liên Xô là nước hùng mạnh hơn. Chúng ta không thể chỉ trích quá nhiều sự vong ân bội nghĩa của người Việt Nam, bởi lẽ người Việt Nam vì lợi ích của họ đã vận dụng thành công sách lược ngoại giao thời cổ đại, đó là "viễn giao cận công". Thực tế trước đó Trung Quốc đã vận dụng sách lược này và trong quá trình Trung Quốc vận dụng sách lược này, người Việt Nam cho rằng Trung Quốc đã bán rẻ họ, chẳng qua là hồi đó người Việt Nam cần tranh thủ sự giúp đỡ của Trung Quốc để thống nhất đất nước nên họ không tiện tố ra thôi.

Cái gọi là "viễn giao cận công" là sách lược ngoại giao của nước Tần thời Đông Chu. Nội dung của sách lược này là, thực hiện chính sách hữu hảo với nước lớn ở xa, tấn công nước nhỏ ở gần. Làm như vậy thì khi thôn tính nước nhỏ kề bên, nước lớn ở xa mới không cứu giúp nước nhỏ. Nước Tần nhờ áp dụng sách lược này đã tiêu diệt được 6 nước láng giềng. Chính vì thế mới có chuyện Tô Tuân thời Tống mắng nước Tề thời Đông Chu bị nước Tần kết giao hữu hảo là "hám lợi mà không giúp 5 nước nhỏ", "5 nước bị diệt vong thì Tề cũng sẽ đến lượt."

Tuy nhiên, kế sách "viễn giao cận công" chỉ có thể áp dụng cho nước lớn và nước mạnh, nếu nước nhỏ nước yếu cũng áp dụng thì rất nguy hiểm, vì nói chung họ chỉ có thể phụ thuộc vào nước lớn láng giềng đề cầu xin sự che chở của nước lớn. Nhưng cũng có nước yếu không chịu bị người khác sắp đặt, dám áp dụng sách lược "ngoại giao cận công", ví dụ như Trung Quốc. Nói một cách công bằng, Liên Xô luôn muốn khống chế Trung Quốc, những người lãnh đạo Trung Quốc thấm sâu tinh thần dân tộc chủ nghĩa, không chịu cúi đầu xưng thần trước Liên Xô, vì thế mới dẫn đến quan hệ Trung – Xô xấu đi Khi đó Trung Quốc cùng một lúc đối đầu với cả Mỹ và Liên Xô, tình hình cực kỳ nguy hiểm. Nói toạc ra, nếu khi đó xảy ra chuyện chẳng lành, Trung Quốc không thể nhờ vả gì từ mấy nước đàn em nghèo khổ. Những người lãnh đạo Trung Quốc ý thức được điều này và họ đã sử dụng phép báu của tổ tiên để lại chính là "viễn giao cận công" chủ động làm lành với Mỹ, tiếp đó mới có chuyện ngoại giao bóng bàn [4] khiến tảng băng kiên cố giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu tan.

Điều cần nói rõ thêm là, sách lược ngoại giao mà Trung Quốc vận dụng chính là: "viễn giao cận địch" [5] , bởi lẽ Trung Quốc không đủ sức mạnh đánh nhau với Liên Xô, Trung Quốc muốn lợi dụng Mỹ kiềm chế Liên Xô để bảo vệ an ninh cho Trung Quốc. Mỹ muốn lợi dụng Trung Quốc níu giữ một chân của Liên Xô để kiếm lợi thế. Sách lược "viễn giao cận địch"' của Trung Quốc không thể không thừa nhận là rất tuyệt vời.

Vấn đề là ở chỗ, Trung Quốc thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa. Tuy quan hệ Trung - Xô đổ vỡ nhưng Trung Quốc vẫn là nước xã hội chủ nghĩa. Khi đó quan hệ Trung - Mỹ đột nhiên trở nên thân thiết đã khiến Việt Nam đang khổ chiến với Mỹ cảm thấy như bị dội một chậu nước lạnh. Liệu các bạn có dám nghĩ Việt Nam không có lý do cho rằng Trung Quốc đã bán rẻ họ không? Hồi đó Hội trưởng Hội hữu nghị Việt - Trung của Việt Nam Hoàng Quốc Việt đã bực tức nói rằng: "Hành động của các nước lớn sẽ hy sinh nước nhỏ, ép nát nước nhỏ". Ngoài ra, người Việt Nam cũng có tinh thần dân tộc chủ nghĩa rất cao, họ cũng không chịu sự sắp đặt của Trung Quốc mặc dù khi đó Trung Quốc chưa kịp khống chế Việt Nam. Lịch sử và thực tế đã cho người Việt Nam biết: người Trung Quốc cũng chẳng ra gì. Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, họ phải lựa chọn hoặc Trung Quốc hoặc Liên Xô. Việc Việt Nam dứt khoát chọn Liễn Xô, điều đó không có gì lạ. Trung Quốc các người chơi trò "viễn giao cận địch", lẽ nào người Việt Nam không chơi được sao? Chao ôi? Việt Nam đã dùng chiếc mâu (ngọn giáo) của Trung Quốc để đâm vào chiếc thuẫn (cái khiên) của Trung Quốc.

Tiếp sau Trung Quốc, Việt Nam đã đứng vào đội ngũ những nước "viễn giao cận địch", liền sau đó Campuchia cũng bắt chước cách làm của Việt Nam. Trong thời kỳ đó, một loạt nước đã tham gia vào tổ hợp này, nếu chúng ta sắp xếp lại sẽ không khó phát hiện ra một chuỗi mắt xích khá độc đáo: Mỹ - Liên Xô - Trung Quốc - Việt Nam - Campuchia, có thể gọi đó là "chuỗi mắt xích viễn giao cận địch". Trong đó Mỹ là mắt xích đứng đầu hùng mạnh nhất, Campuchia là mắt xích cuối cùng nhỏ yếu nhất. Sở dĩ nói đó là chuỗi mắt xích độc đáo là vì, hai mắt xích gần nhau nhất trong chuỗi xích đó không móc nối với nhau mà chỉ dựa sát nhau. Trong chuỗi mắt xích này, càng về phía trên càng có vị trí quan trọng có thể làm rung động toàn chuỗi, càng về phía dưới mâu thuẫn càng gay gắt. Loại hình mâu thuẫn này được biểu hiện bằng chiến tranh lạnh giữa Mỹ - Xô, bằng cọ xát biên giới giữa Xô - Trung, bằng chiến tranh có giới hạn giữa Trung - Việt, bằng cuộc chiến tranh tiêu diệt giữa Việt Nam - Campuchia. Mỗi mắt xích trong chuỗi mắt xích này đều có giá trị tồn tại của nó, chạm vào một mắt xích sẽ rung động cả chuỗi xích, bất kỳ mắt xích nào mất đi sẽ nguy hại tới sự tồn tại của cả chuỗi mắt xích.

Đã tập hợp thành chuỗi mắt xích tất phải có quy tắc chung của nó, quy tắc này bảo vệ sự tồn tại của chuỗi mắt xích đó, bất cứ hành vi nào trái với quy tắc chung đều sẽ phải trả giá. Thế nhưng có người đã không tôn trọng quy tắc của trò chơi này, đó chính là Việt Nam, họ đã phát động cuộc chiến tranh tiêu diệt Campuchia.

Người Việt Nam rất kỳ lạ, họ một mặt lo ngại bị Trung Quốc khống chế một lần nữa, họ không ngần ngại xua đuổi Hoa kiều, gây thù hằn với Trung Quốc; mặt khác họ lại muốn Campuchia phải thần phục họ, đó là sự tư lợi quá đáng. Nhưng người Việt Nam đã tính toán sai, Khmer Đỏ không phải là ngọn đèn hết dầu, người Campuchia cũng có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của họ. Trên đời này hỏi có ai muốn bị người khác khống chế không? Điều mình không muốn thì chớ gán cho người khác.

Trong lịch sử, Campuchia và Trung Quốc chẳng có nhiều quan hệ sâu sắc gì, Khmer Đỏ cũng không hoà hợp lắm với Trung Quốc, Trung Quốc chỉ lưu luyến nhiều đối với ông vua Shihanouk đã bị thất sủng. Nhưng vì mục đích kiềm chế Việt Nam, Trung Quốc đã tỏ thái độ hữu hảo với Khmer Đỏ. Vì thế, hành động ngu ngốc của Việt Nam đã củng cố vị trí của Campuchia trong "chuỗi mắt xích viễn giao cận địch", Trung Quốc đã chấp nhận nghĩa vụ của mình trong "chuỗi mắt xích viễn giao cận địch".

Trung Quốc không có lý do gì để không quan tâm tới vận mệnh của Campuchia. Bối cảnh khi đó phía bắc Trung Quốc là nước Liên Xô hùng mạnh, hàng triệu Hồng quân Liên Xô diễu võ dương oai ở biên giới Trung - Xô; phía nam Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp Ấn Độ đang có quan hệ mật thiết với Liên Xô, vì thế người Trung Quốc đêm ngủ không dám nhắm hai mắt. Đã vậy, Việt Nam ở phía đông nam lại muốn nuốt chửng Đông Dương. Nếu việc đó trở thành hiện thực thì có lẽ người Trung Quốc hít thở cũng cảm thấy khó khăn.

Nước Mỹ cũng không có lý do gì để không quan tâm đến vận mệnh của Campuchia. Thế lực của Liên Xô ở châu Á tăng lên chừng nào thì Mỹ bị lép vế chừng đó. Nếu như Việt Nam thôn tính được Đông Dương thì hai nước bị kẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ là Thái Lan và Myanma sớm muộn cũng sẽ bị biến màu. Đến lúc đó thì các nước quốc đảo ở biển Nam [6] đều sẽ thấp thỏm chờ ngày bị diệt vong, lợi ích của Mỹ ở châu Á sẽ bị đe doạ nghiêm trọng. Mỹ đã bị mất mặt một lần ở Việt Nam, họ sẽ quyết không chịu mất mặt lần nữa.

Tuy nói Campuchia là một mắt xích trong "chuỗi mắt xích viễn giao cận địch", nhưng Mỹ và Trung Quốc quả là đáng xấu hổ khi kết giao với một người bạn như Campuchia. Khmer Đỏ đúng là một loại chim dữ, trong thời gian cầm quyền ở Campuchia, chúng đã thực hành chế độ chuyên chế đầy tội ác, chúng đã dùng khủng bố Đỏ để bức hại đến chết một phần ba đồng bào của chúng. Vì vậy, gọi Khmer Đỏ là chính quyền khát máu không có gì là quá đáng. Tuy nhiên trong tình hình khẩn cấp đó, nước Mỹ - võ sĩ chuyên bảo vệ nhân quyền, dân chủ, tự do trên thế giới và Trung Quốc - kẻ luôn lớn tiếng cứu vớt nhân dân thế giới thoát khỏi cảnh nước sôi lửa bỏng đã cùng nhau tự lột bỏ lớp áo ngụy trang của họ, cùng dựng lên ngọn cờ lớn bảo vệ hoà bình thế giới, công khai ủng hộ Campuchia. Trong bối cảnh đó, Khmer Đỏ dù hôi thối đến mấy thì đối với Mỹ và Trung Quốc vẫn là thơm phưng phức và cần được tiếp máu bơm hơi.

Tôi chợt liên hệ tới Iraq, so sánh giữa Pol Pot và Saddam Hussein, tội ác của Pol Pot nhiều gấp mười, gấp trăm lần Saddam Hussein. Nhưng Saddam Hussein không phải là một mắt xích trong “chuỗi mắt xích viễn giao cận địch", ông ta không đủ tư cách giành được sự ủng hộ của Mỹ, đợi ông ta ở phía trước chỉ là Toà án Quốc tế với tội danh chống lại nhân loại. Đúng là hai thế giới với hai bầu trời!

Tin tức cho biết, với sự giúp đỡ của Mỹ và Trung Quốc, lẽ ra Campuchia có thể cầm cự vờn nhau với Việt Nam, nhưng Khmer Đỏ đúng là loại A Đẩu [7] không thể vực lên được, chúng chỉ giỏi nội chiến còn ngoại chiến thì kém vô cùng, mới chỉ đánh nhau vài hiệp đã bị Việt Nam đuổi chạy dài đến vùng rừng núi heo hút cách biên giới Campuchia 10 km. Trước cảnh Khmer Đỏ đang thoi thóp, Trung Quốc không thể nín hơi theo dõi được nữa, Trung Quốc không thể nhịn nổi, Trung Quốc phải "tự vệ" thôi. Cuối cùng thì Trung Quốc đã phải xuất một chưởng nặng, đánh cho Việt Nam nảy đom đóm mắt. [8]

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Trung Quốc đã hai lần xuất binh ra nước ngoài đóng vai trò của đội cứu hoả. Lần trước là sát cánh cùng Liên Xô đánh nhau với Mỹ ở Triều Tiên với mục đích cứu vớt Triều Tiên. Lần này thì Trung Quốc sát cánh cùng Mỹ để đánh Việt Nam - kẻ đại diện của Liên Xô, với mục đích là cứu vớt Khmer Đỏ. Nói ra có vẻ nực cười, cách đó không lâu Trung Quốc còn bí mật đưa quân đội vào miền Bắc Việt Nam, không biết có bao nhiêu chiếc máy bay của Mỹ bị chết oan dưới nòng pháo cao xạ của người Trung Quốc. Nhưng chỉ trong một nháy mắt, Trung Quốc và Mỹ đã cùng đứng chung một chiến hào nổ súng vào người anh em bè bạn hôm qua. Chuyển địch thành bạn, chuyển bạn thành thù. Ôi thế giới này biến đổi khôn lường, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn.

Việt Nam tiến quân vào Campuchia đã phá vỡ thế cân bằng trong "chuỗi mắt xích viễn giao cận địch" khiến cho toàn thế giới đều lên án trừ phe xã hội chủ nghĩa. Trung Quốc tiến quân vào Việt Nam lẽ tất nhiên cũng gây ra phản ứng rất mạnh trong "chuỗi mắt xích viễn giao cận địch". Quả nhiên, phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu đã lên án Trung Quốc rất mạnh mẽ, trong khi đó thế giới phương Tây do Mỹ đứng đầu lại yên lặng một cách kỳ lạ theo kiểu bịt tai nhắm mắt làm ngơ như không có chuyện gì xảy ra. Những động thái đó là do hiệu quả của "chuỗi mắt xích viễn giao cận địch" gây ra. Trong tình hình đó thì những chiếc mũ lòe loẹt về chính nghĩa, đạo đức... đều vô tác dụng.

Việt Nam coi thường quy tắc của trò chơi nên đã bị Trung Quốc đánh một trận đau, còn Trung Quốc thì không dám tái phạm quy tắc của trò chơi đó. Có một số người cho rằng, trong cuộc chiến Trung - Việt, Trung Quốc không muốn đánh cho Việt Nam phải đầu hàng, đáng lẽ phải đánh cho Việt Nam mở miệng xin thua mới thôi, nhưng quân đội Trung Quốc sau khi đánh chiếm Lạng Sơn thì dừng lại không tiến nữa?

Trong lịch sử, Việt Nam từng nhiều lần chống lại Trung Quốc, nhưng quân đội Trung Quốc chỉ cần công phá được Lạng Sơn là vua tôi Việt Nam đã tự trói nhận tội, bởi lẽ phía dưới Lạng Sơn là đồng bằng, Việt Nam không còn địa hình hiểm yếu để phòng thủ nữa. Nhưng lần này thì không như vậy, Việt Nam không những không nhận thua mà còn cấp tốc điều động quân đội tinh nhuệ từ Campuchia về, định mở mặt trận đánh lớn với Trung Quốc. Lẽ nào người Việt Nam đã ăn phải gan hùm? Việt Nam tự huênh hoang là cường quốc quân sự thứ ba thế giới, thực ra đó chỉ là lừa gạt nhân dân trong nước để ra oai mà thôi. Tập đoàn lãnh đạo Việt Nam không thể không biết họ không phải là đối thủ của Trung Quốc, huống hồ khi đó họ đang lâm vào tình thế phải đánh nhau trên hai mặt trận. Qua đó càng chứng minh rằng, điều Trung Quốc nói Việt Nam xâm lược Trung Quốc, Trung Quốc phát động chiến tranh để "tự vệ" là nực cười biết bao. Làm sao có chuyện Việt Nam muốn đánh nhau với Trung Quốc - nước lớn mạnh hơn mình nhiều lần mà không huy động lực lượng quân đội tinh nhuệ của họ. Vậy thì lá gan to của Việt Nam lấy từ đâu? Chính là họ lấy từ "chuỗi mắt xích viễn giao cận địch".

Phía sau Việt Nam khi đó là Liên Xô rất hùng mạnh, chẳng có lý do gì khiến Việt Nam phải sợ Trung Quốc. Con gấu Bắc cực vui giận bất thường đứng ở Siberia đang hằm hằm nhìn Trung Quốc, khiến xương sống của Trung Quốc đã thấy ớn lạnh. Sở dĩ Trung Quốc sau khi đánh chiếm Lạng Sơn không thừa thắng tiến lên mà lại rút quân khẩn cấp, một nửa là vì đã đạt được mục đích chiến tranh, Khmer Đỏ có thể sống sót để tồn tại, một nửa là vì uy lực của "chuỗi mắt xích viễn giao cận địch". Và thế là một cuộc chiến tranh khởi nguồn từ sự điên cuồng của Việt Nam suýt nữa trở thành chiến tranh thế giới đã được kết thúc bởi sự kiềm chế của Trung Quốc. Đương nhiên mục đích của Trung Quốc muốn "dạy cho Việt Nam một bài học" đã không đạt được, nếu không thì sau đó đã không xảy ra các trận đánh nhau tranh giành ác liệt ở khu vực Lão Sơn và Giả-âm Sơn nữa. [9]

Sau cuộc chiến tranh Trung - Việt, Việt Nam không dám dốc toàn lực lượng tấn công Campuchia nữa. Mỹ và Trung Quốc càng không tiếc tiền của viện trợ cho Campuchịa. Tuy tên tuổi của Khmer Đỏ không hay ho gì, nhưng chúng vẫn là lực lượng trung kiên của Campuchia Dân chủ. Nói tóm lại, khi Việt Nam phát động cuộc chiến tranh tiêu diệt Campuchia làm nguy hại đến sự tồn tại của "chuỗi mắt xích viễn giao cận địch", Trung Quốc đã thò tay ra duy trì thế cân bằng của "chuỗi mắt xích viễn giao cận địch". Thế cân bằng này được duy trì khoảng hơn mười năm.

Thế nhưng, điều không ai tưởng tượng nổi là, trông bên ngoài rất hùng mạnh như Liên Xô mà lại sụp đổ chỉ trong một đêm khiến "chuỗi mắt xích viễn giao cận địch" bị mất đi một mắt xích cực kỳ quan trọng. Khi lá cờ Xô-viết trên điện Kremlin từ từ hạ xuống cũng là thời điểm chiến tranh lạnh kết thúc và "chuỗi mắt xích viễn giao cận địch" cũng chấm dứt tồn tại.

Mất đi "chuỗi mắt xích viễn giao cận địch", Việt Nam cũng mất đi chỗ dựa đành phải khôi phục quan hệ với Trung Quốc. Tuy vậy, Việt Nam không đời nào muốn phụ thuộc vào Trung Quốc, nước Nga đang rắp tâm quay trở lại Việt Nam, Việt Nam cũng đã chìa cành ô liu với kẻ thù hôm qua là nước Mỹ. Những động thái này khiến chúng ta nhìn thấy phần nào bóng dáng của "chuỗi mắt xích viễn giao cận địch" năm xưa.

Mất đi "chuỗi mắt xích viễn giao cận địch", vận mệnh của Khmer Đỏ cũng đến hồi kết thúc. Trong con mắt của Mỹ và Trung Quốc, rõ ràng Campuchia không còn quan trọng như trước nữa, đã đến lúc phải lập lại hoà bình thật sự ở Campuchia mà Khmer Đỏ lại là trở ngại của hoà bình. Kể từ thời điểm đó, Khmer Đỏ tuy còn giẫy giụa được vài năm nhưng cuối cùng cũng không thoát khỏi diệt vong. Điều đó chẳng có gì lạ, hãy thử nghĩ xem, một chính quyền không được nhân dân ủng hộ, nếu chính quyền đó bị kẻ thù hùng mạnh đánh đến sát nách mà không được bên ngoài ủng hộ thì chính quyền đó sẽ không thể tồn tại được.

Mất đi "chuỗi mắt xích viễn giao cận địch", quan hệ Trung - Mỹ cũng trở nên phức tạp. Liên Xô tan rã khiến Trung Quốc mất đi con bài để mặc cả với Mỹ; ngược lại, khiến cho vấn đề Đài Loan nổi cộm lên, trở thành con bài để Mỹ kiềm chế Trung Quốc.

Tuần trăng mật giữa Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc, những năm tháng ngoại giao hoàng kim của Trung Quốc cũng kết thúc. Thật đúng là "sự vật mãi vẫn trơ trơ, con người mới thật đáng ngờ đúng sai [10] .

Cuộc chiến tranh Trung - Việt trôi qua đã nhiều năm. Hiện nay vùng biên giới Trung - Việt đã hoà bình, yên ổn. Chính phủ hai nước Trung Quốc - Việt Nam đều không muốn nhắc lại cuộc chiến tranh đó. Trong con mắt họ, đó là một cuộc chiến tranh vô vị. Nhưng cuộc chiến tranh đó mãi mãi được ghi vào lịch sử, ghi mãi vào trái tim của nhân dân Trung Quốc và nhân dân Việt Nam. Cuộc chiến tranh Trung - Việt đã làm tổn thất nghiêm trọng biết bao tài sản của nhân dân hai nước Trung - Việt. Cuộc chiến tranh Trung - Việt đã khiến cho hơn mười vạn sinh linh đến nay vẫn nằm lại nơi rừng sâu núi cao vùng biên cương xa xôi.

Vậy thì, lẽ nào chúng ta không thể dựng một tấm bia kỷ niệm cuộc chiến tranh đó.

(Tên tác giả Ngoạ Thính Nha Trai: Tác giả dùng bí danh chơi chữ, nghĩa là "nằm khểnh nghe chuyện cửa quan".)


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



--------------------------------------------------------------------------------
[1]Thời kỳ 1965-1966 (BT - Trừ các chú thích của biên tập, mọi chú thích là của người dịch).
[2]Xung đột Trung – Xô tại đảo Damanski/Trân Bảo trên sông biên giới Ussuri/Ôtôlí tháng 3/1969 (BT)
[3]Nguyên văn: "liễu ám hoa minh". Chơi chữ của tác giả từ thơ cổ của Lục Du đời Tống "Sơn trùng thủy phục nghi vô lộ, liễu ám hoa minh hựu nhất thôn" nghĩa là: núi sông trùng điệp, cây cối rậm rạp chắn lối, ngỡ là đã hết đường đi, nhưng phía trước bỗng xuất hiện một thôn trang.
[4]1971 (BT)
[5]chơi thân với nước xa, thù địch với nước gần.
[6]Chỉ Indonesia, Malaysia, Singapore (BT)
[7]A Đẩu: con trai của Lưu Bị thời Tam Quốc là vị vua nhu nhược bất tài, tuy được Gia-cát Lượng hết sức phò giúp nhưng cuối cùng vẫn bị mất nước.
[8]Nguyên văn: nở hoa đầy mặt.
[9]Lão Sơn: điểm cao ở biên giới thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên. Giả-âm Sơn: tức bình độ 400 ở biên giới thuộc huyện Lộc Bình tỉnh Lạng Sơn. Hai nơi này bị Trung Quốc chiếm đóng trong cuộc chiến tranh tháng 2/1979. Các năm sau đó đã xảy ra nhiều cuộc đánh trả quyết liệt của bộ đội ta, gây cho quân đội Trung Quốc nhiều tổn thất nặng. (Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, Lão Sơn đã bị mất vào tay Trung Quốc thông qua Hiệp ước Biên giới trên đất liền giữa CHXHCN Việt Nam và CHNH Trung Hoa ký ngày 30/12/1999. - BT)
[10]Nguyên văn: "vật thị nhân phi" nghĩa là: sự vật luôn đúng, chỉ có con người là sai.

Nguồn: China News Net Internet Information Serice Corp., Ltd. Công bố lên mạng ngày 8/2/2005