Làm người, ai cũng có nhiều ước mơ. Bình thường, những giấc mơ dễ đến trong giấc ngủ, tuy nhiên cũng có những mơ ước nẩy sinh khi con người lớn lên với tuổi đời. Theo dòng thời gian, một số mơ ước có khi trở thành hiện thực nhưng cũng không thiếu những mơ mộng chỉ là mộng ảo.
Mục sư Martin Luther King khi còn sống đã mơ ước một thế giới tốt đẹp sẽ đến với thế hệ tương lai con cháu ông, khi ấy không còn nạn phân biệt chủng tộc, mọi người da màu có thể sống bình đẳng bên nhau. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu thì khao khát khi về Trời sẽ mưa hoa hồng Tình Yêu xuống thế trần. Nữ tài tử điện ảnh Elizabeth Taylor lại mong đợi một tổ ấm hạnh phúc đích thực: bà đã 8 lần kết hôn lập gia đình với những người chồng khác nhau, song hiện tại bà vẫn độc thân. Anh chàng Arnold Schwanagger mặc dù đã có tài sản kếch xù do đóng nhiều phim nổi tiếng Hollywood nhưng chàng vẫn ước mơ đạt đến địa vị cao sang hơn: làm Thống Đốc tiểu bang California.
Nhìn chung, ai cũng mang nhiều cao vọng “đã mang tiếng đứng trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”. Nhạc sĩ Phạm Duy đã khéo ví von khi sáng tác bài hát Tuổi Mộng Mơ mà tôi vẫn nhớ giọng ca Thái Hiền vui hát thuở nào trước 1975: “Em ước mơ mơ gì tuổi mười ba, tuổi mười sáu. Em ước mơ em là em được là Tiên Nữ..”. Ước mơ không cùng, ước mơ cao ngất trời mây, ước mơ tốt đẹp mai sau.
Đi vào những trang Kinh Thánh tuần này, ta thấy: Salomon mới bắt đầu lên ngôi Vua, đã mong ước được khôn ngoan để điều hành vương quốc Israel. Chàng thanh niên giàu có thì mong ước một cuộc sống sung sướng vĩnh cửu. Tác giả thư Do Thái lại nhấn mạnh đến một Thiên Chúa toàn năng, hạnh phúc thật cho kẻ biết trân trọng Lời Ngài. Ta cùng suy niệm để biết rõ đâu là mơ ước lý tưởng, thế nào là giá trị phong phú đích thực?
A. Những Ước Mơ: giàu có vật chất, hạnh phúc đời đời.
1. Vua Salomon được coi là tác giả sách Khôn Ngoan, khi chính thức kế vị Vua Cha Đavít,
ông đã cầu khẩn Chúa ban cho mình sự khôn ngoan hơn là xin giàu sang phú qúi (Kn 9:4). Nhiều người cho rằng Vua có vẻ lập dị, khác thường, tiền bạc của cải không lo vun xén, lại chỉ mơ ước cái trừu tượng mông lung. Thật ra “đối với Vua, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì so với Đức Khôn Ngoan: vàng chỉ là cát bụi, còn bạc chỉ là bùn đất mà thôi” (Kn 7:9)
Quả thế, trong một vụ án thời đó, nhờ tài khôn ngoan sáng suốt, Vua Salomon đã phân xử cho hai bà mẹ nọ tranh giành quyền sở hửu một em bé: cuối cùng, người mẹ thật nhận lại được đứa con thân yêu, còn người mẹ giả mạo phải bị xét phạt trầm luân.
Salomon đã đổi sự giàu sang ngai vàng để lấy đức khôn ngoan cần thiết, một di sản vô giá:
thật hiếm có thay!
2. Chàng thanh niên trong Phúc Âm vốn là mẫu người mực thước, đầy may mắn. Anh có rất
nhiều của cải, đời sống sung túc lý thú. Anh lại tốt lành trong phương diện luân lý: không trộm cắp giết người bao giờ, không ngoại tình gian tham lường gạt một ai, sống có tình có hiếu với cha mẹ xưa nay. Thế nên, anh mong gặp Chúa Giêsu để xin Ngài chỉ dẫn thêm con đường nào đưa đến hạnh phúc viên mãn? Chúa đề nghị anh một sự cho đi: từ bỏ cái mình đang có để đoạt lấy cái mình sẽ là.
Anh ước mơ một cuộc sống trọn hảo vĩnh viễn. Tiếc thay, anh không dám đánh đổi tài sản anh có, để đạt điều mơ ước ấy. Anh không thể liều mình bạo dạn phân phát cái mình sở hữu cho kẻ khác, cho người thiếu thốn cũng như kẻ bất hạnh. Nói chung, anh cương quyết bám chặt túi tiền mình, không dám phiêu lưu theo ước mơ anh khao khát nữa.
Chàng thanh niên đã từ bỏ cuộc sống hạnh phúc nước Trời để bảo thủ tài sản trần thế: thật
tiếc lắm thay!
B. Đâu là giá trị thực của giàu sang phú túc?
Thời buổi kinh tế thị trường, lắm người quan niệm: có tiền đầy đủ là có tất cả.
+ Hoa Kỳ xưa nay vốn là cường quốc chiếm địa vị độc tôn trên thế giới: nhờ trữ lượng tài
nguyên dồi dào, hệ thống tiền tệ bảo đảm, phát minh khoa học kỹ thuật tân tiến..Tiền đẻ
ra Tiền, nền kinh tế thế giới phải lấy đồng Dollar làm bản vị chung giao dịch hối đoái…
+ Một người khuyết tật Đài Loan gia tài giàu sụ, dễ dàng cưới lấy một thôn nữ Việt Nam
nghèo nàn xinh đẹp, mang về bản xứ phục vụ gia đình nhà chồng.
+ Một chàng thanh niên Trương văn Cam bốc vác, học chưa xong văn bằng Tiểu Học, bất
ngờ mánh mung, nổi cộm trong giới giang hồ quận 4, Saigon: dư tiền dư bạc mua chuộc
tình cảm để làm ăn phi pháp, sống một thời “đế vương”, cuối cùng bị xử án tử hình.
Đồng tiền vốn đi liền khúc ruột, nên tiền có sức mạnh vạn năng: có tiền mua tiên cũng được
Với chàng thanh niên giàu có hôm nay, anh đạt nhiều lợi điểm trong cuộc sống:
* giàu tiền, giàu bạc, lắm tài lộc trong tầm tay.
* giàu đời sống đạo đức, luân lý, tuân giữ luật Chúa tốt lành.
Thế nên, cuộc đời anh đầy may mắn. Cái giàu của anh không là một cái tội. Thế nhưng, cái
giàu ấy vô tình trở thành Cái Họa, biến thành Nỗi Đe Doạ cho anh mất cơ hội đạt cuộc sống đời đời.
* vì anh xem tiền là ông chủ, là chỗ dựa vững chắc đời mình, dám lấy thân che của.
* vì anh giữ tiền chặt chẽ quá, cõi lòng không mở rộng, hẹp hòi đủ thứ: giàu vật chất
nhưng chưa giàu lòng nhân ái.
Chính do tâm trí anh đè nặng của cải quá mức, khiến Chúa Giêsu phải đau lòng thốt lên: “Những người giàu có thật khó vào Nước Thiên Chúa biết bao”(Mc 10:23). Họ khó vào Thiên Đàng, chứ không phải là họ chẳng được vào, bởi lẽ Nước Trời dành cho hết mọi người, không phân biệt sang hèn. Biết dùng của cải Chúa ban đời này để làm việc phúc lợi, đóng góp việc thiện hảo, mới hữu ích cho ta đời sau.
Thế mới hiểu: giá trị cuộc đời không hệ tại ở cái mình có nhưng quan trọng ở cái mình làm.
Giá trị đích thực của giàu sang phú qúi hệ tại ở thái độ cho đi, biết “đầu tư” vật chất vào việc bác ái, cứu tế: xây dựng công ích và công bình xã hội.
C. Đâu là giá trị tuyệt hảo của hạnh phúc đời đời?
Người khôn ngoan thực là người biết xây nhà linh hồn mình trên đá Lời Chúa vững chắc. Vì Lời Chúa là sức sống, là ánh sáng, là đèn soi bước ta đi trong chính lộ. Kẻ chỉ biết vun đắp kiến tạo nhà linh hồn mình trên cát, thật dại dột nguy hiểm vô cùng. Sẽ có ngày “phong ba bão tố” kéo đến, mọi cơ đồ đặt nền tảng trên cát dễ bị sóng nước trôi dạt làm tan vỡ mong manh.
Với người có hiểu biết sâu xa, tiền bạc chỉ là phương tiện tốt nhưng lại là ông chủ xấu. Vua Salomon đã khôn ngoan thực khi biết xin Chúa ban cho mình một di sản tinh thần vô giá. Đức khôn ngoan ấy bao giờ cũng cần thiết cho nhà lãnh đạo, cho người nắm giữ cán cân công lý. Chàng thanh niên giàu có đôi lúc cũng khôn ngoan thực khi sống đạo đầy đủ tốt lành, giữ luật Chúa nghiêm túc. Tiếc thay anh đã nên dại dột khi anh chỉ sống đạo tốt trong nhà thờ mà không sống đạo giữa chợ đời, không dám mở rộng hầu bao, khư khư giữ lấy vật chất mau qua, từ chối bố thí cho kẻ khốn cùng.
Buồn thay, khi con người thời đại nghèo lòng nhân ái, thiếu tình yêu thương và niềm tin sâu
thẳm.
+ Mẹ Têrêsa Calcutta khi xưa, sau một lần sang thăm Mỹ Quốc, du lịch đến một số
tiểu bang, đã thao thức thốt lên: “không một quốc gia nào mà trong đó trẻ em bị
nghèo như trẻ em nước Mỹ”.
Lời Mẹ nhận định gây ngạc nhiên nhiều người vì thực tế, trẻ em Mỹ đều có
phòng ngủ riêng, TV riêng, đi học có xe Bus chính phủ chuyên chở…không thiếu
thốn điều chi. Thế nhưng, suy nghĩ kỹ lời nói của Mẹ, người ta mới thấu điều Mẹ
muốn nhấn mạnh: giới trẻ Mỹ thiếu tình thương gia đình sum họp, trống vắng
lòng tin, thiếu kinh nguyện giáo lý thường xuyên, khô khan đời sống đạo đức.
D. Lờ Nguyện kết.
Lạy Chúa !
Trên bia mộ của một người nằm trong nghĩa trang nọ, con đã đọc nhiều lần và luôn suy nghĩ:
+ Những gì tôi có, nay đã thuộc về người khác.
+ Những gì tôi mua sắm, nay người khác hưởng dùng.
+ Những gì tôi đã cho đi, nay mới thuộc về tôi.
Xin giúp con có một trái tim và đôi tay rộng mở, để con có thể Sống được Lời Chúa dạy hôm nay.