“Ông chủ” có còn gặp rắc rối hay không là do “đầy tớ”


Nghe bản tin “LS Lê Trần Luật bị Công An áp giải tại phi trường Tân Sơn Nhất” do chính luật sư thuật lại trên đài Á Châu Tự Do hôm 03/3 hẳn nhiều độc giả không khỏi ngỡ ngàng và thất vọng vì cách hành xử quá sức vô lối của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

Xâu chuỗi lại loạt hành động gây khó đối với Ls.Luật, từ ‘đánh phá’ văn phòng làm việc, ngăn chận quyền tự do đi lại vô cớ, lệnh triệu tập của tỉnh Ninh Thuận yêu cầu LS phải về trình diện để “giải trình” (cứ như họ là những ông chủ đang trả lương cho Ls.Luật không bằng) cho đến những cú điện thoại hăm dọa v.v… không khó lắm để nhận ra đây là cả một hệ thống chông gai được nhà cầm quyền dựng lên hòng ngăn chận bước đường khiếu kiện của tám giáo dân giáo xứ Thái Hà cùng với vị luật sư bào chữa của họ.

Đảng ta “vô can”!

Bi kịch xã hội VN ngày nay là ở chỗ mỗi khi đụng đến chính trị, ai nấy đều phải vòng vo ‘đấu trí’ với nhau “ông nói gà bà bảo vịt” rõ khổ!

Trong chuyện rắc rối của Ls.Luật, rõ ràng một bên ngăn chận không muốn anh đi Hà Nội để giúp giáo dân thưa kiện, còn luật sư làm sao anh không hiểu rõ ý nghĩa của những việc mình đang đeo đuổi, nhưng cả hai đều phải né tránh không ai dám nói thẳng với nhau về ra cái mục đích tối hậu hoàn toàn đối nghịch nhau của mình. Đó là một bên làm vì bảo vệ đảng Csvn trong lúc phiá bên kia lại muốn chống sự cai trị độc tài của đảng này.

Ở VN dường như không có chỗ cho cả cái ‘đúng’ lẫn cái ‘sai’ khi nói đến những chuyện chính trị, tất cả trao đổi chính thức giữa người dân vớichính quyền chỉ là những nhập nhằng ‘nửa sáng sáng tối’.

Nhưng nếu việc Ls.Luật chỉ mới dám ‘mấp mé’ nói với BBC đó là công việc “nhạy cảm” là chuyện hoàn toàn dễ hiểu và được mọi người thông cảm, thì hành động công khai ngăn chận quyền tự do đi lại của anh, bởi chính những con người có nhiệm vụ phải bảo vệ việc thi hành luật pháp, là điều khó có thể chấp nhận.

Có thấy những vi phạm nhân quyền trắng trợn như vậy, chúng ta mới thấm thiá câu “được làm vua thua làm giặc” có ý nói bản chất lươn lẹo của những kẻ có máu tham quyền cố vị là rất khó lường.

‘Làm giặc’ theo giải thích của tự điển tiếng Việt nó có nghĩa “những kẻ được tổ chức thành lực lượng vũ trang chuyên đi cướp phá, gây tai hoạ cho cả một vùng hoặc một nước”. Những hành vi trái khuấy đối với Ls.Luật cùng các cộng sự của anh tại VPLS Pháp Quyền (cũng như bao nạn nhân khác trước đó), không còn nghi ngờ gì nữa nhà cầm quyền VN nay chỉ còn là ‘lũ giặc’ đang lộng hành đối với dân lành khắp nơi.

Chỉ quen đi lối ngoằn ngèo…

Sai lầm trong chính sách mọi chính phủ trên thế giới đều có thể mắc phải chứ không riêng gì CSVN. Nhưng điều quan trọng là khả năng mắc sai lầm nhiều ít, phát hiện ra sai lầm ấy sớm hay muộn (hay chỉ đến khi bị báo chí lên án quá mới chịu nhận sai) và cuối cùng là trách nhiệm giải quyết những hệ lụy từ lỗi lầm ấy ra sao.

Trong các xã hội dân chủ, những lời xin lỗi và việc từ chức được các chính phủ và chính khách thực hiện một cách hết sức tự nhiên và nhẹ nhàng bao nhiêu thì dưới các chế độ độc tài như VN lại gian truân trắc trở bấy nhiêu.

Đã có một thời CSVN dám mạnh dạn nhân danh lý tưởng này chủ nghĩa nọ để chiếm đoạt nhà cửa, ruộng vườn và tài sản của dân chúng và các tổ chức tôn giáo. Rồi lại đến một thời họ lớn giọng ‘qui hoạch’ mượn danh nghĩa ‘lợi ích quốc gia’ để bắt chẹt dân chúng giao đất để họ đem bán cho tư bản đổi lấy hàng tỷ đôla. Nhưng nay khi phải đối mặt với những hậu quả do sai lầm của chính mình gây ra, chính quyền ấy lại mặt mày tái mét chẳng còn dám đem cái ‘hào khí cách mạng’ năm xưa ra để việc giải quyết mà lại đi mượn những lý do dối trá cùng nhiều loại thủ đoạn để giải quyết nó.

Kinh nghiệm sống dạy cho chúng ta thấy, nếu một người ‘quyền’ và ‘tiền’ còn đầy đủ nhưng gặp khó khăn lại tỏ ra lúng túng ‘lừng khừng’ chẳng bao giờ dám đưa ra nổi một quyết định nhanh chóng và đúng đắn, đó là dấu hiệu của sự mất tự tin, thì ở tầm vóc đại sự quốc gia, chính quyền một khi đã thẳng thừng chối bỏ trách nhiệm lịch sử trước dân, như CSVN từng làm với Nghị quyết 23/QH/2003 trước vấn nạn đất đai, thậm chí ngay cả đối với một việc rất nhỏ ngăn chận giáo dân kiện truyền thông nhà nước nói sai sự thật, lại là dấu hiệu thời suy tàn của chế độ ấy đang đến gần.

Trước nay chưa từng nghe nói bất cứ chính phủ nào chủ trương dập tắt hay ‘khoanh’ các nguyên nhân sâu xa gây ra bất ổn cho xã hội lại bằng các thủ đoạn mà đất nước ấy lại có thể ‘phát triển bền vững’.

Để quốc gia phát triển giàu mạnh, ‘con người’ vẫn luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Với trường hợp VN, những người có năng lực thực sự, kiến thức trong đầu họ thừa khả năng nhận ra đường lối ‘ba rọi’ nửa XHCN nửa tư bản của chính quyền hiện nay đã ‘lạc loài’ với trào lưu thế giới ra sao.

Trên VietnamNet gần đây có bài viết ‘Tản mạn về những “cái chết” không nhìn thấy’ cảnh báo Tp.Hà Nội đang tự cắt bớt lá phổi của mình khi lấy đất công viên Thống Nhất Hà Nội xây khách sạn Novotel.

Những thủ đoạn mà chính quyền đang dùng với Ls.Luật, cũng có thể xem là một kiểu hành vi dẫn đến những ‘cái chết không nhìn thấy’ khác. Bởi phải chăng chính vì những hành vi như vậy mà việc Csvn ‘rát cổ’ kêu gọi nhân tài Việt kiều đang sống ở các nước về VN xây dựng quê hương chẳng được mấy người đáp ứng? (còn những kẻ cơ hội giống cộng sản xin miễn bàn!)

Bởi làm sao những con người giỏi giang và lương thiện kia dám ‘mò’ về VN làm việc khi họ thừa biết đằng sau tấm bảng hiệu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” của chế độ csvn lại là những chiếc chông nhọn được dùng làm đang chực chờ đối phó những ai muốn vượt qua nó để biết thực hư ra sao. Những sự thật phũ phàng mà rất có thể có ngày họ phải đối mặt như Ls.Luật đang phải dương đầu.

Chỉ vì một phút nông nỗi ‘chỉ dại’ (thay vì chỉ đạo) của ‘thành quỷ’ Hà Nội (thay vì thành ủy) trong vụ Thái Hà, mà cả một hệ thống công quyền từ Bắc chí Nam phải lúng ta lúng túng đối phó với mấy ‘con kiến’ nhỏ Thái Hà, cùng vị luật sư không tấc sắt trong tay suốt tháng qua.

Rõ ràng là chính quyền đang ‘hành xác’ thuộc hạ của họ và làm khổ lụy đến cả đến dân tộc.

Sàigòn, 5/3/2009


Alfonso Hoàng Gia Bảo