-
Moderator
Xác loài người ngày sau sống lại
Chúa Nhật XXXII, C
Xác loài người ngày sau sống lại
(Lc 20,27-38)
Chắc hẳn đây không phải là một điều ngẫu nhiên tình cờ khi vào ngày Chúa Nhật hôm nay trong tháng mười một, một tháng luôn đầy sương mù, khí trời âm u, ẩm ướt nhất trong năm, Tháng Các Linh Hồn, Giáo Hội lại cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng thánh Luca đề cập tới sự sống lại.
Thật vậy, Mẹ Giáo Hội chủ ý muốn cho con cái mình nghe lại đoạn Tin Mừng này để xác tín thêm một chân lý mà Đức Giêsu đã khẳng định một cách dứt khoát cho phái Xa-đốc trong hàng ngũ những người mộ đạo thuộc Do-thái giáo xưa, những người chối bỏ sự sống lại của con người, là: «Xác loài người ngày sau sống lại!»
Những lời khẳng định của Chúa về vấn đề đã quá hiển nhiên, không cần phải luận bàn bổ túc thêm, nhưng chúng ta cũng thử góp thêm một vài suy tư, để cùng suy niệm về tín điều hệ trọng này.
Niềm xác tín vào sự sống lại bị phản bác
Thực ra, niềm xác tín về việc xác con người sau khi chết sẽ được sống lại, đã luôn luôn gặp phải những phản ứng đối kháng, những chống đối, ngay từ xa xưa, ở khắp nơi và trong các nền văn hóa khác nhau. Ở A-then nước Hy Lạp, miền đất của các triết gia và học giả thời danh vào đầu kỷ nguyên Kitô giáo, thánh Phaolô đã bị nhạo cười mỉa mai khi ngài đề cập tới vấn đề xác loài người sau khi chết sẽ được sống lại. Bởi vì, giới trí thức Hy Lạp lúc bấy giờ - nhiều hay ít - đều bị ảnh hưởng của tư tưởng triết học Platon coi thân xác con người như là nhà tù giam hãm và cầm chân linh hồn, không cho thoát bay về miền thượng giới thuộc các linh tượng của chân lý vĩnh cửu. Qua đó, người ta thấy rằng thân xác con người đã bị luồng tư tưởng triết học này coi như là một cái chi thấp kém, đáng khinh bỉ. Nếu thế, thì còn mong cho nó sống lại làm gì! Đàng khác, đối với họ, một thân xác hay hư nát lại có thể sống lại làm sao được? Làm thế nào thân xác một khi đã bị hư hoại và tan rã vào lòng đất lại có thể hồi sinh được? Thật là cả một điều hoàn toàn vô lý! Hơn nữa, đâu cần chi thân xác loài người phải được sống lại, khi tinh thần và linh hồn của họ đã đủ để làm cho họ hoàn toàn khác với các sinh vật khác và giữ một địa vị độc tôn giữa thế giới các sinh vật rồi?
Vì thế, khi nghe thánh Phaolô đề cập tới vấn đề xác loài người sống lại, các khán thính giả của ngài ở A-then lúc bấy giờ đã mỉa mai ngài bằng những lời: «Thôi, vấn đề này để lúc khác chúng tôi lại đến nghe ý ông luận bàn…» (Cv 17,32). Tuy nhiên, không những các khán thính giả thuộc giới trí thức ỏ A-then phản đối Phaolô, mà cả đến một số tín hữu ở Cô-rin-thô cũng chối bỏ hay ít là đã hoài nghi chân lý về xác loài người sống lại. Vì thế thánh Tông đồ đã vội viết thư chấn tỉnh, nhắc bảo và sửa sai ngay, như chúng ta từng đọc: «Tại sao một số người trong anh em lại có thể quả quyết rằng: Làm gì có việc kẻ chết sống lại?» (1Cr 15,1-14).
Chính thánh tiên sĩ Augustinô cũng đã công nhận điều đó khi ngài viết: «Chẳng có điều nào trong đức tin Kitô giáo lại bị chống đối mãnh liệt, dai dẳng trường kỳ và ngoạn mục như niềm tin vào sự sống lại phần xác. Thực ra các triết gia ngoại giáo cũng đã nói nhiều đến linh hồn bất tử. Trong nhiều tác phẩm họ đã nhắc đi nhắc lại rằng tinh thần con người sẽ trường sinh bất tử. Thế nhưng khi đề cập tới sự thể xác con người sống lại, họ liền công khai phản bác ngay. Điểm trước tiên họ phản bác, như họ thường cho biết, là thân xác đời này không thể nào bay lên tới trời cao được.»(1)
Lý do của đức tin Kitô giáo vào sự sống lại
Trong khi đó, dù cho vấn đề «kẻ chết sống lại» bị chống đối và bị phản bác từ nhiều phía một cách kịch liệt như thế, các người Kitô hữu vẫn xác tín rằng «xác loài người ngày sau sẽ sống». Tại sao? Một lý do duy nhất - và người ta cũng có thể nói là lý do nền tảng và tuyệt đối chắc chắn – đã khiến cho các Kitô hữu hoàn toàn tin vào sự sống lại, đó chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã thật sự sống lại từ cõi chết. Và nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu Phục Sinh là «Đấng đầu tiên đã từ cõi chết sống lại»(2), thì niềm tin vào sự sống lại phần xác đương nhiên phải là phần chủ yếu của đức tin vào Người của chúng ta.
Còn ông Kurt Schubert, một chuyên gia nổi tiếng về khoa Do-thái học, lại chứng minh thêm rằng Đức Giêsu thực sự đã sống lại, vì ngôi mộ nơi chôn cất Người đã hoàn toàn trống không, ông viết: «Tin tức về việc Đức Giêsu sống lại đã không thể tồn tại được hơn một ngày tại Giê-ru-sa-lem, nếu như người ta không thể chứng minh được rằng ngôi mộ đó trống rỗng, và không được mọi người công nhận đó quả thực là chính ngôi mộ đã chôn cất Đức Giêsu (…). Vì thế, tin về việc Đức Giêsu đã sống lại sẽ bị dư luận quần chúng ở Giê-ru-sa-lem cực lực chống đối, nếu họ chứng minh được rằng thân xác Đức Giêsu đã bị hư hoại tại một ngôi mộ nào khác; và đồng thời những ai rao truyền tin về việc Đức Giêsu sống lại cũng sẽ bị thiên hạ nhạo cười khinh bỉ, nếu như thực tại cụ thể, tức ngôi mộ trống của Đức Giêsu không đứng về phía họ.»(3)
Niềm tin vào sự sống lại trong Do-thái giáo
Thực ra, niềm tin vào sự sống lại phần xác của con người đã có trước Đức Giêsu, nó bắt nguồn từ trong chính Kinh Thánh. Vì thế, ngoại trừ phái Xa-đốc và một số ít khác, còn phái Pha-ri-sêu và đại đa số tín hữu Do-thái giáo đều xác tín rằng: «Tất cả những gì có xương thịt» đều sẽ sống lại và sẽ ra trước toà phán xét chung, trước mặt Thiên Chúa Gia-vê. Vì Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và cũng là Đấng hoàn tất toàn bộ công trình sáng tạo của Người.(4)
Tuy nhiên, niềm tin vào sự sống lại trong ngày cánh chung của Do-thái giáo lại cho rằng mọi người sẽ sống lại «tập thề». Còn quan niệm cho rằng từng người một sẽ được sống lại trước, là một điều hoàn toàn xa lạ đối với Do-thái giáo.(5) Đức Hồng Y C. Schönborn cho rằng : „Quan niệm này rất quan trọng, vì nhờ nó chúng ta mới hiểu được đức tin sống lại của Kitô giáo. Quả thế, niềm hy vọng ‘tất cả những gì có xương thịt’ sẽ sống lại tập thể, đâu có gì là phi lý, trái nghịch với đức tin cánh chung Kitô giáo. Vì như chúng ta biết, không một lý do nào cho phép tách biệt sự sống lại phần xác với sự sống lại của chính Đức Giêsu : cả hai đều làm nên một biến cố duy nhất trong thời sau hết.»
Đàng khác, vì niềm tin của Do-thái giáo vào sự sống lại tập thể và chỉ xảy ra trong ngày cánh chung, quá phổ cập và quá ăn sâu vào tâm khảm người Do-thái lúc bấy giờ, nên chúng ta nhận thấy các Tông đồ xưa đã tỏ ra rất lúng túng và khó hiểu, nếu không nói là không thể hiểu được, khi các ngài nghe Đức Giêsu tiên báo là Người sẽ phục sinh ngay sau khi chết, mà Phúc Âm thánh Mác-cô đã ghi lại trong đoạn 9 câu 10, như sau: «Các ông tuy vâng theo lệnh Người, nhưng vẫn bàn hỏi với nhau xem câu ‘từ cõi chết sống lại’ nghĩa là gì» đến đỗi mãi sau khi Đức Giêsu đã sống lại rồi, các Tông đồ vẫn chưa thể tin được là Người đã chết mà còn có thể sống lại. Và mãi lâu sau này các ngài mới có thể xác tín được sự kiện sống lại của Đức Giêsu là có thật.(6)
Nhưng điểm gặp gỡ chung cho cả hai quan niệm giữa Do-thái giáo và Kitô giáo, là: một ngày kia thân xác con người sẽ được sống lại. Đúng thế, phái Pha-ri-sêu và đa số người Do-thái đồng thời với Đức Giêsu đã tin rằng các kẻ đã chết sẽ được sống lại.(7) Còn chính Đức Giêsu thì quả quyết điều đó một cách rõ ràng và dứt khoát như chúng ta đã nghe trong bài Tin Mừng hôm nay, hay về sự sống lại được mong đợi trong ngày sau hết (x. Ga 6,40), và ngày đó cũng sẽ đi đôi với ngày phán xét nhân loại (x. Ga 5,25-29).
Vì thế, để minh chứng niềm xác tín của ngài về việc xác loài người sẽ sống lại và để bảo vệ các tín hữu trước những hoài nghi về niềm tin đó, thánh Phaolô đã sử dụng lối lý luận gọng kìm ‘tam đoạn luận’ của triết học để dập tắt ngay những tư duy sai trái lệch lạc của một ít người trong Giáo đoàn Cô-rin-thô đang làm hoang mang các tín hữu khác. Chúng ta hãy nghe lối biện luận sắc bén và chắc cứng của thánh Phaolô như sau: «Tại sao lại có một số người trong anh em có thể quả quyết rằng làm gì có kẻ chết sống lại? Nếu không có kẻ chết sống lại, thì Đức Kitô cũng đã không sống lại. Mà nếu Đức Kitô không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi sẽ vô giá trị, và đức tin của anh em cũng vô ích!» Và tiếp đến, thánh nhân đã viết thêm một câu như tổng đề của các biện minh trên của ngài: « Đức Kitô đã sống lại thật sự như là Đấng khởi đầu trong số những kẻ đã yên nghỉ» (1Cr 15,12-20).
Thân xác sau khi sống lại
Ở đây một câu hỏi cũng cần được đặt ra, là: Kẻ chết sẽ sống lại như thế nào? Hay nói một cách rõ hơn: Người ta sẽ được sống lại với thân xác nào: Với thân xác cũ đã từng sống trước kia hay với một thân xác hoàn toàn mới mẻ khác?
Thực ra, nỗi thắc mắc trên không phải chỉ chúng ta ngày nay mới đặt ra và tìm cách trả lời, nhưng cũng chính là nỗi thắc mắc của một số giáo dân xưa kia ở Cô-rin-thô rồi (x. 1Cr 15,35). Tiếp đến, chúng ta cũng rất khó có thể tưởng tượng được là thân xác con người sau khi sống lại sẽ ra như thế nào, và vì thế không ai có thể tự khẳng định là mình có thể tìm ra được một câu trả lời hoàn toàn thoả đáng. Trong điểm này chúng ta hãy lắng nghe giáo huấn của Công đồng chung Lateranô dạy: «Vào thời cuối cùng, tất cả mọi người sẽ sống lại với thân xác mà họ đang có trên mặt đất này.»(8)
Nhưng giữa thân xác hiện nay đang có và thân xác sau khi sống lại sẽ có những điểm đồng nhất nào?
Chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự sống lại của Đức Giêsu để có thể khám phá ra chân lý liên quan tới sự sống lại của chúng ta. Dĩ nhiên giữa sự sống lại của Đức Giêsu và sự sống lại của chúng ta còn là cả một bí nhiệm sâu thẳm của đức tin. Nhưng một điều hiển nhiên là thân xác của Đức Giêsu sau khi sống lại từ cõi chết là một thực thể mà các nhân chứng xưa kia đã có thể trông thấy, sờ mó và đụng chạm tới được; nghĩa là thân xác sống lại và thân xác trước kia khi còn sống ở trần gian của Đức Giêsu là một. Các bài tường thuật của các bản Phúc Âm về điểm này rất rõ ràng với những lời Chúa nói với các Môn đệ của Người: «Sao các con lại hoảng hốt, sao lòng các con còn nghi ngờ như thế? Hãy nhìn tay và chân Thầy đây, để nhận rõ được chính Thầy đây mà» (Lc 24,38-39). Còn bà Maria Madalêna lại nhận ra Chúa qua giọng nói quen thuộc của Người (x. Lc 24,30-35). Sau này khi đi truyền giáo khắp nơi, các Tông đồ cũng thường nhắc lại là các ngài đã từng ăn uống với Đức Giêsu sau khi người sống lại từ cõi chết và coi đó như bằng chứng cụ thể hùng hồn về việc Đức Giêsu đã sống lại thật (x. Cv 10,41).
Tất cả những dẫn chứng đó đã nói lên sự chân thành của các chứng nhân về biến cố Đức Giêus đã thực sự sống lại từ trong cõi chết. Nói cách khác, những điều đó xác nhận rằng Chúa đã sống lại thật và vẫn sống mãi «với chính thân xác của Người», thân xác mà Đức Maria đã cưu mang và sinh hạ trong máng cỏ Bê-lem, thân xác mà các chứng nhân đã động chạm tới khi chung sống với Người trong suốt ba năm trời, thân xác đã bị đóng đinh trên thập giá, bị lưỡi đòng đâm qua, và sau cùng cũng chính là thân xác mà các ông đã tiếp cận, đã động chạm sau khi Người đã sống lại.
Nói tóm lại, sự sống lại của Đức Kitô là khởi điểm và là nền tảng của đức tin Kitô giáo về «xác loài người ngày sau sẽ sống lại». Sự sống lại của những kẻ đã chết sẽ là cuộc chiến thắng chung kết trên sự chết. Cuộc chiến thắng này đã được quyết định dứt khoát nhờ vào sự sống lại của Đức Kitô, như thánh Phaolô đã viết trong Thư gửi Giáo đoàn Cô-rin-thô: «Sự toàn thắng đã dập tắt sự chết. Hỡi tử thần, chiến thắng của người ở đâu? Hỡi tử thần, mũi nhọn của người ở đâu?» (1Cr 15,54-55).
Vì thế mỗi lần khi chúng ta cùng công khai tuyên xưng đức tin của chúng ta trong Kinh Tin Kính rằng: «Xác loài người ngày sau sống lại», chúng ta cũng muốn nói lên rằng chúng ta «đang mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày trở lại của Đức Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta.» Biến cố trở lại này của Chúa sẽ là cuộc sống lại vinh quang của chúng ta. Trong ngày sống lại đó chúng ta sẽ trở nên giống như các Thiên thần, chứ không còn bị vương vấn vào những băn khoăn lo lắng trần thế, như cưới vợ gả chồng hay việc nối dõi dòng giống nữa.
Vậy, chớ gì một khi được sống lại từ cõi chết, là để được sống hạnh phúc bất diệt với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Trời đất và muôn Thần thánh, trên quê trời, chứ không phải để bị luận phạt trong sự khổ nhục muôn kiếp (x. Ga 5,29b). Đó hẳn là niềm khát vọng của mọi loài thọ tạo và của chúng ta.
___________________
1. Enarrations in Psalmos 88,II,5 ‘CCL 39,1237,56-65.
2. xem Cv 26,23; 1Cr 15,20-23.
3. xem Kurt Schubert, ‘Jesus in Lichte der Religionsgeschichte des Judentums, Wien 1973, trang 170.
4. xem Sách Đa-ni-en 12,2; 2Ma-ca-bê-ô 7,9-11.13.23.29; 2Các Vua 4,8-37.
5. xem Kurt Schubert (như đã trích)
6. Mt 28,17; Mc 16,14; Lc 24,38.
7. xem Công Vụ các Tông Đồ 23,6 Ga 11,24.
8. Tuyên ngôn của CĐ Lateranô IV, năm 1215, DS 80.
Lm Nguyễn Hữu Thy
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules