Thần Học Về Chúa Thánh Thần (p2)
B. SỰ TIẾN TRIỂN ĐỨC TIN CỦA HỘI THÁNH VỀ CHÚA THÁNH THẦN
Những chặng tiến triển của đức tin và thần học về Thánh Thần, chia thành ba giai đoạn chính: thời giáo phụ, thần học Trung cổ, thời cận đại.
I. Thời giáo phụ
Vào những thế kỷ đầu, tuy Thánh Thần được nhắc tới nhiều trong các bài giảng của các giáo phụ cũng như trong các tín biểu, nhưng có thể nói được là chưa trở thành đề tài thần học. Một đàng bởi vì tất cả sự chú ý được dành cho đức Kitô hoặc cho mối liên hệ giữa đức Kitô với Chúa Cha. Đàng khác bởi vì vào buổi đầu, các giáo phụ (họa theo tư tưởng của Kinh thánh) trình bày Thánh Thần như là sức mạnh của Thiên Chúa tác động trong lịch sử cứu rỗi, hoặc như là hồng ân của Thiên Chúa ban cho tín hữu. Vì thế các vị không bận tâm mấy tới những vấn đề siêu hình.
Từ thế kỷ III, với thánh Irênêô và nhất là với trường phái Alexanđria chịu ảnh hưởng triết học Hy lạp, các giáo phụ mới bắt đầu suy luận về bản thể của Thánh Thần cũng như về mối tương quan với Thiên Chúa và đức Kitô. Vài từ ngữ chuyên môn được sử dụng để diễn tả mầu nhiệm Ba ngôi, thí dụ như: “hypostatis” trong tiếng Hylạp (Origene), “trinitas, una substantia, tres personae” trong tiếng latinh (Tertullianô).
Sang thế kỷ IV, khi những cơn cấm đạo đã chấm dứt, thì những cuộc tranh luận về Thánh Thần bắt đầu. Vì muốn duy trì đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất, nên lạc giáo Arinô chủ trương rằng đức Kitô chỉ là một thụ tạo. Trong viễn tượng đó, Thánh Thần cũng được coi là một thụ tạo và còn dưới đức Kitô nữa. Để phản ứng lại công đồng Nicea(325) đã tuyên xưng rằng “đức Kitô là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, đồng bản tính (homoousios) với Cha”. Sau khi đã xác định đạo lý về đức Kitô xong, thánh Cirillô Giêrusalem và Athanasio mới quay sang những chủ trương của lạc giáo Ariô liên quan tới Thánh Thần. Cũng như Euđôxiô (+370) và Eunômiô (+394) chủ trương rằng Con là một thụ tạo của Cha, thì Maceđôniô coi Thánh Thần là một thụ tạo. Từ đó gây ra lạc giáo “Maceđôniani” (còn gọi là “Pneumatomachi”, những người chống lại thiên tính của Thánh Thần). Đạo lý chính thống của Hội thánh về Thánh Thần đã được phát triển nhờ các giáo phụ Cappadoxiô: ba vị Basiliô. Grêgôriô Nazianzenô, Grêgôriô Nissa đào sâu hơn đạo lý của Kinh thánh, tìm cách diễn tả mối tương quan giữa Thánh Thần với Cha và Con. Grêgôriô Naziazênô quả quyết rằng Thánh Thần “đồng bản tính” (homousia) với Cha: Thánh Thần “phát xuất” (ekporeuesthai. procedit) từ Cha.
Thần học của Grêgôriô Nazianzênô (trở thành Giám mục Constantinopoli từ năm 381) đã ảnh hưởng khá nhiều trên Công đồng họp tại thành phố này cũng vào năm đó. Lời tuyên xưng về Thánh Thần còn vang trong các tín biểu mà chúng ta đọc trong Thánh lễ các ngày chúa nhật: “Chúng tôi tin kính Thánh Thần, là Thiên Chúa và Đấng ban sự sống (to kyrion kai zôopoion), xuất phát từ Cha (ekporeuomenon ek tou patros), được phượng thờ cùng với Cha và Con (symproskynoumenon)”.
Trong lời tuyên xưng vừa nói, công đồng Constantinôpôli tóm lại những chân lý nền tảng về bản tính cũng như về chức phận của Thánh Thần.
1) Về bản tính của Thánh Thần, tuy công đồng không định nghĩa Thánh Thần “đồng bản tính” với Cha như khi nói về đức Kitô; nhưng Thánh Thần được xưng là “đức Chúa” (to kyrion), có nghĩa là: Ngài là Thiên Chúa chứ không phải là thụ tạo. (Nên biết rằng Đức Kitô cũng được tuyên xưng là đức Chúa: Kyrios). Tư tưởng này dựa theo 2Cr 3,17-18.
2) Về chức phận, Thánh Thần được gọi là “Đấng ban sự sống” (dựa trên 1 Cr 15,45; 2Cr 3,6; Ga 6,63), nghĩa là Ngài là tác giả ban sức sống (giống như Thiên Chúa) chứ Ngài không phải chỉ là hồng ân sức sống được Chúa ban cho nhân loại. Hơn thế nữa, ta có thể hiểu rộng hơn về sức sống siêu nhiên (đời sống của các nhân đức): Thánh Thần là Đấng ban ơn thánh, Đấng thánh hóa vạn vật.
3) Xét về mối tương quan với Cha và Con, Công đồng chỉ nói rằng Thánh Thần “phát xuất” từ Cha (dựa trên 1Cr 2,12 và nhất là Ga 15,26), nhưng không đả động tới mối liên hệ với Con; mãi về sau thần học Tây phương mới thêm: Filioque (bởi Cha và Con).
4) Khi nói rằng Thánh Thần “được thờ phượng cùng với Cha và Con”, thì tuy không dựa trên bản văn Kinh thánh cụ thể nào, nhưng Công đồng coi việc dành sự tôn vinh cho Thánh Thần ngang với Cha và Con như là hệ luận từ công thức rửa tội ở Mt 28,19 (nhân danh Cha và Con và Thánh Thần). Trước đó vào năm 374, thánh Basiliô đã quảng bá kinh Vinh danh (Gloria) theo công thức như sau: Vinh danh Cha, với (syn) Con, với Thánh Thần (De Spiritu Sancto 1,3; PG 32,72).
5) Sau cùng, bàn về tác động của Thánh Thần trong lịch sử cứu rỗi, thì trước đó công đồng đã nhắc tới tác động của Thánh Thần trong việc đức Kitô thụ thai trong lòng trinh nữ Maria; tiếp đến, công đồng còn thêm tác động của Thánh Thần nơi các ngôn sứ (“Ngài đã dùng các tiên tri mà phán dạy”). Lời khẳng định này có lẽ nhằm tới ơn linh ứng của Sách thánh (dựa theo 2 Pr 1,21); nhưng cũng có lẽ muốn phi bác lạc giáo marcion, vì coi Cựu ước (các sách Cựu ước với Tân ước (quan điểm nhị nguyên của phái ngộ đạo).
Công đồng Constantinôpôli đã đánh dấu một khúc quặt trong thần học về Thánh Thần. Trước đây, Kinh thánh nói tới Thánh Thần như là quyền năng của Thiên Chúa tác dụng vào lịch sử cứu rỗi; công đồng thêm một chiều kích nữa, đó là bản tính Thiên Chúa của Ngài và mối liên hệ với Cha và Con. Sự tuyên xưng đức tin về Thánh Thần đi kèm theo sự chúc tụng tôn vinh của Phụng vụ. Như vậy, công đồng kết hợp ba chiều hướng thần học về Thánh Thần: a) tác động trong lịch sử cứu rỗi; b) bản tính Thiên Chúa; c) phụng vụ. Tiếc rằng sự quân bình ấy không còn được duy trì trong các thế hệ kế tiếp, khi mà chiều kích siêu hình được đẩy mạnh (thần học ban tới Thánh Thần trong tương quan nội tại của Ba ngôi) hơn là hai chiều kích kia.
Sự chuyển hướng đó có thể thấy nơi Augustinô. Đang khi mà Basiliô coi tác động đặc hữu của Thánh Thần như là Đấng thánh hóa và là ánh sáng chân lý của nhân loại thì Augustiô coi đặc hữu của Thánh Thần như là Tình yêu giữa Cha với Con. Augustinô diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi qua phạm trù “liên hệ” (relatio): ba Ngôi không phải là ba Chúa, nhưng là ba mối liên hệ giữa ngôi vị: mỗi ngôi có mối liên hệ với hai ngôi khác. Mối liên hệ giữa Thánh Thần với Cha và Con được gọi là “phát xuất” (processio); hậu quả là Thánh Thần phát xuất từ Cha và Con. Do ảnh hưởng của Augustinô, các giáo hội Latinh đã thêm tiếng Filioque vào kinh tin kính (“procedit a Patre Filioque”). Sáng kiến này khởi đầu từ công đồng Toleđô XI bên Tây ban nha (675), nhưng đã bị các giáo hội Đông phương phản đối. Từ đó, đề tài “Filioque” trở nên mối tranh chấp giữa Công giáo và Chính thống. (Do việc thiếu nhãn quan lịch sử, các nhà thần học Latinh tố cáo là bên Đông phương rối đạo vì đã gạt bỏ “Filioque” khỏi kinh tin kính, đang khi mà sự thực là bên Latinh đã thêm vào). Trước khi chấm dứt thời giáo phụ, cần phải thêm rằng tuy Augustiô chú trọng tới Thánh Thần như là tình yêu giữa cung lòng Ba Ngôi, nhưng vị tiến sĩ này cũng không quên tác động của Ngài trong Hội thánh, Thánh Thần là nguyên ủy thánh hóa và hợp pháp của Hội thánh.
II. Thần học Trung cổ
Như vừa nói, một trong những lý do đưa tới sự chia rẽ giữa Rôma và Constantinôpôli vào năm 1054 là vì Giáo hội latinh đã tự tiện thêm tiếng “Filoque” vào kinh Tin kính. Thật là đáng tiếc khi các giáo hội chia rẽ chung quanh thần học về Chúa Thánh Thần, nguyên ủy hợp nhất của Giáo hội Các công đồng Lyon II (1274) và Firenze (1439) cố gắng tìm công thức hòa giải nhưng không thành. Sự tuyệt giao giữa Đông với Tây đã làm cho thần học Latinh trở nên nghèo nàn, nghĩa là Thánh Thần rất ít được nhắc tới trong thần học và trong thực hành.
Trong bộ Tổng luận Thần học, thánh Tôma Aquinô đã bàn đến Thánh Thần khi nói tới các tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa (S. Th. I. qq.36-38). Cách riêng Thánh Thần được gọi là Tình yêu (Amor) và Ân ban (Donum). Tiếp đó, trong phần quen thuộc gọi là luân lý thánh Tôma đặt Thánh Thần làm trọng tâm của luật mới, giao ước Tình yêu nhờ 7 ân huệ mà Ngài ban, các hoạt động của các tín hữu mang giá trị công trạng siêu nhiên của con cái Chúa, đáng được hưởng kiên nhan Chúa.
Theo các sử gia, một lý do khiến cho các nhà thần học Trung cổ dè dặt khi nói về Thánh Thần có lẽ vĩ sợ rơi vào lạc thuyết của Gioakim Fiore, một viện phụ người Calabria miền nam Italia (1135-1202). Gioakim đã chia lịch sử nhân loại thành ba giai đoạn: giai đoạn đầu tương ứng với Cựu ước, là kỷ nguyên của Chúa Cha (sợ hãi), giai đoạn hai bắt đầu từ Tân ước là kỷ nguyên của Chúa Con (đức tin): còn giai đoạn ba là kỷ nguyên của Thánh Thần: và đâu có Thánh Thần đấy có tự do và tình yêu: trong Hội thánh sẽ không cần luật lệ phẩm trật gì nữa. Phong trào theo Gioachim được bành trướng trong thế kỷ XIII. Không lạ gì mà các thần học gia thời đó sợ nói tới Thánh Thần kẻo bị chụp mũ là có cảm tình với phong trào.
III. Thời cận đại
Vào thời Cải cách, Lutêrô và Calvinô nại đến Thánh Thần để đòi hỏi Giáo hội giảm bớt các cơ chế luật lệ, ngõ hầu các tín hữu được tự do theo Thánh Thần linh ứng khi đọc Sách thánh. Nhưng chẳng mấy chốc, Lutêrô và Calvinô đã phải đương đầu với những nhóm quá khích tư xưng là ngôn sứ của Thánh Thần và không cần tới Sách thánh nữa.
Về phía Công giáo việc phản ứng lại những nguyên tác căn bản của Tin Lành (bị coi là đức tin chủ quan) đã đưa tới chỗ nhấn mạnh tới vai trò của Huấn quyền, tín điều, giáo luật trong Hội thánh. Nói khác đi, ra như Hội thánh chỉ gồm nên bởi cơ chế, không còn chỗ trống cho Thánh Thần len vào. Lâu lâu Thánh Thần mới tới giúp đỡ Giáo hoàng mỗi khi cần phải tuyên bố tín điều.
Luồng gió của Thánh Thần từ từ thổi vào Giáo hội vào cuối thế kỷ XIX sang thế kỷ XX, với những tác phẩm của J.A. Moenier (+1838) bàn về vai trò của Thánh Thần trong đời sống Hội thánh. Thông điệp Divinum illud munus (9-5-1897) của đức Lêo XIII tuyên xưng rằng Hội thánh có đức Kitô là đầu và Thánh Thần là linh hồn. Cũng trong chiều hướng đó, đức Piô XII, trong thông điệp Mystici Corporis (29-6-1943), coi HT là nhiệm thể của đức Kitô với Thánh Thần là nguyên ủy hợp nhất.
Theo lời của đức Phaolô VI trong buổi tiếp kiến ngày 23/5/1973, Công đồng Vaticano II đã nói tới Thánh Thần 258 lần trong các văn kiện. Nói chung, Thánh Thần được bàn trong mối tương quan Ba ngôi, nguyên ủy chủ động của kế hoạch cứu rỗi (thí dụ: DV 2; SC 6; AG 7); hoặc trong tương quan với đức Kitô (Lg 8): cách riêng trong tương quan với Hội thánh (LG 4.7.15). Ngoài ra, công đồng cũng bàn tới Thánh Thần trong phụng vụ (SC 7) và trong dòng lịch sử (AG 4; GS 11,26).
Sau công đồng, một luồng gió ảnh hưởng không nhỏ tới thần học về Thánh Thần là phong trào canh tân Thánh Linh, bắt nguồn từ những phong trào tương tự bên Tin lành (pentecostalism) và du nhập vào công giáo từ năm 1967 (đại học Duquesne, Pittsburg, Hoa kỳ). Sau những dè dặt vào buổi đầu, Tòa thánh tìm cách hướng dẫn họ, và nhìn nhận như một hồng ân giúp vàp sự canh tân đời sống Hội thánh. Dù sao, có lẽ phong trào đã lôi kéo các nhà thần học chú ý hơn đến Thánh Thần: những tác phẩm chuyên biệt về Thánh Thần (pneumatologia) lần lượt được xuất bản, với những ngòi bút nổi tiếng như: H. Urs von Balthasar. Y. Congar, L. Bouyer, F.X. Durrwell.
C. THÁNH THẦN TRONG MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA
Vào những thế kỷ đầu tiên, các giáo phụ nói đến Thánh Thần như là sức mạnh (hay sinh khí) mà Thiên Chúa tác động trong lịch sử cứu rỗi. Từ thế kỷ thứ ba, Thánh Thần được nhìn dưới khía cạnh bản thể, dẫn đến sự định tín về thiên tính ở công đồng Constantinopoli vào năm 381. Sang thời Trung cổ, hầu như Thánh Thần chỉ còn được bàn tới trong tương quan nội tại của Ba ngôi Thiên Chúa, hơn là đến tác động của Ngài trong lịch sử cứu rỗi. Ngày nay, khi ôn lại Kinh thánh cũng như lịch sử, người ta thấy cần phải dung hòa cả hai chiều kích:
a/ chiều kích bản thể xét trong mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa và
b/ chiều kích tac động (như sinh lực và thánh hóa) trong lịch sử cứu rỗi.
Thực ra thì kể cả mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cũng cần được xét tới trong cả hai chiều kích: vừa bản thể (Trinitas ontologica, immanens) vừa cứu rỗi (Trinitas oeconomica).
Phúc âm nhất lãm trình bày tác động của Thánh Thần nơi đức Kitô theo kiểu cách tương tự như tác động trên các ngôn sứ của Cựu ước. Trong các thư của thánh Phaolô có nhiều đoạn xem ra Thánh Thần với đức Kitô cũng là một. Nơi phúc âm thứ bốn, ta tìm thấy rõ sự khẳng định là Thánh Thần được đức Kitô phái đến các môn đệ và Thánh Thần xuất phát từ Cha (Ga 15,26). Tín biểu của công đồng Constantinôpôli đã lấy lại dụng ngữ đó: “Thánh Thần xuất phát (ekporeuomenon, procedit) từ Cha”. Thế nhưng từ thế kỷ VI, các Giáo hội bên Tây phương (khởi sự từ Toleđô bên Tây Ban Nha) thêm vào “Filioque” (Thánh Thần xuất phát từ Cha và Con), gây ra cuộc chia rẽ giữa Tây phương với Đông phương. Đông phương tố Tây phương là rỗi đạo vì đã thêm “Filioque” vào kinh tin kính: đối lại, Tây phương lại tố Đông phương là rối đạo vì không chấp nhận đức tin “Finlioque”. Ngày này, nhờ những cuộc đối thoại đại kết cũng như nhờ những cuộc khảo cứu lịch sử, người ta thấy là chẳng có bên nào rối đạo cả. Đông phương có lý khi phản đối Tây phương đã đơn phương thêm thắt một hạn từ vào tín biểu của công đồng Constantinôpôli; theo họ, duy có một công đồng hoàn vũ. Mặt khác, Đông phương với Tây phương có hai lối diễn tả khác nhau về mầu nhiệm Ba Ngôi. Tây phương đi từ vấn đề một Thiên Chúa duy nhất trong bản tính, rồi sau đó mới tiến sang vấn đề Ba Ngôi bằng nhau. (Từ đó công thức chúc tụng là: Vinh danh Cha và Con và Thánh Thần). – Còn Đông phương thì đi ngược lại: từ các ngôi vị khác nhau để tiến tới một Thiên Chúa duy nhất: vì vậy cần phải duy trì một nguyên ủy trong mầu nhiệm Ba Ngôi, tức là Cha (Do đó công thức chúc tụng là: “Vinh danh Cha và Con trong Thánh Thần”). Hai đường lối khác nhau cùng diễn tả một đức tin duy nhất. Tân ước cũng đã chẳng có nhiều phương thức khác nhau khi trình bày về Thánh Thần đó ư? (xc. Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo số 243-248).
Dù sao, thì khi nhìn từ nước Việt Nam, cả Tây phương lẫn Đông phương (nghĩa là Rôma và Constantinôpôli) đều nằm ở hướng Tây. Vì thế, có lẽ vấn đề những dị biệt giữa các phương thức thần học của hai trường phái vừa kể không quan trọng đối với chúng ta cho bằng bản chất của chính Thánh Thần. Tuy nhiên, thiết tưởng không phải là thừa khi nhắc lại lời khuyên của thánh Tôma Aquinô: “Khi đứng trước mầu nhiệm Thiên Chúa, tốt hơn bạn hãy giữ thái độ tim lặng kính cẩn thay vì tuyên bố phát biểu” (Venerantes indicibilia Deitatis casto silentio, De divinis nominibus c.1, lect.2; Summa Theol. I.q.1.a.9.ad 2; III.q.3). Sau khi đã kính cẩn khẩn nài Thánh Thần đến mớm cho chúng ta lời chúc tụng (Rom 8,26), chúng ta mới dám mạo muội bập bẹ đôi lời về Ngài.
Trong lịch sử thần học, khi trình bày về mối liên hệ giữa Thánh Thần với Ba Ngôi, người ta nhận thấy có hai lối diễn tả khác nhau nơi thánh Tôma Aquinô và thánh Bonaventura, tuy cả hai cùng dựa trên thánh Augustinô. Thánh Tôma đi từ Thiên Chúa như là Hữu thể (Esse), một hữu thể tinh thần với hai tác động là tri thức và yêu mến; từ đó có hai nhiệm xuất của Lời và của Tình yêu (tức là Ngôi Hai và Ngôi Ba). Còn thánh Bonaventura thì khởi sự từ Thiên Chúa như Sự Thiện (Bonum). Sự Thiện tự bản chất là thông đạt tỏa lan (bonum diffusivum sui). Thiên Chúa là sự Thiện Tuyệt Đối, cho nên cũng trào ra và thông đạt: Cha là “kẻ yêu” thông ban mình cho Con; Con là “Kẻ được yêu” tiếp đón tình yêu của Cha; Thánh Thần là tình yêu nối kết giữa Cha và Con. Thực ra, đằng sau hai lối diễn tả của thánh Tôma và thánh Bonaventura, người ta nhận thấy có hai chiều hướng triết học, một bên là của Aristote và một bên là của Platon. Dù diễn tả cách nào đi nữa, Thánh Thần vẫn được coi như Tình yêu liên kết giữa Cha và Con (vinculum amoris), tình yêu trao ban hỗ tương. Hơn thế nữa, tình yêu ấy không khép kín lại trong nội tại của Thiên Chúa, nhưng tiếp tục trao ban dạt dào ra ngoài (ex-tasis). Vì thế, không lạ gì mà tất cả các hoạt động của Thiên Chúa ra bên ngoài (công trình tạo dựng và cứu chuộc) đều được coi như trào ra từ tình yêu trao ban nội tại của Ba Ngôi. Chúng ta đọc thấy tư tưởng ấy nơi số 2 của Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Công đồng Vatican II: Việc “sai đi” (phái cử: missio) của Hội thánh bắt nguồn từ việc sai đi (phái cử) của Con và của Thánh Thần theo dự án của Chúa Cha. Dự án đó phát nguồn từ “suối nguồn tình yêu” (amor fontalis), nghĩa là tình yêu của Cha, Cha là Tình yêu nguyên thủy, từ đó Con được sinh ra, và Thánh Thần đã tạo dựng và kêu gọi chúng ta vào chia sẻ sự sống và vinh quang của Ngài.
Như vậy, tất cả những gì Thiên Chúa đã thựuc hiện đều bắt nguồn từ tình yêu dạt dào vô biên của Ngài. Nói thế có nghĩa tất cả những gì Thiên Chúa đã làm trong vũ trụ và lịch sử nhân loại đều bởi Thánh Thần, tình yêu trao ban và đón nhận giữa Cha với Con. Đối lại, chính Thánh Thần biểu lộ cho ta thấy Thiên Chúa là Tình Yêu, là Hồng ân ban phát (x. 1Ga 4,8.16).
Nơi con người chúng ta, tình yêu thương mang tính cách chiếm đoạt đối tượng thiện hảo, nắm chặt khư khư cho mình. Còn nơi Thiên Chúa, thì tình yêu lại thông ban chứ không nắm giữ chiếm đoạt. Hơn thế nữa, khi ban phát mình, Tình yêu nơi Thiên Chúa ra như hủy diệt mình nữa. Chúa Giêsu đã chẳng nói rằng: “không có tình yêu nào cao quý cho bằng chết cho người mình yêu” đấy ư? (Ga 15,13). Dĩ nhiên chính Chúa Giêsu đã áp dụng câu nói đó cho chính mình: Ngài đã tự hạ, tự hủy cho đến chết trên thập giá (Pl 2,6-11). Chúng ta cũng có thể nói một cách tương tự như vậy về Thánh Thần Tình yêu: Ngài không tỏ mình xuất hiện nhưng mà chỉ âm thầm tác động trong vai trò làm môi giới liên kết. Ngài là mối dây liên kết Cha với Con; Ngài cũng là mối dây kết tụ Hội thánh nên một gia đình và dẫn đưa họ về kết hiệp với Thiên Chúa. Ngài được ví như hơi thở, như làn gió; nhưng không ai thấy được hình thù của Ngài ra sao cả: Ngài là tình yêu kín đáo nép mình, trong nội tâm sâu thẳm của Thiên Chúa cũng như trong thâm tâm của con người (x.1Cr 2,11).
Tuy nhiên, chính nhờ việc ẩn danh xóa mình đó mà Thánh Thần Tình yêu duy trì cho các bản vị được tự lập chứ không bị xóa nhòa tiêu diệt. Như vừa nói trên đây, con người chúng ta mỗi khi yêu thì có khuynh hướng muốn chiếm đoạt hoàn toàn người yêu. Còn tình yêu nơi Thiên Chúa thì không thế: sự thông đạt tình yêu đòi hỏi phải duy trì hai chủ thể; bởi vì nếu không còn là hai nữa thì đâu còn chi mà thông đạt trao đổi? Giữa lòng Ba Ngôi Thiên Chúa, luôn luôn có sự thông đạt: Tình yêu liên kết các Ngôi vị, tạo nên sự hợp nhất nhưng không hủy bỏ sự phân biệt giữa Ba Ngôi. Đó là mầu nhiệm thông hiệp: hợp nhất trong khác biệt đa dạng Thánh Thần Tình yêu bảo đảm cho sự thông hiệp gữa lòng Ba Ngôi Thiên Chúa thì cũng trở thành nguyên tố và mẫu mực cho sự hiệp thông trong Hội thánh. Tất cả Hội thánh cần duy trì sự hợp nhất (tất cả một lòng một ý); nhưng sự hợp nhất không bóp chẹt tính cách đa nguyên đa dạng Thánh Thần được ví như nhạc trưởng điều khiển cả dàn nhạc, với những thanh âm nhạc cụ khác nhau, để cất lên một hòa tấu. Tình yêu của Thánh Thần liên kết những cái “tôi” thành nên “chúng tôi”.
Tóm lại, khi chiêm nhắm Thánh Thần trong mầu nhiệm của Thiên Chúa, chúng ta không nên dừng lại ở những khái niệm trừu tượng siêu hình, nhưng cần phải tìm thấy nơi đó một mối liên hệ sinh động: Thánh Thần, tình yêu trao ban và liên kết giữa Cha với Con, cũng là tình yêu mà Thiên Chúa trao ban cho con người, mời gọi hết mọi người vào chia sẻ tình yêu vĩnh cửu của Ba Ngôi.