-
Moderator
X - Xin bình an cho người thiện tâm
Xin bình an cho người thiện tâm
Khi nghe nguời tín hữu đọc kinh tôi xúc động vô cùng. Cả một thời niên thiếu tôi đã lớn trong các xứ đạo ở miền quê với những kinh cầu đơn sơ, nhắc lại cuộc tử nạn của Chúa Cứu Thế, bây giờ lại nghe thấy ở nơi giáo hữu Hà Nội, nơi văn vật, cũng đọc kinh như dân quê, tôi mừng quá.
Giáo phận Hà nội bao gồm nhiều tỉnh, như Hoà Bình, nơi có đồng bào Mường, mà kinh nghiệm Phát Diệm cho thấy các phụ nữ Mường là những nghệ sĩ, lòng đạo sống động tự nhiên. Tôi cũng đã có dịp đi thăm viếng Thái Hà, xưa gọi là Ấp Thái Hà, đi theo con đường thênh thang từ Đống Đa tới trung tâm các cha dòng Chúa Cứu Thế.
Vào đầu thập niên 1950, mỗi ngày thứ bảy, là dịp cho người Hà Nội gặp nhau, vào xem tiệm sách, nghe các bài giảng, và quỳ trước ảnh Đức Mẹ, một icône mà người Nga đem theo khi đi biểu tình ở Nga hay ở Ukraine. Chung quanh một bức ảnh mà bao nhiêu cuộc đời và bao nhiêu tu viện đã nuôi dưỡng tâm hồn mình. Sự hiện diện một người Mẹ thiêng liêng, vừa là thân mẩu của Chúa, vừa là thân mẫu cho mỗi tín hữu, là một sức mạnh mầu nhiệm, đã giúp các cha dòng chia sẻ lòng tin và tình nghĩa con người.
Sau này tôi cũng có dịp trở lại Thái Hà, và bỡ ngỡ trước cảnh vật chẳng còn giống như những năm xưa.
Tiếc nuối quá. Tôi cũng có dịp được sống trong khu Phố Nhà Chung, dùng cơm, xem lễ, trò truyện với các thày kẻ giảng (danh từ nhà đạo, để chỉ các tu sĩ đi giúp các xứ, sống độc thân) nghe tiếng hát trai trẻ của các chủng sinh. Lúc đó tôi không ý thức về vấn đề đất đai. Gặp chủng sinh, tôi chỉ hỏi: Còn giữ vững lòng tin chứ? – Có chứ. Chúng em hoàn toàn tin tuởng. Họ trả lời dứt khoát như vậy, mà họ là những thanh niên, làm cho tôi an trí.
Rồi Hà Nội bị quên lãng trong óc tôi cho đến khi phong trào đòi lại đất đai xuất hiện vừa đây. Hà Nội liên hệ đến tôi là do ông chú, Vũ Khánh Tường và ông thầy, Trần Thái Đỉnh, giáo sư triết học có tiếng ở Sài Gòn.
Hồi 1945, còn có chủng viện Xuân Bích, dậy bằng tiếng Pháp. Mấy tu sĩ Bùi Chu quen với ngoại ngữ nhờ vào đi học ở Hà Nội. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, là ngày Chúa nhật đầu tháng 9, ngày lễ các vị anh hùng thời cấm đạo. Các xứ đạo náo nhiệt đi biểu tình. Các chủng sinh Hà Nội hiên ngang giơ tay hô Việt nam độc lập muôn năm! , giữa những tràng pháo tay của quần chúng.
Phan Bội Châu là những nhà ái quốc đầu tiên đặt hy vọng vào người công giáo thì bây giờ đây giáo dân hiện diện trong phong trào ái quốc. Chính phủ gởi những đại diện, như Võ Nguyên Giáp vào quỳ trong nhà thờ Lớn. Lời tuyên bố độc lập nhân danh Tạo Hóa, tức là Đấng Tạo Hóa (le Créateur) mang một ý nghiã mới lạ gần gụi đến đồng bào công giáo. Nguyễn Mạnh Hà, một nhân vật công giáo, được làm bộ trưởng thanh niên.
Ở Nam Định, Nình Bình, đi chỗ nào cũng thấy khẩu hiệu Lương Giáo Đoàn kết. Chính phủ gởi Vĩnh Thụy cầm đầu phái đoàn đến mừng lễ thụ phong của Lê Hữu Từ, tân giám mục Phát Diệm.Vào dịp lễ quyên vàng, Hồ Ngọc Cẩn, giám mục Bùi Chu, đưa giây vàng mà các giám mục thường đeo trước ngực đóng góp vào việc nước. Các xứ đạo đón tiếp các cuộc mít tinh, chủng sinh đi biểu tình, bầu khí thực vui mừng như chưa bao giờ có.
Thề rồi vào năm 1946, Hà nội bắt đầu tổ chức kháng chiến. Thanh niên công giáo tổ chức thành một đơn vị võ trang, sau này rút về bưng, và bị tiêu hủy toàn vẹn. Họ bị hy sinh vào các dịp tấn công vô vọng. Các giáo phận khác đều có Uỷ Ban Công Giáo Cứu Quốc. Nhưng vào lúc này vấn đề Cộng Sản được đặt ra, gây chia rẽ hàng ngũ kháng chiến. Đảng CS Đông Dương tự giải tán.
Nói dối đã quen miệng. Hồ Chí Minh về tận Phát Dìệm thương lượng với vị giám mục được chọn làm cố vấn. Thời đó, tại phòng khách tòa giám mục, có tấm tranh trình bày hai nhân vật đều mặc áo trắng đương trò truyện với nhau. Những hỡi ơi, đó chỉ là một hình ảnh thôi. Lê Hữu Từ đã từng làm giám đốc tại tu viện ở Châu Sơn, Ninh Bình, là một vùng chiến lược cộng sản. Ông Hồ không thể đánh lừa được người Phát Diệm, và qua đó người công giáo Bắc Việt.
Ý thức về hiện tượng CS xuất phát từ kinh nghiệm tại chỗ, chớ không từ ngoại bang đem vào. Rồi ai cũng còn nhớ phong trào tự vệ Bùi Chu - Phát Diệm cho đến năm 1954. Ý tưởng sau cùng của người Pháp trước khi rời Việt Nam là dành cho hai giáo phận này, trong lời tuyên bố đọc ở Genève. Nhưng lại chính một nhân vật công giáo, Ngô Đình Diệm tẩy chay người Pháp, gây một đoạn tuyệt tâm lý vĩnh viễn giữa hai dân tộc về khía cạnh tôn giáo.
Trong những năm gian truân đó, ngoài Nhạc Đoàn Lê Bảo Tịnh với Hùng Lân, Nguyễn Khắc Xuyên, Hoài Đức, ít khi miền quê nghe nói tới Hà Nội. Thành phố Nam Định thuộc giáo phận Hà nội có nhóm Thanh Niên với Phạm Đình Khiêm, Phạm Đình Tân, lừng lẫy một thời.
Bên này sông Nam Định có Hải Linh nhạc sĩ, và Lương Kim Định, nhà triết học. Nhưng là thời chiến tranh, không xây dụng sự nghiệp lâu dài. Ông chú tôi bị đi tù, bị tố khổ, nhưng sau dược tha, sang du học bên Pháp, làm linh mục,về Sài Gòn lập một tu viện, rối sau cùng bị công an hành hạ, bỏ nhà thương về thì kiệt sức, chết trong điều kiện nào tôi cũng không rõ.
Mọi sự đã qua đi. Các giáo phận Bắc Việt đã trải qua những thập niên khốn khổ sau 1954.
Bây giờ như hồi sinh, với các tin hữu rủ nhau đi cầu nguyện ở Toà Khâm sứ, ở Thái Hà, ở Hà Đông. Nhìn những em bé xinh xắn, những cô gái Mường duyên dáng, bóng dáng các sơ khiêm tốn, bên cạnh các bà cụ ông cụ đáng kính… Lời cầu nguyện và bài thánh ca, tất cả là lời thỉnh cầu. Mọi quyền bính là Thiên Chúa giao cho, là những sứ mệnh, không phải là của tư hữu. Người tín hữu cầu xin ơn trên soi sáng các nhà lãnh đạo quốc gia để họ có đủ minh mẫn và công tâm Trong tinh thần đạo, không nhìn chính quyền là bạo quyền, và tin là giới lãnh đạo, dù có sai sót và tàn ác đến đâu cho tới ngày nay, vẫn có thể tìm lại trong thâm tâm một vài tia sáng giúp họ tìm lại được lòng nhân đạo. Điều mà con người bất lực, Thiên Chúa có toàn năng.
Không ở tại chỗ, tôi không cho ra được nhận xét nào về các diển biến hiện nay. Tôi chỉ gìữ tinh thần lạc quan, tin tưởng là đồng bào công giáo cũng như nhà chức trách sẽ tìm được giải pháp ổn thỏa.
Hãy tìm mọi cách hàn gắn lại sự đứt đoạn giữa ông Hồ và người công giáo Việt Nam. Đáng lẽ ông Hồ nên thẳng thắn giải tán đảng CS ngay từ đầu, thay vì dùng mưu mẹo lừa lọc. Đáng lẽ người công giáo đã có thể đóng góp tích cực vào việc xây dụng đất nước ngay từ hồi 1945. Lịch sử tiếp tục. Người tìn hữu đem lòng đạo mà đối với đời. Giáo dân Hà nội là đại diện cho tất cả các giáo phận miền Bắc. Con đường nào cũng dẫn tới Hà Nội. Gây một bầu khí thông cảm ở Hà nội là bảo sự hòa hợp cho tất cả giới công giáo.
Trong bài hát Hà Nội Phố, có câu: Tan lễ chiều, ta còn vọng tiếng chuông ngân. Câu này có thể là lời kết cho các vụ tranh chấp hiện nay. Chỉ nên giữ lại trong trí nhớ dư âm của tiếng chuông, như lời chúc an bình cho người thiện tâm, trong những Ngày Xuân sắp đến cũng như cho suốt năm.
Paris 28-1-2008
Đinh Vinh Phúc
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules