ĂN CHAY TRẺ TRUNG !

Tôi có hai lần gặp trường hợp được miễn ăn chay kiêng thịt. Lần thứ nhất là lần chạy loạn vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1975. Năm ấy tôi chưa đến tuổi ăn chay, nhưng những người lớn chung quanh tôi đều được Đấng bản quyền địa phương cho phép miễn ăn chay vì ở trong trường hợp bấn loạn nguy cấp. Lần thứ hai là khi bị bắt đi làm “thanh niên xung phong”, quanh năm ăn cơm với rất ít đồ ăn. Nói là cơm cho “khí thế công trường” nhưng thật ra là khoai mì khô nấu với vài hạt gạo, nói là đồ ăn cho oai chứ đó là nuớc lã nấu với muối có cho vào vài cọng rau muống đã héo trước khi bắc lên bếp. Đến ngày thứ Sáu Tuần Thánh năm ấy, đơn vị tuyên bố cho công nhân ăn thịt, tiêu chuẩn mỗi người một miếng rưỡi mỡ heo (khoảng bằng một trong những cái nắp chai bia mà lãnh đạo đơn vị đang uống với nhung nhúc thịt thà lúc đó). Hai anh trưởng tràng của chúng tôi là anh Dũng và anh Long sau khi hỏi ý kiến các cha, tuyên bố cho anh em được ăn thịt vì đã ăn chay quanh năm rồi, vả lại một miếng rưỡi mỡ ấy theo cái nhìn ngây ngô của tôi thì chắc chưa đủ phá chay (!). Hai anh bây giờ là cha Nguyễn trí Dũng ở Đà nẵng và cha Nguyễn hữu Long giáo sư Đại Chủng Viện Xuân Bích Huế. Chắc chắn các ngài còn nhớ những tháng ngày chay tịnh ấy. Và riêng tôi, khi nhìn đàn em ở đất nước này hôm nay tương đối khá hơn, có thể ăn nhiều hơn một miếng rưỡi mỡ mỗi ngày, tôi chợt nghĩ đến việc ăn chay của các bạn trẻ.

Một cha xứ kể lại cứ mỗi lần chuẩn bị Lễ Tro hay Thứ Sáu Tuần Thánh, có nhiều bạn trẻ vào hỏi cha: “Thưa cha, ăn chay có được uống cà phê không, có được ăn mỡ nước không, có được ăn hột vịt lộn không, có được uống bia không?”. Tôi ngày đó cũng hay nghĩ: sau 12 giờ khuya có được ăn không? Ăn chay mà đói quá có thể ăn thêm không? Bây giờ nhớ những câu hỏi ấy, tôi thầm nghĩ có thể Chúa Giêsu sẽ buồn bã hỏi lại: “Con có yêu mến Thầy không? Con không thể thức với Thầy được một giờ sao?”. Vậy ăn chay là gì và có cần phải tính toán với Chúa đến từng miếng ăn, từng phút ăn chay không?

Tôi xin không dùng Luật Hội Thánh cũng như những nguyên tắc luân lý để lý giải, bởi vì thật ra người Công giáo mỗi năm chỉ ăn chay có hai lần, so với các tôn giáo khác là quá ít, thành ra luật buộc cũng chẳng là điều gì quá đáng. Nhưng ý nghĩa chay tịnh xét về mặt tình cảm đối với Con Người Giêsu đau khổ thì thật là lớn lao. Ở khía cạnh này, chay tịnh là lắng lòng mình lại, xa tất cả những gì gần gũi nhất của mình, là miếng ăn miếng uống, để sà vào lòng Giêsu mà hỏi Người: “Chúa còn khát không, xin cho con chia sẻ. Chúa còn cô đơn không, con xin hầu chuyện với Chúa. Chúa còn ngã xuống dưới làn roi quất bạo tàn không, xin cho con cùng ngã xuống với Chúa”.

Các bạn trẻ có thể gặp nhiều khó khăn khi ăn chay. Mỗi ngày các bạn quá quen với những món fast food, những ly nước ngọt được quảng cáo ngoa ngữ là làm tan cái nóng trong người. Các bạn quen với việc vào lớp vừa nghe giảng vừa thưởng thức bữa sáng hay bữa ăn thêm cho đủ sức ngồi nghe những bài giảng chẳng lấy gì là bổ ích hay hấp dẫn. Cho nên chay tịnh với bạn là hy sinh lớn lao. Không hẳn hy sinh là vì không ăn, mà hy sinh là vì bạn phải bỏ một thói quen, dù chỉ bỏ trong một ngày.

Nhưng nếu suy nghĩ một chút thôi, bạn sẽ thấy có nhiều ngày khác bạn phải ăn chay ấy chứ. Đi xe buýt bị móc túi, thế là ăn chay “tự nguyện” cả ngày. Bị đau răng cấm ư? Ăn chay ba ngày đấy nhé. Hồi tôi còn sinh viên, có một chuyện rất hài hước xảy ra cho cô bạn ngồi gần tôi trong lớp, chuyện mà tôi cho là cả thế giới chắc chỉ xảy ra có một lần. Cô bạn tôi hôm ấy mua một ổ bánh mì thật thơm ngon, định nhâm nhi trong buổi học, nhưng vì giảng viên môn học khó quá, nên cô nàng để trong hộc bàn, định giờ ra chơi sẽ lim dim thưởng thức. Thế rồi dường như hôm ấy cô nàng có số ăn chay hay sao mà vừa nghe chuông ra chơi, cô nàng thò tay xuống hộc bàn, và chụp vội được, không phải ổ bánh mì, mà là mấy ngàn đồng và mảnh giấy nhỏ ghi một câu đầy tính cướp bóc: “Bạn ạ, thông cảm nhé, tui đói quá, mua lại của bạn. Bạn cầm mấy ngàn này ra mua ngay ổ khác”. Bạn thấy chưa, đâu phải lúc nào muốn ăn cũng có thể ăn ngay? Nhưng chay tịnh tự nguyện mới có ý nghĩa thật sự.

Vậy xin hỏi lại câu vừa hỏi: ăn chay là gì? Đức Giêsu vào sa mạc ăn chay bốn mươi ngày và Người cảm thấy đói. Lúc đó Người làm gì? Người kết hợp với Cha của Người và dùng Lời Kinh Thánh để chống lại những cám dỗ của quỉ vương và của trần thế. Như vậy, là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta ăn chay là giảm bớt những đồ ăn thông thường để lòng mình lặng lẽ suy ngắm Lời Chúa, Lời của tình yêu. Luật Giáo Hội dạy ăn chay là ăn một bữa no bình thường và một bữa còn đói, nghĩa là hãm bớt sự thèm ăn thèm uống. Khi hãm dẹp được những đòi hỏi bình thường ấy, chúng ta hoà mình vào nhịp sống của Đức Giêsu trong Mùa Chay Thánh. Lấy một ví dụ cho dễ hiểu hơn, khi bạn trẻ có người yêu và sắp đến giờ hẹn, bạn bớt ăn một chút cho hơi thở thơm tho, cho giọng nói nhẹ nhàng. Bạn mê thịt “nai đồng quê” lắm, thêm chút riềng, chút mắm tôm, ôi tuyệt vời. Món nhắm đã dọn sẵn, bạn muốn xơi quá đi mất, nhưng vài phút nữa là có thể ngồi gần nàng mà thì thầm thỏ thẻ với nhau, thôi đành hy sinh cho tình yêu vậy! Bạn là cô gái khoái món bún riêu vô cùng, bún dọn lên rồi kìa, nhưng lại là nó, chính nó mới làm cho món bún riêu hấp dẫn, mà cũng chính nó làm hại hơi thở thơm tho của bạn. Nó lại là mắm tôm ấy. Ăn chay đi nhé bạn. Ví dụ nhỏ xíu ấy cho chúng ta, những người trẻ thấy rằng ăn chay là hy sinh cho yêu thương, mà thật ra ăn chay cho tình yêu là ăn chay đẹp và hấp dẫn lắm chứ phải không bạn.

Hãy tưởng tượng người tình Giêsu đẹp lộng lẫy hiện ra trong ngày bạn ăn chay. Người muốn lắng nghe bạn tâm sự, bạn có nỡ bỏ Người mà đi tìm món ngon vật lạ không? Hãy khoan nói đến giáo luật, cũng hãy khoan nói đến lời cha giải tội, bạn ơi hãy nhìn Giêsu với tư cách Người là người yêu của bạn. Ăn chay không chỉ là bớt món ăn, mà còn là bớt một chút giờ ngủ, bỏ một thói xấu, nhịn một lời cay cú, bớt một ánh nhìn hằn học. Ăn chay còn là ném đi những thói quen tội lỗi, quăng bỏ những trang sách thước phim đen tối và tiêu diệt thói ngạo mạn coi trời bằng vung. Bạn nhớ không, khi Đức Giêsu đau đớn nguyện cầu ở trong Vườn Dầu, những môn đệ Người thương yêu lại ngủ. Họ chẳng “ăn chay giấc ngủ” với Người. Khi Giêsu bị đóng đinh trên Thập giá, ai là người lặng lẽ giữ chay trọn vẹn cho tình yêu ngoài Mẹ Maria và những môn đệ thân yêu nhất?

Kinh Thánh viết: “Phúc cho ai biết tự kiềm chế mình từ khi còn trẻ” (Ai ca 3, 27). Bất cứ sự phóng túng nào cũng dễ dẫn đến hiểm nguy. Sự tự chế chính là cái thắng cho chiếc xe cuộc đời. Tuổi trẻ thích lao xuống dốc hơn là leo lên núi cao. Không có thắng, tất cả sẽ đổ nhào. Mùa Chay chính là lúc người trẻ nhìn lại mình và lối mình đang bước để từng giây từng phút ngoi lên. Như vậy, chay tịnh là lối sống đẹp của người trẻ tuổi, bởi vì hy sinh là đặc tính của tuổi trẻ và của tình yêu. Ăn chay là hy sinh cho tình yêu, đơn giản quá và đẹp quá phải không bạn?

Không chỉ trong ngày Lễ Tro và ngày Thứ Sáu thánh, mà mọi ngày trong năm, các bạn trẻ đều có thể ăn chay, nhiều ít tuỳ bạn, nhưng mỗi lần nhịn bớt miếng ăn hay bỏ đi một thói xấu, là bạn gần gũi với gương mặt thống khổ của Đấng Cứu Độ hơn. Bạn hãy nhìn lên Đức Maria và thánh Giuse, các ngài là những mẫu gương chay tịnh tuyệt hảo, và nhờ đó các ngài gần gũi với Con mình biết bao. Bây giờ, bạn và tôi, chúng ta hãy chậm rãi đọc lại và suy ngắm lời này “Các con không thể thức với Thầy được một giờ sao?”. Rồi chúng ta hãy cùng thưa với Chúa về những ngày chay tịnh còn lại.


Gioan Lê Quang Vinh