Những Biện Pháp Trừng Phạt: Thành Công


02/04/2008

Những biện pháp trừng phạt kinh tế được áp dụng chủ yếu như một phương cách bất bạo động nhằm thúc ép chính phủ của một nước nào đó phải thay đổi đường lối, chính sách. Nhưng trừng phạt là một vấn đề thường gây tranh cãi và tính hiệu quả của nó không bảo đảm. Tường trình từ thủ đô Johannesburg của Nam Phi, thông tín viên Scott Bobb của đài VOA đề cập đến cuộc tranh luận về mức độ thành công của các biện pháp trừng phạt được áp dụng từ trước tới nay.

Tại Nam Phi, những biện pháp trừng phạt của quốc tế được xem như đã có góp phần chấm dứt chủ nghĩa a-pác-thai
Các chuyên gia phân tích nói rằng những biện pháp trừng phạt kinh tế, như việc cấm buôn bán và đầu tư, đã mang lại những thành công nhất định.

Ông Gary Hufbauer là tác giả của cuốn sách có nhan đề là 'Economic Sanctions Reconsidered' - có nghĩa là 'Những Biện Pháp Trừng Phạt Kinh Tế Được Xem Xét Lại' - đồng thời là một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế học Quốc tế. Ông nói rằng những công trình nghiên cứu của ông cho thấy việc trừng phạt quả thật có mang lại một số kết quả.

Ông Hufbauer nói: "Chúng ta có thể nói là trong khoảng 1/3 các trường hợp áp dụng trừng phạt, đã có vài tác động tích cực đáng kể trong việc thực hiện mục tiêu của việc trừng phạt. Những trường hợp đó tập trung vào những điểm nào? Chúng tập trung vào những điểm mà chúng ta gọi là những mục tiêu khiêm tốn về chính sách, có nghĩa là tìm cách thúc ép chính phủ nước ngoài, tức là chính phủ đối tượng của hành động trừng phạt, để đạt được những mục tiêu như trả tự do cho một số tù chính trị, chận đứng những giai đoạn sơ khởi của một nước đang tìm cách thủ đắc vũ khí hạt nhân."

Thí dụ như tại Nam Phi, những biện pháp trừng phạt của quốc tế được xem như đã có góp phần chấm dứt chủ nghĩa a-pác-thai và thành lập chế độ cai trị của khối dân tộc đa số hồi năm 1994. Ông Francis Kornegay là một nhà phân tích tình hình làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị ở Johannesburg.

Ông Kornegay nói: "Tình trạng bị cô lập về chính trị và kinh tế của Nam Phi, kết hợp với cuộc nổi dậy, và tình trạng chính phủ mất khả năng cai trị đã căng kéo chế độ a-pác-thai đến mức họ phải tính toán rằng việc tìm cách bám víu vào chế độ a-pác-thai sẽ chỉ làm cho thu nhập càng ngày càng sút giảm, và rằng giải pháp hay nhất là nên bắt đầu dàn xếp và tiến hành thương lượng."

Ông Azar Jammine, giám đốc công ty tham vấn kinh tế Econometrix ở Johannesburg, nói rằng những biện pháp trừng phạt khác, như việc quốc tế cấm các tiếp xúc và quan hệ về thể thao và văn hóa với Nam Phi, chỉ đóng một vai trò phần lớn có tính cách tâm lý trong việc thúc ép nước này phải thay đổi chính sách. Nhưng theo ông thì ngay cả những biện pháp trừng phạt về kinh tế và chính trị cũng không phải là lý do chủ yếu khiến cho tổng thống Nam Phi lúc đó là ông Frederick De Klerk chấp nhận thương lượng với đảng Đại hội Dân tộc Phi.

Ông Jammine nói: "Môi trường địa lý chính trị tổng quát lúc đó đã có những thay đổ rất lớn vào năm 1989, và không phải là chuyện tình cờ mà Tổng thống De Klerk cho giải tỏa lệnh cấm đảng Đại hội Dân tộc Phi vào ngày mồng 2 tháng 2 năm 1990, tức là vừa đúng 4 tháng sau ngày Bức Tường Bá Linh bị sụp đổ."

Ông Jammine nói rằng chính phủ các nước cộng sản ủng hộ rất mạnh mẽ cuộc đấu tranh giải phóng của đảng Đại hội Dân tộc Phi, và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản giúp loại bỏ được một mối lo sợ lớn của những người lãnh đạo chế độ a-pác-thai.

Người ta cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt đã đóng một vai trò trong việc làm cho Libye chịu nhận trách nhiệm trong vụ đánh bom chuyến bay 103 của hãng Pan Am trên vùng trời thị trấn Lockerbie ở miền nam Scotland hồi năm 1988, và sau đó đã từ bỏ chủ nghĩa khủng bố. Nhưng đại sứ Libye ở Hoa Kỳ, ông Ali Aujali, nói rằng việc quốc tế tiếp xúc ngoại giao với Libye có một tác động to lớn hơn nhiều trong việc làm cho nước ông thay đổi chính sách.

Ông Aujali nói: "Trừng phạt không phải là một công cụ để thay đổi chính sách của các nước khác. Trừng phạt tác động đến đời sống thường ngày của người dân. Nhưng điều quan trọng là chúng ta có thái độ thực tế như thế nào trong việc giải quyết những bất đồng của chúng ta. Đó là điều đã giúp giải quyết cuộc khủng hoảng giữa Libye và phương Tây."

Các chuyên gia phân tích ghi nhận rằng những biện pháp trừng phạt gây thiệt hại cho những người thấp cổ bé miệng, tức là những người mà những biện pháp này muốn giúp đỡ. Kinh tế gia Jammine nói thêm rằng những biện pháp trừng phạt tương tự như những biện pháp được áp dụng chống Nam Phi trước đây có những ản hưởng kéo dài rất lâu sau khi chế độ a-pác-thai cáo chung.

Ông Jammine nói: "Nam Phi là một nước có khả năng tự túc, nhưng muốn tự túc thì chính phủ bắt buộc phải thực hiện những chính sách thương mại có tính cách bảo hộ khá mạnh mẽ, nghĩa là chính phủ phải dựng lên những rào cản mậu dịch rất cao."

Kinh tế gia Jammine nói rằng một hậu quả của những biện pháp bảo hộ mậu dịch đó là lãi suất cao và những chính sách kém hiệu quả vẫn tiếp tục được thực hiện một thời gian sau khi các biện pháp trừng phạt đã được giải tỏa và các rào cản mậu dịch đã được gở bỏ.

Chuyên gia phân tích Francis Kornegay thuộc Trung tâm Nghiên cứ chính trị tại Johannesburg nói rằng một nhược điểm chính trị khác là nữa là các biện pháp trừng phạt không phải lúc nào cũng được mọi người ủng hộ.

Ông Kornegay nói: "Có rất nhiều cách để né tránh các biện pháp trừng phạt. Và cũng có rất nhiều nỗ lực chống phá trừng phạt đã thành công trong thời gian Nam Phi bị chế tài. Khi chúng ta kết hợp điều đó với sự kiện là, vì lợi ích chính trị và kinh tế, một số nước có thể cảm thấy cần cung cấp viện trợ hoặc giao thương với những nước đặc biệt nào đó đang bị trừng phạt, thì chuyện đó càng làm cho những biện pháp chế tài khó thành công hơn nữa."

Nhà phân tích thời sự Francis Kornegay ghi nhận rằng việc chống phá các biện pháp trừng phạt phát triển rất mạnh tại Iraq dưới thời Tổng thống Saddam Hussein.

Ông Jammine, giám đốc công ty tham vấn kinh tế Econometrix ở Johannesburg, nói rằng trong một nền kinh tế ngày càng được toàn cầu hóa nhiều hơn, chính phủ các nước kiểm soát được rất ít các hoạt động giao lưu kinh tế so với trước đây.

Ông Jammine nói: "Càng ngày tình hình càng trở nên khó khăn hơn cho bất cứ ai muốn tìm cách áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế trong một môi trường trong đó thế giới đang được toàn cầu hóa. Sự phát triển giao thông liên lạc và lưu thông tư bản ngày nay có ảnh hưởng to lớn đến nỗi việc áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế càng ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Mặc dù việc trừng phạt có thể trở nên ít hiệu quả hơn vì nền kinh tế càng ngày càng được toàn cầu hóa nhiều hơn, nó sẽ tiếp tục được sử dụng bởi vì nó giúp tạo ra một áp lực quốc tế ở mức trung gian, nằm giữa việc tiếp xúc ngoại giao và can thiệp quân sự.