CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG, NĂM C

ĐIỀM LẠ


Chúng ta bắt đầu Năm Mới theo Lịch Phụng Vụ Giáo Hội từ Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng. Mùa Vọng, ngày xưa thường gọi là “Mùa Áp” (theo tiếng Latinh là Adventus, ra tiếng Anh là Advent; từ động từ Advenire, có nghĩa là “đến gần”). Trong lịch Phụng Vụ của Giáo Hội Việt Nam bây giờ gọi là “Mùa Vọng”, với ý nghĩa là Mùa “trông đợi”, “mong chờ”.

Vậy Mùa Vọng là thời gian 4 tuần lễ để chúng ta chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng trong niềm mong chờ mừng Lễ Chúa Giáng Sinh sắp tới. Tuy nhiên, phụng vụ Mùa Vọng cũng nói với chúng ta, qua các Bài Đọc Sách Thánh trong các Thánh Lễ, hãy chuẩn bị tâm hồn trong sự chờ đợi Chúa đến viếng thăm mỗi người chúng ta vào lúc chúng ta “qua khỏi đời nầy” (qua đời) và đó là lúc “chúng ta không ngờ!” Đồng thời Mùa Vọng cũng hướng tâm trí chúng ta về ngày “cuối cùng của thế giới này,” “ngày tận thế,” “ngày phán xét chung.” Ngày đó cũng là “ngày không ngờ,” chẳng ai biết được trước, ngày mà “các tầng trời rung chuyển, mặt trời ra tối tăm,” ngày mà Thiên Chúa sẽ ngự đến trong vinh quang để thưởng người lành, phạt kẻ dữ. Như vậy, đối với các tín hữu, ngày đó không đáng kinh khiếp, nhưng là ngày giải thoát để bước vào miền hạnh phúc viên mãn của cuộc sống ‘trường sinh, vinh hiển’ trong một “Trời Mới và Đất Mới” nơi Công Lý ngự trị (Xin xem Isaia 65:17, 66:22; Khải Huyền 21:1-4; 2 Phêrô 3: 10-13).

Hôm nay, trong bài Phúc Âm (Chúa Nhật I Mùa Vọng, Năm C: Luca 21:25-28,34-36), Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta về những “Điềm Lạ” vào ngày cuối cùng của thế giới và việc Thiên Chúa sẽ đến “ trên đám mây, đầy quyền năng và uy linh cao cả” để phán xét chung , thưởng người lành, phạt kẻ dữ. Nhưng đối với những ai có lòng tin nơi “Đấng Cứu Thế” “Đấng Công Chính” mà muôn dân trông đợi (Xin xem Bài Đọc I : Giêrêmia 33: 14-16) thì không cần sợ hãi. Trái lại “hãy đứng dậy và ngửng đầu lên, vì giờ cứu rỗi đã gần kề.” Miễn là chúng ta phải luôn luôn cảnh tỉnh, đừng “chè chén say sưa, đừng qúa lo lắng việc đời,” nhưng hãy luôn ‘tỉnh thức’ và cầu nguyện.

Trong Bài Đọc II (1 Tessalonica 3:12-4:2), Thánh Phaolô cũng kêu gọi chúng ta hay luôn sống hòa hợp yêu thương với mọi người và bền vững trên đường thánh thiện để không có gì “đáng trách trước mặt Chúa là Cha chúng ta trong ngày Ngài ngự đến cùng với tất cả các Thánh.”

Vậy trong tinh thần “dọn đường Chúa đến,” chúng ta hãy cầu nguyện chung cho nhau để mỗi người cùng biết nhìn nhận chính mình là con người yếu đuối, dễ sa ngã phạm tội, sống khiêm tốn, hòa hợp yêu thương để Nước Bình An của Chúa có thể đến trong tâm hồn mỗi người, mỗi gia đình và lan tỏa ra trên toàn thể thế giới chúng ta. Để đến ngày mừng Chúa Gíáng Sinh, chúng ta có thể cùng với các Thiên Thấn ca hát:
‘Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”


(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)