Chúa Nhật 29 Thường Niên, Năm B

MUỐN LÀM LỚN, PHẢI PHỤC VỤ NHƯ ÐẦY TỚ

Is 53:10-11; Dt 4:10-16; Mc 10:35-45

Tham vọng chung của loài người là muốn có được một chỗ đứng trong bậc thang xã hội. Vì thế mà hai tông đồ Giacôbê và Gioan toan ngỏ ý xin Thầy mình một ân huệ là được ngồi: một người bên tả và một người bên hữu trong vinh quang của nước Chúa. Nghe lỏm được ý đồ của họ, các môn đệ khác bèn tức tối với hai ông này (Mc 10:41). Xét theo công trạng, thì hai ông Giacôbê và Gioan chưa có làm được gì đáng kể. Nói kiểu bình dân, các ông chưa có điểm với Chúa Giêsu và với các tông đồ khác, nên việc xin ngồi bên tả và bên hữu chi là việc muốn ăn mảnh.

Ðến đây, Chúa liền thách thức hai ông: Các con có uống nổi chén mà Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? (Mc 10:38). Thời cổ xưa tại đất Do thái, việc uống cùng một chén với ai, có nghĩa là muốn tham phần vào vận mệnh của người đó: hoặc may hay rủi. Vậy thì vận mệnh của Chúa cứu thế là gì? Vận mệnh của Chúa là việc Người tự nguyện chấp nhận khổ hình thập giá để làm giá cứu chuộc nhân loại. Như vậy lời Chúa có nghĩa là lời thách đố xem hai ông có muốn trả giá cả để được ngồi bên tả và bên hữu Chúa không, nghĩa là xem các ông có muốn chịu khổ hình với Chúa và vì Chúa không? Chúa nhận lời quả quyết chấp nhận bách hại và chịu đau khổ của hai ông. Tuy nhiên ghế danh dự mà hai ông xin là tuỳ thuộc vào sự quyết định của Chúa Cha.

Trong những lần giảng dạy, Chúa Giêsu hứa sẽ thiết lập một vương quốc vĩnh cửu, nhưng Người sẽ phải chịu đau khổ và chịu chết trước khi hoàn thành theo như lời tiên báo trong sách Isaia: Thiên Chúa đã muốn người tôi trung phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn (Is 53:10). Và như vậy thì Đức Giêsu đồng hoá với người tôi tớ đau khổ của Ðức Giavê trong lời tiên tri Isaia. Nỗi đau khổ mang lại sự cứu độ còn được thánh Phaolô đề cập đến trong thư gửi tín hữu Do thái (Dt 4:16).

Phúc âm hôm nay ghi lại Chúa Giêsu chặn đứng tham vọng cá nhân của ông Giacôbê và Gioan bằng cách dạy họ: Ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người (Mc 10:44), nghĩa là phục vụ mọi người. Các tông đồ muốn phần thưởng cho những cố gắng của họ. Chúa bảo họ trong Nước Chúa thì có sự khác biệt. Nước Chúa không phải là nơi để người ta tâng bốc cái tôi. Trong nước Chúa, tất cả những ai muốn có ảnh hưởng, địa vị thì phải làm đầy tớ người khác, nghĩa là phục vụ người khác. Nếu để các ông nuôi tham vọng cá nhân, có thể trở nên mối nguy hại cho Giáo hội mà Chúa sẽ thiết lập sau này.

Chúa dạy các tông đồ như vậy để cho những người kế vị và những người cộng sự hiểu biết đường lối Phúc âm hầu tránh việc lợi dụng chức tước, tránh việc kéo bè phái mà gây ảnh hưởng cá nhân ngay cả trong việc đạo. Như vậy khi hiểu được bản chất của Nước Chúa, các tông đồ sẽ là người cuối cùng tìm kiếm địa vị và danh dự. Các tông đồ nhận thức được rằng, họ sẽ có địa vị trong Nước Chúa, cũng như trong Giáo hội của Chúa. Tuy nhiên Chúa bảo họ không được dùng quyền để bá chủ và áp đặt, mà phải dùng quyền để phục vụ như Chúa đã phục vụ: Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người (Mc 45).

Có nhiều việc phục vụ khác nhau. Trong quá khứ, có những việc phục vụ do đầy tớ và nô lệ thực hiện. Vào thời cổ xưa tại đất Do thái, khi khách vào nhà ai, thì việc của đầy tớ là đem nước để rửa chân cho khách. Chân đi dép trên đất cát giữa trời nóng nực mà được dội nước vào chân thì khách cảm thấy khoan khoái biết bao. Trong bữa Tiệc ly Chúa Giêsu đã làm công việc của người nô lệ, lấy nước rửa chân cho các tông đồ vì yêu thương. Và Chúa dặn các ông phải rửa chân lẫn cho nhau, nghĩa là phục vụ lẫn nhau.

Phục vụ cũng được thực hiện do người làm công hoặc tình nguyện. Việc phục vụ được coi là việc nhân đạo nếu được phát xuất tự chủ nghĩa nhân bản. Việc phục vụ được coi là việc bác ái nếu được làm vì yêu mến. Việc phục vụ có đượm tình yêu mến là điểm thiết yếu của đạo Kitô giáo. Phục vụ người khác vì yêu mến là một nhân đức mà mỗi người Kitô hữu cần thực hành. Khi phục vụ vì tình yêu mến Chúa thúc đẩy, công việc phục vụ sẽ trở nên nhẹ nhàng và người làm việc phục vụ mới cảm thấy vui được. Có những người khi không có việc gì làm, thì buồn chán, sinh bệnh. Khi làm việc phục vụ giúp đỡ tha nhân, họ tìm được ý nghĩa của cuộc sống, lại lên tinh thần, rồi được khỏi bệnh. Và đó là ý nghĩa của tình yêu biến đổi. Thánh Âu-tinh đã nhận ra tình yêu biến đổi khi viết: Ðâu có yêu, đấy không còn khổ, mà giả như có khổ đi nữa, người ta sẽ chấp nhận cái khổ vì yêu.

Nếu muốn phục vụ, người ta sẽ tìm thấy rất nhiều việc để làm trong nhà thờ như quét dọn nhà thờ, hốt lá khô, nhặt rác rưởi xung quanh nhà thờ, lau bụi ghế ngồi, xếp sách hát lại vào hộc ghế, và nhiều việc để làm trong cộng đồng, làng xóm, phố phường như tình nguyện giúp việc từ thiện, bác ái, việc xã hội và việc nhân đạo.

Là người công dân và người Kitô hữu, người tín hữu cần học để coi việc phục vụ trong gia đình, trong giáo xứ và trong xã hội như là phương thế để hoàn thành ơn gọi làm người Kitô giáo.

Lời cầu nguyện xin cho được ơn biết sống tinh thần phục vụ:

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đến thế gian dạy các môn đệ
bài học phục vụ trong yêu thương.
Xin dạy con biết làm việc phục vụ vì yêu mến Chúa
và nhận ra hình ảnh Chúa
nơi nguời anh chị em mà con phục vụ
nhất là những người nghèo đói, bệnh tật
đau khổ và bất hạnh. Amen.


LM. Trần Bình Trọng