GIA TÀI MẸ ĐỂ LẠI LÀ BẠO LỰC SAO?
Gần đây có nhiều nghiên cứu tìm xem video games có phải là nguyên nhân gây bạo lực không. Ở các nước văn minh, nơi người ta cư xử nhân hậu và sợ bạo lực, thì tất cả những nguyên nhân gây nên bạo lực đều phải được nghiên cứu xem xét cẩn thận.
Có một điều vô cùng bất ngờ đối với tôi. Tôi thuộc loại người luôn nghĩ rằng phụ nữ là phải dịu dàng. Thế mà khi tôi dạy bài học về bạo lực do ảnh hưởng từ video games, có hai cô học viên, một là cô giáo dạy Văn cấp 3 ở Gò vấp, một là sinh viên, hăng hái bảo vệ cho bạo lực với lý luận rằng hoàn cảnh lúc này lúc nọ cũng cần dùng bạo lực.
Tôi không ngạc nhiên vì suy nghĩ lạ lùng ấy, nhưng tôi “ngộ” ra được một điều. Lâu nay vẫn có những người lên tiếng đòi công lý, chống lại bạo lực và bất công, thì vẫn có nhiều người không đồng tình với tiếng nói công lý ấy, thậm chí còn khích bác. Tôi đã không hiểu vì sao lại có chuyện ngược đời như thế. Bây giờ nhờ hai cô học viên ấy mà tôi “sáng” ra rằng khi người ta quen với bạo lực, chịu ảnh hưởng bởi giáo dục bạo lực thì người ta không có nhu cầu phản đối bạo lực.
Tôi nghĩ đến những đứa trẻ thích phản ứng đầy bạo lực nhan nhản trong xã hội Việt nam ngày nay. Chưa đến tuổi đi học, nhiều trẻ đã tỏ ra hung hãn, luôn làm sư tử, làm cọp rống lên nghe kinh khiếp. Đi học thì học trò đánh nhau, gây hấn là chuyện bình thường. Điều này dễ hiểu khi mẹ các cháu ủng hộ bạo lực, khi các môn học đều ít nhiều dính dáng đến bạo lực.
Tôi không tài nào nhớ nổi những bài thơ hay cuốn truyện nào học ở cấp ba, nhưng những hình ảnh bạo lực như “má hét lớn tụi bay…” thế này thế nọ trong thơ Tố Hữu, hoặc bà Út Tịch đòi đánh dữ dội… cứ ám ảnh mỗi khi tôi nhìn cảnh hãi hùng ngoài đường.
Thì ra nền giáo dục học đường và quan điểm của cha mẹ gắn liền với bạo lực ảnh hưởng trên con rất nhiều. Báo chí Việt nam hay đưa tin bạo lực xảy ra trong các trường học bên Mỹ. Thật ra ở các nước tự do ấy, có người lạm dụng súng ống, nhưng bao giờ cũng vậy, chuyện vừa xảy ra là cảnh sát đã có mặt can thiệp liền, chứ không như chúng ta nghĩ là họ muốn đánh muốn bắn lúc nào cũng được.
Cách đây ít năm, khi tôi đi dạy ở tỉnh lẻ các ngày cuối tuần, tôi gặp một cô sinh viên ở Bình Dương rất hung hăng, luôn hành xử “kiên cường bất khuất” trước mọi người. Tôi bảo em hung dữ quá sau này chắc con trai sẽ sợ lắm, và tối đa chồng em làm đến chức chủ tịch phường! Cô ta giận và nói thầy đừng coi thường em, vì bạn trai em là sinh viên đại học ở Sàigòn!
Chuyện có vậy rồi tôi cũng quên đi. Nhưng nhiều tháng sau bất ngờ tôi nhận được một là thư qua đường bưu điện. Thư viết đại ý chắc thầy chẳng còn nhớ em là ai. Em là cô sinh viên thầy bảo là hung dữ. Thầy nói đúng quá, bạn trai em đã chia tay với em. Bây giờ em buồn quá muốn xin ý kiến của thầy. Người ta tưởng rằng khi mình dùng bạo lực, sẽ được thiên hạ kính nể. Nhưng sự thật thì khác hẳn.
Hai cô học viên nói đến ở trên hỏi tôi rằng chẳng lẽ người ta vào nhà mình, mình để yên cho họ vào à? Tôi hỏi lại, vậy hai bạn nghĩ sao, thấy ai vào nhà mình là phải đánh ngay sao?
Tôi có người bà trong họ mới qua đời ở xa. Tôi ít biết về bà vì khi tôi lớn lên thì bà đã sang Mỹ. Tôi chỉ biết hai người cô của tôi ở dòng Thánh Phaolô. Cô kể tôi nghe rằng bà sống rất nhân hậu. Ngày xưa khi còn ở Việt nam, bà trồng cây trứng cá trước nhà. Khi trẻ con lẻn vào hái trái trứng cá, bà không la không đuổi như những người khác, mà gọi chúng lại dạy bảo chúng rồi khi trái chín, gọi chúng đến mà cho. Do đó, trẻ con rất quí trọng bà.
Những người sống với lòng nhân ái thì hoa quả sinh ra cũng là nhân ái. Còn ai dùng dao búa và gậy gộc thì chắc chắn cũng chẳng thấy bình an. Quí vị đi học ở miền Nam trước năm 1975 thì đâu có hân hạnh học những bài văn và sử đầy “tính chiến đấu” như chúng tôi sau này. Tôi nhớ có lần cô dạy Sử giảng bài “Phải căm thù đế quốc, phải đánh cho mạnh vào”. Tới khi làm bài, tôi chỉ nhớ là đánh trả thù như thời Cựu Ước, tôi bèn viết “Cô dạy đại ý giống như là mắt đền mắt, răng đền răng”. Cô giáo đâu có biết câu này trong Kinh Thánh nên bảo: “Em làm bài dùng từ lạ quá!”. Lúc đó là thế kỷ 20 sau Chúa ra đời, mà nội dung cô dạy còn hung hăng hơn thời Cựu Ước.
Hội Thánh Công Giáo xem bạo lực là tội ác. Và Học Thuyết Xã Hội Công Giáo dạy “phải tố cáo mỗi khi tội có mặt: tội bất công và tội bạo lực, cách này hay cách khác, đang lan tràn qua xã hội và thâm nhập vào xã hội”[1], chứ không thể để bạo lực lan tràn bừa bãi.
Cùng cầu nguyện cho gia tài của mẹ để lại cho con không là bạo lực, không là sự xáo trộn các trật tự mà Thiên Chúa đã sắp đặt, nhưng gia tài ấy là một nền văn minh tình thương phát sinh hoà bình công lý, một nền “hoà bình triển nở trong triều đại Người đến muôn đời”.
[1] CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes
Lê Quang Vinh