Hà Đình Nguyên:
"Nhạc sến": Ai nghe và vì sao gọi là sến?
Có lẽ trong đời bạn đã hơn một lần "bị" người khác bình phẩm: Sao mà "sến" quá đi! Khi bạn chỉ vừa mới hát một câu, thốt dăm ba tiếng hoặc ngay cả bộ đồ bạn đang mặc, bức tranh bạn vẽ, món quà bạn chọn... cũng có thể bị coi là "sến". "Sến" quả là muôn hình vạn trạng, nhưng nếu cắc cớ hỏi lại: "Sến" là gì ? thì e rằng người vừa bình phẩm cũng... ngắc ngứ vì không thể giải thích một cách thỏa đáng. Ở phạm vi chuyên đề này, chúng tôi chỉ xin lạm bàn về "nhạc sến" - một thực thể luôn hiện hữu trong dòng chảy âm nhạc mấy chục năm qua...
Tản mạn về nhạc sến
Chưa có một quy định "chuẩn" nào để phân biệt bản nhạc này thuộc loại "sến", bản kia không "sến" nhưng không biết do đâu mà hầu như tất cả các bản nhạc được sáng tác trước 1975 - nhất là những bản có điệu boléro, rumba, ballade... đều bị quy là nhạc sến (tiếng "sến" được hiểu theo nghĩa dè bỉu, mỉa mai, khinh thị...). Vậy thì "sến" là gì?
Theo ý kiến của nhiều lão làng trong giới ca nhạc thì "sến" do chữ sen (trong từ con sen: người giúp việc nhà) đọc trại mà ra. Trước 1954, chỉ có ở miền Bắc mới gọi "ô sin" là con sen, trong Nam gọi là "ở đợ". "Sến" thường là những cô gái quê con nhà nghèo, ít học phải ra tỉnh ở đợ, vì vậy trình độ hiểu biết cũng không cao. Do thường giúp việc cho chủ Tây hoặc trong các gia đình theo Tây học nên các cô được các nhà văn, nhà báo có óc hài hước thêm cho cái tên "Marie" phía trước để trở thành Mari-Sến. Sau 1954, "Mari-Sến" vào Nam. Dạo đó, nước máy chưa được đưa tới từng nhà, chiều chiều các Mari- Sến lại tụ tập quanh cái máy nước (fontaine) để hứng nước gánh về nhà, từ đó lại đẻ thêm cái tên "Mari-Phông ten". Trong khi đứng chờ đầy gánh nước, các cô thường vui miệng hát với nhau những câu đại loại như: "Anh ơi nếu mộng không thành thì sao? Non cao, biển rộng biết đâu mà tìm…" (Duyên kiếp - Lam Phương) hoặc: "Chiều nay có phải anh ra miền Trung, về thăm quê mẹ cho em về cùng..." (Quen nhau trên đường về - Thăng Long). Thế là thành... nhạc sến! Một sự hình thành quá đỗi "mơ hồ" nên cũng khó mà định nghĩa. Thôi thì, hễ loại nhạc nào mà các chị gánh nước mướn, các anh đạp xích lô, thợ thuyền (gọi chung là giới bình dân) khoái hát thì... đó là “nhạc sến”!
Hãy tạm bằng lòng "nhạc sến" là như vậy, nhưng sẽ thật sai lầm khi quan niệm "nhạc sến" với hàm ý khinh thị, chê bai bởi trong dòng nhạc bình dân này có rất nhiều tuyệt tác mà chưa chắc các nhạc sĩ dòng nhạc "hàn lâm" đã sáng tác được, như: Khúc ca ngày mùa (Lam Phương), Hoài thu (Văn Trí), Xóm đêm (Phạm Đình Chương), Ai lên xứ hoa đào (Hoàng Nguyên), Nắng chiều (Lê Trọng Nguyễn), Đường xưa lối cũ (Hoàng Thi Thơ), Nửa đêm ngoài phố (Trúc Phương), Thương hoài ngàn năm (Phạm Mạnh Cương), Nắng lên xóm nghèo (Phạm Thế Mỹ)...
"Tạm bằng lòng" như đã nói ở trên nhưng cũng còn có khá nhiều người "không bằng lòng chút nào" - họ là những người làm ra bài hát (nhạc sĩ) và những người hát (không cứ gì phải là ca sĩ). Nhạc sĩ sừng sộ: "Nhạc của tui được rộng rãi quần chúng hát. Lên non, xuống biển, len lỏi vào tận hang cùng ngõ hẹp, sức "công phá" như... sóng thần! Thử hỏi "nhạc hàn lâm" đã có sức hấp dẫn như thế chưa? Mục đích của âm nhạc là tạo được sự đồng cảm ở mọi tâm hồn, nhạc của tui đã đạt được điều đó và còn... hơn thế nữa! Thế thì sao lại gọi là “nhạc sến” ?". Người hát thì cải chính: "Sến thế nào được. Đó là loại nhạc dễ nghe, dễ hát và nhất là hợp với tâm trạng (tùy thời điểm) của tôi. Thế là tôi thích, tôi hát hoài: "Tôi với nàng (cóc cóc cóc cóc) hai đứa (cóc cóc cóc cóc) nguyện yêu nhau (cóc cóc cóc cóc). Tha thiết từ đây (cọc cọc cọc cọc) cho đến (cọc cọc cọc cọc) ngày bạc đầu (cọc cọc cọc cọc)...”.
Xem ra, cuộc tranh luận về "nhạc sến" chưa chắc đã dừng lại ở đây !