CHÚA NHẬT II PHỤC SINH năm B

SỐNG VỚI THƯƠNG TÍCH ĐẤNG PHỤC SINH


Thưa quý vị,

Cả bốn Phúc âm đều ghi lại biến cố Chúa hiện ra hôm nay. Riêng thánh Gioan thêm câu truyện ông Thomas để kết thúc Phúc âm của ông. Chương 21 được viết sau, minh chứng quyền đứng đầu cộng đoàn Tông đồ của thánh Phêrô. Trình thuật sáng Chúa nhật Phục sinh vừa qua thánh Gioan hội tụ chú ý vào ba nhân vật: Maria Macdala, Phêrô và người môn đệ khác được Chúa yêu dấu (20,8). Người môn đệ ấy là kẻ đầu tiên tin Chúa phục sinh. Nhưng câu truyện hình như còn bỏ dở: Phêrô cũng xem thấy các giây băng và tấm khăn liệm. Nhưng ông chẳng biểu lộ lòng tin của mình, ông chưa có phản ứng. Bà Maria Macdala nhận ra Chúa nhưng kêu Ngài là thầy Raboni. Rõ ràng câu truyện cần hồi kết thúc. Đoạn Tin mừng Chúa nhật hôm nay là hồi kết thúc đó. Có hai lần Chúa hiện ra với các môn đệ ở căn phòng trên lầu vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, trong khi các cửa vẫn đóng kín vì sợ người Do thái. Hai lần cách nhau tám ngày. Lần thứ nhất không có mặt Thomas. Hôm nay, lần thứ hai, ông Thomas cũng có mặt. Cả hai lần Chúa đều cho các môn đệ xem thấy những vết thương của Ngài như dấu chỉ Ngài đã sống lại. Điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều về biến cố phục sinh và những hàm ý của nó trong đời sống thiêng liêng của một người tín hữu chính danh. Không có vết thương thì cũng chẳng có phục sinh. Không có khổ chế thì cũng chẳng có sống lại hiển vinh. Người môn đệ viết Phúc âm đã thấy như vậy và ông đã làm chứng. Tin mừng của ông nguyên thủy kết thúc ở câu nói ấy.

Một điểm khác cũng cần lưu ý là trong các lần hiện ra của Chúa Giêsu, Ngài nhấn mạnh đến lòng tha thứ của Ngài. Bằng cách này hay cách khác nhân loại và mỗi cá nhân đều đã xúc phạm Chúa, khước từ, phản bội, lăng nhục, hành hình… cho nên Ngài đã làm hoà trước bằng lòng nhân từ thứ tha. Ngài trở lại thăm viếng và củng cố đức tin cho các Tông đồ, củng cố đức tin cho mỗi tín hữu. Còn những ai nghi ngờ như Thomas thì lần thăm viếng hôm nay là dứt điểm: “Phúc cho những ai không trông thấy mà tin”. Người ta thường đặt tên cho lời tuyên bố này của Đức Giêsu là Phúc thật thứ chín: Đức tin quả là một hạnh phúc! Tôi thắc mắc tại sao lần hiện ra trước không có mặt Thomas. Ông đang ở đâu? Phải chăng vì ông quá sợ hãi và thất vọng? Tính về quê hương để trở lại nghề cũ? Suy nghĩ kỹ hơn, tôi phải biết ơn Thomas rất nhiều. Nhờ sự nghi ngờ của ông mà lúc này tôi giết được hết nghi nan của lòng tôi. Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã gởi ông Thomas cứng tin đến cho thế giới hiện đại. Chẳng phải hôm nay họ mới dám bộc lộ nghi ngờ về Chúa phục sinh. Chuyện đó xưa nắm rồi, từ thời các tín hữu tiên khởi lận. Đúng hơn, từ thời các thánh Tông Đồ, mà Thomas là tiêu biểu. Đời sống Giáo hội, công việc làm ăn uy tín, chính trị thế giới đầy ắp thắc mắc. Tôi có nên tin vào các định chế đó không? Tin như thế ngây thơ lắm không? Có điều chi bảo đảm hay lại bị lừa dối? Con cám ơn Chúa, sự vắng mặt của Thomas trong phòng tiệc ly lần Chúa hiện ra thứ nhất thật là hữu ích và ông không tin vào lời các môn đệ khác là có cơ sở. Ông không bằng lòng với bất cứ chứng cớ nào ngoài tận mắt trông thấy Chúa, đụng chạm tới Ngài và chuyện vãn với Thầy nếu thực sự Thầy đã từ cõi chết chỗi dậy. Những bằng chứng như thế người thời nay đang đòi hỏi và con cũng muốn có. Giáo hội đủ can đảm cung cấp những dấu chỉ khả tín như Chúa đã cho Thomas được biết không? Tất cả đều là sự thật không? Muôn đời câu hỏi này tồn tại, và muôn đời Giáo hội phải trả lời cho nghi nan đó! Chắc chắn nhóm môn đệ đang hội họp không mong chờ Chúa viếng thăm. Họ sợ hãi đóng kín cửa và Thomas nghi ngờ các lời họ kể. Điều này hữu lý và chân thật. Đúng như thực tế đời thường. Tôi mong ước hiện diện với họ, hoặc nữa, như Thomas, tôi đã vắng mặt lần trước để được chứng kiến sự thật bằng xương bằng thịt lần sau.

Về phần Chúa Giêsu, khi muốn nêu chứng cứ cho Thomas, Ngài đã chỉ ra các thương tích ! Giống như trong Phúc âm theo thánh Matthêô, khi muốn nói đến sự hiện diện của Ngài, Ngài chưng ra những kẻ đui mù, đói khát, tù đày, đau yếu,… (25,31). Nghĩa là Ngài ở giữa những kẻ bất hạnh của xã hội. Họ cũng đang mang thương tích của lòng con người hẹp hòi, ích kỷ. Ngài vào phòng tiệc ly một cách âm thầm, lặng lẽ, và chỉ các thương tích như bằng chứng cho Thomas cứng tin. Nếu như Hollywood dàn dựng thì người ta sẽ dùng vi tính hoạ nên những cảnh ngoạn mục, ánh sáng chan hoà, phim trường hoành tráng và Đức Ki-tô, nhân vật chính, phải thật huy hoàng rực rỡ… nhưng sự thật xẩy ra hơn hai ngàn năm trước khác hẳn, bình dị như các sinh hoạt thường ngày!

Trong cuộc sống chúng ta cũng có những thương tích, thế giới cũng có những vết thương, nói chung mọi người đều phải chịu đựng những dấu hằn của quá khứ và hiện tại. Hằng ngày các phóng viên tại chỗ gởi đi những đau thương của chiến tranh Iraq, đặc biệt các cảnh tàn phá phụ, ngoài ý muốn. Những người vô tội, các trẻ em bị giết hại do lửa đạn cả hai bên. Trong những tuần lễ Phục sinh này, tôi luôn bị ám ảnh bởi một em bé Iraq (Ali Ismail Abbas 12 tuổi) cụt cả hai chân tay. Toàn thể gia đình em, cha mẹ, ông bà, anh chị đều bị bom Mỹ giết hại. Các bệnh viện chật cứng, không còn chỗ cho những người mới tới. Thuốc men đã thiếu thốn lại bị những kẻ vô chính phủ cướp bóc. Thật là địa ngục trần gian giữa thanh thiên, bạch nhật. Cầu xin Chúa mau chấm dứt những đau thương mủi lòng này. Mỗi lần nhìn thấy em bé bị thương, phụ nữ bị ngược đãi, nội dung bài Tin mừng hôm nay làm tôi bồn chồn, nhức nhối. Chúa Giêsu đang giơ tay chỉ vào những đau khổ đó như vào các thương tích của mình. Thực sự, những nỗi thống khổ ấy cũng là của Ngài, Ngài như nói với tôi “Hãy sỏ tay con vào đây, chớ cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Nhưng làm thế nào để ngăn chặn những cái ác? Làm thế nào giúp đỡ Giáo hội đủ lòng thương và tiền bạc để chữa lành các vết thương? Tôi có dám công khai đả phá những bất công? Hay lại hèn nhát im hơi lặng tiếng để tránh liên luỵ? Sức nhỏ bé chẳng làm được gì thì ít ra đừng đứng vào phe với gian ác, bóc lột người khác.

Hội thánh tiên khởi đã làm chi khi tin vào Chúa Phục Sinh? Rõ ràng họ đã thay đổi nếp sống Do thái cũ, sống với não trạng hoàn toàn mới, thương yêu và một lòng một trí, thu hút được quần chúng noi gương. Bài đọc sách Công vụ Tông đồ hôm nay nói rõ điểm này: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, để mọi sự làm của chung, ngày ngày chuyên cần đến Đền thờ cầu nguyện, làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ, vui vẻ…” (Cv 2,44). Dĩ nhiên hình ảnh có thể đã được lý tưởng hoá, thực tế chẳng đồng nhất như vậy, tuy vậy, phải có điều chi đặc biệt trong nếp sống của các tín hữu. Bằng chứng là nhiều thị dân Giêrusalem trở lại. Họ là những tâm hồn bình dị, nhưng sống cuộc đời khá đặc biệt. Chúa sống lại đã thay đổi họ. Trước câu ngắn gọn: “Mọi người đều kính sợ, vì các Tông đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ.” Chúng ta tự hỏi điềm thiêng dấu lạ nào? Đoạn văn tiếp theo trả lời cho vấn nạn: “Một trí, một lòng, để mọi sự làm của chung, và chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu.” Đó là những dấu chỉ cho thiên hạ biết họ thuộc về Đấng Phục Sinh, hy vọng của họ không phải là tương lai vật chất nữa mà là cuộc sống mai hậu, tốt đẹp hơn đã gần kề. Đó cũng là những chỉ dẫn tại sao họ lôi cuốn được đám đông nhập vào cộng đoàn. Trước những chia rẽ, phân tán, gương mù hiện nay trong Giáo hội chúng ta cảm thấy xấu hổ khi đọc sách Tông đồ Công vụ về các tín hữu tiên khởi của Hội thánh. Tuy rằng thánh Luca không nói rõ tất cả các tín hữu có suy nghĩ như nhau, hay thi hành lòng tin kính cùng một kiểu cách, nhưng càng đọc xa hơn, chúng ta càng có ấn tượng như vậy: Một trí, một lòng. Có điều chi hấp dẫn gom họ lại với nhau, có điều chi làm nền tảng cho Giáo hội tiên khởi? Các Phúc âm gợi ý điều đó là Đức Ki-tô Phục Sinh. Ngài luôn hiện diện giữa họ, nói lời bình an và tha thứ cho cộng đoàn, ban sức mạnh và quyền bính cho họ, để họ công bố những thực tại đó cho đồng bào và thế giới bên ngoài.

Một dấu chỉ khác về quyền năng các Tông đồ là lòng nhân ái đối với những gia đình thiếu thốn trong cộng đoàn: “Họ bán đất đai, của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu.” Trong thời kỳ khó khăn về kinh tế, tiền bạc như hiện nay thì cộng đồng tín hữu tiên khởi phải là tấm gương sáng cho các họ đạo noi theo. Mới đây tôi dự những cuộc họp với các thành phần hội đồng giáo xứ. Họ than phiền về giáo xứ của mình thu hẹp đóng góp cho các chương trình cứu tế xã hội. Nguồn thu nhập của giáo xứ không còn dồi dào như xưa. Đã có hiện tượng nợ nần. Nhu cầu cắt giảm là cần thiết. Nhưng người chịu thiệt thòi vẫn là kẻ nghèo khó, thất nghiệp, người nhập cư. Đối với chính phủ thì vấn đề còn là tranh cãi chính trị. Nhưng với tín hữu, tự xưng là hậu duệ của cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi thì không thể chấp nhận. Nên tìm một giải pháp khác hợp lý hơn mà là không làm thiệt hại người nghèo. Thí dụ, hàng giáo sĩ sống đạm bạc, tiết kiệm hơn, bớt xây dựng không cần thiết v.v… Nên nhớ Chúa Phục Sinh đang sống giữa giáo xứ, giữa chúng ta, bàn tay chỉ vào các thương tích (người xấu số) như sự hiện diện đích thực của Ngài.

Các Giáo hội tiên khởi có nhiều chứng nhân tử đạo. Thay vì ở mãi trong phòng kín, đóng cửa lại, cầu nguyện và thờ phượng Chúa Phục Sinh, họ bung ra, rời chốn an toàn, đi khắp nơi, khắp hướng, rao giảng Tin mừng cho những kẻ chưa tin. Họ tử đạo vì đức tin của mình trong những nơi chốn ấy nhưng không ngừng rao giảng thực tại mà họ đã chứng kiến ở gian phòng tiệc ly trên lầu, tại Giêrusalem. Tuy nhiên sách Tông đồ Công vụ còn kể cho chúng ta những đường lối khác dấn thân phục vụ Đức Ki-tô Phục Sinh. Đó là sống những cộng đoàn tín hữu chân chính, không giả hiệu, không đánh lừa, nhưng thật dạ, một lòng một trí tin kính Đức Ki-tô và chăm lo các nhu cầu của những kẻ nghèo khó, trong giáo xứ tại đất nước và trên thế giới. Amen. Alleluia.


Lm. Jude Siciliano, OP.