Đây là kết quả nghiên cứu đánh giá xếp hạng độc lập của Vietnam Report, được sự cố vấn của nhóm chuyên gia trong và ngoài nước, đứng đầu là GS. John Quelch, Phó Hiệu trưởng Harvard Business School.
Đơn vị tổ chức mong muốn sẽ duy trì một bảng xếp hạng doanh nghiệp có uy tín của Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế. Hàng năm, thông qua số liệu điều tra về doanh nghiệp trên toàn quốc của Tổng cục Thống kê như: Tổng tài sản, doanh thu, lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng, số lao động… kết hợp với điều tra của Vietnam Report và số liệu cung cấp từ các doanh nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được đánh giá, xếp hạng thông qua các tiêu chí được công bố công khai, đảm bảo tính khoa học, khách quan và độc lập. Vì vậy, doanh nghiệp không phải nộp bất cứ khoản phí nào để được lọt vào bảng xếp hạng cũng như không thể có tác động nhằm thay đổi kết quả nghiên cứu xếp hạng ngoài việc sẵn sàng công khai, minh bạch thực lực của doanh nghiệp mình.
Mục đích của việc xây dựng bảng xếp hạng VNR500 nhằm:
“Phát triển VNR500 - bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam - trở thành biểu tượng có uy tín quốc gia và quốc tế. Xây dựng câu lạc bộ VNR500 trở thành câu lạc bộ của những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, là cầu nối đưa doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt vươn ra thị trường quốc tế, xứng đáng với vị trí đẳng cấp mà các doanh nghiệp đạt được. Đồng thời, khuyến khích động viên các doanh nghiệp Việt Nam tham gia xây dựng những chuẩn mực trong quản trị kinh doanh, các cam kết đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội và cộng đồng”.
Năm 2007, bảng xếp hạng VNR500 được xây dựng dựa trên cơ sở dữ liệu của Vietnam Report và kết quả nghiên cứu số liệu điều tra mới nhất về tất cả các doanh nghiệp trên toàn quốc của Tổng cục Thống kê năm 2007 (số liệu điều tra được cập nhật đến hết ngày 31/12/2006). Thứ hạng doanh nghiệp sẽ được sắp xếp dựa trên tiêu chí doanh thu năm 2006. Ngoài ra, dựa trên danh sách công bố, độc giả có thể tham khảo thứ hạng các doanh nghiệp được sắp xếp theo các tiêu chí khác như: Top doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất, top doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất, top doanh nghiệp có số lao động lớn nhất, top doanh nghiệp có tổng tài sản lớn nhất…, hoặc top doanh nghiệp có thứ hạng sắp xếp theo mô hình Forbes 500 (trung bình 5 tiêu chí: Doanh thu, lợi nhuận, tài sản, tốc độ tăng trưởng, số lao động). Thông tin chi tiết và danh sách được đăng tại website: www.vnr500.com.vn.
Trong bảng xếp hạng này, FPT được xếp hạng là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Các vị trí tiếp theo trong 10 doanh nghiệp hàng đầu thuộc về Công ty Thương mại & Sản xuất Thép Việt, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam, Thép Pomina, Sai Gon-Coop… Công ty Cán Thép Tam Điệp. Đứng ở vị trí thứ 500 là Công ty TNHH Nguyên Cường.
Qua nghiên cứu phân tích bảng xếp hạng VNR500, nhóm chuyên gia đưa ra một số nhận định ban đầu như sau:
1. Nền kinh tế Việt Nam đang bị chi phối mạnh bởi khu vực Nhà nước. Có tới 270 trên 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước trong danh sách 1. Ngành nghề tập trung chủ yếu là các doanh nghiệp khai thác kinh doanh tài nguyên khoáng sản như: dầu khí, than và các ngành kinh tế nhà nước nắm thế độc quyền như: Hàng không, ngân hàng, tài chính, viễn thông, điện lực…
2. Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập mạnh và gắn kết với nền kinh tế thế giới được thể hiện ở sự góp mặt của 140 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong danh sách Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Hơn nữa, chúng tôi nhận thấy, phần lớn các doanh nghiệp nước ngoài trong bảng xếp hạng thuộc lĩnh vực chế tạo và sản xuất, lĩnh vực đòi hỏi tính cạnh tranh cao về công nghệ, vốn và trình độ quản lý. Qua đây cũng phản ánh phần nào khả năng cạnh tranh yếu của các doanh nghiệp Việt Nam trong xu thế hội nhập.
3. Khối doanh nghiệp tư nhân mặc dù có những bước phát triển đáng khích lệ, song vẫn chưa đủ mạnh, thể hiện ở sự góp mặt của 90 doanh nghiệp trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã thể hiện tính năng động và hiệu quả ở việc có rất nhiều doanh nghiệp nằm trong bảng xếp hạng thuộc về nhóm ngành chế tạo và sản xuất, lĩnh vực có tính cạnh tranh cao trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.
4. Xét về vị trí địa lý: Theo kết quả công bố VNR500, các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam hiện nay chủ yếu tập trung tại hai trung tâm kinh tế lớn là Thành phố Hồ Chí Minh (chiếm 32%), Hà Nội (chiếm 24%).
5. Với kết quả xếp hạng nói trên, có thể thấy doanh thu của các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam cũng chỉ gần tương đương doanh thu của các doanh nghiệp nằm trong 10 doanh nghiệp cuối bảng xếp hạng của Fortune 500 (2006). Điều này thể hiện ở những số liệu so sánh dưới đây:
Tỷ giá: 1 USD = 16.000 VND)
VNR500 FORTUNE 500 (2006)
Nhóm thứ hạng Doanh thu trung bình (tỷ USD) Nhóm thứ hạng Doanh thu trung bình (tỷ USD)
Top 10 doanh nghiệp đứng đầu danh sách 1 2.1 Top 10 doanh nghiệp đứng đầu 186.98
10 doanh nghiệp cuối bảng xếp hạng danh sách 1 0.042 10 doanh nghiệp cuối bảng xếp hạng 3.98
(Nguồn: Theo tính toán của Vietnam Report và Fortune 500)
Qua đây, chúng tôi nhận thấy điều quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn lên tầm quốc tế không phải ở doanh thu lớn mà mấu chốt cho sự phát triển là khả năng cạnh tranh, đổi mới công nghệ, hiệu quả trong quản lý kinh doanh, quảng bá xây dựng thương hiệu.
6. Qua đánh giá hiện trạng cơ sở dữ liệu hiện nay cũng như tình hình thực tế các doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng mô hình đánh giá đơn giản và hiệu quả của Fortune 500 là phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Mặc dù sẽ không tránh khỏi các sai sót trong việc điều tra thu thập số liệu thống kê, tuy nhiên với mong muốn xây dựng một bức tranh tổng thể phản ánh hiện trạng sức mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, ngành xếp hạng Việt Nam sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ nhằm theo kịp xu thế phát triển của thời đại. Trong đó yếu tố quyết định không thể thiếu đó chính là sự ủng hộ từ cộng đồng các doanh nghiệp, từ cơ quan quản lý nhà nước và từ công chúng trong việc quản lý, giám sát, công khai minh bạch trong hoạt động xếp hạng.