-
Moderator
M - Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (64)
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (64)
641. Gương tốt của các bổn đạo đầu tiên trong Giáo Hội sơ khai
Các bổn đạo đầu tiên trong Giáo Hội sơ khai thiếu tất cả mọi yếu tố để thành công: thông thái, giàu sang, chức quyền, lợi khẩu, …. Họ chỉ có một điều: sống đời sống Đức Tin rất gương mẫu. Nhờ đó, họ đã đem được rất nhiều người ngoại giáo trở lại Đạo Chúa.
Gương tốt đánh tan bóng tối, đem lại ánh sáng linh động và vạch rõ con đường ngay chính.
Gương tốt làm cho người ta giữ luật Chúa và xa lánh tội lỗi.
Tertulianô viết về các bổn đạo đầu tiên nầy:
- “Chỉ có sự hiện diện của mình, các bổn đạo đầu tiên cũng đủ làm cho tính xấu phải hổ thẹn.”
642. Cách ăn ở hơn lời nói
Cha sở một giáo xứ kia bên Italia kể lại câu truyện về gương tốt như sau.
Trong giáo xứ tôi, người ta sống rất lả lơi, nhất là giới trẻ. Tôi liền mời một cha dòng Capucin đến giảng tuần đại phúc.
Trước khi tới nghe giảng đêm khai mạc, giới trẻ cười bảo nhau: thế nào cha dòng nầy cũng lên án xinê, khiêu vũ, thể thao, …
Nhưng họ bỡ ngỡ. Điềm đạm và đoan trang, cha dòng giảng về tình yêu, về ơn nghĩa, về các chân lý đức tin, không đả động gì đến những vấn đề như họ tưởng.
Họ bảo nhau: chắc là ngày mai, thế nào cha dòng nầy cũng nói đến….
Mai lại, vẫn không.
Rồi ngày mai nữa, cũng vẫn không. Cho đến khi bế mạc.
Sau khi bế mạc tuần đại phúc, một nhóm thanh niên thanh nữ đến tìm tôi và nói: “Bây giờ, chúng con hiểu thế nào là phải đoan trang, đằm thắm, trong sạch nhờ thấy sự dịu dàng, sự đoan trang của cha dòng đã giảng cấm phòng, và chúng con hiểu thế nào là sự đoan trang làm đẹp lòng Chúa.”
643. “Tôi cầu nguyện cho ông đó!”
Tôi đau nặng, phải vào bệnh viện. Không ai săn sóc tôi cả, ngoài ra một nữ y tá. Chị tỏ ra tốt lành và nhẫn nại hết sức.
Một đêm kia, tôi thấy chị quỳ thinh lặng ở trong phòng. Tôi ngạc nhiên hỏi chị:
- “Chị quỳ làm gì đó?”
- “Tôi quỳ cầu nguyện cho ông.”
Chừng ấy tiếng đủ làm cho linh hồn nguội lạnh của tôi gặp lại được Chúa.
Hôm đó, giữa sự đau khổ, nhờ lời cầu nguyện đầy yêu thương của một người, tôi đã gặp được Chúa.
(Theo lời một người nghịch đạo kể lại với cha Sanson là vị giảng thuyết ở Đến Thờ Đức Bà ở Paris. Cha Sanson kể lại câu truyện nầy để chứng minh gương tốt lôi và lời cầu nguyện lôi kéo người ta trở lại.)
644. Gương tốt làm cho người ta trở lại hơn một vạn bài giảng hay
Ngày kia, đang giảng đạo, thánh Phanxicô Xaviê thấy một bạn của mình bị người ta nhổ nước miếng vào mặt.
Thánh Phanxicô Xaviê làm gì? Ngài rút khăn trong bọc ra, lau sạch mặt của người bạn, rồi tiếp tục giảng đạo, không nói một lời gì phản đối.
Một học giả thấy vậy, liền nói lớn tiếng:
- “Họ giảng Đức Giêsu và họ chịu các điều sỉ nhục như vậy, chắc là họ hơn người, và đạo họ là thật.”
Và người học giả nầy xin trở lại.
645. Noi gương
“Noi gương” là một cá tính của con người.
“Noi gương” không phải là một cái xấu, trừ phi ta bỏ cái hay để bắt chước cái dỡ, như chuyện “Con ếch muốn to bằng con bò” trong ngụ ngôn La Fontaine, hoặc như “Đàn cừu của chàng Panurge” (Les Moutons de Panurge): thấy con đầu đàn nhảy xuống, cả đàn cừu đều nhảy theo.
Điển chép: Diễm Tân Vương ngày xưa có nuôi một con loan ba năm, không hót một tiếng.
Tân Vương liền dùng tấm gương chiếu vào con loan, cốt ý cho nó nhìn vào gương, tưởng là đồng loại đang hót, cũng sẽ bắt chước mà hót theo.
Quả thế, con loan thật đã bắt chước con loan giả, gân cổ lên mà hót, hót mãi cho đến lúc đứt hơi giãy chết mới thôi.
Đời bây giờ: “thuyền đua thì lái cũng đua”, nào có thiếu gì những mẫu người bạ cái gì cũng bắt chước, in hệt con loan trong chuyện: hay, họ chê là dỡ; dỡ, họ bảo là hay. (Thiên Lý Kính)
646. Muốn thành công trong cuộc sống, không nên có nhiều “giả thiết”.
Bạn tôi, sau khi tốt nghiệp đại học, hùn với vài người khác, mở một công ty bán sản phẩm điện tử. Nhưng bởi vì mới bước chân vào chốn thương trường, thiếu kinh nghiệm, nên một năm sau, công ty của họ buộc phải tuyên bố phá sản. Vì thế, bạn tôi (tôi: Lê Văn Bình) nợ một khoản tiền khá lớn, lên đến trăm triệu.
Không còn cách nào khác, anh ta đành phải xin vào một công ty vận tải đường biển, làm nhân viên kiểm tra đường dây.
Nhưng làm việc chưa được hai tháng, chân phải của anh giẫm vào một chiếc đinh trên boong tàu và bị thương rất nặng.
Anh tập tễnh rời khỏi công ty đó, về nhà chữa trị vết thương.
Tôi động viên anh hãy dũng cảm đứng dậy, làm lại từ đầu. Nhưng anh nản chí, nói:
- “Nếu trước đây mình đừng “ngựa non háu đá” như thế, thì sẽ không rơi vào tình cảnh túng quẫn như hôm nay. Nếu mình không làm việc cho công ty vận tải đường biển ấy, thì chân của mình cũng không bị thương nặng như thế nầy.”
Sau đó, trong một lần xem một triển lãm tranh của một hoạ sĩ già tàn tật, tôi và bạn tôi tình cờ gặp người hoạ sĩ già ấy - một cụ già ngồi trên xe lăn.
Sau khi nghe bạn tôi kể về cảnh ngộ “bất hạnh” của mình, người họ sĩ cười lên rất to. Sau đó, ông mới nói:
- “Vừa nảy, từ trong câu truyện anh kể, tôi nghe thấy có ít nhất năm từ “nếu”. “Nếu” khi mới ra trường, anh không vội vàng bước chân vào chốn thương trường, thì anh không phải nợ một khoản tiền nhiều như thế; “nếu” anh không làm việc cho công ty vận tải đường biển ấy, thì chân của anh không bị thương. Nhưng bây giờ, anh có thể thoát ra những giả thiết ấy không?”
Bạn tôi lắc đầu.
Người họa sĩ già nói tiếp:
- “Thực ra, mười năm trước đây, khi mới bị tai nạn giao thông, tôi cũng từng có những ý nghĩ tuyệt vọng. Nhưng sau nầy, sự tự đầy đoạ và chối bỏ bản thân nầy chỉ làm cho tôi lâm vào tình trạng khốn quẫn và bi quan hơn, vì thế, tôi dùng hội họa để giải tỏa những đau khổ trong lòng. Khi đối mặt với bất hạnh trong cuộc sống, nên dùng tinh thần dũng cảm, quyết đoán, để đương đầu với chúng. Hãy luôn nhẩm đọc nhiều lần câu: “Chỉ cần…, thì…” Chỉ cần anh nỗ lực cố gắng, thì chắc chắn anh sẽ có thu hoạch.”
Câu nói của người hoạ sĩ già làm chúng tôi suy ngẫm rất nhiều. Đúng thế, trong cuộc sống, chúng ta nên có tinh thần dũng cảm.
Không lâu sau, bạn tôi làm nhân viên tiêu thụ cho một công ty điện tử chuyên nghiệp.
Bạn tôi hăng say làm việc.
Khi thành tích trong công việc mỗi ngày một nhiều, thì đãi ngộ của công ty dành cho bạn tôi cũng tăng lên. Bây giờ, bạn tôi được cất nhắc lên chức giám đốc nghiệp vụ với mức lương hàng trăm triệu đồng một năm.
Lãng phí tâm trí và sức lực để hối hận về những ngày tháng trong quá khứ là một lỗi lầm chúng ta thường mắc phải trong cuộc sống. Chính suy nghĩ tiêu cực nầy làm cho chúng ta trở nên do dự, thiếu tự tin trong cuộc sống.
Muốn thành công, thì trong cuộc sống, không nên có quá nhiều giả thiết. (Những Bài Học Cuộc Đời)
647. Đứng trước đại cục, phải biết “bỏ lính cứu chúa”.
Trong cờ tướng, có nước cờ “xả cư bảo soái”. Lúc chơi, chỉ cần một bên mất con tướng, coi như thua. Vì thế, trong giờ khắc quan trọng, phía đang lâm nguy sẽ hy sinh lính để bảo đại soái. Sự hy sinh nầy có mục đích, thực ra, đó cũng là một kế sách. Có thoái, mới có tiến. Những người không biết từ bỏ, cuối cùng cũng trắng tay. Vì thế, trước đại cục, vì lợi ích quan trọng, biết từ bỏ lúc thích hợp, là điều rất cần thiết.
Những năm cuối Đông Hán, Hán Hiến Đế bị phản quân giam ở Trường An.
Một hôm, ông đã tìm được cơ hội để bỏ trốn. Nhưng khi bỏ chạy về phía Lạc Dương, phản quân cưỡi ngựa đuổi sát theo. Khó khăn lắm, ông mới có thể thoát khỏi bàn tay của chúng. Nhưng trước mắt, dường như đã không còn đường chạy. Đám người đang bỏ chạy, không biết làm như thế nào.
Lúc đó, lão thần Đổng Thừa đề nghị đem tất cả vàng bạc trên người bỏ hết, ngay cả trang sức của hoàng hậu cũng bỏ lại.
Bọn binh lính truy đuổi, khi thấy trên đường toàn là vàng bạc châu báu, lập tức nhảy xuống ngựa và giành giật lẫn nhau. Lúc nầy, trước mặt họ, toàn là châu báu, thì việc truy đuổi phạm nhân coi như tan thành mây khói.
Bạn coi, giữa sinh mệnh và châu báu, cái gì quý hơn? Đương nhiên là sinh mệnh quan trọng hơn rồi.
“Giữ được rừng xanh, sợ gì không có củi đốt.” “Xả cư bảo soái” của Hán Hiến Đế trong thờ khắc quan trọng, đã giữ lại tính mạng cho bản thân ông ta và bầu đoàn thê tử. Họ dễ dàng bỏ trốn đến Lạc Dương.
Nhiều lúc, phải biết từ bỏ những vật ít quan trọng, mới có thể đổi lấy những thứ quan trọng hơn. (11 Giải Pháp Giải Trừ Nguy Cơ Khủng Hoảng Tinh Thần)
648. Câu lạc bộ những người thích cười
Bạn sẽ cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm hơn khi có thể bật lên tiếng cười trong những tình huống nặng nề, căng thẳng nhất.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy rằng tiếng cười giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm căng thẳng, do khi cười, bộ não giải phóng chất endorphin - một loại hormone có tác dụng giảm đau.
Sau khi áp dụng liệu pháp cười để chữa bệnh cho bệnh nhân, bác sĩ người Ấn là Madan Kataria đã thành lập câu lạc bộ những người thích cười đầu tiên vào năm 1995.
Một bài báo đăng tải trên tạp chí Health cho biết đến năm 2003, chỉ riêng ở Hoa Kỳ, đã có hơn sáu mươi câu lạc bộ những người thích cười. (Hạnh Phúc Ở Trong Ta)
649. Dù có thuận buồm xuôi gió, thì cũng cần phải sẵn sàng đối mặt với khó khăn.
Tương truyền có một thiếu niên, con nhà khá giả, rất thích ăn bánh giò. Miệng lúc nào cũng tóp tép nhai bánh giò. Mỗi lần ăn, chỉ thích ăn nhân bánh, còn vỏ ngoài thì lén bỏ sọt rác.
Song ý thích đó không được bao lâu. Một hôm, nhà cậu bị hoả hoạn rất lớn. Bố mẹ cậu bị chết và tổn thất nặng nề của cải. Cậu thiếu niên phải sống vất vưởng, Không biết đường đi ăn xin, cậu trở nên ngơ ngác dại khờ.
Có người hàng xóm thương tình, mỗi bữa, cho cậu một bát cháo.
Sau nầy, cậu cố gắng học hành, dùi mài kinh sử, nên đã thi đỗ trạng nguyên.
Khi cậu vinh quy về làng, liền đến trả ơn người hàng xóm tốt bụng. Bà hàng xóm nói:
-“Thực ra, tôi chưa cho anh cái gì cả. Tôi chỉ lấy vỏ bánh mà trước đây anh vứt đi, đem phơi khô, bỏ vào mấy chiếc bao tải để làm lương thực lúc cần. Đúng lúc anh cần, tôi lại nấu lên cho anh!” (Những đạo Lý Mà Thanh Thiếu Niên Cần Phải Có)
650. Đừng coi nhau như đối thủ không đội trời chung! Hãy ngồi lại với nhau và lắng nghe nhau để tìm ra giải pháp tốt đẹp cho cả đôi bên.
Giữa những năm 1940, bộ phim điện ảnh The Outlaw (Kẻ Sống Ngoài Vòng Pháp Luật) của Howard Hughes ra đời. Vai nữ chính của bộ phim thuộc về diễn viên Jane Russell….
Lúc đó, Hughes bị ấn tượng trước lối diễn xuất của Jane, đến mức đã ký với cô diễn viên nầy một hợp đồng trị giá một triệu đô-la, kéo dài một năm.
Mười hai tháng sau, Jane thông báo: -“Tôi muốn nhận được khoản tiền theo đúng hợp đồng.” Song Howard cho biết ông không thể thanh toán, nhưng có rất nhiều tài sản khác. Nhưng Jane chỉ muốn được thanh toán bằng tiền mặt….
Họ quyết định giải quyết mâu thuẩn thông qua luật sư của mình.
Mối quan hệ đồng nghiệp khăng khít trước đây, trở thành một cuộc chiến một mất một còn….
Nếu vụ tranh chấp phải đưa ra trước toà, ai sẽ chiến thắng? Có lẽ, các luật sư là những người duy nhất chiến thắng.
Vậy, vụ tranh chấp nầy đã được giải quyết như thế nào?
Trên thực tế, Russell và Hughes đều khôn ngoan…. Họ điều chỉnh hợp đồng ban đầu thành hợp đồng có thời hạn 20 năm với điều khoản thanh toán 50.000 đô-la mỗi năm.
Giá trị hợp đồng trên vẫn không đổi, nhưng phương thức đã khác đi.
Kết quả là Hughes đã giải quyết được vấn đề tài chánh và tiếp tục thu được khoản tiền lớn, còn Russell có thể chia nhỏ khoản thu nhập phải trả thuế của mình qua các năm, nhờ thế, tiền thuế thu nhập của cô cũng giảm xuống. Với khoản thu nhập năm trong 20 năm, cô cũng giải quyết được vấn đề tài chánh sinh hoạt của mình….Nghiệp diễn của cô không thể bảo đảm chắc chắn cho cuộc sống. Hơn nữa, cô không chỉ giữ được thể diện của mình, mà còn là người chiến thắng: hãy nhớ rằng khi đàm phán với một người như Howard Hughes, dù bạn đúng, bạn vẫn không thể chiến thắng.
Xét trên phương diện nhu cầu cá nhân, cả Russell và Hughes đều là những người chiến thắng. (Bạn Có Thể Đàm Phán Bất Cứ Điều Gì)
LM Nguyễn Vinh Gioang
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules