Chúa Nhật II Mùa Chay - Năm C
LOAN BÁO THƯƠNG KHÓ LẦN HAI
Ở phần cuối những đoạn nói về cuộc thương khó lần nhất, Đức Kitô đã nói rõ rằng trong số những kẻ hiện diện, có một vài người không nếm biết cái chết trước khi thấy nước Thiên Chúa. Giờ đây điều ấy được thực hiện.
1. Đức Kitô biến hình
Đức Kitô đã biến hình trên núi: y phục và dung nhan Ngài biến đổi hoàn toàn. Nhờ vinh quang chói ngời của Thiên Chúa mà y phục và dung nhan Ngài nên sáng chói; Môisen và Êlia (biểu hiệu cho lề luật và tiên tri), cùng là nhân chứng sự việc.
Việc biến hình này là sự tỏ hiện trong vinh quang Ngài cách hữu hình và thoáng qua nước Thiên Chúa. Lúc ấy, trong nước này, Cựu ước và Tân ước đều dự phần vào sự uy nghi của Chúa Kitô. Ánh sáng tràn ngập mọi nơi tăm tối, mọi khổ đau đều tan biến trong ánh vinh quang ấy.
Nhưng ở đây chưa phải là tình trạng vĩnh cửu mà chỉ là một sự chuẩn bị cho cuộc khổ nạn và thập giá vì các vị trên nói đến ‘việc ra đi Ngài sắp hoàn tất tại Giêrusalem’. Chỉ sau khi phục sinh và thăng thiên thì cuộc biến hình ấy mới kéo dài trường cửu. Bây giờ nó giống như một tiền xướng của một Thánh vịnh một loé sáng bất ngờ vụt tới từ xa, như một chặng nghỉ của cuộc hành trình đi về cái chết và như sự mặc khải nhãn tiền về những gì sắp xẩy ra.
2. Các môn đệ.
Ở đây ta lại thấy ba tông đồ đã chứng kiến việc phục sinh con gái Giarô. Khi ấy, họ chứng kiến việc chiến thắng sự chết, còn ở đây, họ được chiêm ngắm sự biến hình theo sau đó; và họ đã quá sung sướng đến nỗi Phêrô muốn dựng lều và chỉ muốn kéo dài cái phút giây mau qua ấy.
Nhưng họ thiếu bước dứt khoát, bước đi trong đám mây. Vì một đám mây bao phủ Chúa và cả hai chứng nhân kia nữa. Đám mây này biểu hiệu sự tối tăm mà họ phải vượt qua và đồng thời biểu hiệu mầu nhiệm của Thiên Chúa mà chỉ cái chết mới mở cửa bí mật ấy được. Nên cuộc biến hình thiết yếu thuộc về tương lai.
Đức tin là sức mạnh sẽ dẫn đến mục tiêu vinh quang ấy qua con đường đau khổ. Điều này giải thích lời: ‘Ngài là Con Ta, Kẻ Ta đã chọn, các ngươi hãy nghe Ngài’. Vấn đề là các môn đệ phải lắng nghe sứ điệp về cuộc khổ nạn ấy, dầu họ nghe mà không hiểu. Đấng Cứu Thế dù tự tỏ mình là Đầy Tớ đau khổ của Giavê, nhưng lại thực là Con Thiên Chúa, là Kẻ được chọn. Đấy là lý do cho thấy, điều cốt yếu là phải lắng nghe lời tiên báo kỳ lạ đó.
Đoạn này trong Kinh Thánh kết thúc cách đầy ý nghĩa bằng một câu đơn giản: ‘Trong khi tiếng phát ra, thì chỉ còn gặp một mình Đức Giêsu ở đó’. Ánh sáng tan đi, sự chói sáng mờ tối, tiếng nói cũng hết. Chỉ có đức tin mới nói được Đức Giêsu là Ai, Ngài uy nghi làm sao, và Ngài tiến tới vinh quang nào. Các môn đệ bùi ngùi và xao xuyến; họ im lặng giữ kín bí mật.
Bởi thế, trong khung cảnh đặc biệt này, ánh sáng và tối tăm, rạng rỡ và khổ đau, sống đời đời và sống tạm gửi, phương tiện và mục tiêu, vĩnh cửu trong vinh quang và hạn hẹp trong đau khổ, lời Thiên Chúa và sự lặng im của con người, đều hoà nhập vào nhau bền chặt. Từ đây, đời sống Chúa Kitô nơi trần gian cũng diễn ra như thế. Tức là thiết yếu phải bước đi trong cảnh tranh tối tranh sáng, nhưng luôn hướng về ánh sáng đang loé lên ở đầu đường.
Đó là sự hiểu biết trong âm thầm một mầu nhiệm cao cả, nhưng lúc quyết định, chỉ xẩy ra trong tương lai.
R. Gutzwiller