Hàng năm, cứ vào ngày Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngày thánh hoá các Linh Mục: Giáo Hội dâng lời cầu nguyện đặc biệt cho các linh mục, người chăn chiên dân Chúa. Đặc biệt, ngày 19/6/2009 năm nay, Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu: ĐGH Bênêđictô XVI chính thức khai mạc Năm Linh Mục trong toàn thể Giáo Hội, kỷ niệm 150 năm qua đời của Cha Thánh Gioan Maria Vianney, vị linh mục gương mẫu xứ Ars (Pháp), người được chọn làm Thánh Bổn Mạng các Cha coi xứ.
Chuyện kể rằng: một ngày nọ, linh mục Gioan Vianney nhận được bài sai của Giám Mục Giáo Phận bổ nhiệm Ngài về coi xứ Ars: một xóm đạo vùng quê hẻo lánh, vắng bóng chủ chăn lâu năm, giáo dân thờ ơ khô khan, nhà thờ rêu phong cũ rích. Ngày đầu tiên đến nhận nhiệm sở, Cha Vianney một mình băn khoăn không biết đường vào nhà thờ. Cỏ mọc um tùm hai bên, khu vực Nhà Chúa lâu ngày không ai clean-up. Bất chợt, gặp một cậu bé địa phương đang chạy nhảy gần đó, Ngài lên tiếng hỏi: “Con ơi! Hãy chỉ lối cho Cha biết đường vào Giáo Xứ?”. Cậu bé ngoan ngoãn len lỏi vào đám cỏ hoang, vạch một lối nhỏ, dẫn đường Cha Sở mới tiến vào nhà Xứ. Cầm tay cậu cám ơn rối rít, Cha Vianney hứa hẹn với cậu bé: “Cám ơn Con đã chỉ cho Cha đường vào nhà Chúa. Cha hứa sẽ chỉ lối cho Con đường về trời, đường lên thiên đàng”.
Quả thật, đúng như lời đã hứa, suốt 28 năm làm Cha Sở xứ Ars, linh mục Gioan Vianney đã thường xuyên cầu nguyện, làm mục vụ Bí Tích (đặc biệt bí tích Hoà Giải và bí tích Thánh Thể), dạy giáo lý, giúp đỡ người nghèo…biến đổi nhiều giáo dân khô khan nguội lạnh đến gần Chúa, trở về với Chúa nhiều hơn. Ngài không những dẫn lối cho cậu bé đường về thiên quốc, song Ngài lại còn hoán cải chỉ đường cho biết bao linh hồn tội nhân đường lên Nước Trời.
Hôm nay, mừng Lễ Chúa Giêsu Lên Trời: con đường về trời của Chúa luôn thênh thang rộng mở. Ngài đã từ Trời mà xuống thế làm người, nay Ngài lại hồi hương về “ngự bên hữu Chúa Cha” (Eph 1:20). Ngài đã từ Chúa Cha mà đến, nay Ngài lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha (Ga 16:28). Ngài đi trước để dọn chỗ cho các tông đồ (Ga 14:3), chuẩn bị và hứa hẹn cho con người một quê hương đích thật, vĩnh cửu.
A. Chúa Giêsu đã lên trời nhưng Ngài vẫn ở bên cạnh con người.
1. Bài đọc I trong sách Công Vụ Tông Đồ đã tường thuật: “Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông” (Cv 1:9). Như thế, 40 ngày sau khi phục sinh và sinh hoạt ẩn hiện bên các tông đồ, hôm nay Chúa Giêsu đã vinh hiển về trời.
2. Thật ra, Chúa đã lên trời ngay từ sau khi phục sinh. Thỉnh thoảng Ngài có hiện diện với các tông đồ một thời gian sau đó chính là sự hiện diện thần linh, khi ẩn khi hiện, xuyên vượt không gian mà đến cùng các ông. Và biến cố lên trời hôm nay, chấm dứt sự hiện diện hữu hình ấy.
3. Tuy đã lên trời, nhưng Chúa không xa cách chúng ta, “Ngài vẫn ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28:20). Đúng vậy, Chúa hiện diện cách thiêng liêng qua Lời Chúa, trong Bí Tích Thánh Thể, trong tha nhân (hình ảnh của Chúa), khi các tín hữu họp nhau cầu nguyện vinh danh Chúa ( Mt 18:20).
B. Khát vọng về Trời, về cõi phúc vĩnh cửu nơi con người trần thế.
Khát vọng được lên Trời ắt hẳn là nỗi khao khát không ngừng của mọi kitô hữu.
Khát vọng ấy, Cha Thánh Gioan Vianney đã không ngại dẫn đường chỉ lối cho giáo dân xứ Ars đạt đến đích. Khát vọng ấy, nhiều người trong thế giới xưa nay vẫn đêm ngày nguyện ước.
1. Nhìn vào các tôn giáo: mỗi tín đồ sống giữa cõi đời tục lụy đau khổ, đều ao ước khi chết,
bước vào đời sau, linh hồn mình sẽ đạt nơi vĩnh phúc, sung sướng hơn thế trần hiện tại.
+ Phật Giáo: tu luyện bản thân, diệt tham sân si, mong ngày nào đó vào cõi Niết Bàn.
+ Hồi Giáo: bền tâm tuân giữ luật giới, xa tránh gian tà, hy vọng chiếm được phần
thưởng sung mãn nơi thế giới bên kia.
+ Công Giáo: sống trọn hảo kính Chúa, ái nhân mới mong đến được quê trời vĩnh viễn.
2. Sách Các Vua quyển thứ II ( 2 V 2:11) thuật lại việc tiên tri Êlia tạm biệt người học trò là
tiên tri Êlisê. Vừa đi qua bờ sông Giođan, thình lình một cổ xe với đoàn ngựa đỏ như lửa
tách đôi hai thầy trò riêng rẽ: Êlia được đưa lên trời trong cơn gió lốc. Ngài được đưa lên
nơi cao, biến đi cách hữu hình trước mặt môn đệ dấu yêu.
Êlisê khao khát mong có được hai phần thần khí của Êlia. Ông đã được toại nguyện.
3. Đức Maria, một trinh nữ thánh thiện làng Nazareth, được diễm phúc Thiên Chúa chọn
làm Đấng cưu mang Con Thiên Chúa. Suốt cuộc đời Maria sống trọn hai tiếng Xin Vâng
tuyệt hảo: vâng theo Thánh Ý Chúa, sẵn lòng thực hiện chương trình Chúa quan phòng.
Bởi thế, khi Maria qua đời, xác hồn Mẹ được Thiên Chúa đưa thẳng về trời.
Mẹ vào hưởng vinh quang thiên quốc, làm Nữ Vương trời đất, Nữ Vương muôn triều
thần thánh trên trời.
4. Ngày 13/5/1917, Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên tại Fatima, một thôn quê nghèo nàn nước
Bồ Đào Nha. Mẹ Maria đã mạc khải cho ba trẻ: Lucia, Phanchicô, Giaxinta về những việc
làm cần thiết để cầu nguyện cho thế giới được hoà bình.
Trong những lần hiện ra vào các tháng kế tiếp, Phanchicô, một trong ba trẻ nhỏ, đã
khéo léo hỏi riêng Đức Mẹ: “Con có được lên trời không, thưa Mẹ?”. Mẹ Maria trả lời:
“Con sẽ được lên trời, nhưng con cần siêng năng lần hạt Mân Côi mỗi ngày”. Quả thật,
sau đó vài năm, Phanchicô nhuốm bệnh nặng từ trần, cậu đã được về trời nhờ thực thi
mệnh lệnh Fatima. Ngày nay, Phanchicô mới được tôn phong giữa hàng Chư Thánh.
C. Sứ điệp Chúa Lên Trời: làm chứng tá Phúc Âm giữa trần gian.
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã ban lời di chúc ly biệt cho Tông Đồ đoàn: “Hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vât”(Mc 16:15). Sứ điệp ấy từng ngày thôi thúc mọi ki tô hữu sống chứng tá Tin Mừng, lan toả Ánh Sáng Phúc Âm đến khắp cùng thế giới.
Rao giảng Tin Mừng là nói về Chúa, làm chứng tá cho Chúa giữa thế trần.
1. Làm chứng là biểu lộ và chia sẻ niềm tin mình đã nhận lãnh từ Chúa ra bên ngoài.
+ Thủ tướng nước Nga hiện nay, ông Putin: thời gian trước đây khi còn làm Tổng Thống có một lần đến thăm thành phố Giêrusalem. Ông đã qùy cầu nguyện tại Mộ Thánh Chúa Giêsu, trên tay cầm thánh giá tượng chịu nạn.
Nhiều kẻ thắc mắc: một con người vốn đã từng là Giám Đốc Mật Vụ Tình Báo Liên Xô KGB (vô thần) xưa kia, sao bây giờ lại biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa hằng sống?
Ông Putin trả lời: “Mẹ tôi vốn là một kitô hữu chính tông thời Lênin. Khi tôi vừa chào đời, bà đã lo rửa tội cho tôi tại một nhà thờ bí mật. Vậy lẽ nào các ông ngạc nhiên khi tay tôi cầm thánh giá trước mộ thánh Chúa ?”.
2. Mẹ Têrêsa Calcutta thường nhấn mạnh: “Làm chứng bằng việc bác ái thì hữu hiệu hơn
việc rao giảng”. Chính ĐGH Gioan Phaolô II vốn đề cao: “Quần chúng ngày nay đặt
niềm tin vào các chứng nhân hơn là người giảng dạy, vào cảm nghiệm sống hơn là lời
giảng dạy, vào việc làm và đời sống hơn là lý thuyết”
+ Một nhóm Bác Sĩ Công Giáo có thói quen hàng tháng, tập trung đến một vùng quê
hẻo lánh khám bệnh phát thuốc, chữa trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo.
+ Báo chí hải ngoại tường thuật: một cụ già VN về hưu, ngày ngày đi lượm vỏ lon bia,
nước ngọt…gom lại chất đống từng bao lớn, cứ 6 tháng thu được 5,000 USD. Cụ đã
dùng số tiền ấy giúp những trại cùi quê nhà, xoa dịu nỗi đau thương kẻ khốn cùng.
Những việc làm tốt phản ánh thực thi Lời Chúa, có sức thu phục niềm tin yêu, nên khí cụ
chứng tá Tin Mừng dễ dàng hơn.
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Giêsu Kitô!
Chúa đã lên trời trong vinh quang đích thực quyền uy Con Một Thiên Chúa.
Lời Thánh Phaolô còn vang vọng bên tai: “Anh em đã được chỗi dậy cùng với Đức Kitô,
nên anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới” (Cl 3:1-2).
Xin giúp chúng con biết ái mộ những sự trên trời
bằng đời sống chứng tá Tin Mừng, làm việc lành hy sinh bác ái,
hầu ngày nào đó chúng con cũng sẽ được ở trong Nước Trời vĩnh cửu. Amen.