-
Moderator
M - Một Giáo Hội chữ nghĩa
Một Giáo Hội chữ nghĩa
Linh mục Roger V. Karban thuộc giáo phận Belleville được Công Đồng Vatican II thúc đẩy đã dành cả cuộc đời mục vụ của ngài để học hỏi Thánh Kinh, hàng tuần thuyết giảng về Thánh Kinh và giảng dạy Thánh Kinh cho các nhóm học hỏi Thánh Kinh căn bản. Ngài coi trọng Thánh Kinh đến độ lấy các đoạn Thánh Kinh làm phương tiện đền tội cho bất cứ ai đến xưng tội với ngài. Ấy thế nhưng, sau bao nhiêu công trình như thế, và sau rất nhiều cố gắng của Giáo Hội nói chung và nhất là sau Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Lời Chúa vừa qua, cha vẫn gặp những phản ứng tiêu cực. Cha kể lại: có một “ông giáo dân” khi được cha trao cho việc đền tội bằng cách đọc một đoạn Thánh Kinh, đã buồn rầu nói với cha: “Thưa Cha, trước đây con là người Thệ Phản, tưởng trở lại Công Giáo thì đỡ, ai ngờ vẫn phải đọc cái sách này!”.
Đáng tiếc thay, dù rất nhiều điều đã được thay đổi từ ngày Công Đồng II kết thúc, tuy nhiên một số định kiến vẫn còn sống rất vững. Trong số các định kiến ấy, ta thấy rất nhiều người vẫn cho rằng người Công Giáo “không đọc Thánh Kinh”, một nhận định vốn có từ những ngày nổ ra Phong Trào Thệ Phản, nhưng không thiếu người Công Giáo ngày nay vẫn còn chấp nhận. Cha Karban cho hay: “Tôi thấy nhiều người vẫn còn bị tẩy não mà cho rằng Thánh Kinh chỉ dành cho người Thệ Phản, chứ người Công Giáo chúng tôi không cần điều ấy”. Nhưng nếu bình tĩnh xét tình hình ngày nay, người Công Giáo sẽ thấy khác, nhờ hai khai triển mới đây, một đáng khen, một không.
Dốt nát chữ nghĩa Thánh Kinh
Nhiều cuộc thăm dò cho thấy không riêng người Công Giáo phải vật lộn với vấn đề thông thạo Thánh Kinh. Dù các Kitô hữu Mỹ tự hào trích dẫn Thánh Kinh như sách thân qúi của mình (93% sở hữu một bộ, thường là bộ King James) và 2/3 coi nó như là nguồn giải đáp “tất cả hay hầu hết các vấn đề căn bản của đời người”, nhưng thực ra họ không biết hay không hiểu gì về những điều được viết ra giữa hai tờ bìa. Thí dụ, chỉ có nửa người trưởng thành Mỹ có thể kể tên một sách Tin Mừng, và hầu hết không biết tên cuốn đầu tiên của Bộ Thánh Kinh. Ngay những người Thệ Phản chỉ biết có Thánh Kinh, thường hay lòe người Công Giáo bằng cách đọc thuộc lòng từng chương từng câu, cũng chả hơn gì. Theo một cuộc thăm dò năm 2000, 60% người Tin Lành cho hay Chúa Giêsu sinh tại Giêrusalem, chứ không phải tại “thành nhỏ Bêlem”. Về Mười Điều Răn cũng thế, sáu trong mười người Mỹ không thể kể được năm Điều, trong khi đó, nửa số học sinh trung học đệ nhị cấp cho rằng Sodom và Gomorrah là 1 cặp vợ chồng. Khi một bài báo trên tờ USA Today về cuốn "Religious Literacy: What Every American Needs to Know—and Doesn’t", xuất bản năm 2007 của Stephen Prothero, được đặt hàng tít “Americans Get an ‘F’ in Religion,” (người Mỹ được điểm ‘F’ [rớt] về môn Tôn Giáo), nhà sử học nổi tiếng về tôn giáo là Martin E. Marty cho rằng tờ báo đã cho điểm quá cao!
Mặt khác, dù ít tín hữu hơn hiểu biết về Thánh Kinh, 1/3 người Mỹ tiếp tục tin rằng Thánh Kinh đúng từng chữ, một điều được các vị đứng ra tổ chức Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Lời Chúa gọi là một hình thức cực đoan nguy hiểm đang “càng ngày càng thu hút được nhiều người theo… ngay cả người Công Giáo”. Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng cho rằng hình thức duy chiểu tự (literalism) này “bắt người ta phải tuyệt đối tin theo những quan điểm tín lý cứng ngắc và áp đặt một lối đọc Thánh Kinh loại trừ mọi hình thức tra vấn và nghiên cứu có phê phán, coi nó như nguồn giáo huấn duy nhất cho sự sống và ơn cứu rỗi Kitô Giáo”.
Các chiều hướng tích cực trong việc nghiên cứu Thánh Kinh
Nói tới các thiếu sót của các Kitô hữu khác không phải để làm an tâm quí vị lãnh đạo Công Giáo hay để người Công Giáo có “vũ khí” tấn công các lân bang hàng xóm Thệ Phản. Nhưng xét chung, người Công Giáo cũng đang có nhiều sáng kiến và chiều hướng tích cực trong phạm vi học hỏi, nghiên cứu Thánh Kinh. Thực vậy, càng ngày càng có nhiều sách đáng tin cậy và dễ đọc dẫn ta vào việc học hỏi Thánh Kinh. Trong tiếng Anh, ta thấy những cuốn như "How Do Catholics Read the Bible?" của linh mục Daniel J. Harrington, Dòng Tên, và bộ “vỡ lòng” của Garry Wills, trong đó có các cuốn "What the Gospels Meant và What Paul Meant". Gần đây còn có cuốn “Chúa Giêsu Nadarét” của Đức Bênêdíctô XVI. Nhiều nhà giáo dục khuyến cáo lấy phần dẫn nhập của cuốn này làm điểm khởi hành cho việc học hỏi Thánh Kinh. Các học giả như Pheme Perkins, mà cuốn "Reading the New Testament: An Introduction" của bà vốn là một tác phẩm tiêu chuẩn, và Dianne Bergant, C.S.A., với cuốn "People of the Covenant: An Invitation to the Old Testament", đã đóng góp khá nhiều quan điểm cũng như khả năng nghiên cứu sâu sắc của phụ nữ vào lãnh vực học hỏi này. Mặt khác, Liên Mạng hiện là cánh cửa mở ra rất nhiều tư liệu có giá trị, như các giảng khóa của linh mục Raymond E. Brown, S.S., một trong các học giả Thánh Kinh đáng kính và “dễ lui tới” nhất thuộc thế hệ trước.
Tuy nhiên, trái tim của việc học hỏi Thánh Kinh, được định nghĩa như việc chăm chú đọc, dẫn ta tới một nền linh đạo sâu sắc và trưởng thành hơn, thì phải là các nhóm nhỏ. Và trong phạm vi này, thì “Little Rock Scripture Study” (Nhóm Học Hỏi Thánh Kinh Little Rock) phải được coi là dẫn đường. Nhóm này khởi sự từ năm 1974 như một chương trình khiêm tốn dành cho người Công Giáo ở vùng trung Arkansas. Nói theo vị đồng sáng lập là viện phụ Jerome Kodell, O.S.B., thì chương trình này nhằm phục hồi việc học hỏi Thánh Kinh và nền linh đạo trong Giáo Hội Công Giáo, “vốn bị đè bẹp và câm lặng trong 400 năm qua do các tranh cãi thời Cải Cách gây ra”. Trên thực tế, trang bị cho một cộng đồng Công Giáo tương đối nhỏ bé để họ tương tác tốt hơn với đa số Thệ Phản áp đảo trong vùng, vốn là những người thuộc Thánh Kinh “như cháo chẩy”, được coi là một lực đẩy khác khiến các vị có trách nhiệm đã khai sinh ra chương trình này.
Đáp ứng đối với chương trình quả là tích cực và chỉ 10 năm sau, nó đã lan ra khắp nước. Hiện nay, theo vị Giám Đốc của Chương Trình này, Cackie Upchurch, hơn 7,000 giáo xứ trong mọi giáo phận Hoa Kỳ và 55 quốc gia khác trên thế giới đã áp dụng nó. Bà còn cho hay: chương trình này gần đây càng nhận được nhiều chú ý hơn nhờ cuốn sách của Đức Giáo Hoàng về Chúa Giêsu cũng như năm Thánh Phaolô. Cả Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa nữa. Con số càng ngày càng gia tăng các thừa tác viên giáo dân cũng là yếu tố chủ chốt trong việc khai triển các chương trình học hỏi Thánh Kinh hấp dẫn đối với giáo dân. Bà cho hay: “Việc học hỏi Thánh Kinh phải là trọng tâm những điều ta thực hiện tại các giáo xứ”.
Điều hơi nghịch lý là vụ tai tiếng về lạm dụng tình dục của một số giáo sĩ cũng có thể đã khiến một số người Công Giáo, lần đầu tiên trong đời, tìm hiểu Thánh Kinh sâu xa hơn, bởi vì vụ khủng hoảng này không những cho thấy tội lỗi tầy trời của một số giáo sĩ mà còn cho thấy tình trạng yếu kém về giáo dục tôn giáo nơi hàng ngũ giáo dân. Từ năm 2004, Tiếng Nói Giáo Dân (Voice of the Faithful), một nhóm canh tân của giáo dân khai sinh như một phản ứng trước vụ tai tiếng này, đã đăng tải nhiều nguồn tài liệu học hỏi Thánh Kinh lên trang mạng của họ, trong đó có tập hướng dẫn gồm 7 buổi học tập về Giáo Hội sơ khai. Mục tiêu của họ không hẳn là một diễn đàn học thuật tổng bộ (one-stop scholarship), nhưng chỉ là bước đầu tiên trên đường khai triển ra các nhóm nhỏ. Donna B. Doucette, giám đốc điều hành của Tiếng Nói Giáo Dân, cho hay: “Nếu bạn có tham vọng gia tăng tiếng nói và trách nhiệm của hàng ngũ giáo dân, thì bạn phải có trách nhiệm hiểu rõ về Giáo Hội mà bạn đang cố gắng canh tân. Chúng ta không bao giờ tiếp cận tôn giáo như một điều cần nghiên cứu. Trái lại, chúng ta tiếp cận tôn giáo như một điều cần cảm nghiệm”. Bà cho rằng đối với chương trình của Tiếng Nói Giáo Dân, không ai tỏ ra cuồng nhiệt cả, tuy nhiên, những ai thấy nó đều thích cả.
Một số người tự hỏi phải chăng ngành học thuật Thánh Kinh, giống như ngành giáo huấn xã hội của Giáo Hội, đang trở thành một trong những bí quyết được giữ kín nhất trong Giáo Hội. Một số người nêu bằng chứng là: ngành bác học Thánh Kinh hiện đại, khởi đầu vốn là việc của Thệ Phản, nhưng trong nửa thế kỷ qua, đã sản xuất ra nhiều học giả Thánh Kinh Công Giáo đáng kính phục và được nhiều người đọc hơn cả. Những người Công Giáo khám phá ra điều ấy đã có phản ứng hết sức phấn khích. Cha Karban cho biết: ngài bắt đầu lớp học hỏi trong giáo xứ của ngài lần đầu vào năm 1966 như một lớp học về cuộc canh tân phụng vụ sắp diễn ra. Nhưng một khi các tham dự viên bắt đầu đề cập tới nguồn gốc Thánh Kinh của Thánh Lễ, thì họ không thể chỉ dừng lại ở Thánh Lễ nữa. Thế là từ đó, mỗi tuần cha tổ chức 3 lớp Thánh Kinh tại giáo xứ, tại bệnh viện và tại trường trung học: khoảng 30 tham dự viên vào tối Chúa Nhật, vài chục tham dự viên thường xuyên vào sáng Thứ Ba, và khoảng từ 15 tới 20 người và tối Thứ Năm. Ngài còn dạy một lớp Thánh Kinh hàng tuần tại trường cao đẳng cộng đồng tại địa phương.
Các cản trở đối với việc học hỏi Thánh Kinh
Với những quan tâm như trên, mà vẫn còn những trở ngại khiến Giáo Hội chưa thực sự có chữ nghĩa về phương diện Thánh Kinh, vậy đâu là nguyên nhân? Người ta thấy có hai: một là công chúng chưa biết đến các chương trình có giá trị, và các chương trình như thế chưa được phổ biến rộng rãi tại cấp giáo xứ. Hai là vấn đề thiếu thì giờ cũng như việc quá bận rộn với các khía cạnh của đời sống hiện nay, làm ta khó chú tâm. Thí dụ, Charles McMahon, một giáo sư vật lý đã về hưu của Đại Học Pennsylvania, kể lại rằng: ông rất mê say học hỏi và nghiên cứu Thánh Kinh từ hồi hưu trí năm 2001, phần lớn nhờ các giảng khóa của Cha Brown trên đĩa nhựa. Nhưng 3 năm trước đây, khi ông cố gắng tổ chức một lớp Thánh Kinh tại giáo xứ nơi ông thường tham dự Thánh Lễ ở Philadelphia, chỉ có 6 giáo dân ghi tên tham dự; trong đó, chỉ có 3 hay 4 người kiên rì học tới cuối khóa 7 tuần lễ. Ông bảo: “Tìm được giờ để ngồi vào lớp và nghiêm chỉnh đọc Thánh Kinh quả không phải là chuyện dễ. Có lẽ ta phải chú tâm đến việc dạy các em ở cấp trung học đệ nhất và đệ nhị cấp thôi. Trình độ hiểu biết về Tân Ước, Cựu Ước và lịch sử Giáo Hội của ta chỉ dày chừng một milimét. Ta quả là dốt nát, cả tôi nữa, hết mọi người”.
Việc thiếu hiểu biết chuyên môn về Thánh Kinh cũng giới hạn cả những ai sẵn sàng dành thì giờ để học hỏi nó. Oái oăm thay, dù Giáo Hội từng nhấn mạnh nhiều tới việc học hỏi Thánh Kinh, nhiều người Công Giáo vẫn chưa chịu nhận là mặc dù suốt đời đi nhà thờ nhưng mình vẫn chả biết gì nhiều về Thánh Kinh. Vì khi có dịp mở Sách Thánh, họ thường coi nó như bất cứ cuốn sách nào khác, và do đó, cứ bắt đầu từ đầu, thay vì, bắt đầu từ các Tin Mừng chẳng hạn. Ít người đọc quá câu truyện Hồng Thủy trong Sách Sáng Thế và những câu lặp đi lặp lại việc ông này “sinh ra” ông kia sau đó. Bà Upchurch cho hay: “Lúc tôi đang lớn lên, người ta thường bảo chúng tôi không nên đọc Thánh Kinh vì sẽ chẳng hiểu gì đâu, nó quá phức tạp chúng tôi chẳng tài nào hiểu thấu. Đã đành là có nhiều điều phức tạp trong đó, nhưng nó có bao giời thiếu các chiều kích nhân bản đâu. Vả lại ta còn có những phương tiện để khỏa lấp khoảng cách giữa thế kỷ 21 và thế kỷ thứ 2”.
Một khía cạnh nữa tìm thấy nơi người Công Giáo là theo họ, khi tham dự Thánh Lễ, họ đã đọc Thánh Kinh đủ rồi. Điều ấy cộng với những nhiều yếu tố khác đã đủ cho cuộc sống tâm linh của họ. Cuộc cách mạng hậu công đồng về phụng vụ quả có mở rộng các bài đọc rất nhiều, với chu kỳ 3 năm lần đầu tiên bao gồm cả các bài đọc Cựu Ước. Chính vì thế, nhiều người nghĩ rằng mình không còn cần thêm gì nữa. Như McMahon nói; “Đa số vẫn cho rằng đi tham dự Thánh Lễ, là bấm thẻ cho cả tuần lễ rồi”.
Dĩ nhiên, Thánh Lễ có thể là nơi bắt đầu hết sức hữu hiệu đối với việc học hỏi Thánh Kinh, và Cha Karban cũng như nhiều vị đang phụ trách việc huấn luyện vẫn nhắc lại điều được Vatican II nhấn mạnh là: các linh mục cần học Thánh Kinh kỹ hơn để có thể giảng giải tốt hơn, hợp với Thánh Kinh nhiều hơn. Ấy thế nhưng Cha Karban trưng dẫn một cuộc thăm dò gần đây cho hay các chủng sinh ngày nay thực sự học Thánh Kinh ít hơn thập niện 1930, lúc ngành nghiên cứu Thánh Kinh hiện đại chỉ mới bắt đầu. Bởi thế, Cha cho hay: một số “học trò” chăm chỉ nhất trong các lớp Thánh Kinh của cha chính là các linh mục, các ngài muốn học hỏi thêm. Nhiều tín hữu giáo dân ủng hộ câu nhấn mạnh của Cha Karban: “Tôi cần nghe truyện hạt mù-tạt đến bao nhiều lần? Tôi nghe rồi mà. Nhưng nó rơi vào nơi ít đất”. Nói như xướng ngôn viên chủ một chương trình truyền hình của đài Fox là Bill O’Reilly, khi trả lới loạt phỏng vấn “Being Catholic Now” của Kerry Kennedy: “Nhưng năm nào tôi chả phải nghe mấy ông nội nói về hạt mù tạt. Đứa con 3 tuổi tôi cũng nghe vậy. Thì đúng rồi, lấy dụ ngôn đó đi, áp dụng nó vào những gì ta đang làm, ta đang sống”.
Mặt khác, các bài giảng tốt vẫn chỉ là một khởi đầu, không phải là kết thúc cuộc hành trình của ta. Việc học hỏi sâu sắc hơn sẽ cung cấp cho ta những ngữ cảnh cần thiết, và các nhóm học hỏi cần được hướng dẫn bởi các điều hợp viên tốt biết sử dụng các tư liệu có phẩm chất. Các chuyên gia vốn nhất trí rằng một lớp Thánh Kinh tồi thì tệ hơn là không có lớp Thánh Kinh nào, như chỉ biết tìm bằng chứng biện minh cho bản văn hay cung cấp biện luận để thắng người chứ không mưu tìm đức tin và sự khôn ngoan.
Lời hằng sống của Chúa
Một nghịch lý nữa là viễn ảnh việc học hỏi Thánh Kinh có thể dẫn tới âu lo cho cả hàng ngũ giáo dân lẫn giáo phẩm, không biết nó sẽ đem người ta tới đâu. Rất có thể sẽ khiến họ thắc mắc về lịch sử Giáo Hội và các tín điều. Không thiếu các vị lãnh đạo các lớp này ngần ngại không muốn giáp mặt hay khích lệ các thắc mắc này, sợ rằng mình không đủ khả năng trả lời hay có trả lời thì vẫn không được người ta tin. Cha Karban cho hay: dù trong 40 năm nay, ngài chưa bao giờ gặp ai lung lay đức tin vì học Thánh Kinh, nhưng ngài vẫn gặp những người cho rằng: “con có thể gặp điều gì đó có khả năng tiêu hủy đức tin của con”.
Dĩ nhiên, học hỏi Thánh Kinh có thể gây bối rối. Theo một nghĩa nào đó, càng đọc Thánh Kinh người ta càng thấy mình bị thách thức hơn. Mark Twain có lần thú thực: “Không phải những đoạn Thánh Kinh tôi không hiểu làm tôi bối rối, mà là chính những đoạn tôi hiểu”. Cackie Upchurch rất thích câu nói này của Mark Twain. Sách Thánh đúng là nguồn an ủi, giúp ta can đảm. Nhưng bà cho hay: “Nó cũng nên làm ta bất ổn. Nó nên thúc đẩy ta hành động. Nếu nó không làm được điều này, nghĩa là nếu nó không ở trong đầu ta, thì nó đâu phải là Lời hằng sống của Thiên Chúa… Nếu bạn đọc những tư liệu này và thực sự tin chúng, hẳn bạn phải thay đổi lối sống của bạn”.
Chúng ta nghĩ sao?
Tại Việt Nam ngày nay có nhiều lớp Thánh Kinh đang được mở cho quần chúng giáo dân. Như tại Giáo Phận Xuân Lộc có “Khóa Kinh Thánh Nhập Môn” được tới hơn 300 học viên ghi danh, trong đó, 98 học viên tốt nghiệp hồi tháng 3 năm 2009. Các học viên khác tiếp tục học các khóa kế tiếp cho tới ngày tốt nghiệp. Ở Miền Bắc, cộng đoàn Phaolô có tổ chức “Lớp Kinh Thánh” tại nhà thờ Thái Hà do Cha Jos. Nguyễn Thế Hiển, Dòng Chúa Cứu Thế, dẫn giảng, bắt đầu từ ngày 13 tháng 12 vừa qua. Một giáo dân năng động là ông Nguyễn Văn Nội, cư ngụ tại Sài Gòn, cũng thường xuyên mở các khóa Thánh Kinh “Muối Đất” tại nhiều địa điểm khác nhau tại nhiều giáo phận. Ngoài ra, không thể không nhắc tới những lớp Thánh Kinh của Đức Cha Phụ Tá Tổng Giáo Phận Sài Gòn tổ chức tại Trung Tâm Mục Vụ của tổng giáo phận. Danh sách các lớp loại này chắc chắn còn dài. Vì chúng tôi từng hân hạnh được đi hành hương Đất Thánh với một số anh chị em Công Giáo Việt Nam thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn, có người từ Thị Nghè, có người từ Phú Bình, có người từ Tân Chí Linh, phần đông không giầu, không giỏi, nhưng có chung hậu cảnh là lòng say mê học hỏi Lời Chúa qua các lớp Thánh Kinh căn bản. Về tài liệu, hầu như trang mạng nào của Công Giáo Việt Nam, bất kể là giáo phận, Dòng Tu hay phong trào, cũng đều có trang học hỏi Thánh Kinh, kể cả trang mạng của các giáo xứ như Giáo Xứ Đất Đỏ. Về sách, mấy năm gần đây, các sách chuyên đề về Thánh Kinh đã được xuất bản đều đặn, các đầu sách ít nhất cũng lên hàng chục. Qúy vị có thể kiểm chứng bằng cách vào trang mạng của Công Ty Fatima. Riêng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng có một ủy ban lo về Thánh Kinh, được gọi là Ủy Ban Kinh Thánh, do Đức Cha Võ Đức Minh, Giám Mục Nha Trang, làm chủ tịch. Đức Cha Minh là một trong hai vị giám mục Việt Nam tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Lời Chúa tại Vatican. Ủy Ban có trang mạng riêng, hiện đang trong giai đoạn hình thành, gom góp tài liệu.
Tình hình học hỏi Thánh Kinh của người Công Giáo Việt Nam ở hải ngoại hình như không được sôi động như vậy cả về phương diện huấn luyện, trang mạng, và xuất bản. Như tại Sydney, mấy năm trước có tổ chức những lớp học hỏi chuyên đề về Thánh Kinh cho hàng ngũ giáo dân, với thành phần giảng huấn hùng hậu gồm trên 10 linh mục, tu sĩ và giáo dân. Nhưng hiện nay các lớp ấy đã không còn được tổ chức nữa và hình như cũng không có dự kiến gì là sẽ mở lại trong tương lai. Lý do ngưng không tổ chức nữa chưa bao giờ được công bố.
Một số trang mạng của người Công Giáo Việt Nam ở hải ngoại có mục dành cho Thánh Kinh, nhưng phần lớn chỉ đăng tải chính bản văn Cựu và Tân Ước, theo hai bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ và Nguyễn Thế Thuấn, và không kèm theo các chú thích. Trang mạng thanhlinh.net thêm phần “từ điển Kinh Thánh” nhưng thực ra đây không hẳn là “từ điển” mà chỉ là trợ huấn cụ giúp “tìm 1 chữ đã được tìm sẵn trong Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước” nghĩa là tìm xem chữ ấy có trong những câu nào thuộc những sách nào trong hai bộ Cựu và Tân Ước (concordance=bảng chỉ mục?). Khía cạnh học hỏi vì thế gần như không có. Có chăng chỉ là để dành cho các em. Như trang mạng thanhlinh.net có phần “Kinh Thánh Trẻ Cựu Ước và Tân Ước” xếp theo đề tài; và mỗi đề tài có kèm theo “trò chơi hỏi đáp” và “tô mầu”, chứ không hẳn “background information” (tín liệu nền). Thực ra, các trang mạng Công Giáo Việt Nam hải ngoại không thiếu các đóng góp có thể dùng cho việc học hỏi Thánh Kinh, nhưng vì thiếu quan tâm hay thiếu tổ chức, các đóng góp này phần lớn bị mất hút giữa trùng trùng điệp điệp những đóng góp thuộc các lãnh vực khác như tu đức, thời sự, bình luận thời cuộc…
Sách vở chuyên đề về Thánh Kinh, nhất là học hỏi về Thánh Kinh, không những gần như không có tác phẩm nào được xuất bản tại đây, mà đến những cuốn xuất bản ở Việt Nam cũng không được phổ biến. Không những thế, còn xẩy ra sự kiện: gần đây có bản dịch một tác phẩm học hỏi Thánh Kinh của một vị Tổng Giám Mục Úc được xuất bản, nhưng sách ấy không được phổ biến công khai với sự “chúc lành” chính thức, trái lại một cuốn sách gồm các bài giảng “tứ thời bát tiết” của một vị Tổng Giám Mục Việt Nam thì được công khai cổ võ. Đã đành sự kiện nào cũng có những lý do “chính đáng” của nó, nhưng sự kiện này không khỏi được suy diễn thành thái độ thờ ơ đối với việc học hỏi Lời Hằng Sống, vô tình vẫn giam giữ Giáo Hội, hay cụ thể hơn giáo hữu của mình, trong tình trạng thiếu chữ nghĩa (illiterate) về Lời Thiên Chúa, vốn là một trong hai của ăn mà Thánh Công Đồng Vatican II vốn nhấn mạnh.
Nhân cơ hội này, tưởng cũng nên thực tiễn nhìn nhận: dù trong lãnh vực bác học Thánh Kinh, người Công Giáo ngày nay không thua gì người Thệ Phản, như phần trên đây đã chứng minh, nhưng sự thừa hưởng các thành quả này nơi quần chúng tín hữu thuộc hai giáo phái có khác nhau. Trong khi quần chúng tín hữu Thệ Phản ngày nay được tự do tra cứu miễn phí rất nhiều các nguồn giải thích Thánh Kinh khác nhau trên Internet, thì quần chúng tín hữu Công Giáo vẫn chỉ được tra cứu miễn phí một số rất giới hạn các nguồn giải thích Thánh Kinh trên Internet, dù Thánh Kinh Thệ Phản ít có chú thích, trong khi Thánh Kinh Công Giáo thì chi chít các dẫn nhập và chú thích.
Xin đơn cử hai trang mạng newadvent.org (Công Giáo) và biblos.com (Thệ Phản). Vào newadvent.org, qúy vị sẽ thấy có mục về Thánh Kinh. Trước khi vào đọc chính bản văn Thánh Kinh, ta được dẫn nhập qua nhiều đề tài như Tính Xác Thực Của Thánh Kinh, Ngành Cổ Học Thánh Kinh, Niên Đại Học Thánh Kinh, Địa Dư Học Thánh Kinh, Qui Điển Cựu Ước, Qui Điển Tân Ước, Các Chú Giải Thánh Kinh (commentaries), Việc Chú Giải Thánh Kinh (Exegesis), Khoa Chú Giải Thánh Kinh (Hermeneutics), Linh Hứng Thánh Kinh… Các đề tài này được trích dẫn từ bộ Bách Khoa Từ Điển Công Giáo (ấn bản 1914). Bản văn Thánh Kinh được trình bày bằng ba ngôn ngữ: Hy Lạp, Anh và La Tinh. Riêng phần tiếng Anh thỉnh thoảng có chú thích, nhưng đáng lưu ý là các hyper-link dẫn vào các chủ đề của Bách Khoa Từ Điển Công Giáo, thí dụ trong 2 câu đầu của Sách Sáng Thế, ta thấy có những hyper-link (gạch dưới) sau đây: “In the beginning God created heaven and earth. And the earth was void and empty, and darkness was upon the face of the deep, and the spirit of God moved over the waters”. Các hyper-link này cung cấp nhiều tín liệu nền rất có giá trị cho việc đọc Thánh Kinh, nhưng có thể có nguy cơ khiến độc giả bị vướng vào mê hồn trận thông tin mà quên mất nội dung nuôi dưỡng của Thánh Kinh, vốn là mục tiêu hàng đầu của việc học hỏi này. Thiển nghĩ nên chú trọng hơn tới các chú giải nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa của những từ ngữ chủ yếu. Việc này, newadvent.org không quên, thỉnh thoảng có cung cấp các chú giải như về chữ “bầu trời”, “Ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh Ta…”. Chỉ tiếc là các chú giải như thế hơi ít. Cả chương đầu Sách Sáng Thế, chỉ có 4 chú thích.
Trang mạng biblos.com cung cấp cho ta nhiều chức năng hơn gấp bội. Ta có thể tìm trong đó hệ thống công cụ học Thánh Kinh, giải nghĩa từ, số để dễ tra cứu, nghĩa của từ trong một số trường hợp, bao nhiêu lần dùng từ, cách đọc từ, cách phát âm, ý nghĩa, cách giải nghĩa, phần ghi chú quan trọng về ý nghĩa thần học của từ… Trước nhất, trang mạng này cho đăng tải đến gần 150 bản dịch Thánh Kinh trọn bộ (Cựu và Tân Ước) của hầu hết các ngôn ngữ chính trên thế giới, trong đó có bản tiếng Việt của Tin Lành năm 1934. Trong số này, họ cho đăng tải đầy đủ 30 bản dịch quan trọng, trong đó có bản dịch Douay-Rheims và Vulgata của Công Giáo. Các bản chú giải không dưới 28 bản.
Người đọc có thể tra cứu Thánh Kinh theo lối “tổng lược” (summary), dàn bài (outline), dòng thời gian (timeline), so sánh từng từ, từng số với nguyên bản Hy Lạp và Hípri, theo lối chỉ mục (concordance) trong đó một số từ được nối kết với nguyên ngữ Hípri, hay theo lối “split view” nghĩa là một bên là phân đoạn Thánh Kinh, một bên là những tổng hợp về đoạn Thánh Kinh đó. Nhưng phần công cụ học hỏi Thánh Kinh mới quan trọng. Phần này bao gồm các bản đồ xếp theo bảng chữ cái, rồi bản chỉ mục, từ điển, các câu chuyện Thánh Kinh, địa danh Thánh Kinh, các chủ đề thần học… Tuy nhiên, phần chú giải của trang mạng này hết sức phong phú: hầu hết các bộ chú giải cổ điển của Thệ Phản đều được đăng tải tại đây và được trình bày theo lối song hành. Như, sau câu 1:1 của Sách Sáng Thế, trang mạng trình bày song hành 9 bản chú giải về câu này của các tác giả Barnes, Clarke, Gill, Keil & Dlelitzsch, Geneva, Wesley, Scofield, Jamieso-Faussett-Brown, và Henry. Các bản dịch Thánh Kinh sang tiếng Anh cũng được trang mạng trình bày song hành từng câu và ở phần “Multi”, họ cho đăng song hành 148 bản dịch Thánh Kinh của các thứ tiếng trên thế giới như đã nói ở trên.
Điều chúng tôi muốn nói ở đây không hẳn ở số lượng tín liệu khổng lồ và cách trình bày của trang mạng, mà là sự quan tâm của họ với quần chúng tín hữu, không ngại tốn phí, miễn là phục vụ lợi ích thiêng liêng của tín hữu mà thôi. Việc này, hình như Giáo Hội Công Giáo vẫn chưa sẵn sàng thực hiện. Các nghiên cứu và giải thích Thánh Kinh có tính bác học của Công Giáo hình như vẫn còn nằm đâu đó ở các thư viện, chưa thực sự đến tay người tín hữu bình thường. Phải chăng ta vẫn còn sợ việc học hỏi Thánh Kinh có thể đem lại hoang mang cho tín hữu và những hoang mang này ta không tìm được phương thức đánh tan?
Điều đáng lưu ý là trang mạng “Diễn Đàn Sánh Bước” của gpnt.net, có hình Đức Cha Võ Đức Minh với mũ “ngọc gậy vàng”, không giới thiệu trang mạng newadvent.org, nhưng đã có bài giới thiệu biblos.com của một mục sư tin lành Việt Nam, MS Nguyễn Trọng Bình. Chúng tôi không tin là trang mạng gpnt.net không biết tới trang mạng newadvent.org. Như vậy chỉ có thể suy đoán là gpnt.net thấy trang mạng biblos.com có giá trị hơn. Chúng tôi cũng đồng ý như thế. Nhưng đây lại là điều tế nhị, làm nhiều vị có trách nhiệm âu lo. Bởi mỗi lần nói tới sản phẩm Tin Lành hay Thệ Phản, nhiều vị vẫn lắc đầu phản đối. Phản ứng này quả không có gì quá đáng, bởi người Tin Lành không dễ gì hoàn toàn hợp nhất với ta về nhiều điểm tín lý. Tuy thế, về phương diện học hỏi Thánh Kinh, không phải điều gì người Tin Lành giải thích đều là sai tín lý cả. Ta cần có thái độ tích cực hơn. Nhắm mắt làm ngơ tất cả các công trình của họ chỉ làm ta nghèo nàn đi, trong khi ta chưa sẵn sàng cung cấp đủ cho quần chúng tín hữu của mình những của nuôi dưỡng cần thiết. Giống như một nhà dinh dưỡng học, nhiệm vụ của ta là chỉ cho thân chủ biết những chất nào không có lợi cho họ để họ tránh, chứ không nên bảo họ nhịn không nên ăn món nào cả chỉ vì trong đó có những món có hại.
Vũ Văn An
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules