Sức mạnh Lời Chúa


Bài diễn từ biệt ly thật dài (Ga: 13-17), đầy cảm động nói lên mối quan tâm sâu sắc và lòng ưu tư đặc biệt của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài, vốn là đề tài suy niệm phong phú. Chúng ta cùng đọc lại một đoạn (Ga 15, 1-8) và suy gẫm những lời tâm phúc cuối cùng của Chúa như di chúc để lại trước khi Người rời các môn đệ.

Vì sắp xa lìa các ông, Chúa Giêsu không muốn xảy ra cảnh xa mặt thì cách lòng, nên Ngài kêu gọi các môn đệ liên kết chặt chẽ với Ngài, để nhờ sự gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, các ông mới được thông phần sự sống đích thực của Thiên Chúa và mới hoạt động có kết quả, cũng như mới là môn đệ chính danh của Chúa, giống trường hợp cây và cành nho vậy.

Hình ảnh cây nho thật quen thuộc với dân bản xứ, và thường được dùng trong Kinh Thánh để chỉ về dân Itrael, nhưng vườn nho đó, cây nho đó chưa đủ điều kiện để thành cây nho thật, vì đã bất xứng với lòng thương xót, sự chăm sóc của Gia-vê. Nay chính Thiên Chúa trồng một cây nho khác, cây nho này sẽ là cây nho thực, sẽ sinh hoa kết quả theo ý của Thiên Chúa. Và Chúa Cha đã gửi Đức Giêsu xuống trần gian, đã cắt tỉa bằng cuộc khổ nạn thập giá, cũng như thông ban cho Ngài sự sống dồi dào.

Như cành nho được tỉa để sinh hoa quả dồi dào hơn, Lời Chúa dạy các môn đệ xưa cũng đã sửa sai, đã tỉa sạch nhiều nết xấu nơi các môn đệ. Vì vậy, lời kêu gọi của Chúa với các môn đệ Ngài, cũng là lời khẩn thiết với thế giới hôm nay. Một thế giới, nơi đó nhân loại như đang muốn tách ra khỏi Đấng Tạo Hóa, nguồn sự sống, để rơi dần vào chỗ bế tắc, để rồi phải xử sự với nhau theo ý riêng mình và đi đến hủy hoại, tàn phá lẫn nhau.

Tokichi Ishi-I, một tên giết người không gớm tay, đã đạt được kỷ lục hạ sát nhiều nạn nhân nhất bằng những phương thế dã man không thể tưởng tượng nổi. Hắn ta tàn nhẫn hạ sát đàn ông, phụ nữ, kể cả trẻ con. Với bàn tay khát máu, hắn đã thủ tiêu bất cứ người nào tình cờ hắn gặp và muốn giết. Nhưng cuối cùng hắn cũng bị bắt và bị kết án tử hình.

Lúc ở nhà tù chớ ngày hành quyết, hai phụ nữ làm công tác tông đồ thử khuyên nhủ hắn, nhưng tất cả những câu hỏi han, trò chuyện của họ không làm cho hắn mảy may động tâm, trái lại hắn nhìn thẳng vào họ với cặp mắt dữ tợn.

Cuối cùng, mất hết kiên nhẫn, hai người phụ nữ này ra về. Họ chỉ để lại cho hắn quyển Tân Ước, với một hy vọng mong manh là hắn ta sẽ đọc và Lời Chúa sẽ hoạt động nơi mà tiếng nói con người trở nên hoàn toàn bất lực. Niềm hy vọng của họ đã trở thành sự thật, Ishi-I đã đọc và những câu chuyện trong Tân Ước hình như có một sự thu hút mãnh liệt khiến hắn cứ tiếp tục đọc, đọc mãi và cuối cùng hắn đọc đến câu chuyện diễn tả cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Câu Chúa Giêsu cấu nguyện với Chúa Cha trên thập giá: "Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm", đã thắng sự chống trả cuối cùng trong tâm hồn của hắn. Sau đó anh thuật lại: "Đọc đến câu này tôi mới dừng lại. Con tim tôi hình như bị đánh động, bị đâm thâu bằng một con dao dài. Tôi có thể gọi đó là tình yêu của ông Giêsu hay tôi phải gọi đó là lòng thương xót của Ngài ? Tôi không biết, nhưng điều duy nhất tôi biết là sự hung dữ, tàn bạo nơi tôi đã tan biến và tôi đã tin".

Ông Chirgwin, tác giả đã viết câu chuyện trên trong quyển sách mang tựa đề "Thánh Kinh trong thế giới truyền giáo", đã kết thúc câu chuyện bằng sự ngạc nhiên tột độ của những nhân viên nhà giam có phận sự đến dẫn độ Ishi-I đi hành quyết. Họ đã không gặp một tên sát nhân hung bạo như họ chờ đợi, nhưng là một con người hòa nhã, lễ độ. Ishi-I, tên sát nhân đã được Lời Chúa tái sinh.

Lời Chúa có thể biến đổi tâm hồn của một sát nhân giết người không gớm tay như anh Tokichi Ishi-I và bao tâm hồn sa ngã khác. Lời Chúa có thể là động lực cho bao công tác bác ái của những con người đang dấn thân phục vụ những trẻ em bị bỏ rơi, những người già nua hấp hối không ai chăm sóc, những người phải sống bên lề xã hội...

Đối với Giáo Hội, Lời Chúa vừa như khuyến khích trấn an, vì Giáo Hội đã luôn kết hiệp với Chúa, vừa như cảnh cáo, quở trách những ai muốn tách đời sống thiêng liêng, đặc biệt nơi Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể, ra khỏi sinh hoạt của Giáo Hội. Bởi vì, để sinh hoa kết quả dồi dào, thì việc kết hợp với Chúa là thiết yếu, và việc kết hiệp này không chỉ qua trung gian các việc làm trần thế là đủ, mà còn trực tiếp nơi Lời Chúa và các bí tích, để nuôi sống các hoạt động mục vụ và phục vụ: không kết hợp với cây, cành nho sẽ khô héo và tàn lụi.


Phanxicô Xaviê