Toà Khâm Sứ, một nước cờ khó


Từ hơn tháng nay, qua các bản tin và hình ảnh đầy đủ trên các các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt nhất là qua mạng điện toán VietCatholic, chúng ta đã chứng kiến được cảnh tranh đấu của cộng đồng Công Giáo ở Việt Nam nói chung và ở Tổng Giáo phận Hà Nội nói riêng cho quyền lợi chính đáng của mình. Nói rõ hơn, cộng đồng người Công Giáo Tổng Giáo phận Hà Nội đòi hỏi nhà nước cộng sản Việt Nam phải hoàn trả lại cho Giáo Hội các phần đất đai (khuôn viên Tòa Khâm Sứ cũ và khuôn viên nhà thờ giáo xứ Thái Hà) mà nhà nước tự quyền chiếm giữ một cách bất công.

Dựa theo các văn bản giấy tờ, chủ quyền các phần bất động sản đó luôn luôn thuộc về Giáo Hội Công Giáo. Vì thế, cuộc tranh đấu của cộng đồng người Công Giáo là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp. Và cuộc tranh đấu đó chính đáng không những vì mục đích của nó chính đáng, mà cả hình thức tranh đấu cũng hoàn toàn chính đáng ngay từ đầu. Bởi vì cộng đồng người Công Giáo Việt Nam tranh đấu chỉ đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình và một cách hoàn toàn trật tự, bất bạo động. Một cuộc tranh đấu như thế đã được không chỉ các cộng đồng Công Giáo Việt Nam và những người Việt Nam thiện tâm ở hải ngoại ủng hộ, nhưng còn được Tòa Thánh Vatican và quốc tế quan tâm.

Vậy, một cuộc tranh đấu đầy chính nghĩa như thế cứ thẳng đường mà tiến, chứ đâu cần phải đắn đo suy nghĩ gì nữa?

Dĩ nhiên, vấn đề đã rõ: cuộc tranh đấu của chúng ta là một cuộc tranh đấu cho công lý, hoàn toàn phù hợp với công pháp quốc tế và đầy chính nghĩa. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó không còn đòi hỏi nơi tất cả chúng ta và nơi mỗi người trong chúng ta một sự cân nhắc hợp lý và một sự cảnh giác đầy trách nhiệm. Bởi vì cuộc tranh đấu của chúng ta chứa ẩn nhiều yếu tố phức tạp và khó khăn, chứ không giống như nơi các cuộc tranh đấu của những đoàn thể xã hội khác. Trong số đó chúng tôi xin được đan cử ba yếu tố như sau:

1. Chúng ta là một cộng đồng tôn giáo, hơn nữa là một cộng đồng Kitô giáo, mà nền tảng là chân lý và đức ái, chứ không phải là một cộng đồng chính trị hay xã hội. Vì thế, không chỉ mục đích tranh đấu của chúng ta phải đúng và hợp pháp, nhưng phương tiện chúng ta sử dụng để tranh đấu cũng phải luôn luôn đúng và hợp pháp. Nói cách khác, xét theo toàn thể cộng đồng hay xét theo từng cá nhân Kitô hữu, mọi lời nói, mọi thái độ và mọi hành động của chúng ta, và trong mọi hoàn cảnh, đều phải thể hiện rõ được tinh thần bác ái Kitô giáo và thực thi được sứ vụ quan trọng mà Đức Kitô đã giao phó cho chúng ta, đó là: Ánh sáng soi chiếu thế gian và muối ướp mặt đời! Hầu qua cách thức tranh đấu của chúng ta, mọi người - kể cả những kẻ vô thần và chống đối Giáo Hội – đều có thể nhận ra được tinh thần bác ái của Tin Mừng và sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nói cách khác, cả cuộc tranh đấu đầy căm go và gay cấn này cũng mang tinh thần truyền giáo, và cũng là một dịp tốt để rao giảng Tin Mừng! Vì thế, cuộc tranh đấu của chúng ta cho công lý và quyền lợi chính đáng của chúng ta cũng phải:

  • • tuyệt đối trật tự, bất bạo động, phải thấm đậm đức bác ái như thái độ của chúng ta vẫn có từ trước cho tới nay;
  • • không khiêu khích ai cả, dù bằng lời nói hay hành động; nhưng cũng không chấp nhất sự khiêu khích của đối phương, kẽo bị rơi vào bẩy của họ. Không đe dọa ai, nhưng cũng không bao giờ nao núng sợ hãi trước mọi ngăm đe dọa nạt của đối phương.
  • • thái độ mềm dẻo, nhưng tinh thần tranh đấu luôn cương quyết đến cùng.

2. Đối phương của chúng ta là nhà nước cộng sản Việt Nam. Cũng như tất cả các nhà nước cộng sản khác trên khắp thế giới, từ trước tới nay, nhà nước cộng sản Việt Nam luôn luôn vẫn không bao giờ thay đổi được bản sắc «cộng sản» của họ, tức:

  • • họ không phải là những người hành xử theo lý trí và lẽ phải;
  • • tuy họ vẫn sử dụng những ngôn từ hay đẹp như: tự do, dân chủ, xã hội công bằng văn minh tiến bộ, v.v… nhưng trên thực tế, họ hành động hoàn toàn ngược lại; họ luôn thi hành các chính sách bằng cường quyền; cai trị dân bằng thủ đoạn, bằng luật rừng, bằng bạo lực và bằng các chính sách chiếm đoạt tài sản của nhân dân – của từng cá nhân hay của một tập thể - một cách trái phép.
  • • họ không bao giờ nói sự thật và tôn trọng sự thật. Vì thế, những gì họ nói chỉ là chiến lược, chỉ là mưu mô tạm thời để nhằm đạt mục đích sau cùng của họ mà thôi. Nói cách khác, mọi chính sách, mọi lời nói, mọi lời hứa của nhà nước cộng sản Việt Nam chỉ là những mưu mô lừa lọc mà thôi.
  • • nhà nước cộng sản Việt Nam không tôn trọng các quyền con người, đặc biệt quyền tự do tôn giáo. Qua các chính sách và cách thi hành các chính sách của họ từ năm 1945 tới nay, nhà nước cộng sản Việt Nam đã cho thấy mục đích của họ luôn tìm cách chèn ép và đàn áp Giáo Hội Công Giáo, càng nhiều bao cảng tốt bấy nhiêu.


3. Một điểm phức tạp thứ ba nữa cho cuộc tranh đấu của người Công Giáo Việt Nam, là sự can thiệp của Tòa Thánh Vatican. Dĩ nhiên, Vatican đứng về phía người công Giáo Việt Nam đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn này và bênh vực cho sự thật và cho công lý. Nhưng Vatican vẫn có những ý kiến, những quan điểm và những lập luận riêng; và những ý kiến hay quan điểm đó không hẳn luôn luôn trùng hợp với thực tại cụ thể tại hiện trường. Một ví dụ cụ thể là thái độ một chiều của Vatican đối với chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm vào năm 1963. Điều đó muốn nói rằng ngoài lãnh vực tín lý và luân lý ra, Toà Thánh Vatican vẫn không tránh được những thiếu sót.

Đi vào cụ thể, lá thư của ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, gửi Đức TGM Ngô Quang Kiệt, trước hết là một sự bày tỏ lòng cảm thông, tinh thần liên đới chân thành trong giai đoạn đầy thử thách khó khăn của Tổng Giáo phận Hà Nội. Nhưng đồng thời, qua ngôn ngữ ngoại giao, lá thư cũng là một nhắc bảo: đòi hỏi không chỉ sự khôn ngoan thận trọng, nhưng còn sự giới hạn, nhún nhường, nếu không nói là hàm chứa cả sự nhược bộ nữa! Đó cũng là một điều dễ hiểu, vì những vị nắm giữ các trọng trách ở Vatican dù có thiện chí bao nhiêu đi nữa, thì họ vẫn là những «ông Tây», với tầm nhìn nhân bản của Tây phương, nên không thể có được những bức xúc và nhất là những cái nhìn và những nhận xét trùng hợp với hoàn cảnh cụ thể của sự việc như chúng ta được, những người CGVN gắn liền với sự việc bằng xương bằng máu. Đó là chưa muốn nói đến cái «nhìn rộng lớn» của các vị chức sắc Vatican về một viễn tượng bang giao Việt Nam-Vatican. Nếu vậy, phải chăng bức thư của ĐHY Bertone cũng chứa đựng một nhắn nhủ đầy hậu ý: «Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu» - (đừng nóng nảy trong chuyện nhỏ mà bỏ lỡ đại sự)?

Nói tóm lại, cuộc tranh đấu cho công lý và cho quyền lợi chính đáng của Giáo Hội Việt Nam nói chung và của Tổng Giáo phận Hà Nội nói riêng, là một cuộc tranh đấu đầy chính nghĩa. Nhưng đây không phải là một cuộc tranh đấu dễ dàng, vì đối phương của chúng ta là nhà nước cộng sản Việt Nam, những người hầu như không biết «chân lý là gì», những người không bao giờ tôn trọng lý trí và lẽ phải. Do đó, chúng ta phải cương quyết, phải có thái độ dứt khoát: «vỏ quít dầy có móng tay nhọn». Tuy nhiên, ở đây «móng tay nhọn» của chúng ta không được phép làm hại đến những «múi quít» thơm ngọt ở phía trong. Đúng vậy, cuộc tranh đấu cương quyết của chúng ta không được phép làm tổn hại đức ái Kitô giáo và che khuất áng sáng Tin Mừng trước mắt những đối phương vô thần của chúng ta. Đó chính là cái khó quan trọng nhất!

Tiếp đến, ý kiến của Tòa Thánh Vatican trong bức thư của ĐHY Quốc Vụ Khanh là một động viên và khích lệ cho chúng ta, và đồng thời là một nhắc nhủ giúp chúng ta thận trọng hơn, hầu cuộc tranh đấu của chúng ta tiếp tục diễn biến đúng với tinh thần bác ái Kitô giáo và nhờ thế sẽ đạt tới những hiệu quả tích cực mong muốn. Tuyệt đối, đây không được coi là ý kiến chỉ đạo hay là áp lực mang tính cách quyết định đối với cuộc tranh đấu của chúng ta.

Vậy, qua những suy tư trên đây, chúng ta nhận thấy rằng để hành động sao cho thấu tình đạt lý, sao cho mọi sự đều trôi chảy và đưa tới thành công tốt đẹp trong biến cố Tòa Khâm Sự tại Hà Nội, quả thật là một nước cờ khó.
Thanh Sơn