Vẽ đẹp của đời phục vụ


“Ai muốn làm đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ người khác” (Mc 9,36)

1. Lý tưởng phục vụ

Có thể nói đây là một trong những câu nói đẹp nhất của Tin Mừng. Từ khi mới đi tu, tôi không hiểu hết ý nghĩa của nó, bởi vì cái nhìn của Chúa hoàn toàn khác với cái nhìn của con người. Vì thông thường ai cũng muốn làm đầu. Ai cũng thích chỗ cao trọng. Ai cũng muốn được người khác phục vụ. Ngay cả các tông đồ cũng thế, theo Chúa rồi mà vẫn còn mang não trạng tranh giành nhau và tìm chổ lớn chỗ nhỏ.

Nhưng dần dần tôi mới hiểu được ý nghĩa của câu nói này. Tôi nhận thấy rằng:

Trong một quốc gia, nếu những người lãnh đạo là những người phục vụ người dân thì đất nước đó sẽ phát triễn và sẽ tiến nhanh tiến mạnh.

Trong một xã hội, nếu mọi người biết phục vụ nhau, thì xã hội đó sẽ bình an và thịnh vượng.

Một giáo xứ mà trong đó ai cũng mặc lấy tinh thần phục vụ lẫn nhau, thì giáo xứ đó rất sống động và đầy niềm vui.

Cũng thế trong một gia đình vợ chồng, con cái biết phục vụ lẫn nhau, thì gia đình đó sẽ có sự cảm thông, yêu thương và hạnh phúc dư tràn.

Phục vụ là lý tưởng mời gọi tất cả mọi người sống và thực hành để làm cho cuộc sống này được đẹp hơn, nhân bản hơn và yêu thương hơn.

Giáo hội cũng chọn phục vụ làm con đường phải đi như Chúa đã dạy. Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quả quyết rằng: “Con người là con đường của Giáo Hội”. Nghĩa là Giáo Hội được thiết lập là để phục vụ con người. Con người là trung tâm điểm của sứ mạng Giáo Hội. Trong Giáo Hội có chức vụ, có địa vị nhưng không phải là để thống trị người khác, nhưng là phương tiện để phục vụ lợi ích các linh hồn và xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Giáo hội được mời gọi bước theo mẫu gương phục vụ của Chúa Kitô. Người là Đấng giàu có nhưng đã trở nên nghèo khó. Người là Đấng cao trọng nhưng đã trở nên rốt hết. Người là Thầy nhưng đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Người là Chúa nhưng đã hiến mạng sống mình vì ơn cứu độ của chúng ta. Đúng như Lời Người: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).

2. Ơn gọi linh mục là ơn gọi phục vụ

Trong Năm Linh Mục, tôi muốn chia sẽ về ơn gọi của tôi. Chúa gọi tôi đi tu vào năm 19 tuổi, lúc đó tôi mang trong mình nhiều ước mơ. Khi chọn lựa đi tu, tôi cũng phải vật lộn với chính mình và cứ tự hỏi phải đi con đường nào. Những buổi tối về mấy người bạn cùng làng đồng lứa quây quần bên nhau dưới ánh đèn dầu, chúng rĩ vào tai tôi: “Cậu đừng có đi tu, thời nay ít người đi tu rồi, đời độc thân cực lắm”. Nghe những lời đó làm tôi cũng lung lạc muốn bỏ ý định đi tu. Nhưng tôi vẫn nghe trong lòng một tiếng mời gọi ra đi. Sau khi suy nghĩ và cầu nguyện, cuối cùng tôi nói với Mẹ, “con sẽ đi tu mẹ ạ”. Nghe điều đó, tôi thấy mắt mẹ tôi rưng rưng nước mắt và tôi hiểu được tâm trạng của mẹ tôi lúc đó: có thể đó là những dòng nước mắt của niềm vui vì có một người con sẽ dâng mình cho Chúa. Nhưng có thể đó là những dòng nước mắt của hy sinh vì “mất một người con trai trưởng” là chổ dựa của gia đình tôi.

Tôi đã bước đi theo tiếng gọi làm linh mục của Chúa. Sau hơn sáu năm huấn luyện ở Đại Chủng Viện Vinh Thanh, mùa Đông năm 2001 tôi được truyền chức linh mục bởi Đức Cha Phaolô Cao Đình Thuyên. Nay tôi đã làm linh mục được tám năm. Càng ngày tôi càng xác tín rằng: Chức linh mục không phải là một cái nghề, cũng không phải là một địa vị trong lòng Giáo Hội để tìm kiếm. Nhưng chức linh mục là một hồng ân, hay đúng hơn, nói theo Thánh Phaolô là một đặc sủng (charisma) của Chúa Thánh Thần. Đặc sủng này được ban cho tôi là vì lợi ích chung, là để phục vụ lợi ích cộng đoàn. Hiểu như thế, tôi càng được thôi thúc hơn và mời gọi hơn đi vào con đường của Chúa, đó là con đường yêu thương và phục vụ người khác. Lý tưởng đó thúc đẩy tôi lên đường và “ra khơi” mỗi ngày. Khi phục vụ trong sứ mạng linh mục tôi thấy những chân trời mới ló dạng, chân trời của yêu thương và hy vọng, chân trời của niềm vui và truyền giáo. Tôi rất thích câu thơ của đại thi hào Ân Độ, Tagor, vì rất đúng với đời linh mục:

“Khi tôi ngủ, tôi mơ thấy niềm vui
Khi tôi thức, tôi thấy đời phục vụ
Khi tôi phục vụ, tôi gặp được niềm vui”.


Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết đi vào con đường của Chú, đó là con đường yêu thương và phục vụ. Vì chỉ con đường đó dẫn chúng con tới niềm vui, bình an và hoan lạc trong tâm hồn. Amen!


Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương