Một Thiên Chúa Có Ba Ngôi (Ga 16:12-15)
Châu Mỹ vốn một thời được xem là Tân Thế Giới: một vùng đất mới, được các nhà thám hiểu Âu Châu đi tiên phong khai phá. Vào cuối thế kỷ XV, khi Christophe Colombo lần đầu tiên đặt chân đến lục địa này, các Nhà Truyền Giáo từ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha liền theo chân ông mang Ánh Sáng Tin Mừng Cứu Độ đến cho những người bản xứ. Dần dần, các nhà thờ được mọc lên, số tín hữu mỗi lúc một gia tăng đông đảo, đến nỗi toàn miền Nam Châu Mỹ được ví như một Châu Mỹ La Tinh thuần Kitô giáo.
Lionel Messi là một tuyển thủ xuất sắc nhất thế giới hiện nay trong bộ môn bóng đá. Xuất thân từ Argentina, một quốc gia công giáo Nam Mỹ: cậu luôn thể hiện niềm tin trong sự nghiệp thi đấu thể thao trên trường quốc tế. Trong trận tứ kết lượt về tranh giải Cúp Vô Địch Âu Châu mùa bóng 2009-2010 giữa hai câu lạc bộ Barcelona và Arsenal, một mình Lionel Messi đã ghi 4 bàn thắng liên tục giúp đội nhà Barcelona hiên ngang tiến thẳng vào vòng bán kết sau đó.
Điều ngạc nhiên khi ống kính truyền hình trực tiếp phút đầu ra sân của trận đấu ấy: Lionel Messi đã giơ tay làm “dấu thánh giá” khi bước vào cuộc thi đấu. Càng ngạc nhiên hơn, sau mỗi bàn thắng ghi vào lưới đối phương, Messi lại dang 2 tay ngước mắt lên cao, làm “dấu thánh giá” tạ ơn Chúa. Không ai ngờ cậu biểu lộ một việc làm hết sức tôn giáo cách chân thành. Dường như, trước thi đấu và sau mỗi bàn thắng, Messi đều đặt tin tưởng vào Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng chúc phúc cho tài năng ghi bàn của cậu.
Đấy chính là thái độ các kitô hữu cần có, mỗi khi làm Dấu Thánh Giá. Thực sự, “dấu thánh giá” không chỉ nhắc nhớ ta về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, nhưng còn lưu ý ta đến tình thương của Chúa Cha, khi Ngài để Chúa Con giáng trần cứu độ nhân loại và sai Chúa Thánh Thần đến thánh hoá Giáo Hội. Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần: ba ngôi trong một Chúa, mầu nhiệm cao qúi dường bao!
A. Chúa Thánh Thần trong Ba Ngôi Thiên Chúa.
Chúng ta tin có một Thiên Chúa, mà Ngài có Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần. Mỗi Ngôi Vị đều hoạt động cá biệt nhưng liên kết nhau: Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc, Chúa Thánh Thần thánh hoá.
Phúc Âm hôm nay nói nhiều về Chúa Thánh Thần, đề cập đến những hoạt đông Người sẽ làm cho các môn đệ sau khi Chúa Giêsu về trời. Thế nên, ở đây thử làm một cuộc nghiên cứu về Ba Ngôi Thiên Chúa, dường như ta thấy vai trò Chúa Thánh Thần có vẻ đậm nét dồi dào, rộng rãi trong nhiều yếu tố:
* Về hình ảnh trong Kinh Thánh:
+ nơi Chúa Cha: tiếng nói từ Trời (núi Tabor, sông Jordan), ánh sáng huyền nhiệm (núi Tabor).
+ nơi Chúa Con: Giêsu Nazareth, Bánh ( MTC), Rượu ( Máu Thánh ).
+ nơi Chúa Thánh Thần: Lửa, Gió, Hơi Thở Thần Khí, Bồ Câu, Vầng Mây…
* Về danh hiệu, tên gọi:
+ nơi Chúa Cha: Giavê TC, Êlôhim, Đấng Tạo Dựng.
+ nơi Chúa Con: Giêsu, Ngôi Lời, Emmanuel, Chiên Thiên Chúa.
+ nơi Chúa Thánh Thần: Thần Khí, Thần Chân Lý, Đấng Phù Trợ, Đấng Bào Chữa, Đấng An Ủi, Nguồn Bảy Ơn, Đấng Ban Sự Sống…
* Về thời gian hoạt động: Lời Chúa đã diễn đạt cho ta thấy:
+ Chúa Cha tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày.
+ Chúa Con sống ở trần gian 33 năm thực hiện Ơn Cứu Chuộc.
+ Chúa Thánh Thần hoạt động liên tục trong Giáo Hội từ Lễ Ngũ Tuần cho đến Ngày Tận Thế.
Tuy phân biệt phạm vi từng Ngôi Vị như thế, nhưng ta vẫn tin những gì Chúa Thánh Thần làm, cũng là Ba Ngôi hoạt động liên kết chung trong đó, bởi lẽ: Ba Ngôi đều hợp nhất trong Một Chúa, luôn bằng nhau và có uy quyền như nhau.
B. Tương quan hiệp thông trong Ba Ngôi Thiên Chúa.
Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm quan trọng nhất trong Đạo. Thánh Tôma đã tự thú: trí khôn con người không thể nào biện chứng và hiểu thấu được. Thánh Augustinô đêm ngày suy nghĩ miên man về mầu nhiệm ấy và biết rằng trí khôn con người hữu hạn làm sao có thể hiểu hết về một Thiên Chúa vô cùng. Chỉ có Chúa Giêsu mạc khải cho ta biết vì Ba Ngôi Thiên Chúa là mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Nơi tin mừng Gioan: chính Chúa Giêsu đã tỏ lộ cho các Tông Đồ thấy nhiều nét tương quan hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
1. Chúa Cha:
+ Đấng đã sai Chúa Con xuống thế trần (Ga 15:21; 17:18).
+ Đấng đã truyền lại nhiều điều cho Chúa Con (Ga 14:31).
+ Chúa Con đã nghe từ Chúa Cha và mạc khải lại cho các Tông Đồ (Ga 15:15).
2. Chúa Con:
+ Đấng từ Chúa Cha mà đến (Ga 16:27-28) và về lại cùng Chúa Cha (Ga 16:17).
+ Đấng luôn làm theo ý Chúa Cha, Đấng đã sai mình (Ga 3:17, 4:34).
+ Đấng thực hiện hoàn hảo mọi sự theo ý Chúa Cha muốn (Ga 19:30).
3. Chúa Thánh Thần:
+ Thần Khí sự thật, phát xuất từ Chúa Cha (Ga 15:26).
+ Đấng được Chúa Con sai đến với các Tông Đồ (Ga 16:7).
+ Đấng lấy những gì của Chúa Con mà ban cho các Tông Đồ (Ga 16:14).
+ Đấng dạy dỗ các Tông Đồ biết tất cả sự thật (Ga 16:13).
+ Đấng giúp các Tông Đồ nhớ và hiểu các điều Chúa Con nói (Ga 14:26).
+ Đấng loan báo cho các Tông Đồ biết những sự tương lai (Ga 16:13).
Qua câu sau hết của bài Phúc Âm hôm nay, ta cảm nhận được có một sự chia sẻ đồng đều, bình đẳng giữa Ba Ngôi Thiên Chúa trong cùng một bản tính Thiên Chúa:
* mọi sự Chúa Cha có cũng là của Chúa Con (Ga 16:15, 17:10).
* mọi sự Chúa Thánh Thần có cũng là của Chúa Con, vì lãnh nhận từ nơi Chúa Con (Ga 16:14).
* và như thế: mọi sự của Chúa Con cũng là của Chúa Cha và của Chúa Thánh Thần.
C. Sống tuyên xưng niềm tin vào mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.
Thánh Phaolô đã nói: “Dù ăn, dù uống hay dù làm việc gì, anh em hãy làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa”. Niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi xưa nay đã được kitô hữu thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau:
1. Tuyên xưng Chúa Ba Ngôi trong tư tưởng:
+ vừa thức dậy, hướng thượng tâm hồn dâng ngày mới lên Chúa.
+ trong ngày sống, làm việc biết có Chúa trong mọi nơi mọi lúc.
+ lúc nghỉ đêm, phó thác hồn xác mình trong tay Chúa an lành.
+ tham dự một lễ nghi phụng tụ, hướng lòng về Chúa thường xuyên.
“Chúa ơi! Hồn con hướng về Chúa. Tựa hoa hướng dương thắm mầu. Như nai rừng tìm đến suối trong, hồn con mong đợi Chúa giữa cơn u sầu..”(Thánh Ca, Linh mục Kim Long).
2. Tuyên xưng Chúa Ba Ngôi trong lời nói:
+ đọc kinh Sáng Danh, tôn vinh Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần.
+ hát kinh Vinh Danh, kinh Tin Kính…xác tín về Ba Ngôi Thiên Chúa.
+ lời chào của LM đầu thánh lễ:
“Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô và tình yêu của Chúa Cha cùng ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng Anh Chị Em”.
+ câu kết thúc sau mỗi Thánh Vịnh trong giờ kinh Phụng Vụ:
“Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa, tự muôn đời và chính hiện nay, luôn mãi đến thiên thu vạn đại. Amen”.
3. Tuyên xưng Chúa Ba Ngôi trong hành động:
Làm Dấu Thánh Giá khoan thai nhẹ nhàng:
+ khi bắt đầu một việc đạo đức, khởi sự giờ Kinh, Lễ.
+ khi ăn uống, xin Chúa Ba Ngôi chúc lành và thánh hoá của ăn.
+ khi tra tay vào bánh lái, chuẩn bị một hành trình lên đường.
+ khi đi vào giấc ngủ đêm, khi vừa mở mắt thức dậy.
+ khi đối diện một tai ương, một nguy hiểm sắp xảy đến…
Nói chung, việc tuyên xưng đi kèm với lòng tin vào danh Ba Ngôi Thiên Chúa bao giờ cũng quan trọng và cần thiết, vì Chúa Giêsu luôn nhấn mạnh: “Ai tuyên xưng Ta trước mặt người đời, Ta sẽ tuyên xưng kẻ ấy trước mặt Cha Ta ở trên trời”.
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa!
Thật vinh phúc cho Con trong ngày nhận phép Thánh Tẩy: con chính thức mang tên là kitô hữu.
Qua Ấn Tích ấy, con trở nên Con Chúa Cha, là em của Chúa Giêsu, là đền thờ Chúa Thánh Thần.
Xin giúp con sống xứng đáng với đặc ân cao qúi Chúa ban, biết thanh luyện mọi tính hư tật xấu, để luôn thắp sáng đền thờ Chúa Ba Ngôi ngự trị trong con mỗi ngày. AMEN.
Rev. Dominic Dieu Tran, SDD