-
Moderator
T - Trung tín
TRUNG TÍN
Câu truyện đời thường
Giai thoại về Alfres, vua nước Anh. Rằng ông cải trang thành thường dân để đi chu du khắp nước để xem nhân tình thế thái. Một hôm, ông ghé vào một căn nhà lụp xụp trong một ngôi làng nghèo. Ở đó có một người phụ nữ đang nướng bánh mì. Khi thấy ông bước vào, người đàn bà liền nhờ ông trông coi dùm lò bánh mì, vì bà có chuyện phải đi ra ngoài.
Vua nhận lời. Nhưng vì tâm trí của vua lúc nào cũng nghĩ đến những việc đại sự quốc gia, nên khi người đàn bà trở về, thì bánh mì đã có mùi khét. Nhà vua liền bị bà trách móc.
Vua lên tiếng, rằng nếu bà biết tôi là vua thì chắc bà không nặng lời với tôi như vậy.
Bà liền xin lỗi, nhưng cũng liền nói, rằng bệ hạ đã hứa trông coi dùm lò bánh, thì vua phải làm đúng lời hứa chứ.
Câu truyện Lời Chúa
Thánh kinh thuật lại câu truyện về một người quản gia bị chủ kiểm tra, vì việc quản lý của anh có vấn đề.
Để đề phòng sau khi bị đuổi việc, còn có chỗ dung thân, nên anh liền liên hệ với các con nợ để làm lại hóa đơn, ghi giảm lại số nợ mà họ đã mượn của chủ.
Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.
Đức Giêsu nói: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn ; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em ? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em ?”
“Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được" (x. Lc 16,1-13)
Câu truyện của chúng ta
Người quản lý đã được khen rằng làm thế là khôn khéo. Khôn khéo ở đây không phải ở chỗ gian lận ghi giảm số nợ, nhưng chính là biết lo liệu cho tương lai cuộc đời mình.
Ai trung tín… Trung tín là một trong những nhân đức làm người. Khi bất tín để nhằm tư lợi riêng, không chỉ ảnh hưởng đến vật chất, công việc, tình cảm, tình yêu mà còn đụng chạm đến lòng tin tưởng, lòng tốt và sự mong đợi của người khác. Bởi tin tưởng nên mới được giao phó cho quản lý tài sản.
Đã nói đến tình cảm thì dù lớn hay nhỏ, đều ảnh hưởng đến họ-sự tín nhiệm của người khác, dù đó là kẻ thấp hay người quyền chức.
Đã là nhân đức làm người, thì không ai được miễn trừ, dù đó là vua chúa quan quyền, hay Giáo hoàng, Giám mục hoặc dân thường, thì cũng vẫn phải trải qua tiến trình thành người, rồi mới thành thánh.
Có những người chỉ quan tâm giữ chữ tín trong những việc lớn lao mà thôi, còn coi nhẹ những việc nhỏ.
Vì thế, người càng có chức quyền cao, thì càng phải cẩn thận trong lời hứa, và phải nghiêm chỉnh thực hiện lời hứa, thì mới tạo được sự tin tưởng và tín nhiệm của người khác.
Với người dưới, cũng đừng lợi dụng hay lạm dụng sự tín nhiệm và tin tưởng của người trên để tìm tư lợi, phục vụ cho bản thân mình.
Thực tế, ngày nay, con người thất hứa với nhau rất dễ dàng. Dường như họ chỉ thề hứa cho xong chuyện, xong việc, đến khi được rồi thì không cần thiết phải giữ những giao kèo đã được quy định. Hoặc đưa ra những lý do rất đơn giản để phủ nhận, hay cho qua một cách nhanh chóng.
Việc thất tín có đủ trong mọi lãnh vực, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, y tế, thể thao, âm nhạc, nghệ thuật. Trong cả những lãnh lực mang tính quyết định cho sự tồn vong của con người, của quốc gia, như giáo dục, đạo đức, luân lý, hôn nhân, họ cũng dễ dàng hứa, rồi lại dễ dàng bỏ qua, xem nhẹ, xem thường, thất tín.
Việc thất tín không chỉ ở nước này với nước kia, mà còn trong cùng một nước, cùng một dân tộc, cùng một gia đình. Giữa người lạ với nhau, rồi giữa người thân quen, cho tới những người ruột thịt trong gia đình, anh em, vợ chồng, cha mẹ, con cái, cũng trở mặt, cũng bội hứa.
Sự bội ước này không chỉ xảy ra giữa người với người, mà còn giữa con người với Thiên Chúa nữa.
Nhìn vào lịch sử dân thánh, ta thấy rõ sự bất trung bất tín, khi lợi dụng lòng nhân từ của Thiên Chúa để phục vụ cho các giá trị trần tục của của mình. Lạm dụng sự nhân nhượng của Chúa để chạy theo các khuynh hướng xấu, các thói đê hèn của tà thần, ngoại bang, của ma quỷ. Vì thế, làm cho sự tín nhiệm của Thiên Chúa với con người bị tổn thương nặng nề.
Tiền bạc là thứ có sức hấp dẫn và lôi cuốn mạnh mẽ. Nó có thể được thay chủ đổi ngôi, được biến từ đầy tớ phải phục vụ con người, thì biến thành ông chủ để hành hạ và sai khiến con người. Nếu ta không cẩn thận, thì sẽ bị nó trấn áp đến đảo điên, quay cuồng khiến không còn biết đâu là sự thật, đâu là tình cảm tình yêu, đâu là sự thật và chân lý, đâu là giá trị đích thực, đâu là Thiên Chúa.
Lời Chúa nói thật chí lí: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”.
Hãy giữ lòng trung tín với Chúa và với nhau.
Hãy giữ lời hứa với nhau và với Chúa.
Đã hứa thì phải giữ lời, dù có bị thiệt. Đó mới là người đáng tin tưởng và tin cậy.
Hãy sống sao không hổ với người không thẹn với lòng.
Hãy trở thành người không những khôn khéo, mà còn phải khôn ngoan, khi biết lo lắng cho tương lai của mình thật tốt đẹp.
Hãy dùng mọi phương tiện vật chất Chúa ban để xây dựng hòa bình, kiến tạo tình thương, gây được tình cảm và lòng thứ tha cho nhau. Nhờ mỗi người biết giữ chữ tín, mà sức mạnh tập thể được tăng cao, đời sống được bình an, không phải phập phồng lo sợ, đề phòng người khác thất hứa, bội thề, bất trung với mình.
Đời sống như thế chắc chắn sẽ luôn thư thái, thảnh thơi, an bình, hạnh phúc. Đó là một cuộc sống lý tưởng.
Chúa Nhật 25 thường niên C
(Lc 16,1-13)
THANH THANH
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules