Chúa Nhật 25 thường niên - Năm C
GƯƠNG TỐT CỦA NGƯỜI XẤU
Đây là một dụ ngôn rất khó cắt nghĩa. Câu chuyện bao gồm những tên lưu manh mà người ta có thể gặp ở bất cứ nơi đâu. Tên quản gia này là một tên lưu manh. Hắn vốn là một nô lệ, tuy vậy hắn được giao trách nhiệm điều hành gia sản của chủ. Tại Palestine có nhiều địa chủ hay đi vắng, nên tất cả công việc của ông ta được trao trong tay người quản gia của ông. Tên quản gia trong câu chuyện này đã ăn cắp khéo léo. Các con nợ cũng là những tên lưu manh. Chắc chắn món nợ của họ là tiền thuế đất. Thuế đất ở Palestine thường được trả cho chủ đất không bằng tiền mà là hiện vật, thường là một phần hoa lợi của đám đất cho thuê. Quản gia này biết rằng hắn sẽ mất chức quản gia, vì thế nảy ra một sáng kiến. Hắn ghi sổ một cách gian lận để các con nợ được trả ít hơn cho chủ. Điều này có hai công hiệu. Thứ nhất, các con nợ sẽ phải mang ơn hắn. Thứ hai, còn có hiệu lực hơn, là hắn làm cho con nợ cũng liên luỵ về hành động gian dối của hắn, và nếu lâm vào tình trạng bế tắc thì hắn ở vào một thế mạnh để thực hiện những vụ tống tiền. Chính chủ hắn cũng là một thứ lưu manh nữa, bởi vì, thay vì khó chịu về hành động này, ông ta lại khen nó thông minh. Điều khó giải thích dụ ngôn này là bởi Luca đã gồm vào đó bốn bài học khác nhau.
1. Câu 8 là bài học con cái ở đời này tỏ ra khôn khéo với đời hơn con cái sự sáng. Điều đó có nghĩa là nếu các Kitô hữu cũng hăng hái khéo léo trên đường hành đạo như người đời khéo tìm của cải tiền bạc thì tốt biết bao. Nếu người ta chú tâm đến linh hồn cũng như việc buôn bán làm ăn thì họ đã tốt hơn nhiều. Nhưng thực ra người ta luôn luôn đổ nhiều thì giờ, tiền bạc, công sức vào những lạc thú, vui chơi đời này gấp 20 lần hơn vào các công việc Hội Thánh của mình. Đạo của chúng ta chỉ trở thành thực tại và hữu hiệu khi nào chúng ta đầu tư vào đó nhiều thì giờ, sức lực như vào các việc thế tục.
2. Câu 9 là bài học của cải vật chất nên dùng để giữ tình bạn. Điều này có thể làm trong hai cách:
a. Làm việc đó cho đời sau. Các rapbi Do Thái có câu “kẻ giầu giúp kẻ nghèo ở đời này, nhưng kẻ nghèo giúp kẻ giầu trong đời sau”. Khi chú giải chuyện người giầu ngu dại xây kho lẫm lớn hơn để tích của. Ambrose có nói: “Lòng của người nghèo, nhà của bà goá, miệng của trẻ nhỏ là những kho vựa còn mãi đời đời”. Người Do Thái tin rằng của bố thì cho người nghèo được ghi vào trương mục đời sau của kẻ cho. Sự giầu có thật của con người không tuỳ những gì mình nắm giữ, nhưng ở những gì mình cho đi.
b. Làm việc đó cho đời này. Người ta có thể dùng của cải một cách ích kỷ, hoặc có thể dùng để giúp cho đời sống dễ chịu hơn, không những cho chính mình, mà còn cho bạn bè và những người chung quanh mình nữa. Biết bao nhà học giả đời đời mang ơn một người nào đó đã dùng tiền bạc mình để giúp học bổng cho mình theo đuổi việc học. Biết bao người đã mang ơn một người bạn giàu có đã tài trợ cho họ trong cơn túng cực một cách thực tế. Tự bản chất, của cải không phải là tội lỗi nhưng đòi trách nhiệm thực hiện chức năng của nó và người nào dùng của cải để giúp đỡ tha nhân túng cực, kẻ ấy đã làm trong trách nhiệm của mình.
3. Câu 10,11 là bài học về cách thi hành việc nhỏ, qua đó, sẽ chứng tỏ người đó có xứng đáng hay không xứng đáng để trao phó những việc lớn. Điều này đúng trong các việc đời này, không ai được cất nhắc lên vị trí cao hơn nếu lúc ở địa vị thấp, người đó đã không chứng tỏ được khả năng và lòng ngay thẳng. Nhưng Chúa Giêsu đã áp dụng nguyên tắc đó vào đời sau. Ngài phán “ở thế gian các ngươi chịu trách nhiệm về những của cải không thực sự thuộc về mình. Các ngươi không thể mang theho mình những của cải đó khi chết. Những của cải đó chỉ cho các ngươi vay mượn. Các ngươi là người quản lý của đó, vì theo bản chất, những của đó không là của các ngươi vĩnh viễn. Nhưng trái lại, ở trên trời, các ngươi sẽ được những của cải thuộc về các ngươi một cách thiết thực, vĩnh viễn và bất di dịch. Những của mà các ngươi sẽ được trên trời lại tuỳ theo cách các ngươi dùng của cải dưới đất. Của cải mà các ngươi sẽ được làm tài sản riêng tuỳ ở cách các ngươi sử dụng những của cải mà các ngươi chỉ làm quản lý”.
4. Câu 13 đặt ra luật: không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ. Chủ chiếm hữu nô lệ cách tuyệt đối. Ngày nay thì đầy tớ hay công nhân có thể làm hai công việc một cách dễ dàng, và có thể làm việc cho hai chủ. Anh ta có thể đảm nhận một công tác trong giờ bình thường và một công tác khác trong giờ rảnh rỗi. Tỉ dụ có người làm thư ký ban ngày và làm ca sĩ vào ban tối. Nhiều người làm thêm để kiếm tiền hay làm theo sở thích trong những giờ tự do. Thế nhưng một nô lệ không có giờ tự do, mọi giây phút trong ngày, tất cả sức lực của anh ta thuộc về chủ. Anh ta không có thì giờ riêng nào. Cũng vậy, phục vụ Chúa không thể nào là một công việc bán thời gian hay công việc của giờ rảnh rỗi. Ai đã chọn phục vụ Chúa thì tất cả thì giờ, tất cả sức lực của người ấy đều thuộc về Chúa trọn vẹn. Chúa là chủ tuyệt đối trên mọi người chủ, chúng ta hoặc thuộc trọn vẹn về Chúa hay không thuộc về Ngài chút nào.
William Barclay