MỘT ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG CỦA ĐỨC GIÁM MỤC THÁI BÌNH

Mấy ngày qua không rõ hai phía: chính quyền và Tòa Tổng Giám Mục hội đàm ra sao để đi đến quyết định cho Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội sở hữu lại khu đất Tòa Khâm Sứ cũ một cách tốt đẹp, nhưng căn cứ vào những việc bề ngoài chúng tôi thấy rõ thiện chí của hai bên.

Bên Tòa Tổng Giám Mục, cho rước Thánh giá về bên Nhà chung, giáo dân chấm dứt các buổi cầu nguyện hoành tráng sốt sắng biểu dương Đức tin mạnh mẽ.

Bên phía chính quyền cho sửa lại cổng sắt và khóa lại, cho sửa lại mái và lát lại sàn lim của tòa nhà… Hai bên đều nhấn mạnh tới thực tế được biểu diễn bằng một danh từ rất quan trọng là: Phục hồi nguyên trạng. Phía chính quyền cho sửa lại cổng, sửa mái, lát sàn đó là phục hồi nguyên trạng để khi trao lại cho phía Tòa Tổng Giám Mục, ngôi nhà và mảnh đất tốt đẹp như xưa. Vậy tôi xin có một đề nghị tốt đẹp mà phải hiểu cả hai ý đen lẫn ý bóng (proposition constructive: xây dựng vật chất, lẫn tinh thần) nhằm củng cố sự đoàn kết tốt đẹp cho cả hai phía.

Đúng lý ra muốn phục hồi nguyên trạng thì phía bên kia phải để khu đất Tòa Khâm Sứ cũ y như khi các vị đã bắt đầu xử dụng, như vậy thì:

a) Không có bức tường chia đôi như hiện nay. Vậy phục hồi nguyên trạng thì song song với lắp cổng, sửa chữa ngôi nhà là việc phải dỡ bỏ bức tường (sau này khi trao trả quyền sở hữu cho Tòa Tổng Giám Mục, chắc cũng bị dỡ bỏ) .

Các vị cho lệnh dỡ bỏ thì tốt nhất, nếu không thì Tòa Tổng Giám Mục được dỡ bỏ và giao cho giáo dân thì chắc chỉ 15 phút là xong.

b) Nguyên trạng còn là núi Đức Mẹ ở gốc đa, có tượng Đức Mẹ Lộ Đức, nơi tổ tiên đã cầu nguyền từ hàng trăm năm nay. Đức Hồng y Giuse M. Trịnh Văn Căn bị buộc phải dời đi tới cạnh Tòa Giám Mục. Bây giờ xin Tòa Tổng Giám Mục lại rước Đức Mẹ về xây núi cho Đức Mẹ ngự và đem tượng Đức Mẹ sầu bi về “chỗ cũ”???. Công việc cũng sẽ làm cách nhanh chóng. Nhớ truyện Ngu Công rời núi trong lịch sử Trung Quốc, và câu nói của Chúa Giêsu: “Nếu Đức Tin của con chỉ bằng hạt cải, có thể khiến núi dời đi gieo xuống biển cả” . Đức tin của anh chị em giáo hữu thủ đô chắc lớn hơn hạt cải, và chắc làm cho núi Đức mẹ trở về chỗ cũ cùng lắm là một ngày. Lúc đó khu đất liền một giải, mọi người đứng ở đâu cũng có thể cầu xin Đức Mẹ cách sốt sắng, mưa nắng có thể trú chân trong các hè hoặc nhà của Tòa Tổng Giám Mục, đỡ nhếch nhác đứng ngoài cổng làm mất cả vẻ mĩ quan của thủ đô ngàn năm văn hiến.

Tôi mường tượng, những cơn gió mùa đông bắc cũng sẽ qua nhường chỗ cho gió xuân hiu hiu mát, tiết trời giá lạnh sẽ ấm dần lên, tới ngày 11 tháng 2 năm 2008, ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức, ước gì đề nghị xây dựng của tôi được thực hiện. Chúng ta thấy khu vực Tòa Tổng Giám Mục (không còn gọi là đất này, đất nọ, số ấy, số kia) là cùng một khuôn viên đẹp đẽ như bài sách “Diễm Ca”:

“Tiết đông giá lạnh đã qua
mưa đã tạnh đi mất đâu rồi.
Ngàn hoa nở rực rỡ trong vùng,
mùa ca hát đã trở lại.
Tiếng chim cu nghe dậy khắp vùng ta.
Vả đã tô màu trái dương
nho trổ nụ tỏa mùi thơm ngát”. (Dc 2,11,13a).


Đó là ước nguyện Mùa Xuân.

Thái Bình ngày 6/2/2008
+ F.X. Nguyễn Văn Sang
Giám Mục Thái Bình

+GM F.X. Nguyễn Văn Sang