-
Moderator
Nguyễn Du
*
Cuộc đời
Ông quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng sinh và trải qua thời thơ ấu ở Thăng Long. Ông thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt: cha là Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm làm tới tể tướng dưới triều Lê; mẹ là bà Trần Thị Tần, vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm, người xứ Kinh Bắc (Nguyễn Nghiễm có 8 vợ, 21 người con). Anh khác mẹ (con bà chính) của ông là Toản Quận Công Nguyễn Khản làm tới Tham Tụng, Thái Bảo trong triều.
Năm 1771, ông cùng gia đình Tể tướng Nguyễn Nghiễm chuyển về ở làng Tiên Điền.
Năm 1775, lúc 10 tuổi Nguyễn Du mồ côi cha.
Năm 1778, lúc mười ba tuổi mồ côi mẹ, ông phải ra Thăng Long ở với anh cả là Nguyễn Khản. Được vài năm, Nguyễn Du trở về làng Tiên Điền ở với người chú là Tiến sĩ Nguyễn Hành.
Năm 1783, Nguyễn Du thi hương tại trường thi Nghệ An và đậu Tam trường. Vì lẽ gì không rõ, ông không tiếp tục thi lên nữa, mà đi nhận một chức quan võ ở Thái Nguyễn, kế chân người cha nuôi của ông vừa mới từ trần.
Năm 1789, Nguyễn Huệ kéo binh ra Bắc, đại thắng quân nhà Thanh. Nguyễn Du, vì tư tưởng trung quân phong kiến, không chịu ra làm quan cho nhà Tây Sơn.
Từ năm 1789 đến năm 1795, ông sống ở Thái Bình- quê vợ.
Năm 1796: Nguyễn Du dự định vào Gia Định cộng tác với Chúa Nguyễn, âm mưu bị bại lộ, bị nhà Tây Sơn bắt giam ba tháng.
Có thể Nguyễn Du đã thai nghén Truyện Kiều vào thời gian này; năm đó Nguyễn Du đúng 30 tuổi ("Trải qua một cuộc bể dâu" - một bể dâu bằng khoảng 30 năm [2]).
Nhưng theo Giáo sư Nguyễn Lộc ("Từ điển Văn học" tập II - Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1984) trang 455 viết: "Đoạn trường tân thanh là một truyện thơ Nôm viết bằng thể lục bát, dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc. Có thuyết nói Nguyễn Du viết Truyện Kiều sau khi đi sứ Trung Quốc (1814-20). Có thuyết nói Nguyễn Du viết trước khi đi sứ, có thể vào thời gian làm Cai bạ ở Quảng Bình (1804-09). Thuyết sau này được nhiều người chấp nhận"[3].
Chi tiết xem thêm bài Truyện Kiều
Từ 1797 đến năm 1804: Nguyễn Du ẩn dật tại Tiên Điền.
Khi Nguyễn Phúc Ánh lật đổ nhà Tây Sơn Nguyễn Quang Toản, rồi mời Nguyễn Du ra làm quan; ông từ mãi mà không được nên miễn cưỡng tuân mệnh. Năm 1805, ông bắt đầu vào Huế làm quan với nhà Nguyễn và được thăng Đông Các điện học sĩ, tước Du Đức Hầu. Năm 1813, thăng Cần Chánh điện học sĩ, được cử làm Chánh Sứ đi Trung Quốc. Sau khi về nước, năm 1815, ông được thăng Lễ Bộ Hữu Tham Tri.
Đường công danh của Nguyễn Du với nhà Nguyễn chẳng có mấy trở ngại. Ông thăng chức nhanh và giữ chức trọng, song chẳng mấy khi vui, thường u uất bất đắc chí.
Theo Đại Nam Liệt Truyện: "Nguyễn Du là người ngạo nghễ, tự phụ, song bề ngoài tỏ vẻ giữ gìn, cung kính, mỗi lần vào chầu vua thì ra dáng sợ sệt như không biết nói năng gì..."
Năm 1820, Minh Mạng lên ngôi, cử ông đi sứ lần nữa, nhưng lần này chưa kịp đi thì ông đột ngột qua đời.
Đại Nam Liệt Truyện viết: "Đến khi đau nặng, ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ thưa đã lạnh cả rồi. Ông nói "được" rồi mất; không trối lại điều gì."
Tác phẩm tiêu biểu
Ngoài Truyện Kiều nổi tiếng ra, Nguyễn Du còn để lại
* Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh
* Văn Tế Sống Hai Cô Gái Trường Lưu
* Thác Lời Trai Phường Nón (bằng chữ Nôm)
và ba tập thơ chữ Hán:
* Thanh Hiên Thi Tập
* Nam Trung Tạp Ngâm
* Bắc Hành Tạp Lục
Nhận xét
Thơ chữ Hán của Nguyễn Du cho thấy phần sâu kín trong tâm trạng ông. Nó như một thứ nhật ký, giải bày mọi nỗi niềm, mọi ý nghĩ trong cảnh sống thường nhật của chính ông. Cả ba cuốn
* Thanh Hiên thi tập (viết trong khoảng 1785-1802, khi Nguyễn Du lánh ẩn ở quê vợ, Thái Bình, rồi trở về Hồng Lĩnh và ra lại Bắc Hà làm quan triều Gia Long);
* Nam trung tạp ngâm (1805-1812, khi Nguyễn Du làm quan ở Huế rồi cai bạ Quảng Bình); và
* Bắc hành tạp lục (1813-1814, thơ viết trên đường đi sứ Trung Hoa)
đều có một giọng u trầm thấm thía, đầy cảm xúc nội tâm.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du như một tiếng thở dài luận bàn nhân tâm thế sự và xót thương thân phận. Một hình ảnh trở đi trở lại là mái tóc bạc, Nguyễn Du có mái tóc bạc sớm, mái tóc như biểu tượng của lo nghĩ, của những nghiền ngẫm buồn thương và bế tắc
Tráng sỹ bạch đầu bi hướng thiên
Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên
Tráng sỹ ngẩng mái đầu tóc bạc bi thương than với trời xanh
Chí lớn một đời và miếng ăn hàng ngày cả hai đều mờ mịt
Khi quân Tây Sơn ra Bắc năm 1786, Nguyễn Du trung thành với nhà Lê không cộng tác, tìm đường lánh ẩn, chịu sống nghèo khổ. Những thiếu thốn vật chất đôi lúc lộ ra trong thơ:
Thập khẩu hài nhi thái sắc đồng
Mười đứa con sắc mặt xanh như lá
Hoặc:
Trong bếp suốt ngày không có khói lửa
Trước đèn phải mượn chén rượu cho gương mặt được hồng hào
Do vậy, ông thấy:
Nhất sinh từ phú như vô ích
Mãn giá cầm thư đồ tự ngu
Một đời chữ nghĩa thành vô ích
Sách đàn đầy giá chỉ làm ta ngu dốt
Lời nhận xét thật chua chát, bế tắc. Mái tóc bạc như một chứng tích tiều tụy cho cái nghịch lý ấy: Phơ phơ tóc bạc sống gửi ở nhà người, rồi: Già đến, tóc bạc đáng thương cho ngươi. Mái tóc cũng bạc đã thành bạn tri âm cho Nguyễn Du than thở: Tóc sương là bạn đi cùng.
Nói là già nhưng lúc viết Thanh Hiên thi tập Nguyễn Du chỉ ở tuổi 20 đến 37.
Trù trướng lưu quang thôi bạch phát
Một sự chọn hướng trái chiều với bước đi của lịch sử làm Nguyễn Du ngùi ngẫm giằng xé cả một đời, ngay cả thời gian ra làm quan với Gia Long:
Ơn vua chưa trả đỉnh đinh
Mưa xuân nhuần thấm nhưng mình lạnh xương
Tạ ơn của vua nhưng lại thấy buốt lạnh trong xương cốt vì Nguyễn Du ôm một nỗi niềm éo le. Giáo lý Khổng Mạnh dạy: Tôi trung không thờ hai vua. Nhưng với Nguyễn Du, vua phải thờ thì hèn kém, thậm chí rước voi về giày mồ (Lê Chiêu Thống), còn vua phải chống thì lại anh hùng, bảo vệ độc lập dân tộc (Quang Trung). Biết mà không vượt qua được, ông mong được hậu thế cảm thông:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như
Ba trăm năm nữa nào biết được
Thiên hạ ai người khóc Tố Như
Có một nỗi niềm đến phút cuối Nguyễn Du vẫn phải nén lại và mang đi. Buồn thương, cô đơn đã thành thuộc tính của đời ông như màu xanh là thuộc tính của cỏ:
Nhân tự bi thê, thảo tự thanh
Người tự buồn thương, cỏ tự xanh
Nguyễn Du hay nói tới thân phận tha hương, lưu lạc, nỗi nhớ quê nhà... trong các bài thơ. Ông thấy tài năng văn chương như con chim phượng nhốt trong lồng nát và công danh thì cùng đường như con rắn đã chui trong hang.
Bình sinh văn thái tàn lung phượng
Phù thế công danh tẩu hác xà
Ở các bài vịnh nhân vật và luận về các sự kiện lịch sử Trung Hoa trong Bắc hành tạp lục, Nguyễn Du đã xuất phát từ quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc của con người để cân đo lại trọng lượng các vĩ nhân và các chiến công ầm ỹ một thời.
-
Moderator
Re: Nguyễn Du
TRUYỆN KIỀU(Hồi 1)
Mộng đào mà sinh, bạc mệnh triệu trưng hoa nửa úa
Tiếng đàn như oán, Đoạn tràng phổ lựa khúc Tân Thanh.
(Câu 1-38)
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau.(1)
Trải qua một cuộc bể dâu.(2)
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
5. Lạ gì bỉ sắc tư phong,(3)
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.(4)
Cảo thơm lần giở trước đèn,(5)
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.(6)(7)
Rằng: năm Gia Tĩnh triều Minh,(8)
10. Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng.(9)
Có nhà viên ngoại họ Vương,(10)
Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung,
Một trai con thứ rốt lòng,
Vương Quan là chữ, nối dòng nho gia.(11)
15. Đầu lòng hai ả Tố Nga,(12)
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.
Mai cốt cách, tuyết tinh thần.(13)
Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.
Vân xem trang trọng khác vời,
20. Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.(14)(15)
Hoa cười, ngọc thốt, đoan trang,(16)
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc vẫn là phần hơn.
25. Làn thu thủy, nét xuân sơn,(17)
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,(18)
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.(19)
Thông minh vốn sẵn tính trời,
30. Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Cung, thương làu bậc ngũ âm,(20)
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.(21)
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.(22)(23)
35. Phong lưu rất mực hồng quần,(24)
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê (25)
Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.(26)
(1): Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau
Người có tài thì thường gặp mệnh bạc, hình như Tài, mệnh ghét nhau, xung khắc với nhau, hễ được hơn cái này thì phải kém cái kia.
(2): bể dâu
Trong văn chương cổ của chúng ta thường dùng thành ngữ "bãi bể nương dâu", hoặc nói tắt là "bể dâu" để chỉ những sự biến đổi thăng trầm của cuộc đời
(3): bỉ sắc tư phong
Cái kia kém thì cái này hơn, nghĩa là: Được hơn điều này thì bị kém điều kia
(4): Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
(Tạo hoá ghen với người đàn bà đẹp). Ý nói: Người đàn bà đẹp thường gặp cảnh ngộ không hay.
(5): Cảo thơm
Cảo thơm hay Kiểu thơm: do chữ phương cảo, nghĩa là pho sách thơm pho sách hay
(6): Phong tình
Chỉ những chuyện ái tình trai gái
(7): sử xanh
Thời xưa, khi chưa có giấy, người ta chép sử bằng cách khắc chữ vào những thanh trúc, cật trúc màu xanh, nên gọi là thanh sử.
(8): Gia Tĩnh
Niên hiệu vua Thế Tông, nhà Minh (1522-1566)
(9): hai kinh
Tức Bắc Kinh và Nam Kinh (Trung Quốc)
(10): viên ngoại
Một chức quan giữ việc sổ sách tại các bộ, đặt ra từ thời Lục triều. Về sau, "viên ngoại" dần dần trở thành một hư hàm. Chữ "viên ngoại" ở đây được dùng theo nghĩa này.
(11): chữ
Theo lễ nghi Trung Quốc xưa, người nào cũng có "danh" là tên chính, và "tự" là tên chữ ("Danh" đặt từ khi sinh ra, còn "tự" thì đến khi hai mươi tuổi mới dựa theo "danh" mà đặt ra).
(12): Tố Nga
Chỉ người con gái đẹp.
(13): Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Thuý Kiều và Thuý Vân, mỗi người có một vẻ riêng ví như mai có "cốt cách" của mai, tuyết có "tinh thần" của tuyết.
(14): Khuôn trăng
Khuôn mặt đầy đặn, tròn trĩnh, xinh xắn như mặt trăng.
(15): nét ngài
Nét lông mày.
(16): Hoa cười, ngọc thốt
Thốt: Tiếng cổ có nghĩa là nói. Hoa cười, ngọc thốt: cười tươi như hoa, nói đẹp như ngọc.
(17): Làn thu thủy, nét xuân sơn
Thu thuỷ: Nước mùa thu, Xuân sơn: Núi mùa xuân. Câu nói này ví mắt Kiều trong sáng như làn nước mùa thu, lông mày xinh đẹp như rặng núi mùa xuân.
(18): Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Bài ca của Lý Diên Niên, đời Hán, ca ngợi sắc đẹp của một mĩ nhân có câu:
Nhất cố khuynh nhân thành
Tái cố khuynh nhân quốc
Nghĩa là:
Quay lại nhìn một lần thì làm nghiêng thành người
Quay lại nhìn lần nữa thì làm nghiêng nước người.
Do đó, người sau thường dùng chữ nghiêng nước (khuynh quốc), nghiêng thành (khuynh thành) để chỉ sắc đẹp phi thường của người phụ nữ. Hai chữ một hai trong câu này dịch mấy chữ "nhất cố, tái cố" ở trên.
(19): Sắc đành đòi một, tài đành họa hai
Câu này có nghĩa là về "sắc" thì chỉ có một mình Kiều là nhất, về "tài" thì họa may ra thì còn có người thứ hai nữa
(20): Cung
Cung, thương: Hai âm đứng đầu ngũ âm trong cung bậc nhạc cổ của Trung Quốc: cung, thương giốc, truỷ, vũ
(21): hồ cầm
Một loại đàn tỳ bà. Hồ cầm một trương: một cây đàn hồ cầm.
(22): Bạc mệnh
Tên bản đàn do Thuý Kiều sáng tác. "Bạc mệnh" nghĩa là số mệnh bạc bẽo, mỏng manh.
(23): não nhân
Làm cho người ta nghe mà não lòng
(24): hồng quần
Cái quân màu hồng, hai chữ này được dùng để chỉ nữ giới.
(25): cập kê
Đến tuổi cài trâm (Kê nghĩa là cài trâm). Theo lễ cổ Trung Quốc, con gái 15 tuổi đến thì hứa gả chồng cho nên bắt đầu búi tóc cài trâm.
(26): Tường đông
Bức tường ở phía đông. Thời xưa con gái thường ở nhà phía đông. Đây dùng chữ "tường đông" để chỉ chỗ có con gái đẹp ở
-
Moderator
Re: Nguyễn Du
TRUYỆN KIỀU ( Hồi 2 )
Tảo mộ viếng Đạm Tiên, bâng khuâng tình tứ,
Du xuân gặp Kim Trọng, bẽn lẽn duyên ta.
(Câu 39-170)
Ngày xuân con én đưa thoi, (1)
40. Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi (2)
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Thanh minh, trong tiết tháng ba,(3)
Lễ là Tảo mộ, hội là Đạp thanh.(4) (5)
45. Gần xa nô nức yến anh,(6)
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.(7) (8)
Ngổn ngang gò đống kéo lên,(9)
50. Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay (10)
Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
Bước lần theo ngọn tiểu khê,(11)
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
55. Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang
Sè sè nấm đất bên đường,
Dầu dầu ngọn cỏ, nửa vàng nửa xanh,
Rằng: Sao trong tiết Thanh minh,
60. Mà đây hương khói vắng tanh thế mà ?
Vương Quan mới dẫn gần xa:
Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi (12)
Nổi danh tài sắc một thì,
Xôn xao ngoài của, hiếm gì yến anh.
65. Phận hồng nhan có mong manh, (13)
Nửa chừng xuân, thoắt gẫy cành thiên hương (14)
Có người khách ở viễn phương,
Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi
Thuyền tình vừa ghé đến nơi,
70. Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ!(15)
Buồng không lạnh ngắt như tờ,
Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh (16)
Khóc than khôn xiết sự tình,
Khéo vô duyên bấy là mình với ta.(17)
75. Đã không duyên trước chăng mà,
Thì chi chút ước gọi là duyên sau.
Sắm sanh nếp tử, xe châu, (18)
Vùi nông một nấm, mặc dầu cỏ hoa.
Trải bao thỏ lặn, ác tà,(19)
80. Ấy mồ vô chủ, ai mà viếng thăm!
Lòng đâu sẵn món thương tâm
Thoạt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa:(20)
Đau đớn thay, phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
85. Phũ phàng chi bấy Hoá công!(21)
Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha
Sống làm vợ khắp người ta
Hại thay! Thác xuống làm ma không chồng!
Nào người phượng chạ, loan chung,(22) (23)
90. Nào người tiếc lục tham hồng là ai? (24)
Đã không kẻ đoái, người hoài,
Sẵn đây ta kiếm một vài nén hương
Gọi là gặp gỡ giữa đường,
Họa là người dưới suối vàng biết cho.(25)
95. Lâm râm khấn khứa nhỏ to
Sụp ngồi, vài gật trước mồ, bước ra.
Một vùng cỏ áy bóng tà,(26)
Gió hiu hiu thổi một và bông lau.
Rút trâm sẵn dắt mái đầu
100. Vạch da cây, vịnh bốn câu ba vần.
Lại càng mê mẩn tâm thần,
Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra
Lại càng ủ dột nét hoa
Sầu tuôn đứt nối, chân sa vắn dài!
105. Vân rằng: Chị cũng nực cười,
Khéo dư nước mắt, khóc người đời xưa!
Rằng: Hồng nhan tự nghìn xưa,
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu
Nỗi niềm tưởng đến mà đau,
110. Thấy người nằm đó, biết sau thế nào ?
Quan rằng: Chị nói hay sao,
Mỗi lời là một vận vào khó nghe!(27)
Ở đây âm khí nặng nề,(28)
Bóng chiều đã ngã, dậm về còn xa.
115. Kiều rằng: Những đấng tài hoa,
Thác là thể phách, còn là tinh anh (28) (29)
Dễ hay tình lại gặp tình,
Chờ xem, ắt thấy hiển linh bây giờ.(30)
Một lời nói chửa kịp thưa,
120. Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay,
Ào ào đổ lộc, rung cây,
Ở trong dường có hương bay ít nhiều
Dè chừng ngọn gió lần theo,
Dấu giày từng bước in rêu rành rành
125. Mặt nhìn ai nấy đều kinh,
Nàng rằng: Này thực tinh thành chẳng xa (31)
Hữu tình ta lại gặp ta,
Chớ nề u hiển, mới là chị em.(32)
Đã lòng hiển hiện cho xem,
130. Tạ lòng, nàng lại nối thêm vài lời
Lòng thơ lai láng bồi hồi,
Gốc cây, lại vạch một bài cổ thi
Dùng dằng nửa ở nửa về,
Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần
135. Trông chừng thấy một văn nhân
Lỏng buông tay khấu, bước lần dặm băng.(33) (34)
Đề huề lưng túi gió trăng,(35)
Sau lưng theo một vài thằng con con.
Tuyết in sắc ngựa câu dòn,(36)
140. Cỏ pha mùi áo nhuộm non da trời.
Nẻo xa mới tỏ mặt người,
Khách đà xuống ngựa, tới nơi tự tình (37)
Hài văn lần bước dặm xanh,(38) (39)
Một vùng như thể cây quỳnh, cành giao (40)
145. Chàng Vương quen mặt ra chào,
Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa.(41)
Nguyên người quanh quất đâu xa,
Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh.(42)
Nền phú hậu, bậc tài danh,(43)
150. Văn chương nết đất, thông minh tính trời (44)
Phong tư tài mạo tuyệt vời, (45)
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa (46)
Chung quanh vẫn đất nước nhà,
Với Vương Quan trước vẫn là đồng thân.(47)
155. Trộm nghe thơm nức hương lân,(48)
Một nền đồng tước, khoá xuân hai Kiều.
Nước non cách mấy buồng thêu,(49)
Những là trộm dấu, thầm yêu chốc mòng.(50)
May thay giải cấu tương phùng,(51)
160. Gặp tuần đố lá thỏa lòng tìm hoa.(52)
Bóng hồng nhác thấy nẻo xa,(53)
Xuân lan, thu cúc, mặn mà cả hai (54)
Người quốc sắc, kẻ thiên tài, (55)
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.
165. Chập chờn cơn tỉnh, cơn mê,
Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn.(56)
Bóng tà như giục cơn buồn
Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo
Dưới dòng nước chảy trong veo,
170. Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.
(1)Chú thích: con én đưa thoi
Chim én bay đi bay lại như chiếc thoi đưa.
(2)Chú thích: Thiều quang
Ánh sáng tươi đẹp, chỉ tiết mùa xuân. Mùa xuân có 90 ngày (ba tháng), mà đã ngoài 60, tức là đã bước sang tháng ba.
(3)Chú thích: Thanh minh
Là tiết đầu của mùa xuân nhằm vào đầu tháng ba
(4)Chú thích: Tảo mộ
Quét mồ. Theo tục cổ, đến tiết Thanh minh con cháu đi viếng và sửa sang lại phần mộ của cha mẹ tổ tiên.
(5)Chú thích: Đạp thanh
Dẫm lên cỏ xanh, chỉ việc trai gái đi chơi xuân, dẫm lên cỏ xanh ngoài đồng, do đó mà gọi hội Thanh minh là hội Đạp thanh.
(6)Chú thích: yến anh
Chim yến (én), chim anh (có khi đọc là oanh), hai loài chim về mùa xuân, thường hay ríu rít từng đàn. Đây ví với cảnh những đoàn người rộng ràng đi chơi xuân.
(7)Chú thích: Ngựa xe như nước
Ngựa xe qua lại như nước chảy, hết lớp này đến lớp khác.
(8)Chú thích: áo quần như nêm
Ý nói người đông đúc, chen chúc
(9)Chú thích: Ngổn ngang gò đống kéo lên
Những đoàn người ngổn ngang kéo nhau lên nơi gò đống
(10)Chú thích: vàng vó
Một loại vàng giấy, dùng trong việc đưa ma hoặc lễ hội
(11)Chú thích: tiểu khê
Ngòi nước nhỏ.
(12)Chú thích: ca nhi
Con hát
(13)Chú thích: hồng nhan
Má hồng, chỉ người đẹp
(14)Chú thích: cành thiên hương
Cành hoa thơm của trời, ví với người đẹp
(15)Chú thích: trâm gãy bình rơi
Ý nói người đẹp đã chết.
(16)Chú thích: Dấu xe ngựa
Dấu vết xe ngựa của những khách đến chơi bời trước đấy
(17)Chú thích: bấy
Biết bao nhiêu
(18)Chú thích: nếp tử, xe châu
Nếp tử, xe châu: Quan tài bằng gỗ tử và xe đưa đám tang có rèm hạt châu. ý nói người khách mua quan tài và thuê xe tang chông cất Đạm Tiên một cách chu đáo.
(19)Chú thích: thỏ lặn, ác tà
Thỏ bạc, ác vàng: Người xưa cho rằng trong mặt trăng có con thỏ giã thuốc, trong mặt trời có con quạ vàng ba chân.
(20)Chú thích: châu
Hạt ngọc châu, đây chỉ nước mắt
(21)Chú thích: Hoá công
Thợ tạo hoá, tức là trời
(22)Chú thích: phượng
Phượng: chim phượng trống. Loan: chim phượng mái. Trong văn cổ, loan phương dùng để chỉ đôi lứa vợ chồng. Ở đây chỉ những khách làng chơi đi lại, chung chạ ái ân với Đạm tiên, ngày trước.
(23)Chú thích: loan
Phượng: chim phượng trống. Loan: chim phượng mái. Trong văn cổ, loan phương dùng để chỉ đôi lứa vợ chồng. Ở đây chỉ những khách làng chơi đi lại, chung chạ ái ân với Đạm tiên, ngày trước.
(24)Chú thích: tiếc lục tham hồng
Ý nói luyến tiếc, ham sắc đẹp của giai nhân
(25)Chú thích: suối vàng
Do chữ Hoàng tuyền ở dưới đất có mạch suối, mà đất thuộc màu vàng, nên gọi là hoàng tuyền.
(26)Chú thích: áy
Vàng úa.
(27)Chú thích: vận vào
Ý nói lời nào cũng như ám chỉ vào mình
(28)Chú thích: âm khí
Cái khí cõi âm, cõi chết, ở đây chỉ không khí bãi tha ma.
(28)Chú thích: thể
Thể xác (hữu hình)
(29)Chú thích: phách
Chỉ những cái gì vô hình chỉ dựa vào thể xác mà tồn tại
(30)Chú thích: hiển linh
Tỏ sự linh thiêng cho mọi người biết
(31)Chú thích: tinh thành
Lòng thành thuần khiết, lòng chí thành
(32)Chú thích: u hiển
U là tối, chỉ cõi chết. Hiển là sáng rõ, chỉ cõi sống. ý nói: chớ nề kẻ sống, người chết, kẻ cõi âm, người cõi dương.
(33)Chú thích: tay khấu
Tay càm cương ngựa. ý nói, buông lỏng dây cương cho ngựa đi thong thả
(34)Chú thích: dặm băng
Như nói dặm đường đi. Băng là lướt đi
(35)Chú thích: lưng túi gió trăng
Tức là lưng túi thơ. Những nhà thơ thời xưa hay ngâm phong vịnh nguyệt, nên người ta gọi thơ là phong nguyệt (gió trăng).
(36)Chú thích: câu
Con ngựa, non trẻ, xinh đẹp.
(37)Chú thích: tự tình
Chuyện trò, bày tỏ tâm tình
(38)Chú thích: Hài văn
Thứ giày thêu mà nho sĩ thời xưa thường dùng
(39)Chú thích: dặm xanh
Dặm cỏ xanh.
(40)Chú thích: cây quỳnh, cành giao
Cây quỳnh, cành giao: Cây ngọc quỳnh và cây ngọc giao. ý nói vẻ khôi ngô tuấn tú của Kim Trọng như làm cho cả một vùng cũng hoá thành đẹp.
(41)Chú thích: Hai Kiều
Hai người con gái xinh đẹp, tức hai chị em Thuý Kiều.
(42)Chú thích: trâm anh
Trâm là cái trâm để cài búi tóc. Anh là cái dải mũ, hai thứ dùng trang sức cho cái mũ của người sĩ tử, quan chức. Nhà trâm anh: Chỉ những nhà thế tộc phong kiến, có người đỗ đạt, làm quan.
(43)Chú thích: phú hậu
Giàu có.
(44)Chú thích: nết đất
Theo lối nhà, theo dòng dõi trong nhà, mạch đất đó có truyền thống văn chương.
(45)Chú thích: Phong tư
Dáng điệu.
(46)Chú thích: Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa
Phong nhã: phong lưu nho nhã. Hào hoa: sang trọng phong cách có vẻ quí phái. Vào trong là ở trong nhà, Ra ngoài là ra giao thiệp với đời.
(47)Chú thích: đồng thân
Bạn cùng học.
(48)Chú thích: hương lân
Làng xóm, ý nói: Vẫn nghe tiếng khen đồn đại ở vùng lân cận.
(49)Chú thích: buồng thêu
Buồng người con gái.
(50)Chú thích: chốc mòng
Tiếng cổ, nghĩa là bấy lâu, bấy nay
(51)Chú thích: giải cấu tương phùng
Cuộc gặp gỡ tình cờ.
(52)Chú thích: đố lá
Hội đố lá, còn gọi là diệp hý, một tục chơi xuân có từ đời nhà Đường. Vào khoảng tháng ba, trai gái đi du xuân, bẻ một cành cây rồi đố nhau xem số lá chẵn hay lẻ để đoán việc may rủi. Đây là dịp để họ làm quen và tìm hiểu nhau.
(53)Chú thích: Bóng hồng
Bóng người con gái. Phụ nữ Trung Quốc thời xưa hay mặc quần đỏ nên gọi là bóng hồng.
(54)Chú thích: Xuân lan, thu cúc
Xuân lan, thu cúc: Hai chị em Kiều, mỗi người có một vẻ đẹp riêng, ngưòi như lan mùa xuân, người như cúc mùa thu.
(55)Chú thích: quốc sắc
Sắc đẹp nhất nước, chỉ Thuý Kiều
(56)Chú thích: chỉn
Tiếng cổ. Chỉn khôn: chẳng xong, không xong.
-
Moderator
Re: Nguyễn Du
Hồi 3
Mơ chị Đạm Tiên mộng đề thơ mười vận
Nhớ chàng Kim Trọng mong đính ước trăm năm
(Câu 171-238)
Kiều từ trở gót trướng hoa
Mặt trời gác núi chiêng đà thu không
Gương Nga chênh chếch dòm song (1)
Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân (2)
175. Hải đường lả ngọn đông lân, (3)
Giọt sương gieo nặng, cành xuân là đà
Một mình lặng ngắm bóng Nga (4)
Rộn đường gần với nổi xa bời bời:
Người mà đến thế thì thôi, (5)
180. Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi
Người đâu gặp gỡ làm chi, (6)
Trăm năm biết có duyên gì hay không ?
Ngổn ngang trăm mối tơ lòng,
Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình
185. Chênh chênh bóng nguyệt xế mành
Tựa ngồi bên triện, một mình thiu thiu. (7)
Thoắt đâu thấy một tiểu kiều, (8)
Có chiều phong vận, có chiều thanh tân (9) (10)
Sương in mặt, tuyết pha thân,(11)
190. Sen vàng lãng đãng, như gần như xa (12) (13)
Rước mầng, đón hỏi dò la:
Đào Nguyên lạc lối đâu mà đến đây ? (14)
Thưa rằng: Thanh khí, xưa nay,(15)
Mới cùng nhau lúc ban ngày đã quên?
195. Hàn gia ở mái tây thiên,(16) (17)
Dưới dòng nước chảy, bên trên có cầu
Mấy lòng hạ cố đến nhau, (18)
Mấy lời hạ tứ ném châu gieo vàng. (19)
Vâng trình hội chủ xem tường,
200. Mà xem trong sổ đoạn trường có tên (20)
Âu đành quả kiếp nhân duyên, (21)
Cũng người một hội, một thuyền đâu xa.
Này mười bài mới, mới ra,
Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời.
205. Kiều vâng lĩnh ý đề bài,
Tay tiên một vẫy, đủ mười khúc ngâm
Xem thư nấc nở khen thầm:
Giá đành tú khẩu, cẩm tâm khác thường! (22)
Ví đem vào tập đoạn trường,
210. Thì treo giải nhất, chi nhường cho ai!
Thềm hoa khách đã trở hài,
Nàng còn cầm lại một hai tự tình
Gió đâu sịch bức mành mành,
Tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao
215. Trông theo nào thấy đâu nào,
Hương thừa dường hãy ra vào đâu đây.
Một mình lưỡng lự canh chầy,
Đường xa, nghĩ nỗi sau này mà kinh!
Hoa trôi, bèo giạt, đã đành,
220. Biết duyên mình, biết phận mình, thế thôi!
Nỗi riêng lớp lớp sóng giồi,
Nghĩ đòi cơn, lại sụt sùi đòi cơn (23)
Giọng Kiều rền rỉ trướng loan, (24)
Nhà huyên chợt tỉnh, hỏi: Cơn cớ gì? (25)
225. Cớ sao trằn trọc canh khuya,
Màu hoa lê hãy đầm đìa giọt mưa? (26)
Thưa rằng: Chút phận ngây thơ,
Dưỡng sinh đòi nợ tóc tơ chưa đền (27)
Buổi ngày chơi mả Đạm Tiên,
230. Nhắp đi, thoắt thấy ứng liền chiêm bao
Đoạn trường là số thế nào ?
Bài ra thế ấy, vịnh vào thế kia
Cứ trong mộng triệu mà suy
Phận con thôi có ra gì mai sau!
235. Dạy rằng: Mộng triệu cứ đâu ? (28)
Bỗng không mua não chuốc sầu, nghĩ nao!
Vâng lời khuyên giải thấp cao
Chưa xong điều nghĩ, đã đào mạch Tương (29)
(1)Chú thích: Gương Nga
Theo truyền thuyết trong cung trăng có chị Hằng Nga, nên thường gọi trăng là "gương nga".
(2)Chú thích: Vàng gieo ngấn nước
Ánh trăng vàng dọi xuống ngấn nước.
(3)Chú thích: đông lân
Xóm bên đông, nơi có con gái đẹp ở, cũng giống nghĩa chữ "tường đông" (Tường đông: bức tường ở phía đông. Thời xưa con gái thường ở nhà phía đông. Đây dùng chữ "tường đông" để chỉ chỗ có con gái đẹp ở).
Hải đường là ngọn đông lân: Cây hải đường ở xóm đông ngả ngọn xuống.
(4)Chú thích: bóng Nga
Bóng trăng.
(5)Chú thích: Người mà
Chỉ Đạm Tiên.
(6)Chú thích: Người đâu
Chỉ Kim Trọng.
(7)Chú thích: triện
Lan can.
(8)Chú thích: tiểu kiều
Người con gái xinh đẹp
(9)Chú thích: phong vận
Yểu điệu.
(10)Chú thích: thanh tân
Thanh tú tưới tắn
(11)Chú thích: Sương in mặt, tuyết pha thân
Ý nói mặt và thân hình người tiểu kiều đó như có sự và tuyết in phủ lấy.
(12)Chú thích: Sen vàng
Chỉ gót chân người đẹp. Đông Hôn Hầu, đời Tề (Nam Bắc Triều), rất yêu quí phi họ Phan, từng đúc hoa sen bằng vàng lát xuống nền nhà, để cho nàng đi lên rồi khen rằng: "Bộ bộ sinh liên hoa" (mỗi bước đi nở ra một hoa sen).
(13)Chú thích: lãng đãng
Tiếng cổ, có nghĩa là đi từ từ chậm chậm, chập chờn mờ tỏ.
(14)Chú thích: Đào Nguyên
Đời Tần có một người đánh cá chèo thuyền ngược theo một dòng suối đi mãi tới một khu rừng trồng toàn đào, thấy nơi đó có một cảnh sống tuyệt đẹp như nơi tiên ở. Người sau dùng chữ "nguồn đào" hay "động đào" để chỉ cảnh tiên.
(15)Chú thích: Thanh khí
"Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" (cùng một thứ tiếng thì ứng với nhau, cùng một loại khí thì tìm đến nhau).
(16)Chú thích: Hàn gia
Hàn là nghèo, gia là mọn, nhà xoàng, lạnh lẽo, nói khiêm tốn.
(17)Chú thích: tây thiên
Phía trời đàng tây, hoặc cánh đồng phía tây
(18)Chú thích: hạ cố
Trông xuống, chiếu cố đến nhau
(19)Chú thích: hạ tứ
Ban xuống, ban cho. Cả câu: Hai bài thơ của Kiều lời đẹp ý hay, thật quý báu như là ném cho những hạt châu, gieo cho những thỏi vàng vậy.
(20)Chú thích: sổ đoạn trường
Đoạn trường: đứt ruột, chỉ sự đau đớn bi thương. Số đoạn trường: sổ ghi tên những người phụ nữ bạc mệnh.
(21)Chú thích: quả kiếp nhân duyên
Quả là kết quả. Nhân là nguyên nhân, ý nói duyên (tốt). hay kiếp (xấu) cũng là có nhân với quả cả.
(22)Chú thích: tú khẩu, cẩm tâm
Tú khẩu, cẩm tâm]Miệng thêu, lòng gấm. Ý nói thơ Kiều làm rất hay.
(23)Chú thích: đòi cơn
Nhiều cơn.
(24)Chú thích: trướng loan
Màn có thêu chim loan.
(25)Chú thích: Nhà huyên
Chỉ vào bà mẹ. Huyên là cây hoa hiên, theo thuyết cổ, có tính chất làm quên sự lo phiền.
(26)Chú thích: hoa lê
Ví với người đẹp, giọt mưa ví với giọt nước mắt
(27)Chú thích: Dưỡng sinh
Nuôi dưỡng và sinh ra, chỉ công ơn cha mẹ.
(28)Chú thích: Mộng triệu
Điều thấy trong mộng.
(29)Chú thích: mạch Tương
Dòng nước mắt. Tương là tên một con sông ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) chảy vào hồ Động Đình. Ngày xưa, vua Thuấn đi tuần thú, chết ở phương xa, hai người vợ vua là Nga Hoàng và Nữ Anh đi tìm, đến ngồi trên bờ sông Tương, khóc rất thảm thiết, nước mắt vẩy ra những khóm trúc xung quanh, làm cho trúc đó hoá thành những điểm lốm đốm. Về sau, các nhà văn thường dùng chữ mạch Tương, giọt Tương để chỉ nước mắt phụ nữ
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules