-
Moderator
N - Những hành động cương quyết của Ðức Tin
Chúa Nhật II Mùa Phục Sinh/B
Những hành động cương quyết của Ðức Tin
(Ga 20,19-31)
Thú thật, tôi rất có thiện cảm với Tông đồ Tôma, và tôi rất thông cảm với thái độ của ông. Mặc dù Ðức Giêsu đã trách thái độ nghi ngờ của ông trong một hoàn cảnh như thế là rất hợp lý, mặc dù ông thường bị coi là người cứng lòng, thiếu đức tin. Nhưng điều quan trọng là chúng ta có thể học hỏi được gi qua thái độ của Tôma?
Sau khi Ðức Giêsu chết chưa được bao lâu, thì các môn đệ khác quả quyết là họ đã được nhìn thấy Chúa, Người vẫn còn sống! Ðối với Tôma, sứ điệp đó đến quá bất ngờ. Nhất là nó đi ngược lại tất cả những kinh nghiệm thực tế cho đến giờ phút đó: Người chết không bao giờ có thể sống lại được. Vâng, một điều như thế chưa hề xảy ra, tức một người sau khi đã chết rồi lại hồi sinh và tiếp tục sống! Tôma không thể chấp nhận được điều đó. Ông không muốn dễ dàng chạy theo những kẻ cả tin, hay chấp nhận những điều thêu dệt bịa đặt. Ông không để mình bị lôi cuốn vào chứng từ của các môn đệ khác. Ông muốn trước hết được nhìn thấy Chúa tận mắt, được sờ tay vào các vết thương của Chúa. Nghĩa là ông muốn có bằng chứng cụ thể hẳn hoi, chứ không chỉ bằng lời nói suông. Tôma không muốn để cho mình dễ dàng bị lèo lái bởi những tin đồn thổi thiếu kiểm chứng. Tôma đúng là con người thực tiễn, muốn mọi sự phải cụ thể. Ông muốn đứng hai chân trên nền đất vững chắc của thực tế. Vâng, trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta cũng có biết bao trường hợp cần phải có thái độ như thế. Chẳng hạn: ai muốn mua một chiếc xe thì cần phải kiểm tra và xem xét thật kỹ lưỡng toàn bộ chiếc xe đó. Và theo thiển ý, tôi nghĩ rằng một phần nào của sự thận trọng này cũng có thể áp dụng vào lãnh vực có liên quan tới sự chọn lựa của đức tin.
Ðã có nhiều bạn trẻ vì quá hấp tấp quyết định và chọn lựa ơn gọi của mình, để trở thành Linh mục hay Nam-Nữ Tu sĩ mà chưa thấu hiểu hay biết rõ được bậc sống mình chọn với những sở trường sở đoản, với những an ủi và thử thách của nó, vì thế về sau khi thực sự đã bước vào cuộc sống đó, họ đã phải hối hận về sự quyết định vội vàng của mình. Vì thế mới có cái cảnh: «bỏ thì thương, vương thì tội», tiến thoái lưỡng nan. Và rồi họ đã sống một cách bất hạnh. Nhưng sự bồng bột nhẹ dạ đó càng nguy hiểm bội phần khi phải đối mặt với những lời tuyên truyền phỉnh gạt của những lạc giáo. Chính tôi đã có lần được quen biết một thiếu nữ: Sau khi vừa tròn 18 tuổi, cô đã nhẹ dạ nghe theo những lời dụ dỗ đường mật của một lạc giáo và đã bỏ nhà đi theo họ. Nhưng sau đó ít năm, cô đã biết suy nghĩ chín chắn hơn và đã khám phá ra là mình đã lầm lẫn, cô liền hối hận và phải vất vả rất nhiều để có thể bắt đầu lại từ đầu. Giá người thiếu nữ đó đã có thể tìm được lời khuyên nơi Tông đồ Tôma, chắc chắn cô ta đã không dễ dàng chạy theo những tiên tri giả như thế và đã lãng phí bao năm tháng quí báu của tuổi thanh xuân!
Trong Giáo Hội cũng không thiếu những người hồ hởi chạy theo nhóm này hay nhóm nọ: hoặc thủ cựu hay cấp tiến hoặc quá khích; hay: hễ nghe tin đồn có Chúa hoặc Đức Mẹ hiện ra chỗ này chỗ nọ thì liền vội vàng cơm đùm áo gói chạy tới đó kính viếng ngay, v.v…! Cuối cùng, quan điểm sống «thận trọng» của Tôma có lẽ thật cần thiết cho những người dễ bị lung lạc như thế.
Vậy, điều quan trọng ở đây là trong vấn đề tín ngưỡng, vấn đề đức tin, chúng ta cần phải thận trọng, không cả tin, không dễ chấp nhận dư luận, vì dư luận là con dao hai lưỡi: nó có thể giúp ta mà cũng có thể hại ta. Ðồng thời một điều khác cũng quan trọng tương tự là người ta cần phải luôn kiểm điểm, thanh luyện và củng cố niềm tin của mình, hầu cho:
· Không bị «hỏng chân» và khỏi bị rơi vào tình trạng chới với như chiếc thuyền nan trên giòng nước cuốn, không còn biết đâu là bến bờ,
· khỏi bị chao đảo và bị cuốn hút bởi những tiên tri giả mà sa chân lạc lối,
· phải luôn giữ vững được những điểm tích cực then chốt có thể củng cố và nâng đỡ niềm tin của chúng ta.
Ngày nay, chúng ta không có được hoàn cảnh thuận lợi như các môn đệ xưa. Chúng ta không có thể trực tiếp gặp gỡ và tiếp xúc với Ðấng Phục Sinh như các ngài. Vì thế có lẽ không thiếu những người muốn có được lý do và bằng chứng cụ thể rõ ràng cho niềm tin của mình như Tông đồ Tôma xưa!
Cuộc sống Ðức Giêsu là cả một cuộc sống cho kẻ khác: Một cuộc sống hy sinh xả kỷ! Người đã từ bỏ tất cả vì phần rỗi nhân loại. Tình yêu, hòa bình và sự công chính mang lại hạnh phúc chân thật giữa con người với con người và giữa con người với Thiên Chúa. Ðó là một thứ hạnh phúc mà sự chết cũng không thể xóa bỏ được.
Vì thế, khi tôi đem hết mọi nỗ lực để phát triển tình yêu, kiến tạo hòa bình và xây dựng sự công chính, tôi sẽ cảm nghiệm được rằng một phần nào đó của sự hạnh phúc chân thật giữa con người với con người và giữa con người với Thiên Chúa đã bắt đầu triển nở. Ðồng thời điều đó cũng có nghĩa là tôi đang đi đúng đường. Hơn nữa, trong việc tìm kiếm nền tảng cho niềm tin của tôi như thế, tôi không hề lẻ loi một mình, nhưng có biết bao nhiêu người cùng đồng hành với tôi và nâng đỡ tôi. Ðó là khi tôi có thể nhìn thấy rõ được nơi nhiều người là đức tin đã giúp cho họ có khả năng làm chủ được cuộc sống của mình. Vâng, trong cuộc sống đức tin tôi đã tìm gặp được sự an ủi, sự khuyến khích và động viên của biết bao nhiêu người qua cuộc sống can đảm đầy ấn tượng của họ, thí dụ: Người đàn bà đã từ bao năm âm thầm nhẫn nhục tận tụy chăm sóc lo lắng cho người chồng bệnh tật; hay người thanh niên, dù bị chúng bạn trêu chọc, châm biếm, vẫn trung thành với đức tin của mình; hay người đàn ông đang quì trong tòa cáo giải, dù cho bao lỗi lầm nặng nề, vẫn cương quyết can đảm làm lại từ đầu.
Tất cả những thái độ và hành động đó là những hành động cương quyết và đầy quả cảm phát xuất từ một đức tin sống động! Những hành động cương quyết của đức tin.
LM. Nguyễn Hữu Thy
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules