Tản mản mùa Phục Sinh

1) Thượng Đỉnh G20

Cả thế giới trong những ngày đầu tháng 4 vừa qua đều hướng về hội nghị thượng đỉnh nhóm họp tại Luân Đôn vào ngày 2 và 3 tháng 4, 2009. Tuy nhiên, điều người ta chú ý nhiều nhất hình như không phải là kết quả mà hội nghị này đem lại, bởi vì, theo phân tích của Jennifer Loven, thông tín viên Tòa Bạch Ốc, thì tất cả đều phải chờ xem (xem Analysis: Obama’s trip: Big cheers, some results—http://news.yahoo.com, 4/4/09).

Điều người ta chú ý nhất có lẽ là Tân Tổng Thống (TT) Hoa Kỳ và Phu Nhân trong lần họp thượng đỉnh đầu tiên, chỉ sau 70 ngày nhận nhiệm vụ. Cứ y như là người ta đổ xô đi xem một trận cầu quốc tế trong đó có một ngôi sao vừa xuất hiện, hứa hẹn nhiều pha hào hứng. Như vậy phải đi xem chân cẳng chàng ra sao. Thực ra, lịch làm việc của TT thật dầy đặc: đi qua năm quốc gia, dự ba cuộc họp thượng đỉnh, gặp gỡ riêng với ít là 17 vị nguyên thủ quốc gia khác, một buổi tiếp kiến Nữ Hoàng Anh tại Điện Buckingham, có ít nhật là bẩy cuộc họp báo, ba bài diễn văn chính thức, hai buổi vấn-đáp dành cho các khách ngoại quốc, và ba bữa ăn tối chính thức. Người ta đón tiếp chàng và phu nhân rất long trọng theo đúng lể nghi và thủ tục ngoại giao. Dù có lạnh lùng như Nữ Thủ Tướng Đức Angela Merkel, hay có hơi tỏ ra thù nghịch như TT Nga Dmitry Medvedev, người ta cũng vẫn say sưa chiêm ngưỡng thán phục tư cách lãnh đạo của chàng trẻ tuổi tài cao, đến độ như Thủ Tướng Anh Gordon Brown cũng đã phải thốt lên một cách rất là ‘hồ hởi’ rằng bẩy mươi ngày đầu trong cương vị TT của chàng đã làm thay đổi cả nước Mỹ cũng như đã làm đổi thay mối quan hệ của Mỹ đối với thế giới—mối quan hệ lạnh nhạt mà vị tiền nhiệm của chàng đã gây ra, ít là một số người bảo thế. Với cung cách mới mẻ và thu hút ấy, có lạ gì nếu chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, chàng đã được Chủ Tịch Hà Cẩm Đào mời, và đã nhận lời, đi thăm Trung Quốc. Ý nghĩa hơn nữa là chàng và TT Pháp Sarkozy đã đồng ý sánh bước bên nhau trên vùng bờ biển Normandie, nhân kỷ niệm ngày chữ Đ lịch sử năm xưa vào mùng 6 tháng 6 sắp đến.

Các vị nguyên thủ quốc gia thì còn như thế, huống chi là các phó thường dân. Người ta đuổi theo đoàn xe của chàng, cố lách đám đông để làm sao bắt cho được tay chàng cho hả dạ, cũng như—và nhất là—để ngắm nàng Michelle cho đã ‘con mắt trần gian’ (nói gì thì nói, người ta rất muốn biết tủ quần áo nàng mang theo bao gồm những thứ gì). Người ta kháo láo rằng, vì trong cuộc tiếp kiến nữ hoàng Anh, Michelle khoác một chiếc áo len trị giá 300 đô, hiệu J. Crew, cho nên chỉ trong vài ba tiếng đồng hồ sau đó, mặt hàng áo len hiệu J. Crew đã hoàn toàn biến mất trên thị trường, kể cả thị trường trên mạng. Thật là ‘hot’ hết cỡ. Lene Gade, một chàng gõ đầu trẻ tại Copenhagen, khi thấy Obama, đã buột miệng thốt lên như điên như sảng: “Bất kỳ ai, chỉ trừ cái lão Bush ra, cũng đều tốt hơn cả. Obama thật là cởi mở; chàng đã mang cái vẻ thân thiện của Hoa Kỳ trở lại với toàn thể thế giới.”

Nghe chuyện của chàng và nàng mà thấy mát…lây thấu cả ruột gan. Nhưng điều ít người biết đến, hay để ý đến, chính là, chỉ vài ngày trước cuộc họp G20, Thủ Tướng Anh Gordon Brown đã đến tiếp kiến Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Bênêđictô XVI vừa trở về Vaticăng sau chuyến công du Phi Châu của ngài. Chính trong dịp này, sau khi gửi lời chào mừng và đề cao mục tiêu cao cả của cuộc họp thượng đỉnh, qua Thủ Tướng Anh, với tư cách chủ nhà, ĐGH đã lên tiếng nhấn mạnh và như nhắn gửi đến hội nghị rằng: “Các cuộc khủng hoảng tài chánh đều khơi nguồn—một phần nào là do sự suy đồi đạo đức—khi những ai làm việc trong lãnh vực kinh tế mất đi niềm tin vào các phương cách vận dụng cũng như vào các hệ thống tài chánh". Ngài nói: “Tài chánh, thương mại, và các hệ thống sản xuất đều do con người tạo ra, mà nếu biến thành đối tượng của niềm tin mù quáng, thì chúng sẽ bị hư hoại ngay tự bên trong. Nền tảng chân thực và vững chắc của chúng phải là niềm tin vào nhân vị con người. Phương thuốc chữa trị cho cơn khủng hoảng hôm nay phải là làm sao bảo đảm được sự an sinh của gia đình, sự ổn định đời sống của công nhân, và nhất là phục hồi lại nền đạo đức trong thế giới tài chánh.” Sau khi đưa “Lục Địa Đen,” nơi ngài vừa viếng thăm ra làm thí dụ, ĐGH nói tiếp, “Nếu cái yếu tố căn cốt của cuộc khủng hoảng hôm nay là một sự ‘thâm thủng’ về mặt đạo đức (ĐGH chơi chữ!) trong các cơ cấu kinh tế, thì chính cuộc khủng hoảng này dậy ta rằng đạo đức không phải là cái gì nằm bên ngoài, mà là cái gì nằm chính tự bên trong kinh tế, đến độ kinh tế không thể sinh hoạt được nếu không mang trong mình mầm mống đạo đức” (xem A Key Element of the Crisis is a Deficit of Ethics---www.catholicculture.org, 04/04/09).

Nói thế thì chẳng khác gì bảo rằng nếu chỉ lo phục hưng kinh tế để làm sao cho hết suy thoái mà không lo chấn hưng đạo đức thì sẽ không đi đến đâu cả. Lời nhắn nhủ của vị Cha Chung lúc nào cũng đáng suy nghĩ!

Nhân nói chuyện thâm thủng và suy thoái, có một mẩu tin nhỏ đăng trên zenit.org hôm mùng 9 tháng 4, 2009 là Đức Giám Mục (ĐGM) Ángel Rubio Castro của Segovia (Tây Ban Nha) đã đề nghị khoảng 120 Linh Mục (LM) trong giáo phận của ngài trích tặng 10% tiền lương của mình cho quỹ Caritas địa phương như một nghĩa cử nói lên niềm cảm thông với biết bao nhiêu người đang bị thất nghiệp và cần giúp đỡ. Lời đề nghị của ngài đã được hưởng ứng khá nhiệt liệt, theo tin của tờ El Adelantado de Segovia. Tưởng cũng nên biết là lương tháng trung bình của các LM tại Tây Ban Nha là từ $600--$800, tức $789--$1,052 đôla, còn lương tháng của các GM là $900, tức $1,184 đôla. Thực ra đây không phải là lần vận động đầu tiên tại Tây Ban Nha, bởi vì trước đây Đức Tổng GM Francisco Pérez González của Pamplona và Tudela, cũng như ĐGM Francisco Cerro Chaves của Cori-Caceres, cũng đã kêu gọi các LM của giáo phận mình đóng góp như thế.

Trên đường trở về, TT “bất chợt” ghé thăm các chiến sĩ đồn trú tại Baghdad để rồi tuyên bố rằng đã đến lúc người Irắc phải “lãnh trách nhiệm đối với đất nước mình.” Nhưng trái ngược hẳn với chủ trương rút quân của TT, Đức TGM Louis Sako của Kirkuk đã lên tiếng xin các quân nhân Mỹ hãy ở lại Irắc, lý do là nếu người Mỹ bỏ về thì sẽ tạo ra một lỗ hổng lớn khiến cho bạo lực gia tăng để rồi sẽ dẫn đến nội chiến. Hiện giờ, tuy còn lính Mỹ, thế nhưng cộng đồng tín hữu Công giáo đã trở thành mục tiêu của các nhóm tội ác có tổ chức, chuyên cướp bóc tài sản mồ hôi nước mắt của những người dân lành. Cứ đà này, làn sóng ‘exodus’ của đoàn tín hữu sẽ còn tiếp tục, làm mất đi những giọt máu đào của một Giáo Hội đã được thành lập cả hai nghìn năm nay.

Không biết có phải vì lời cầu cứu này của ĐTGM Kirkuk mà ngay khi về đến nhà, TT đã yêu cầu Quốc Hội thông qua lập tức mấy chục tỉ dành cho Irắc (và Afganistan) chăng?

2) Vụ xì căng đan của trường Đại Học Notre Dame

Thật rõ khổ, trong khi TT được nể trọng khi đi hội nghị quốc tế ở nước ngoài như vừa nói, thì ở nhà lại âm ỉ những tiếng bấc tiếng chì về vụ ĐH Notre Dame đã chính thức gửi lời mời TT—và TT đã chấp nhận--đến đọc diễn văn ra trường và đồng thời lãnh bằng Tiến Sĩ Danh Dự do ĐH ấy trao tặng vào tháng Năm sắp tới. Khi TT về đến nhà, thì làn sóng chống đối lại nổi lên dữ dội hơn nữa. Người ta bảo rằng ngài TT đã có lập trường ủng hộ phá thai quá triệt để (qua dự luật FOCA) cũng như có hành động chống lại mạng sống con người qua việc tài trợ cho cuộc nghiên cứu tế bào gốc. Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, TT đã phá hủy hoàn toàn công trình mà Hội Thánh Công giáo đã liên tục gầy dựng cho lý tưởng phò sự sống suốt mấy thập niên qua. Tóm lại người ta chống LM Viện Trưởng John Jenkins vì đã mời TT; người ta bảo rằng mời TT đến trường ĐH chính là công khai “đồng thuận” với TT về lập trường và hành động chống lại xu hướng phò sự sống vốn là lập trường kiên vững của Hội thánh Công giáo. Thế là tức tốc, chỉ trong vòng hai tuần lễ sau khi Notre Dame công bố lời mời TT, thì có đến trên 230,000 chữ ký chống đối được đưa lên một trang mạng và được chuyển tới LM Viện Trưởng.

Thoạt tiên phải kể đến Giám Mục John D’Arcy của Fort Wayne-South Bend, tiểu bang Indiana, nơi trường Notre Dame tọa lạc, là người đã bầy tỏ nỗi bức xúc trước quyết định của trường ĐH và cho biết là sẽ không đến tham dự lễ ra trường. Ngài nói: “Là giám mục, tôi phải giảng dậy về niềm tin Công giáo, “dù thuận lợi hay bất thuận lợi,” và không chỉ giảng dậy bằng lới nói, mà còn phải bằng hành động nữa.” Ngài cũng minh định là mình không hề bất kính TT, nhưng vẫn cầu nguyện và chúc cho TT mọi điều tốt đẹp. Ngài chỉ thất vọng vì ĐH Notre Dame đã chọn và coi trọng uy tín hơn sự thật.

Tiếp sau đó, Đức Hồng Y (ĐHY) Francis George của Tổng giáo phận Chicago, và là đương kim Chủ Tịch Hội Đồng GM Hoa Kỳ, đã nói rất thẳng thắn: “Điều rõ ràng nhất là ĐH Notre Dame đã không hiểu Công giáo là gì khi gửi lời mời (TT) này…Không cần nói đến các lập trường của ngài TT, mà ai cũng rõ rồi, vấn đề ở đây là một ĐH Công giáo, một ĐH hàng đầu, đã làm một việc gì đó (thật đáng tiếc) khiến cho không biết bao nhiêu người Công giáo phải cực kỳ bối rối.”

Huỵch tọet nhất là ĐGM Thomas Dorn của Rockford khi ngài vạch ra rằng quyết định ban tặng bằng Tiến Sĩ Danh Dự cho TT chính là cái tát thẳng vào mặt HĐGM Hoa Kỳ khi ra chỉ thị là các tổ chức Công giáo không được phép vinh danh bất kỳ người nào công khai chống lại giáo huấn của Hội Thánh về phá thai và nghiên cứu tế bào gốc. Cuối cùng, ngài yêu cầu LM Viện trưởng rút ngay lại lời mời hầu tránh việc phỉ báng những người Công giáo thành tâm thiện chí tại Hoa Kỳ. Nếu không làm được như thế thì chỉ còn cách đổi tên trường thành, tỉ như “ĐH Chiến Sĩ Ái Nhĩ Lan” hay “ĐH Nhân Bản Tây Bắc Indiana” chẳng hạn (xem catholicculture.org, 04/03/09). Tưởng cũng nên biết rằng, mấy năm trước đây, dù bị chống đối dữ dội, ĐH Notre Dame đã vẫn cho diễn vở tuồng “Vagina Monologues” sặc mùi thế tục, từ tựa đề cho đến nội dung, chính trong khuôn viên ĐH. Do bởi “khung trời ĐH” này đã bị ô nhiễm nặng, cho nên ĐGM Dorn đã bảo rằng ĐH “Notre Dame” không còn xứng đáng mang tên của Đức Mẹ Maria trọn đời đồng trinh, Đấng mà Công Đồng Vaticanô II đã tôn phong là Mẹ của Hội Thánh.

Ngoài các vị trên, cùng hơn một chục ĐGM khác nữa, phải kể đến hai người ‘nặng ký’ trong ban Giáo Sư giảng huấn của chính ĐH Notre Dame là Ralph McInerny và Charles Rice, các vị học giả như James V. Schall của Georgetown, Hadley Arkes của Amherst, George Weigel thuộc Trung tâm Đạo Đức và Chính Sách Công Cộng, và Francis Beckwith của ĐH Baylor (xem thêm EWTN.com, 4/8/09 và 4/9/09).

Ở trong một cái thế lưỡng nan, bởi không thể nào rút lại lời mời của LM Viện Trưởng, vốn là LM thuộc dòng mình phụ trách, Cha Bề trên Tổng Quyền Dòng Thánh Giá, Hugh W. Cleary, đã viết một lá thư ngỏ gửi TT, có đoạn kết như sau: “Người Công giáo chúng tôi muốn được TT nhìn nhận một cách nghiêm chỉnh. Chúng tôi nhấn mạnh là chúng tôi muốn được nhìn nhận một cách nghiêm chỉnh, do đó mà đã có quá nhiều chống đối và náo động liên quan đến sự hiện diện của TT tại ĐH Notre Dame. ” Cuối cùng, ngài đề nghị, trong diễn văn ra trường, TT nên nói về đề tài: “Làm thế nào người Công giáo có thể được nhìn nhận một cách nghiêm chỉnh, xét về mặt xác tín của niềm tin, mà không cảm thấy bị chối từ thẳng thừng và bị lãng xa.”

Xem thế, Giáo hội Công giáo và Nhà nước có vẻ như đang ở trong một tư thế đối chọi trực diện, cứ y như hai phe đang gầm gừ nhau dọc theo một bờ chiến tuyến đã vạch sẵn. Tình trạng căng thẳng đến độ có người đã nói đến một thứ “bách hại” mà chính phủ và truyền thông đang “ưu ái” dành cho những người Công giáo. Không biết cá nhân TT thì sao, chứ thật đáng tiếc, chung quanh chàng toàn là các vị thầy dùi đạo gốc hay đạo ròng, chẳng hạn như Phó TT Joe Biden, Tổng Trưởng Kathleen Sebelius (kể cả vị tiền nhiệm hụt của bà là Tom Daschle). Đó là chưa kể các vị ‘có chức’ (xin đừng đọc lái!) thứ thiệt như Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, Thượng Nghị Sĩ John Kerry, Ted Kennedy, cựu Thống Đốc New York Mario Cuomo v.v. Nếu các vị thầy dùi này không phải là Công giáo thì còn hiểu được, đàng này…Thế mới biết, và hình như là ý Chúa Quan Phòng, như thấy được trong suốt chiều dài của dòng lịch sử Hội Thánh, chính các vị đạo gốc mới là các vị ‘bứng gốc’ đạo dữ dội nhất. Chỉ biết cậy trông vào ơn Chúa và “đề cao cảnh giác” mà thôi!

Tuy nhiên, Mariangela Sullivan, sáng lập viên và giám đốc Liên Minh Hành Động của trường ĐH Notre Dame đã phân tích như sau: “Thực ra việc tranh cãi này không phải là chỉ quay quanh lời mời của LM Viện Trưởng, cá nhân LM hoặc cá nhân TT hoặc chính trường ĐH. Vấn đề nằm ở một độ sâu hơn. Thực tế là khối Công giáo Hoa Kỳ đã từ từ và lặng lẽ trở thành một gia đình đang rạn nứt vì chia rẽ và bất đồng. Qua vụ xì căng đan này, chú voi già ở trong phòng đã lù lù bước ra: khối Công giáo Hoa kỳ không còn chống lại các chính trị gia phò-chọn-lựa nữa…Chẳng thế mà nguyên một nửa khối Công giáo đã bầu cho Barack Obama. Quả vậy nhiều người miệng thì nói phò-sự-sống, nhưng lại là những kẻ dồn phiếu cho tân TT. Nói khác đi, rất nhiều người đi theo chủ trương của đạo gốc Mario Cuomo: trong thâm tâm thì tôi phò-sự-sống, nhưng một cách công khai thì tôi không chống phá thai.”

Diễn nôm thì thế này: nếu phe phò-chọn-lựa bảo rằng phôi thai không là con người, không có quyền lợi gì hết, do đó có thể giết một cách hợp pháp, thì phe phò-sự-sống bảo rằng phôi thai là con người, có đầy đủ quyền lợi, do đó không thể giết một cách hợp pháp được. Rốt cuộc, trên thực tế thì thế này: phôi thai là con người, có đầy đủ quyền lợi, nhưng vẫn có thể giết một cách hợp pháp được. Do đó, cho dù tất cả các vị tối cao pháp viện trên toàn thế giới có chủ trương phò-sự-sống chăng nữa, phá thai vẫn còn đó, vẫn còn đây. Vấn đề dứt điểm phá thai rồi ra sẽ chỉ còn là một hoán cải của tâm hồn và trí tuệ mà thôi.

Xì căng đan này đặt ra cho ta một song quan luận: 1) Phải chống mời TT vì mời là tôn vinh một con người có quan điểm chống phò-sự-sống? Thế nhưng, ta vẫn sống, sống hùng, sống mạnh theo kiểu phò-chọn-lựa đấy chứ! 2) Còn nếu bảo rằng TT thật xứng đáng lãnh bằng danh dự, thì thử hỏi ta còn sống niềm tin Công giáo nữa chăng?

Kết luận là gì? Câu chuyện mời mọc và trao bằng sẽ qua đi với thời gian, và rồi cũng như bao câu chuyện khác, người ta sẽ quên tuốt luốt. Nhưng cái còn lại mới là điều đáng nói: khối Công giáo Hoa Kỳ đang phân hóa kia sẽ nói năng với nhau làm sao? Có vẻ như cái bè Cuomo-Pelosi-Biden kia, ngày càng có thêm người leo lên, nhưng khốn nỗi, nó càng ngày càng trôi xa khỏi con tầu Hội Thánh. Toàn là những tay mơ đi biển, chẳng biết chèo chống, mà không dám nhẩy xuống nước bơi trở về với con tầu Hội Thánh, thì cái ngày mà sóng gió vùi dập cái bè ấy xuống đáy đại dương sẽ chẳng còn bao xa (xem EWTN.com, 04/09/09).

3) Một phút thư giãn: “Mẩu bánh mì khô”

Hai vợ chồng già nọ sống hạnh phúc với nhau đã hơn nửa thế kỷ. Không giầu có gì, nhưng cần kiệm thành ra cũng không đến nỗi túng nghèo. Sức khỏe may mắn cũng chưa đến nỗi, đó là bởi vì bà cụ quyết chí kiêng kem ăn uống, chỉ dùng thức ăn lành mạnh, và nhất là tập thể dục liên tục.

Ngày nọ, chuyến bay chở họ đi nghỉ mát đã gặp nạn, và đưa cụ ông lẫn cụ bà vào thẳng thiên đàng. Thánh Phêrô đích thân đến tận cổng đón hai cụ vào, chỉ cho họ xem lâu đài nguy nga, khảm vàng, nạm ngọc, cùng với một căn bếp không thiếu một thứ đồ ăn thức uống nào. Quần áo, lụa là gấm vóc đầy tủ.

Thánh Phêrô lên tiếng: “Chào ông bà đã đến thiên đàng. Lâu đài này sẽ là nơi ông bà cư ngụ từ nay.”

“Dạ, thưa thánh Phêrô, giá cả thế nào ạ?”

“Không phải trả đồng nào cả,” thánh Phêrô trả lời. “Đây là phần thưởng thiên đàng của ông bà mà!”

Nhìn qua khung cửa sổ, thấy sân golf tuyệt vời, cỏ cây xanh ngời trải dài hết tầm mắt.

“Dạ thưa, phí tổn chơi golf trả thế nào ạ?”

“Đây là thiên đàng,” thánh Phêrô ôn tồn bảo. “Ông cứ đến chơi miễn phí, ngày nào cũng được.”

Kế đến, ông bà đi sang phòng ăn: ôi thôi chẳng còn thiếu thứ gì, ê hề đồ biển, ngao sò ốc hến, cao lương mỹ vị, trái cây đủ lọai, rượu bia tràn trề.

“Nhớ nhé, đây là thiên đàng,” thánh Phêrô rào trước, “đừng hỏi han giá cả gì hết, cứ mặc sức mà ăn, mà uống!”

Cụ ông nghe thế, ngó quanh rồi lo lắng nhìn cụ bà.

“Không biết các thứ ít chất béo, ít kôlestêrôn, cà phê không càfêin thì để ở đâu?”

Thánh Phêrô vội vàng phân bua: “Cái này mới đáng nói: ông bà cứ ăn uống thả dàn, không cần phải kiêng cữ chọn lựa gì như xưa ở trần gian, bởi vì có mập hay bệnh nạn gì nữa đâu mà lo. Thiên đàng mà lại!”

Cụ ông vẫn thắc mắc:

“Thế phòng tập thể dục ở đâu ạ?”

“Không có phòng tập thể dục, nhưng nếu ông muốn thì tôi cũng kiếm cho,” thánh Phêrô trả lời.

“Thế không cần thử máu hay áp huyết gì nữa sao?”

“Ở đây không bao giờ cần làm những chuyện ấy,” thánh Phêrô lại phải trấn an. “Ông bà cứ việc hưởng thụ thoải mái, không cần lo lắng chi nữa cả.”

Cụ ông nhìn cụ bà rồi nói:

“Rõ là chán những mẩu bánh mì khô bà cho tôi nhá bao nhiêu năm trời nay. Biết vậy, mười năm trước mình rủ nhau lên đây có phải đỡ không!”

Kính chúc quý độc giả một mùa Phục Sinh tràn đầy hy vọng của Chúa Sống Lại, để rồi mau mau còn lên…thiên đàng.


Mùa Phục Sinh 2009
Nguyễn Kim Ngân