Chính Quyền Việt Nam Trả Sự Thật Lịch Sử Cho Cụ Phan Thanh Giản



2008.03.28
Thiện Giao, phóng viên đài Á Châu Tự Do

Bản tin trên trang nhà chính thức của Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh Bến Tre, viết ngày 28 tháng Hai năm 2008, có đoạn: “ Hơn 140 năm qua, sau khi mất, ông vẫn còn mang theo nỗi đau vì bị kết tội là ‘bán nước’.

Tuy nhiên, mới đây, một tin vui đã làm nhẹ lòng những ai từng ngậm ngùi thương tiếc khi nhắc đến cuộc đời cụ Phan Thanh Giản. Ngày 24 tháng Giêng năm 2008, Cục Di Sản Văn Hóa đã có công văn cho phép tôn vinh nhân vật Phan Thanh Giản dựa trên những kết luận đánh giá của Viện Sử Học.”

Đây có lẽ là một trong những bước cuối cùng chính quyền Việt Nam thực hiện để trả lại sự thật lịch sử cho danh nhân hàng đầu của miền Nam, cũng như của cả Việt Nam, Phan Thanh Giản .

Bài báo đề cập thêm: "Những luận cứ đánh giá bao gồm việc kiểm kê các di tích liên quan đến nhân vật, trên cơ sở đó lập kế họach tu bổ, tôn tạo. Tập hợp những công trình nghiên cứu chuyên sâu, tham luận về cuộc đời nhân vật Phan Thanh Giản."

Ông Phan Thanh Giản sinh năm 1796 tại huyện Ba Tri tỉnh Bến Tre. Ông là người miền Nam đầu tiên đậu Tiến Sỹ và làm quan đến chức Thượng thư dưới đời vua Minh Mạng , Thiệu Trị và Tự Đức thời nhà Nguyễn. Khi quân Pháp tấn công thành Gia Định năm 1867, ông là Kinh Lược Sứ các tỉnh miền Tây Nam Kỳ nhưng liệu không giữ nổi thành bèn ra lệnh đầu hàng rồi uống thuốc tự tử.


Thái độ kỳ lạ của chính quyền Việt Nam

Giáo Sư Nguyễn Trung Quân, cựu hiệu trưởng trường Trung Học Phan Thanh Giản, Cần Thơ trước năm 1975, theo dõi những dấu hiệu mới nhất về động thái của chính quyền Việt Nam đối với nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản:

Viện Sử Học do ông Trần Huy Liệu đứng đầu, hạ bệ cụ Phan Thanh Giản với những từ rất nặng, như “giao thành cho giặc”,” phản quốc”, vốn là những tội rất nặng. Sau 1975, họ cho triệt hạ tất cả những gì liên hệ đến cụ tại miền Nam, như đổi tên đường, tên trường, dẹp tượng vào kho, và nghe đâu họ định phá mộ cụ ở Bến Tre.

Giáo Sư Nguyễn Trung Quân, cựu hiệu trưởng Trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ
Tôi được các cựu học sinh trong và ngoài nước cho biết, một tờ báo của tỉnh Bến Tre, và một tờ báo online của Cần Thơ nói rằng cụ Phan Thanh Giản được lịch sử tôn vinh. Họ cho biết Cục Di Sản, theo ý kiến của Viện Sử Học, cho phép tôn vinh Phan Thanh Giản dựa trên các kết luận, đánh giá của Viện Sử Học.

Với tư cách là người miền Nam, ông tin những hành động mang tính hạ bệ cá nhân cụ Phan Thanh Giản từ thập niên 1950 của chính quyền Việt Nam là sai lầm:

Tôi không hiểu vì những lý do gì mà từ năm 1956 đến 1963, họ tìm đủ mọi cách, qua tay Viện Sử Học do ông Trần Huy Liệu đứng đầu, hạ bệ cụ Phan Thanh Giản với những từ rất nặng, như “giao thành cho giặc”,” phản quốc”, vốn là những tội rất nặng. Sau 1975, họ cho triệt hạ tất cả những gì liên hệ đến cụ tại miền Nam, như đổi tên đường, tên trường, dẹp tượng vào kho, và nghe đâu họ định phá mộ cụ ở Bến Tre.

Cùng nhận định với giáo sư Quân, bác sĩ Trần Ngươu Phiêu cho biết việc đập phá tượng Phan Thanh Giản xảy ra ngay sau khi quân đội miền Bắc chiếm miền Nam:

Ngay năm 1975, tôi đã biết các cụ sử gia miền Bắc đã cố tình hạ bệ thanh danh nhân vật Phan Thanh Giản. Lúc đó đọc báo đã thấy chuyện đau lòng. Khi họ vào miền Nam 1975, chuyện đầu tiên là đập phá tượng Phan Thanh Giản tại trường trung học nổi tiếng của miền Nam.

Thái độ của chính quyền Cộng Sản đối với nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản được xem là kỳ lạ nhất đối với các danh sĩ miền Nam. Năm 1994, chính quyền tổ chức một cuộc hội thảo tại Vĩnh Long đặt lại vấn đề về nhà đại thần 3 triều vua Nguyễn này. Giáo sư Phan Huy Lê tổng kết cuộc hội thảo với bài viết mang tựa đề “Bi Kịch Lịch Sử”.

Thế rồi, mọi chuyện lại rơi vào im lặng. Chín năm sau, một cuộc hội thảo khác tại Sài Gòn với chủ đề “Thế Kỷ 21 Nhìn về Nhân Vật Lịch Sử Phan Thanh Giản.” gây chú ý và thu hút cả cựu thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt.

Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh Bến Tre nay công bố : “ Lịch sử đã công bằng khi đánh giá những cống hiến của cụ Phan Thanh Giản.” , và sẽ cho tạc tượng đồng của cụ và đặt ở vị trí xứng đáng ngay khu vực trung tâm thị xã Bến Tre, quê hương của cụ.

Cụ đã ra ngoại quốc, thấy xa hiểu rộng. Là người biết mình biết ta, cụ biết trong hoàn cảnh ấy không thể làm gì khác để cứu dân miền Nam. Cụ là người giỏi văn chương, làm quan cai trị cũng giỏi. Cụ là vinh dự của miền Nam.

Bác sĩ Trần Ngươu Phiêu

Hình ảnh của sĩ khí miền Nam

Bác sĩ Trần Ngươu Phiêu thổ lộ những cảm tình của người dân miền Nam đối với danh sỹ Phan Thanh Giản:

Cụ Phan Thanh Giản là người miền Nam đầu tiên đậu Tiến Sĩ, đó là vinh dự của miền Nam. Cụ đã ra ngoại quốc, thấy xa hiểu rộng. Là người biết mình biết ta, cụ biết trong hoàn cảnh ấy không thể làm gì khác để cứu dân miền Nam. Cụ là người giỏi văn chương, làm quan cai trị cũng giỏi. Cụ là vinh dự của miền Nam. Hy vọng họ sẽ khôi phục đường Phan Thanh Giản ở Sài Gòn của miền Nam thời Việt Nam Cộng Hoà.

Giáo sư Nguyễn Trung Quân đồng tình bày tỏ cụ Phan Thanh Giản là hình ảnh của sĩ khí miền Nam:

Chúng tôi những người miền Nam, nhìn cụ Phan Thanh Giản theo cái nhìn của người miền Nam và có lẽ cũng của cả nước, thấy cụ là điển hình cho sĩ khí của miền Nam và hình ảnh tượng trưng cho sự thanh cần, liêm chính của người làm quan khi xưa, thương nước thương dân và làm tròn trách nhiệm của mình. Cụ là biểu tượng của sĩ khí miền Nam.

Đại thần Phan Thanh Giản cũng từng là Tổng đốc Vĩnh Long, và là chánh sứ trong phái đoàn sang Pháp điều đình chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ vào năm 1863.

Cuối tháng sáu năm 1867, Pháp đánh chiếm Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Trước sức mạnh quân sự của Pháp, Kinh Lược Sứ Phan Thanh Giản thấy rõ tương quan lực lượng giữa quân ngoại xâm và binh đội trỉều đình, nên quyết định bảo toàn tính mạng dân chúng. Cụ trao thành, không kháng cự, viết sớ tạ tội với triều đình, rồi tuyệt thực và uống thuốc độc quyên sinh vào ngày 4 tháng 8, hưởng thọ 72 tuổi.

Tiếng Việt