Nhận Lãnh Ơn Chúa Thánh Thần (Ga 20:19-23, CN Lễ CTT Hiện Xuống)



Mùa Phục Sinh kéo dài 50 ngày: khởi đầu từ Lễ Phục Sinh đến Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Qua trình thuật Tân Ước, ta thấy suốt thời gian này:

+ Đức Kitô Phục Sinh không ngừng ẩn hiện gặp gỡ, thổi hơi Thần Khí trên các Tông Đồ.

+ Các ông quây quần tụ họp nhau trong Nhà Tiệc Ly chờ đợi Thần Chân Lý đến.

+ Những đốm lửa hình lưỡi từ Trời đổ xuống trên Nhóm Mười Hai khi họ đang cầu nguyện.

Nhìn chung, họ lãnh nhận Thánh Thần mọi nơi mọi lúc trong suốt thời gian 50 ngày hồng ân đó.

Hoà nhịp với ý nghĩa ấy, tại Giáo Phận Houma-Thibodaux, LA. nơi tôi đang phục vụ, mỗi năm chỉ gói gọn trong Mùa Phục Sinh: Đức Cha Sam G. Jacobs cũng đi thăm viếng Mục Vụ và ban Bí Tích Thêm Sức cho Con Em của 39 giáo xứ trong toàn Giáo Phận, nhằm khơi lên tâm hồn các tín hữu Chúa lửa cháy lòng mến Ơn Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong cuộc đời mỗi người.

Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông Đồ đã nhận Ơn Chúa Thánh Thần tràn ngập trên người họ.

Qua nghi thức cử hành Bí Tích Thêm Sức, các thụ nhân lãnh nhận Nguồn Bảy Ơn khi Đức Giám Mục chủ sự đọc lời nguyện, đặt tay chúc lành và xức dầu thánh trên trán họ.

Ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, các dự tòng cũng đón nhận Ơn Chúa Thánh Thần lần đầu tiên khi thừa tác viên vừa đổ nước trên đầu họ vừa đọc: “( Tên Thánh ), Ta rửa Con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Từ đó, đời sống kitô hữu luôn sinh động và lớn lên mãi trong Thần Khí Chúa tặng ban.

A. Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội.

Trong bảy Bí Tích, có ba Bí Tích mà kitô hữu chỉ được lãnh nhận duy nhất một lần trong suốt cuộc đời. Đó là: Bí tích Rửa Tội, Bí tích Thêm Sức và Bí tích Truyền Chức Thánh. Chính vì thế, xưa nay đã có nhiều người lầm lẫn, ngộ nhận:

+ Lãnh bí tích Thêm Sức: là cơ hội đầu tiên và duy nhất trong đời đón nhận Ơn Chúa Thánh Thần.

+ Các Tông Đồ khi xưa cũng thế: chỉ trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các ông mới chính thức đón nhận Nguồn Bảy Ơn Chúa Thánh Thần đến thực sự trong họ.

Thật ra: Chúa Thánh Thần đã nhiều lần đến với các Tông Đồ và sống hoạt động trong đời kitô hữu.

+ Trong các Tông Đồ: Chúa Thánh Thần không hiện hữu duy nhất một lần với các ông hôm nay, đúng hơn Ngài đã hoạt động trong Các Tông Đồ vào nhiều dịp khác nhau:

* Ngay sau khi Phục Sinh, Chúa Giêsu hiện đến và thổi hơi ban Thần Khí trên các tông đồ.

* Sau khi Chúa Giêsu về Trời, Chúa Thánh Thần không ngừng thánh hoá các tông đồ:

- giúp họ nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói, hiểu thấu lời Thầy Chí Thánh đã dạy dỗ.

- giúp họ nhân danh Chúa Ba Ngôi mà chữa bệnh, xua trừ ma qủi…

- giúp họ thêm can đảm đối diện mọi thử thách, can trường làm chứng về Đức Giêsu Kitô Tử Nạn & Phục Sinh trước mặt muôn dân.

+ Trong cuộc đời Kitô Hữu: Không hẳn mỗi kitô hữu chỉ nhận Ơn Chúa Thánh Thần trong ngày chịu phép Thêm Sức, đúng hơn họ còn đón nhận Ngôi Ba Thiên Chúa trong nhiều lần khác nữa:

* Chúa Thánh Thần đã hiện diện trong mỗi người ngay khi họ nhận Bí Tích Rửa Tội.

* Ngoài ra, Ngài còn trợ giúp các kitô hữu, khi họ sống thánh giữa đời:

- bắt đầu làm việc đạo đức, ai ai cũng đọc / hát kinh Cầu xin Chúa Thánh Thần.

- kết thúc một giờ sinh hoạt sống đạo, họ không bao giờ quên đọc kinh Sáng Danh, khẩn nài Ba Ngôi Thiên Chúa đặc biệt Chúa Thánh Thần cùng đi vào đời với họ.

- đặc biệt, trong mọi hoạt động chung Giáo Hội, tác động Chúa Thánh Thần luôn cần thiết, nối kết muôn người nên một. Thí dụ: Họp Công Đồng Chung, Bầu cử Đức Giáo Hoàng, ĐGH Gioan Phaolô II với việc tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 3 năm / lần khắp năm châu.

Từng bước từng bước Chúa Thánh Thần luôn canh tân, đổi mới sinh hoạt Giáo Hội toàn cầu.

B. Chúa Thánh Thần trong cuộc đời Đức Maria.

Giáo Hội đang ở trong Tháng 5, Tháng Hoa, Tháng đặc biệt tôn kính Đức Mẹ. Thiết tưởng, đề cập đến những hoạt động của Chúa Thánh Thần bao trùm trên cuộc đời Đức Trinh Nữ Maria là việc hữu ích, không thể thiếu được.

Ngược dòng lịch sử, ta được biết: ngay từ lúc 3 tuổi, cuộc đời Đức Maria đã được thánh hiến, dâng mình vào đền thánh, hồn xác ngập tràn Ơn Chúa Thánh Thần với sự kết hiệp Ba Ngôi Thiên Chúa:

* suốt cuộc sống tuổi thơ, nữ nhi Maria đêm ngày kinh nguyện, phục vụ nơi thánh: có Chúa Thánh Thần luôn ở cùng Mẹ.

* lớn lên theo tuổi đời trinh nữ, Mẹ khấn mình trinh khiết thuộc về Chúa hoàn toàn. Trong cầu nguyện, sứ thần Chúa hiện đến mời Mẹ cộng tác vào công trình cứu độ của Con Chúa,Maria tín thác Xin Vâng: quyền năng Chúa Thánh Thần liền ngự xuống trên cung lòng Mẹ.

* suốt hành trình trần thế của Ngôi Hai Thiên Chúa, Mẹ luôn được Ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, thấu hiểu và chấp nhận Thánh Ý Chúa tỏ bày:

- qua lời tiên báo của Simêon: “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng Bà” (Lc 2:35).

- qua lời mạc khải của Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana: “giờ Con chưa đến!” (Ga 2:4).

- qua đường Thập Tự mà Giêsu, Con Mẹ phải bước lê tiến lên đồi Calvê.

- qua lời yêu thương của Chúa Giêsu trối trên thập giá: “Này là Con Bà!”( Ga 19:26).

* sau khi Chúa Giêsu lên trời, Mẹ Maria hiệp thông với các Tông Đồ (Cv 1:14) trong nhà kín cầu nguyện: Ơn Chúa Thánh Thần tuôn tràn trên họ vào ngày Lễ Ngũ Tuần.

* khi Mẹ Maria qua đời, kho tàng Thánh Truyền cho biết: Thần Khí Chúa rước hồn xác Mẹ đưa về Trời vinh hiển, hưởng phúc ngàn thu với Con Mẹ muôn đời.

C. Lớn lên trong Chúa Thánh Thần: sống liên kết, yêu thương.

Mùa Giáng Sinh 2004, sóng thần Tsunami bất ngờ nổi giận gây thiệt hại ngập lụt miền duyên hải phía Nam Châu Á. Gần bốn năm sau đó, ngày 08/5/2008: Sóng Thần một lần nữa dâng cao làm ngập lụt cả một thành phố ven biển nước Myanmar (Miến Điện) khiến 10.000 người chết, khoảng 40.000 dân lâm cảnh màn trời chiếu đất. Trùng dương nổi sóng, gieo tai hoạ khiếp sợ. Lụt Đại Hồng Thuỷ khi xưa thời Noe, còn kinh khủng hơn. Cả địa cầu bị tiêu hủy trong Nước do tội lỗi quá mức, ngoại trừ gia đình Noe. Con cháu Noe sau đó, rút kinh nghiệm đề phòng một trận lụt lớn tương lai, đã kiêu ngạo xây Tháp Babel, ương ngạnh chống lại Thiên Chúa. Họ cố gắng xây tháp cao ngút tầng trời, càng lên cao âm thanh giao dịch càng khó nghe: trên nói dưới không hiểu rõ, trăm người trăm ý, cuối cùng công trình thất bại, ngôn ngữ lệch lạc khác nhau, thiếu thống nhất như thuở ban đầu.

Chuyện xưa còn đó (St 11:1-9): do lòng tự mãn ghen ghét, con người sống trái ý Thánh Thần, cố tình xây tháp, bị sụp đổ tan tành, chia rẽ tứ tung. Chuyện sau sáng sủa hơn (Cv 2:42-47): Giáo Hội tiên khởi, do lửa lòng Mến chân thành thiêu đốt; mọi tín hữu hiệp thông để mọi sự làm của chung, cùng nhau tham dự một lễ nghi Phụng Tự, liên kết trong lời cầu nguyện, hợp nhất trong một công thức tuyên xưng. Qua ơn Chúa Thánh Thần tác động, Giáo Hội nhỏ bé ấy dần dần lan rộng, ảnh hưởng đến chư dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất.

Có tình yêu thương đơn thành, có lòng mến Chúa chân thật: Chúa Thánh Thần hằng hiện diện và chúc phúc. “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời”. Trong tình yêu thương, Chúa Thánh Thần liên kết muôn tâm hồn nên một với nhau.

E. Lời Nguyện kết thúc.

Lạy Chúa Thánh Thần! Ngôi Ba Thiên Chúa! xin Ngài ngự đến vì lòng con hằng mong chờ Ngài. Khi xưa, Ngài đã đến ban lửa thiêng hăng nồng sức sống, giúp các Tông Đồ mau mắn xuất hành, can đảm Rao Giảng và Tuyên Xưng đức Tin. Xin giúp chúng con hôm nay: TIN Chúa hết lòng, CẬY Chúa vững bền, MẾN Chúa trung kiên cho đến phút cuối cuộc đời. AMEN.


Rev. Dominic Dieu Tran, SDD.