Suy niệm Chúa Nhật 30 thường niên - Năm A


YÊU MẾN

Ngày nay, không từ nào được nói đến nhiều bằng từ "tình yêu". Có thể nói, có bao nhiêu quyển tiểu thuyết là có bấy nhiêu truyện tình. Có bao nhiêu bài thơ là có bấy nhiêu cách diễn tả tình yêu. Có bao nhiêu phim truyện là có bấy nhiêu hình ảnh về tình yêu. Người ta khai thác tình yêu trong mọi lãnh vực : tuyên truyền, quảng cáo, thương mại...

Nhưng không có từ nào gây hiểu lầm cho bằng từ "tình yêu". Nói đến tình yêu, người ta dễ nghĩ đến những khoái lạc thể lý, những hưởng thụ ích kỷ, đến tình yêu nam - nữ.

Hôm nay, Đức Giêsu cho biết "Yêu mến" chính là giới răn quan trọng nhất trong đạo. Tuy nhiên tình yêu Chúa nói ở đây rất khác với nội dung tình yêu mà ta thường hiểu.

Yêu mến không phải là vấn đề cảm tính mà là vấn đề lý trí. Theo cảm tính, ta chỉ yêu những người dễ yêu và những người yêu ta. Giới răn Chúa dạy ta phải yêu cả những người khó yêu và những người không những không yêu ta mà còn ghen ghét, làm hại ta nữa.

"Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em...Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ?" (Mt 6, 43-44; 46-48).

Yêu mến không phải bằng lời nói mà bằng việc làm cụ thể. Việc làm minh chứng tình yêu. Chính Chúa đã xác định điều này : "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : "lạy Chúa ! lạy Chúa !" là được vào Nước Trời đâu ! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi" (Mt 7, 21).


Không phải chỉ là việc làm cho Chúa mà cả việc làm cho tha nhân cũng được kể là yêu mến Chúa. Ở đây, Chúa đã đồng hoá hai điều răn "Mến Chúa yêu người" khi Người tự đồng hoá với người nghèo khổ. Như thế, yêu người chính là mến Chúa. Mến Chúa thì phải yêu người.

"Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi giúp đỡ một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" và "mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho Ta vậy" (Mt 25, 40; 45).

Yêu mến không phải là tìm thoả mãn bản thân nhưng là cho đi, là quên mình.

Vì yêu thương, Chúa Cha đã trao tặng Chúa Con tất cả (x. Ga 3, 35) để "mọi sự của Cha đều là của Con" (Ga 16, 15).

Vì yêu thương, Chúa Cha đã ban cho thế gian chính người "Con Một" yêu quí (Ga 3, 16).

Vì yêu thương, Đức Giêsu đã vâng lời Chúa Cha "cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự" (Pl 2, 8)

Vì yêu thương, Đức Giêsu đã "hi sinh mạng sống cho đoàn chiên" (Ga 10, 15). Cái chết trên thập giá là bằng chứng tình yêu lớn lao Người dành cho nhân loại như Người đã nói trước : "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15, 13).

Ngày nay văn minh khoa học kỹ thuật của nhân loại đã tiến đến một mức độ siêu tuyệt nhưng loài người vẫn chưa hạnh phúc. Chiến tranh khủng bố vẫn đe doạ an ninh thế giới. Đói nghèo vẫn hằng năm giết đi hằng triệu người. Hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng thêm rộng. Con người vẫn chìm trong cô đơn, lo sợ, mệt mỏi. Con người vẫn còn thiếu tình yêu thương.

Cần phải phát triển trái tim cho ngang tầm với phát triển khoa học mới mong thế giới an bình hạnh phúc.

Con cái Chúa có thể góp phần xây dựng thế giới tươi đẹp nếu tuân giữ giới luật yêu thương Chúa truyền. Chính giới luật yêu thương sẽ tạo nên một nền văn minh mới : nền văn minh của tình thương. Chỉ với yêu thương, thế giới mới thực sự hạnh phúc.

Lạy Chúa, xin cho con biết yêu mến và thực thi giới luật yêu thương Chúa truyền. Amen

GỢI Ý CHIA SẺ

1- Theo bạn, tình yêu thực sự là gì ?

2- Bạn đã thực sự yêu thương hơn những người ngoài công giáo chưa ?


+ĐGM Giuse Ngô Quang Kiệt